Góc khuất BOT giao thông

Thứ Sáu, 22/05/2020, 10:14
Kiểm toán Nhà nước vừa gửi báo cáo đến Quốc hội kết quả kiểm toán 9 dự án BOT giao thông, qua đó đã chopf thấy những góc khuất.


Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 9 dự án BOT, kết quả cho thấy Bộ Giao thông vận tải đã cho phép lập một số dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án, không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT, phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Với một số dự án, Bộ Giao thông vận tải cũng không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công, xác định sai tăng tổng mức đầu tư, thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu.

Công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án góp vốn chủ sở hữu chậm xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý, chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ.

Kết quả kiểm toán còn cho thấy có dự án sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án. Cụ thể, dự án BOT An Sương - An Lạc đã sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục cầu Tân Kỳ Tân Quý không thuộc trên tuyến đường dự án với tổng mức đầu tư 312 tỉ đồng. Có dự án lập thiết kế, dự toán sai sót tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch nghiệm thu, thanh toán còn sai sót, chậm phê duyệt quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 925 tỉ đồng.

Kết quả kiểm toán cũng giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án 56,4 năm so với phương án ban đầu, trong đó dự án cầu Hòa Trung giảm 15,8 năm; dự án cầu Chà Là giảm 13,9 năm; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình 1 năm; dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng 4 đoạn tuyến quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre 7 năm;

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc 7,5 năm; dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc giảm 6,3 năm; dự án đầu tư xây dựng, đoạn thị xã Ninh Hòa và cải tạo QL26 tỉnh Khánh Hòa giảm 4,9 năm.

Nhìn vào những con số này đã chứng minh những vấn đề dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch của các dự án BOT giao thông là có cơ sở. Và cũng lý giải vì sao thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lại "thích" đầu tư dự án BOT giao thông.

Câu hỏi đặt ra là vì sao thời gian qua, Bộ GTVT luôn tìm cách bảo vệ các dự án BOT, đề xuất những ưu đãi đến khó hiểu mà gần đây nhất là kiến nghị cho tăng phí với lý do doanh nghiệp BOT giao thông bị giảm thu do dịch COVID-19.

Lâu nay, tại nhiều địa phương, người dân bức xúc vì việc đặt trạm BOT không hợp lý đã ngang nhiên "móc túi" người tham gia giao thông. Không những thế, một dự án mà có thể giảm thời gian thu phí tới hơn 10 năm thì rõ ràng không phải là sự sơ suất trong việc tính toán.

Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm của những người thẩm định, phê duyệt các dự án này để xử lý. Bởi đây rõ ràng là hình thức tham nhũng.

Tân Lương
.
.
.