Go-Jek: Đối thủ mới của Grab ở Việt Nam

Chủ Nhật, 22/07/2018, 13:01
Hãng cung cấp dịch vụ xe ôm nổi tiếng Go-Jek của Indonesia sẽ vào Việt Nam ngay trong tháng này thông qua một công ty có tên gọi Go-Viet và được điều hành bởi đội ngũ sáng lập người Việt Nam.


Trong thông báo đưa ra chiều ngày 25-6, Go-Jek cho biết sẽ khai trương 2 đơn vị tại Việt Nam và Thái Lan trong tháng 7, đánh dấu làn sóng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế đầu tiên của hãng gọi xe công nghệ này.

Khởi nghiệp tỷ đô của Indonesia

Nhật báo Nikkei dẫn thông báo cho biết các đơn vị này sẽ được điều hành bởi doanh nghiệp được thành lập tại chính nước sở tại, còn Go-Jek sẽ hậu thuẫn về công nghệ và tài chính cũng như cung cấp kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn.

Chia sẻ trên trang ICT News, ông Nguyễn Vũ Đức, đồng sáng lập và là CEO của Hãng Go-Viet, cho biết công ty sẽ hướng tới cung cấp nền tảng đa dịch vụ lớn nhất tại Việt Nam bằng cách từng bước phát triển hệ sinh thái trên ứng dụng Go-Viet, bắt đầu bằng dịch vụ kết nối vận tải và giao hàng, trước khi triển khai dịch vụ giao đồ ăn, đi chợ hộ, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác. 

Từ ngày 16-7, Go-Viet đã chính thức cung cấp dịch vụ của Go-Jek thông qua chương trình “Tiên phong khám phá Go-Viet”. Theo đó, chương trình này sẽ được triển khai tại TP Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm những người đầu tiên sử dụng phiên bản thử nghiệm với dịch vụ đặt xe hai bánh và giao hàng.

Sau giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng Go-Viet sẽ được mở rộng ra Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Việc triển khai chi nhánh Việt Nam và Thái Lan là một phần trong kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á trị giá 500 triệu USD của Go-Jek, trong đó Việt Nam là quốc gia đầu tiên đánh dấu sự đầu tư mở rộng hoạt động ra nước ngoài của hãng xe ôm công nghệ này.

Go-Jek được thành lập năm 2010 với tiền thân là công ty cung cấp dịch vụ xe ôm trên nền tảng di động mà chúng ta hay còn gọi là xe ôm công nghệ. Ứng dụng Go-Jek cung cấp rất nhiều dịch vụ như xe ôm và 4 taxi, dịch vụ mua sắm, dịch vụ dọn nhà, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sửa xe… 

Có thể nói ứng dụng Go-Jek không chỉ riêng cung cấp dịch vụ xe ôm mà là hàng chục dịch vụ khác có thể triển khai được thông qua ứng dụng này. Và đây là điều mà Grab tại Việt Nam chưa có, và có thể là một ưu điểm nếu như Go-Jek vào Việt Nam.

Từ ngày 16-7, Go-Viet đã chính thức cung cấp dịch vụ của Go-Jek thông qua chương trình “Tiên phong khám phá Go-Viet”.

Hiện tại Go-Jek đang hoạt động tại 50 thành phố trên khắp Indonesia. Mọi người có thể tham gia vào Go-Jek với tư cách là đối tác để tạo ra thu nhập và Go-Jek cung cấp quyền bảo hiểm y tế và tai nạn, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, cũng như các khoản thanh toán tự động và nhiều lợi ích khác cho đối tác. 

Go-Jek nổi tiếng với ứng dụng hoạt động tương tự như Uber và Grab, nhưng tập trung phục vụ các tài xế sử dụng xe gắn máy. Đây là startup đầu tiên của Indonesia được định giá 1 tỷ USD, và hiện theo số liệu của CBinsights , Go-Jek có giá trị 1,8 tỷ USD. 

Ngoài xe ôm vận chuyển hành khách, Go-Jek còn có các dịch vụ khác như vận chuyển hàng hóa, thức ăn, tất cả đều vận hành thông qua ứng dụng Go-Jek trên điện thoại thông minh.

Nhiều trong một

Không như Uber - Grab chuyên cung cấp dịch vụ vận tải di chuyển, Go-Jek tích hợp hàng loạt tiện ích trên ứng dụng của họ. Go-Ride là dịch vụ xe ôm 2 bánh tương tự như UberMoto hay GrabBike mà mọi người đã biết tại Việt Nam. 

Về tính năng thì không có gì khác mấy, tuy nhiên một điểm khá thú vị là khách hàng có thể “bo” thêm tiền cho đối tác nếu họ hài lòng về dịch vụ. Theo thống kê của Go-Jek, hiện tại có tới 400.000 tài xế đang hoạt động dịch vụ này tại Indonesia.

Go-Car là dịch vụ taxi công nghệ 4 bánh tương tự như Uber hay GrabCar chứ không có gì khác, tuy nhiên giới hạn đường đi của loại xe này là 75km. 

Go-Food là dịch vụ cho các nhà hàng kinh doanh dịch vụ đồ ăn - uống nhanh đăng ký làm đối tác với Go-Jek. Người mua có thể dễ dàng đặt hàng trên ứng dụng Go-Jek và sau khi nhận được đơn hàng các nhà hàng này sẽ chế biến và tiến hành giao cho người mua. 

Đây không phải là dịch vụ giao đồ ăn như giao hàng của Grab, Uber, vì nhà hàng sẽ là đối tác của Go-Jek và họ sẽ nhận đơn hàng online trên ứng dụng thay vì là cuốc xe như dịch vụ Go-Ride ở trên. 

Go-Send mới chính là dịch vụ giao hàng của Go-Jek, nó tương tự như UberDeliver hay GrabExpress. Và tại Indonesia dịch vụ này thường được tích hợp vào các trang web thương mại điện tử như Lazada, Shopee…

Go-Mark là dịch vụ mua sắm tạp hóa hàng ngày ngay trên ứng dụng Go-Jek, bạn chỉ cần chọn những sản phẩm cần mua và tiến hành thanh toán tiền. Ngay sau đó, các tài xế Go-jek sẽ vận chuyển hàng hóa này đến địa chỉ của bạn. 

Nhìn có vẻ tương tự như dịch vụ giao hàng (Go-Send) hay giao thức ăn (Go-Food) ở trên. Go-Box là dịch vụ đặt xe bán tải, xe tải đơn trục và xe tải hộp đơn trục… để vận chuyển hàng hóa với khối lượng nhiều cần xe trọng lượng vài tấn trở lên như chuyển nhà, nhập hàng…

Go-Tix là dịch vụ mua vé xem phim và các dịch vụ giải trí tương tự khác của Go-Jek, thay vì ở Việt Nam chúng ta hay mua vé xem phim online, bằng MoMo… thì ứng dụng Go-Jek lại tích hợp sẵn. 

Go-Med không cung cấp bất kỳ sản phẩm nào nhưng kết nối người dùng với hơn 1.000 hiệu thuốc tại Jabodetabek, Bandung và Surabaya… Từ đó, bạn có thể mua thuốc hoặc tư vấn, gọi bác sĩ đến khám tại nhà. Và thuốc bạn mua đều thuộc các nhà thuốc uy tín có giấy phép dược phẩm ở Indonesia.

Go-Life là một ứng dụng riêng biệt, nó chuyên cung cấp các dịch vụ đời sống của Go-Jek như massage, vệ sinh, ô tô và làm đẹp bất cứ khi nào bạn cần. Là một phần của Go-Jek, Go-Life kết nối khách hàng với hơn 12.000 chuyên gia trong lĩnh vực vệ sinh, ô tô, làm đẹp và trị liệu xoa bóp có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực và đã thông qua việc tuyển chọn và đào tạo.

Go-Pay là dịch vụ thanh toán đi kèm. Nó không chỉ thanh toán tất cả các dịch vụ của Go-Jek mà còn làm được nhiều thứ khác như nạp tiền điện thoại, thanh toán, chuyển quỹ… Có thể nói đây tương tự như ví điện tử MoMo và được tính hợp sẵn vào ứng dụng Go-Jek để thuận lợi cho người sử dụng.

Là nơi có mật độ dân số lớn nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 3 lần Việt Nam, có thể thấy dịch vụ Go-Jek ở Indonesia đã đáp ứng được nhu cầu của người dân nước này, và đây cũng là thị trường phát triển mạnh và tiềm năng của Go-Jek. Với sự phong phú trong loại hình dịch vụ và kinh nghiệm trong quá trình phát triển, hứa hẹn đây là dịch vụ có sức ảnh hưởng lớn nếu đem sang Việt Nam hay các nước khác. Grab hẳn sẽ có một đối thủ đáng gờm.

Vinh Trang
.
.
.