Góc khuất trên hành trình du lịch của "Tây ba lô"

Thứ Năm, 13/04/2017, 17:39
Người nước ngoài đến Việt Nam không phải ai cũng hào phóng và có tiền. Họ đi du lịch vì muốn khám phá nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người. Với những "Tây ba lô" đi phượt xuyên châu lục, họ phải chi tiêu tằn tiện nhất có thể. Khi hết tiền, họ sẵn sàng "chường mặt" ra đường bán buôn hoặc ăn xin để tồn tại và tiếp tục hành trình trải nghiệm.


Phía sau những chuyến "phượt" dài

Hiệu sách Second hand (Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh) lúc nào cũng nhộn nhịp khách nước ngoài vào đọc, mua và trao đổi sách. Những câu tiếng Anh nói "bồi" hoặc đơn giản chỉ là việc ra dấu chỉ trỏ để hiểu ý nhau cũng khiến việc giao tiếp trở nên cởi mở, thoải mái. 

"Tây ba lô" đi du lịch thường mang theo sách, băng đĩa nhạc và tranh ảnh. Sau khi sử dụng xong, họ tìm đến hiệu sách đổi lấy các loại sách cũ khác. Thường thì họ đổi hai món và sẽ lấy một món. Tất cả đều là đồ cũ nhưng luôn tạo cảm hứng mới lạ cho người lần đầu biết đến nó.

Michel Tes, chàng trai 34 tuổi, đến từ Anh quốc đã biết vận dụng tài nhạy bén kinh doanh của mình để kiếm tiền trong khi đang du lịch. Anh bỏ một khoản tiền ra mua vài trăm đầu sách rồi bán lại kiếm lời. Khu vực Tes buôn bán xung quanh công viên 23/9, đối tượng anh nhắm tới là những du khách nước ngoài đi dạo công viên.

Lời chào hàng của Tes ngắn gọn, thiết thực nhưng rất dễ thương: "Bạn đưa tiền cho tôi, tôi sẽ cho bạn trải nghiệm". Cùng với nụ cười cởi mở, chân tình, Tes đã bán sách chạy như tôm tươi. Kiếm được tiền, chàng trai này đi bar hàng đêm và làm quen với các cô gái Việt Nam.

Tes quan niệm: "Mình kiếm tiền để phục vụ bản thân chứ không kiếm tiền để làm giàu". Với suy nghĩ ấy, Tes đã từ bỏ công việc chuyên viên pha chế của một nhà hàng lớn ở London để xách ba lô đi du lịch "bụi". Tes không hề có nhiều tiền, đến mỗi quốc gia, anh sẽ tự kiếm tiền để ăn chơi.

Tes cho biết, đến Thái Lan, anh bán vòng tay và mũ. Ngày đầu đụng "đồng nghiệp" bản địa, họ túm cổ áo, hét vào mặt định "dần" cho anh một trận vì tội dám cạnh tranh địa bàn. Anh xua tay, thanh minh: "Tôi không cướp cơm của các anh. Tôi bán hàng kiếm tiền để sống và đi lại. Nếu các anh không cho tôi bán thì hãy giúp tôi một chiếc vé máy bay giá rẻ". Vậy là Tes đã có những ngày tươi đẹp trên đất Thái, được đi nhiều vùng đất lạ, ăn nhiều món ngon và có trải nghiệm với các cô gái ở phố "đèn đỏ".  

Việt Nam là chặng cuối cùng trên hành trình xuyên Á của Michel Tes, nên anh quyết định sẽ nán lại lâu hơn so với các nước khác. Tes rất thích uống cà phê vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh và thích ăn món hủ tiếu Nam Vang. 

Hình ảnh ông "Tây ba lô" ăn xin để đi du lịch trên đường phố.

Tối ở khu phố Bùi Viện rất đông người nước ngoài, Tes dễ hòa nhập và anh thấy rất vui. Đặc biệt là những người bán hàng hai bên đường, từ bác xe ôm đến cụ già lom khom đẩy xe nước mía cũng biết nói ngoại ngữ và cười rất tươi chào Tes. Tất cả những điều đó là trải nghiệm thú vị nhất trong suốt chuyến du lịch "bụi" của chàng trai đến từ Anh quốc này. 

Trở về nước, Tes sẽ không bao giờ quên cảm giác mới lạ cùng kỷ niệm tuyệt vời của các nước anh đã đi qua. Riêng Việt Nam, Tes hứa sẽ quay lại trong một ngày gần nhất.

Cũng tại công viên, ngay sát khu phố Bùi Viện, chúng tôi gặp cô gái Hà Lan, Alen Na (26 tuổi) đang ngồi bán ảnh. Chỉ độ chục bức ảnh khổ 15 x 25, Alen xếp vừa khít một tờ báo rồi ngồi khoanh chân rao bán. Đây là những tấm ảnh do chính cô chụp từ hơn mười quốc gia cô đi du lịch qua. Alen cho biết: "Tôi đang cần tiền đi Nha Trang tắm biển. Vì không thể xin ai nên tôi mang bán những tấm hình này. Tôi nghĩ nếu ai chưa từng đặt chân đến các nước trong ảnh của tôi, thì có thể mua, vì nó rất đẹp". 

Cô gái da trắng, tóc vàng nở nụ cười với bất cứ ai nhìn vào "gian hàng" tranh ảnh của mình. Nhiều người ghé lại xem và mua giúp Alen, có lẽ vì thấy cô gái vô cùng đáng yêu. Mỗi tấm ảnh có giá 100 nghìn đồng tiền Việt Nam, chỉ trong vòng hơn một tiếng Alen đã bán xong và thu về hơn một triệu đồng.

Từng ấy tiền cô gái có thể mua vé tàu ra Nha Trang, ở nhà trọ bình dân và ăn bánh mì. "Những chặng tiếp theo không có tiền thì cô sẽ làm gì?"-Tôi hỏi. Alen hồn nhiên trả lời: "Thì tôi sẽ bán hình ảnh. Đây là tài sản của tôi, nó có được từ những chuyến đi. Tôi tự hào về điều đó". 

Tes, Alen chỉ là hai trong số rất nhiều "Tây ba lô" đi du lịch mà trong túi không có nhiều tiền. Họ đi bằng niềm tin và lòng dũng cảm. Rất nhiều người đã nghĩ rằng, cứ "Tây" là phải giàu có, phải ở khách sạn năm sao, vào nhà hàng nổi tiếng nên cái nhìn và sự đối đáp dành cho họ không còn màu sắc bình dân. Vì không hiểu triết lý sống và quan niệm du lịch của họ mà nhiều người đã vô tình làm tổn thương đến họ, vô tình làm xấu đi hình ảnh của đất nước.

Muôn kiểu kiếm tiền

Ở phường Thảo Điền (quận 2, TP Hồ Chí Minh), gần một năm nay người dân đã quen thuộc với hình ảnh của Vincent, ông chủ xe đẩy cà phê mang thương hiệu Coffee Spin. Vincent du lịch sang Việt Nam lần đầu rồi bị "thôi miên" bởi cảnh sắc và con người. Anh dí dỏm bằng ngôn từ tiếng Việt lơ lớ: "Tôi yêu cà phê nên ở đây luôn".

Bỏ ra vài tháng trời nghiên cứu, cuối cùng Vincent đã thành công khi khám phá ra công thức pha chế cà phê độc đáo, có mùi vị đặc trưng. Anh sắm một chiếc xe đẩy kiểu xe hủ tiếu rồi trang bị một vài thứ đồ nghề đủ cho một quán cà phê di động.

Ở tuổi ngoài 40, bắt đầu công việc bán buôn nơi đất khách quê người nhưng Vincent luôn là người truyền cảm hứng cho một nhóm "Tây ba lô" đến Việt Nam khởi nghiệp. "Buổi sáng thức dậy của tôi là ngửi mùi cà phê thay vì ăn sáng và tập thể dục. Sau đó tôi lao vào công việc luôn, vì cà phê là thức uống dành cho tất cả mọi người vào buổi sáng. Bạn phải bắt kịp thời gian đó, kiếm tiền vào đúng thời điểm đó và lao động bằng trái tim ở tuổi 20", Vincent đã chia sẻ như vậy.

Anh Vincent say mê với công việc bán cà phê.

Đến nay, Vincent đã phát triển thêm một xe cà phê nữa ở quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh). Những người đàn ông nước ngoài nào có nhu cầu học hỏi cách kiếm tiền, anh sẵn sàng giúp đỡ, nhưng với điều kiện phải chăm chỉ. Vincent nói rằng, con người Việt Nam rất cần cù, chịu khó, nếu anh không làm được những điều đó thì sẽ không được ở đây.

Tiêu chí hàng đầu trong buôn bán của Vincent là lúc nào cũng thân thiện và nở nụ cười, tiêu chí thứ hai là hàng bán phải đảm bảo vệ sinh an toàn, đồ uống phải sạch sẽ và đặc biệt là không được xả rác ra đường trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh. 

Tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc bán hàng nên chiếc xe cà phê của Vincent luôn bóng sáng, các loại thức uống bày biện ngăn nắp, khoa học. Vincent tươi cười cho biết: "Ở thành phố này có hàng nghìn quán cà phê lớn nhỏ, nhưng tôi không phải cạnh tranh với ai, rất thoải mái. Nếu thấy cà phê của tôi ngon thì ghé mua và lần sau ghé lại. Tất cả chúng tôi đều vui".   

Vì chăm chỉ lao động nên Vincent có cuộc sống no đủ, có tiền để khi nào mỏi gối chùn chân thì trở về quê hương của mình hoặc tới bất cứ nơi nào anh thích. Tuy nhiên, không phải ông Tây nào cũng có suy nghĩ và hành động như Vincent. Dạo một vòng quanh khu vực Công viên 23/9, không khó để chúng tôi bắt gặp những anh chàng "Tây đen" nghễu nghện cưỡi những chiếc xe tay ga "xịn" lượn lờ "tìm hàng".

Bác xích lô ở bến xe bus công viên rỉ tai chúng tôi: "Mấy anh này kiếm tiền bằng vốn tự có, chiều nào cũng bắt "máy bay bà già ở đây". Dường như việc "lao động" ấy đã quá quen trong con mắt của những người dân làm nghề chân tay ở khu vực này. Chỉ có điều bác đạp xích lô nói bàng hoàng và khó tin là "khách" của "Tây đen" toàn những bà U50 trở lên.

Nhiều khách nước ngoài tới mua cà phê của Vincent.

Chúng tôi đang dáo dác theo dõi thì chị Tâm bán vé số khều tay rồi cười nói: "Bà mặc đầm đen cứ tuần hai lần tới đây tìm "phi công Tây đen". Họ đang ngã giá để đi đó". Theo hướng chỉ tay của chị Tâm, thoáng cái đã thấy "mục tiêu" trèo tót lên xe của anh chàng ngoại quốc vạm vỡ, vòng tay bà ôm chầm lấy eo của anh ta rồi hai người vút ga "biến" mất.

Bác xích lô lắc đầu thở dài: "Lên chức bà rồi còn ham cái "của lạ" ấy. Thật không thể hiểu nổi". Còn chị Tâm thì tỏ ra rành rẽ, chị cho biết: "Hôm vừa rồi một anh "Tây đen" mua vé số của tôi, cầm xấp tiền ra đếm mặt mày hớn hở lắm. Anh ta nói được vài câu tiếng Việt và hỏi tôi là ngày thu nhập bao nhiêu bằng việc bán vé số? Tôi nói 200 ngàn đồng anh ta nhe răng ra cười rồi lắc đầu. Anh ta không nói gì nhưng thái độ là chê tôi kiếm tiền ít". 

Mỗi người nước ngoài khi đến Việt Nam đều có mục đích và dự định của riêng mình. Trong cuộc sống sôi động ồn ào, khi mà con người luôn hối hả kiếm tiền, thì chuyện "Tây - Ta" hay những ồn ã thị phi có lẽ chỉ là một chấm nhỏ xen giữa cái muôn màu của xã hội. Quan trọng là khi rời đi, họ cảm nhận gì về đất nước và con người nơi họ đã đến. Một điều đáng tự hào là những vị "Tây ba lô" chúng tôi gặp gỡ và tiếp xúc, họ đều có một thiện cảm đặc biệt với Việt Nam.

Ngọc Thiện
.
.
.