Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang:

Giữ bình yên vùng sông Lục, núi Huyền

Thứ Năm, 03/12/2015, 13:26
Con đường 293 mới mở thênh thang, yên bình đưa chúng tôi về huyện Lục Nam - vùng bán sơn địa của tỉnh Bắc Giang. Người dân trân trọng gọi là đường Tâm Linh, bởi sách xưa truyền lại, đây chính là con đường Phật Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành.

Cánh cung Đông Triều phía Tây Yên Tử ôm dải Huyền Đinh (dân gian gọi núi Huyền) cùng dòng sông Lục như dải lụa mềm chảy qua đã tạo cho Lục Nam những xóm thôn trù phú, đôi bờ đồng ruộng phì nhiêu. Thế nhưng, kinh tế của Lục Nam chưa phát triển bởi giao thông đi lại khó khăn, sản vật làm ra khó tiêu thụ. Đường Tâm Linh mở ra đã cho Lục Nam một diện mạo mới, thay da đổi thịt từng ngày…

Dày công giải phóng mặt bằng "con đường Tâm Linh"

Đại tá Phạm Đình Độ, Trưởng Công an huyện Lục Nam - người gắn bó nhiều năm với Lục Nam, nên anh hiểu rất rõ những thăng trầm của huyện, biết những gian nan người dân ở vùng bán sơn địa này phải chịu. Bởi con đường duy nhất vào khu trung tâm cụm miền núi (của huyện) thì nhỏ hẹp, xuống cấp do từ khi làm không được tu bổ. Trong mấy năm gần đây, vào mùa mưa, khu vực này như rơi vào tình trạng "bế quan tỏa cảng". Muốn đi công tác hoặc vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Bắc Giang, trung tâm huyện Lục Nam về khu vực này phải đi vòng qua huyện Lục Ngạn xa mất 40 - 50km. Chính vì vậy, khi Chính phủ có quyết định đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 293 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, cán bộ, nhân dân Lục Nam vô cùng phấn khởi. Theo quy hoạch thì tỉnh lộ 293 đi qua huyện Lục Nam có chiều dài 51km, qua 12 xã, thị trấn và liên quan đến quyền lợi của hơn 4.000 hộ dân.

Xác định, con đường mở ra cũng có nghĩa là mở ra cơ hội để giao thương, phát triển kinh tế, xã hội nên việc đầu tiên mà huyện Lục Nam đặt ra đó là tuyên truyền để các hộ dân có quyền lợi liên quan đến dự án hiểu được ý nghĩa của việc mở đường. Theo đó, cùng với Ban quản lí dự án, huyện Lục Nam đã thành lập nhiều tổ công tác do đích thân các đồng chí lãnh đạo huyện, từ Bí thư, Chủ tịch chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể tham gia, trong đó, lực lượng Công an được xác định là nòng cốt trong công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động.

Đại tá Phạm Đình Độ, Trưởng Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang chỉ đạo điều tra khám phá một vụ án.

Suốt nhiều tháng trời, dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Giang do Đại tá Trần Đình Hồng, Phó Giám đốc chỉ đạo đã bám địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng giải phóng mặt bằng, bảo vệ thi công, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Công tác giải phóng mặt bằng gặp vô vàn khó khăn vì quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, thống nhất; do trình độ quản lí, lưu trữ trước kia còn bất cập nên hồ sơ, văn bản về nguồn gốc đất bị thất lạc, thiếu sót nhiều. Bên cạnh đó, một số người muốn đòi hỏi quyền lợi cao hơn, thậm chí đưa ra những đòi hỏi vô lí, yêu cầu được đáp ứng mới chịu di dời. Vì vậy, cùng với việc họp dân, tuyên truyền chung, lực lượng chức năng còn tranh thủ gặp gỡ riêng, đến tận nhà từng người dân để vận động, thuyết phục.

Đại tá Phạm Đình Độ cho biết, điều quan trọng để người dân hiểu, tin mình thì người cán bộ phải hiểu biết pháp luật để giải thích cặn kẽ, rõ ràng, mềm mỏng nhưng dứt khoát.

Như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn A, ở xã Nghĩa Phương. Cho rằng mình bị thiệt thòi hơn các hộ dân khác, muốn đòi hỏi cao hơn nên anh A dứt khoát không chịu nhận tiền đền bù. Lực lượng chức năng đã nhiều lần thuyết phục nhưng gia đình anh vẫn không nhất trí. Khi đoàn công tác do đồng chí Hà Quốc Hợp, Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đến gặp gỡ, anh A  đóng cửa, đứng trên tầng 2 nhìn xuống, dứt khoát không cho cán bộ vào. Được lực lượng chức năng thuyết phục, mãi sau anh A mới xuống mở cửa. Tuy nhiên, khi đoàn công tác vừa vào nhà, lập tức anh A đóng sập cửa nhốt mọi người trong nhà, cùng vợ và 2 con lăng mạ, uy hiếp tinh thần lực lượng chức năng.

Xác định rằng, "hạ hỏa" những cái "đầu nóng" là hết sức quan trọng để họ không bị kích động dẫn đến làm liều nhưng cũng phải đủ uy lực để răn đe nên Đại tá Phạm Đình Độ thân tình nhưng dứt khoát: "Có việc gì mà ầm ĩ như bố con chó xồm thế. Khách đến nhà chú phải tiếp đàng hoàng chứ. Việc gđâu có đó. Chủ tịch huyện là người cao nhất ở đây, có gì chú cứ nói, nhốt người lại là vi phạm pháp luật đấy". Ngẫm nghĩ một lúc, ông A dùng dằng "Nhưng mà em tức lắm, mọi người được đền bù mấy trăm triệu mà đền cho nhà em ít…". Cứ như thế, cuộc nói chuyện dần đi vào thân tình, anh A không những xuống mở cửa mà còn chủ động pha trà mời đoàn công tác. Được giải thích kỹ lưỡng, anh A đã chấp nhận phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Trường hợp Giáp Văn K cũng tương tự như vậy. Lúc đầu gia đình K đã đồng ý phương án đền bù, sau đó lại cho rằng đó là ý kiến của vợ nên quay sang chống đối. Khi đoàn công tác gồm các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng Công an huyện vào nhà, K cầm con dao quắm đi đi lại lại, chửi bới ầm ĩ. Biết K là em họ một người bạn của mình, Đại tá Phạm Đình Độ thân mật: "Có anh Chủ tịch huyện và các anh ở đây, chú bình tĩnh nói thì mọi người mới hiểu được, chú cầm dao thì định làm gì? Chú là em của P. nhưng anh còn là anh của P. cơ. Toàn người nhà, có gì mà căng thẳng".

Thấy được sự chân tình, K bỏ dao. "Chớp" đúng thời điểm, đồng chí Hà Quốc Hợp thân mật: "Nhà chú có rượu mang ra đây, anh em mình nói chuyện". Không khí dần trở nên gần gũi như những người trong gia đình. Đến lúc này K mới bộc bạch: "Hôm nay các bác mà "căng" với em là em "đấu" đến cùng đấy. Nhưng, thế này mới biết các bác cũng quần chúng chứ không xa dân như em tưởng. Được uống rượu với lãnh đạo thế này thì còn gì bằng, em sẽ ký ngay hồ sơ…".

Hàng chục trường hợp khác cũng tương tự như vậy, nhiều lúc tưởng như phải đổ máu nhưng nhờ công tác nắm chắc tình hình, địa bàn, sự khéo léo của các cán bộ lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Lục Nam thuyết phục nên các hộ dân đã đồng ý phương án đền bù. Đại tá Phạm Đình Độ cho biết, thành công lớn nhất của dự án, đó là cho đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn 10 hộ chưa nhất trí nhưng không phải bắt bớ, không trở thành điểm nóng, khiếu kiện đông người.

Một trong những mặt công tác nổi bật của Công an huyện Lục Nam thời gian qua, đó là đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Để phòng ngừa các vụ án nghiêm trọng, Công an huyện Lục Nam đã tăng cường công tác nắm tình hình, làm tốt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ để từ đó giải quyết, hoà giải các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, phòng ngừa các vụ việc đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, Công an huyện Lục Nam đã làm tốt công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tranh thủ vai trò của các chức sắc, chức việc, người có uy tín tuyên truyền, giáo dục đồng bào theo đạo thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và làm tròn bổn phận với đạo, đời.

"Chặn" người xuất cảnh trái phép

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện có hiện tượng một số đối tượng đi làm ăn ở nước ngoài về thường dụ dỗ người dân xuất cảnh trái phép (XCTP) để đi lao động. Theo thống kế của Công an huyện, mỗi năm trên địa bàn có khoảng trên 1.000 người XCTP sang Trung Quốc lao động. Tính riêng từ năm 2014 đến tháng 6 năm 2015, đã có 2.342 trường hợp, trong số đó, có 4 người bị chết tại Trung Quốc; 7 người bị phía Trung Quốc bắt và kết án tù, 4 người bị suy kiệt về sức khỏe, mất khả năng lao động. Ngoài ra còn trên 200 người bị Công an Trung Quốc bắt, đẩy đuổi; nhiều người bị thiệt thòi về quyền lợi, bị chủ lao động, môi giới quỵt tiền, cắt xén lương, không trả lương, bị "mua đi bán lại" cho nhiều doanh nghiệp khác nhau, không được bố trí công việc như hứa hẹn từ trước, buộc phải lao động trong điều kiện không đảm bảo; có người bị giữ và yêu cầu người nhà phải nộp tiền chuộc; không ít trường hợp bị đánh đập, bị tai nạn lao động phải mang thương tật suốt đời.

Một số phụ nữ, trẻ em gái bị ép làm gái mại dâm hoặc bán làm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Khi XCTP trở về, một số người mắc các tệ nạn xã hội, có trường hợp mang theo pháo nổ, tiền giả. Nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế nên khi thấy nhiều người sang Trung Quốc tìm việc làm một cách dễ dàng (không xin giấy tờ, hộ chiếu và các thủ tục theo quy định) mà lại có thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp nên người dân thường rủ nhau CTP kiếm việc làm. Việc đưa người XCTP mang lại nhiều lợi nhuận cho đối tượng tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép nên các đối tượng này luôn tìm mọi thủ đoạn để trốn tránh cơ quan chức năng.

Để hạn chế tình trạng trên, Công an huyện Lục Nam đã tham mưu cho Thường trực huyện uỷ có công văn chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền về tăng cường lãnh đạo trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng XCTP, đồng thời xây dựng kế hoạch về đấu tranh chống hoạt động XCTP trên địa bàn và phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền về hậu quả, tác hại của việc XCTP; rà soát, lên danh sách các đối tượng XCTP và XCTP trở về địa phương để tuyên truyền và yêu cầu số đối tượng này viết cam kết không XCTP; Trực tiếp gặp gỡ tuyên truyền đối với người thân của những đối tượng XCTP. Trong năm 2015, Công an huyện đã đấu tranh ngăn chặn, chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 5 vụ, 6 đối tượng. Xử lý hành chính 15 trường hợp XCTP sang Trung Quốc với hình thức cảnh cáo, 3 trường hợp với hình thức phạt tiền.

CBCS Công an huyện Lục Nam phối hợp giải phóng mặt bằng thi công tỉnh lộ 293.

Trung tá Đỗ Đức Trịnh, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam cho biết, để ngăn chặn được triệt để tình trạng XCTP, thì trước hết cần phải có chính sách đầu tư thu hút lao động, tạo công ăn việc làm cho những hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn, giúp họ ổn định đời sống, phát triển kinh tế tại địa phương. Cùng với đó phải xem xét xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho người dân được xuất cảnh hợp pháp sang lao động tại Trung Quốc (ký kết hợp tác lao động giữa Việt Nam với Trung Quốc); dành một nguồn kinh phí phục vụ việc tổ chức các chương trình giáo dục, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn cảnh giác, kịp thời phát hiện tố giác những người có hành vi dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xử lí nghiêm vi phạm, năm 2015, số người XCTP đã giảm hẳn so với những năm trước. Đây cũng là một trong những thắng lợi của Công an tỉnh Bắc Giang nói chung, Công an huyện Lục Nam nói riêng đối với công tác này.

Rời Lục Nam trong ngày đầu đông, gió thổi ràn rạt trên cánh đồng vừa xong mùa thu hoạch lúa. Từng xe ôtô chở dưa hấu, củ đậu hối hả lăn bánh. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt những người nông dân lam lũ khiến cái rét như ấm lại, bởi ANTT được đảm bảo, đường Tâm Linh mới mở thông suốt đang giúp họ có cuộc sống bình yên, no ấm hơn...

Với những thành tích đã đạt được, 23 năm liền, Đảng bộ Công an huyện Lục Nam được công nhận danh hiệu "trong sạch, vững mạnh". Công an huyện liên tục 8 năm gần đây đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều cấp, ngành tặng Bằng khen, Giấy khen.
Phương Thủy
.
.
.