Giúp dân ổn định cuộc sống trên vùng "đất dữ"

Thứ Năm, 20/12/2018, 07:30
Những con đường uốn lượn quanh co đưa chúng tôi về với xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình. Cách đây hơn 1 năm, tại nơi này đã xảy ra trận lũ gây sạt lở đất kinh hoàng, làm 18 người thiệt mạng.


Xóm Khanh giờ không còn nữa! Thác Khanh ồn ào và thơ mộng ngày nào giờ chỉ là một dòng nước nhỏ len lỏi trên thân núi. Khung cảnh yên tĩnh đến nao lòng, bởi những người sống sót đã di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng trong mùa mưa bão.

Huyện Tân Lạc là vùng đất tổ Mường Bi, nơi đây có địa hình đồi núi cao, địa chất không ổn định. Những năm qua, nhiều vụ đá lăn, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn huyện, chính vì vậy mà việc di dời, sắp xếp nơi ở mới an toàn cho người dân là vô cùng cần thiết.

CBCS Công an huyện Tân Lạc (Hòa Bình) giúp dân san nền làm nhà nơi ở mới.

Trên chuyến xe trở chúng tôi về thăm khu ở mới của bà con xóm Khanh, mỗi lần nhắc đến trận sạt lở đất đá kinh hoàng ấy, Thiếu tá Trần Quốc Hoàn, Phó trưởng Công an huyện Tân Lạc lại nhìn xa xăm qua cửa kính xe, giọng đượm buồn. Thiếu tá Hoàn nhớ lại: Đêm ấy (12-10-2017), khi bà con trong xóm đang say giấc sau một ngày làm việc mệt nhọc, con thác Khanh vốn hiền hòa, thơ mộng bỗng gầm lên từng đợt, rồi trong thoáng chốc, cả một khoảng không gian rộng lớn đã bị vùi lấp bởi đất, đá. 18 người bị vùi sâu dưới đống đổ nát. 

Thông tin "Xóm Khanh bị sạt lở, nhiều người đang bị mất tích" nhanh chóng được Ban Chỉ huy Công an huyện báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo huyện. Ngay lập tức Thiếu tá Hoàn cùng một Tổ công tác của Công an huyện được lệnh trực tiếp xuống hiện trường nắm tình hình, phối hợp với bà con tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân. 

Sau khi có mặt tại hiện trường, các cán bộ chiến sĩ Công an huyện nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành bảo vệ hiện trường, sử dụng phương tiện tìm kiếm cứu nạn. 

Do địa hình hiểm trở, thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên vừa triển khai công tác tìm kiếm người gặp nạn, Công an huyện tiếp tục phân công 24 cán bộ chiến sĩ chia làm 3 ca trực cả ngày lẫn đêm tại hiện trường. 

Đến ngày 19-10, đã có hơn 700 lượt cán bộ chiến sĩ Công an huyện Tân Lạc trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo ANTT trong và ngoài khu vực xảy ra sạt lở cũng như công tác khám nghiệm tử thi các nạn nhân…

Câu chuyện của Thiếu tá Hoàn đang lôi cuốn… thì bị ngắt quãng bởi đồng chí lái xe: "Hết tiền, mời các sếp xuống". Mải mê với câu chuyện kể mà quãng đường dường như ngắn lại, chúng tôi đã có mặt tại khu ở mới của bà con xóm Khanh.

Trong ngôi nhà mới của chị Bùi Thị Tuyền, nỗi đau dường như vẫn chưa vơi đi trên khuôn mặt người phụ nữ trẻ. Vụ lở đất năm ngoái đã cướp đi tính mạng 5 người trong gia đình chị. Chị Tuyền kể: "Tôi xây được căn nhà này cũng do sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm khắp nơi trên cả nước. Cuộc sống bây giờ cũng bớt khó khăn hơn, nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Xin cảm ơn tất cả mọi người và cảm ơn các đồng chí Công an xã, Công an huyện… đã thường xuyên hỏi thăm, động viên, tặng quà và làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu ở mới của bà con xóm Khanh, giúp bà con yên tâm ổn định làm ăn để dần vơi đi nỗi đau mất người, mất nhà, mất của…".

Ông Đinh Công Hươn sinh ra và lớn lên ở xóm Khanh, trong vụ sạt lở đất, gia đình ông cũng có một người bị thiệt mạng. Trước kia, gia đình kinh tế cũng tương đối khá, do nuôi được nhiều lợn, trâu và trồng ngô. Sau thiên tai, khu đất canh tác bị vùi lấp hoàn toàn không trồng cấy được nữa. Khi chuyển về khu ở mới, ông được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, các nhà hảo tâm hỗ trợ được 130 triệu nên cuộc sống của gia đình ông cũng đỡ vất vả hơn.

Sau khi vụ sạt lở đất xảy ra tại xóm Khanh, UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã quyết định hỗ trợ mỗi hộ dân 20 triệu đồng để di dời đến nơi ở mới, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Và tham gia tìm kiếm cứu nạn trong vụ sạt lở đất kinh hoàng.

Ông Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: "Hiện hơn 3 ha đất canh tác ở xóm Khanh bị vùi lấp hoàn toàn, người dân gặp rất nhiều khó khăn vì mất đất sản xuất. Chương trình giảm nghèo của tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình một con trâu khoảng 14 triệu đồng trong dự án giảm nghèo. Huyện hỗ trợ về lương thực đủ ăn trong một năm, tiếp tục sẽ tìm khai hoang đất canh tác để bà con có đất sản xuất".

Sát cánh cùng bà con xây dựng nông thôn mới, các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Tân Lạc thời gian qua luôn phải vượt khó, bám bản, gần dân. Tân Lạc là huyện miền núi có địa bàn hết sức phức tạp, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Thiếu tá Trần Quốc Hoàn chia sẻ với chúng tôi: "Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bà con cũng như đặc điểm địa hình với 3/4 là đồi núi, nhiều loại tội phạm hình sự như: Lừa đảo, trộm cắp tài sản, hoạt động cho vay nặng lãi… luôn tiềm ẩn xuất hiện gây mất ANTT. 

Trước thực trạng trên, hằng năm, Ban Chỉ huy Công an huyện đã chủ động ban hành quyết định phân công cán bộ chiến sĩ phụ trách địa bàn, tập trung 2/3 thời gian công tác tại cơ sở, luôn gần gũi với nhân dân, sâu sát đến từng xã, từng thôn - xóm, khu dân cư, từ đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. 

Cũng chính bởi sự chủ động trong công tác bám địa bàn, gần dân, nên nhiều vụ việc gây mất ANTT đã được người dân chủ động thông báo cũng như phối hợp với lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý một cách kịp thời.

Mới đây, qua đơn trình báo của ông Bùi Văn Hức, 72 tuổi về việc con trai ông là anh Bùi Thanh Sân ở xã Lỗ Sơn đã bị một nhóm đối tượng lạ mặt ép lên xe taxi đi đâu không rõ. Nhận định đây có thể là vụ "siết nợ" do các đối tượng cho vay nặng lãi thực hiện. Công an huyện Tân Lạc đã phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH nhanh chóng vào cuộc tiến hành xác minh và xác định anh Bùi Thanh Sân đang bị giữ tại quán cầm đồ ở xã Nhân Nghĩa (huyện Lạc Sơn).

Phương án giải cứu và vây bắt các đối tượng nhanh chóng được xác lập. 4 đối tượng trực tiếp tham gia bắt giữ trái phép anh Bùi Thanh Sân gồm: Nguyễn Thế Hưởng, Đinh Văn Hùng, Trần Anh Hiệp, đều ở TP Hòa Bình và Nguyễn Đức Anh ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã bị bắt khẩn cấp.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ các đối tượng chủ mưu gồm: Phan Hồng Quân, Lại Quốc Việt và Trịnh Việt Tâm.Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận, anh Bùi Thanh Sân trước đó có vay tiền ở quán cầm đồ do Lại Quốc Việt làm quản lý nhưng không trả nợ theo đúng hẹn nên các đối tượng đã bắt giữ anh Sân.

Vụ việc trên chỉ là điển hình trong việc người dân chủ động tố giác tội phạm, phối hợp với Công an huyện Tân Lạc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong thời gian qua.

Người dân xúc động trước món quà là những con bò giống.

Nhờ bám sát cơ sở, nắm tình hình, nắm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nên nhiều vụ việc phạm pháp hình sự đã được ngăn chặn kịp thời ngay tại cơ sở.

Công tác dân vận, xã hội từ thiện và thực hiện cuộc vận động "Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ" cũng được Công an huyện Tân Lạc triển khai rất hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, Công an huyện đã phát động tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, tăng cường các hoạt động xã hội từ thiện, hướng đến những địa bàn khó khăn trên khu vực huyện. 

Đã có nhiều tuyến đường, mô hình giao thông được Công an huyện chung tay xây dựng như: Đường liên thôn xóm Cộng 1 (xã Quy Hậu), lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dài 1km đoạn qua xã Phong Phú), cải tạo - nâng cấp đường giao thông nông thôn dài 600m đoạn qua xóm Ổ Gà (xã Đông Lai). 

Ngoài ra, Công an huyện còn tổ chức trao tặng 6 con bò giống cho 6 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng 10 xuất quà cho các hộ gia đình, công an viên có hoàn cảnh khó khăn và người chấp hành xong án phạt tù nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 85 triệu đồng do CBCS tự nguyện đóng góp.

Thực hiện chương trình tình nguyện giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại địa bàn xã Nam Sơn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ của Công an huyện Tân Lạc đã ủng hộ nhiều ngày công lao động, giúp đỡ các hộ gia đình trên địa bàn xã Nam Sơn san nền, vận chuyển vật liệu, đồ đạc, dựng nhà nơi ở mới và tặng những xuất quà thiết thực, ý nghĩa như gạo, muối và đồ dân dụng… giúp bà con ổn định cuộc sống trong lúc khó khăn.
Tuấn Trình
.
.
.