Google bị điều tra vì lừa dối khách hàng ở Australia

Thứ Sáu, 01/11/2019, 13:53
Cơ quan giám sát người tiêu dùng Australia hôm 29-10 đã đưa Google ra tòa với cáo buộc gã khổng lồ công nghệ vi phạm Luật Người tiêu dùng bằng cách đánh lừa người tiêu dùng Android về cách sử dụng dữ liệu vị trí của họ.


Chưa hết, Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia còn cáo buộc Google thu thập thông tin về nơi ở của người dùng ngay cả khi họ đã tắt cài đặt vị trí. Đơn kiện của Uỷ ban này lên toà án liên bang Australia ghi rõ, buộc Google vi phạm luật thông qua một loạt các đại diện trên màn hình được thực hiện khi người dùng thiết lập tài khoản Google trên điện thoại di động và sử dụng phần mềm Android.

Chủ tịch Uỷ ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia Rod Sims cho biết: "Chúng tôi đang kiện lên tòa án, chống lại Google vì chúng tôi cho rằng do kết quả của những đại diện trên màn hình này mà Google đã thu thập, lưu giữ và sử dụng thông tin cá nhân rất nhạy cảm và có giá trị về vị trí của người tiêu dùng.

Google đang bị cáo buộc thu thập trái phép vị trí của người dùng ở Australia.

Đây là trường hợp kiện đầu tiên trên thế giới nhằm vào Google với cáo buộc kiểu này. Vụ kiện của chúng tôi bắt nguồn từ các thông tin sai lệch liên quan đến dữ liệu Google thu thập, giữ và sử dụng". 

Cũng theo cáo buộc của Uỷ ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia, từ tháng 1-2017 đến cuối năm 2018, khách hàng thiết lập tài khoản Google của họ trên điện thoại và máy tính bảng được tập đoàn này quảng cáo để tin rằng, lịch sử địa điểm là một cài đặt duy nhất ảnh hưởng đến việc Google có thu thập dữ liệu vị trí của người dùng hay không.

Nhưng trên thực tế, cài đặt hoạt động web và các ứng dụng khác cũng phải được tắt nếu người dùng không muốn bị thu thập dữ liệu vị trí của họ. "Khi mọi người tắt lịch sử vị trí, họ nghĩ rằng Google không thể thu thập dữ liệu vị trí của họ, ghi lại và lưu giữ nó. Họ có thể đã đi dạo quanh thành phố và nghĩ rằng lịch sử vị trí của mình không được thu thập. Nhưng thực tế không phải vậy. Trong khi họ đi dạo, Google đã thu thập và lưu giữ những dữ liệu vị trí này", Rob Sims nói thêm.

Chủ tịch Uỷ ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia cũng khẳng định, cơ quan giám sát tin rằng một số hành vi bị cáo buộc vẫn đang được tiếp tục và Ủy ban cũng có kế hoạch yêu cầu tòa án áp dụng hình phạt mạnh đối với Google.

Một cuộc điều tra hồi năm ngoái của hãng thông tấn AP đã tiết lộ rằng một số ứng dụng và trang web của Google lưu trữ vị trí người dùng ngay cả khi người dùng đã tắt cài đặt Lịch sử vị trí.

Để ngăn Google lưu các điểm đánh dấu vị trí này, người dùng phải tắt các cài đặt khác cũng như hoạt động trên web và ứng dụng. Cài đặt đó phải được bật theo mặc định, không tham chiếu cụ thể thông tin vị trí.

Google sau đó đã làm rõ trong trang trợ giúp về cách lịch sử vị trí hoạt động, nhưng đến nay, sự thật về việc theo dõi vị trí khách hàng vẫn không hề thay đổi. Điều tra của AP chỉ rõ, ngay cả khi lịch sử vị trí bị tắt, Google sẽ lưu trữ vị trí của người dùng khi ví dụ, ứng dụng Google Maps được mở hoặc khi người dùng tiến hành các tìm kiếm Google không liên quan đến vị trí.

Các tìm kiếm tự động về thời tiết địa phương trên một số điện thoại Android cũng lưu trữ nơi ở của điện thoại. Cùng với cáo buộc này của AP, trang tin tức kinh doanh Quartz phát hiện ra rằng, Google đang theo dõi người dùng Android bằng cách thu thập địa chỉ của các tháp điện thoại di động gần đó ngay cả khi tất cả các dịch vụ định vị đều bị tắt…

Trong khi đó, Hal Roberts, một thành viên tại Trung tâm Berkham Klein về Internet và Xã hội tại Harvard (Mỹ) đã cho công bố những nghiên cứu của mình với phân tích cụ thể rằng, Google Ads như một hình thức "giám sát màu xám" tức là cùng với marketing, có thể lưu trữ và khai thác dữ liệu của khách hàng.

Đáng chú ý là hệ thống này đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra các mạng xã hội online và việc khai thác trên Googles Ads khó bị phát hiện. Cụ thể, khi người dùng truy cập vào các dịch vụ của Google và bắt đầu thấy nhiều quảng cáo hơn, cũng là lúc mọi dữ liệu về họ bị thu thập trái phép.

Từ đầu năm 2019, với sự phát hiện hơn trong công nghệ thì quảng cáo còn theo dõi người dùng một cách liên tục không chỉ trên các nền tảng mạng xã hội, tổ chức hoặc email còn từ thiết bị này sang thiết bị khác.

Và những thông tin mà Google thu thập được của khách hàng sẽ gồm: tên, tuổi, thu nhập, giới tính, tình trạng gia đình, lịch sử duyệt web, thiết bị sử dụng, vị trí, tuổi của con, học lực, bằng cấp, ngôn ngữ, thời gian sử dụng Google trong ngày, ngôn ngữ, sự kiện lớn trong đời, tình trạng sở hữu nhà cửa, mạng di động, thói quen, sở thích mua sắm, các sản phẩm đã mua, nội dung email, phương tiện đang sử dụng, các địa điểm đã đi qua, hình ảnh từng lưu giữ…

Hiện nay, sau một loạt bê bối về quyền riêng tư trên Facebook và các quy tắc bảo mật dữ liệu mới ở châu Âu, các đại gia công nghệ trên thế giới đang bị xem xét kỹ lưỡng về thực tiễn dữ liệu của họ.

Khi bị Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia tố cáo, Google cho biết họ đang xem xét các cáo buộc. Giới quan sát nhận định, sự tham gia của Google trong việc theo dõi vị trí của người dùng bắt nguồn từ nỗ lực của họ để tăng doanh thu quảng cáo.

Google có thể tính phí cho các nhà quảng cáo nhiều hơn nếu họ muốn thu hẹp phân phối quảng cáo cho những người đã truy cập vào một số địa điểm nhất định. Còn về vụ kiện, hãng Reuters dẫn một nguồn tin khác cho hay, vụ kiện được thực hiện sau cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của Uỷ ban cạnh tranh và người tiêu dùng Australia nhằm vào các nền tảng công nghệ lớn tại quốc gia này.

Các thông tin điều tra đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi áp dụng những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ lớn.

Khánh Chi
.
.
.