Gói an ủi

Thứ Ba, 06/11/2018, 15:56
Cứ mỗi năm một lần, Hội đồng An ninh Tiền tệ Thế giới lại họp mặt để xử lý những đồng tiền yếu kém, mất giá. An ninh tiền tệ cũng quan trọng như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố…


Nước nào có đồng tiền mất giá nhất sẽ được Hội đồng An ninh Tiền tệ Thế giới trao cho một gói cứu trợ bình ổn 50 tỷ đô la Mỹ. Chính vì điều này, đại diện các nước ra sức chứng minh đồng tiền nước mình đang mất giá nhiều nhất. Việc đánh giá đồng tiền nào mất giá nhiều nhất dựa trên tỷ giá đồng tiền đó với đồng đô la Mỹ.

Đầu tiên là đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ đứng dậy ý kiến: “Đồng Lira đang chịu áp lực lớn từ mâu thuẫn Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất. Từ tháng 1 đến nay, đồng Lira đã mất giá hơn 40% so với đồng USD. Như vậy, năm nay đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ đang mất giá nhiều nhất”.

Đại diện thứ hai đến từ nước Argentina, vị này ý kiến: “Đồng Peso của Argentina đã mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Ngân hàng Trung ương Argentina trong năm nay đã nâng lãi suất từ 45% lên 60% để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ so với đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, động thái mạnh tay này vẫn chưa đủ để chặn đà giảm của đồng Peso. Theo dữ liệu của Moody’s, gần 70% nợ chính phủ của Argentina là nợ ngoại tệ. Đồng Peso mất giá đồng nghĩa với khối nợ này trở nên khổng lồ hơn".

Đại diện thứ ba đến từ Ấn Độ, vị này ý kiến: “Đồng Rupee của Ấn Độ rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, trong nước người dân đang ồ ạt bán tháo đồng Rupee đễ trữ đồng đô la Mỹ. Từ đầu năm đến nay, đồng Rupee đã mất giá khoảng 45%. Ấn Độ đối mặt một số thách thức, trong đó sự phụ thuộc lớn vào nguồn dầu nhập khẩu khiến đồng tiền nước này dễ bị tổn thương khi giá dầu tăng”.

Đại diện thứ tư đến từ Somali ý kiến: “Somali được coi là quốc gia có bất ổn cao nhất thế giới, tỷ lệ trộm cắp cao, nghèo đói, nền kinh tế bất ổn và rất nhiều những vấn đề khác là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đồng tiền của Somali mất giá. Cũng bởi lẽ đó mà đồng shilling không có giá trị cao kể từ khi ra đời vào năm 1962. Các cuộc nội chiến triền miên tại Somali càng làm cho đồng tiền nước tôi lao dốc không phanh”.

Đại diện thứ năm đến từ Iran ý kiến: “Iran hiện đang là nền kinh tế đứng thứ 18 thế giới với dân số khoảng 78,4 triệu tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên đơn vị tiền tệ của Iran lại đang có giá trị thấp nhất. Nguyên nhân cho sự sụt giảm giá trị của đồng rial là những sức ép và cấm vận từ quốc tế, mà đặc biệt là Mỹ”.

Hội đồng xét duyệt nghe xong vẫn còn phân vân, chưa biết xử lý như thế nào thì đại diện đến từ một nước châu Á đứng lên ý kiến: “Đồng tiền nước tôi đang là mất giá nhất, vì để đổi được 100 đô la Mỹ người ta phải mất 90 triệu đồng nội tệ”.

Mọi người nghe xong, ai cũng mừng rỡ tưởng đã tìm được nước đang có đồng tiền mất giá nhất. Tuy nhiên, sau một hồi tra “Gu gồ”, Hội đồng phát hiện vị đại diện kia phải mất 90 triệu đồng nội tệ để đổi 100 USD là do vận dụng quy định.

Dù vậy, vì quy định này cũng có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế nên Hội đồng trao cho đại diện nước châu Á nọ một gói hỗ trợ gọi là “an ủi” trị giá 25 tỷ USD. 

Nghĩa Nam
.
.
.