Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất:

Góp phần bình yên cho những chuyến bay

Thứ Hai, 23/02/2015, 10:00
Với đặc thù cửa khẩu quốc tế có khối lượng hàng hóa, lưu lượng hành khách lớn nhất cả nước, địa bàn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được xác định là một điểm nóng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới. Đây cũng là địa bàn hoạt động vô cùng nóng bỏng, phức tạp của nhiều loại tội phạm. Với tinh thần trách nhiệm, cảnh giác cao độ, nghiệp vụ tinh thông, ý chí kiên cường, các cán bộ của Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép hàng cấ

Theo ông Tống Lê Dân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (dưới đây gọi tắt là Chi cục Hải quan TSN), tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy qua đường hàng không về sân bay quốc tế TSN vẫn diễn biến hết sức phức tạp; có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ phạm tội, với thủ đoạn mới cực kì tinh vi... Từ đầu năm tới nay, Chi cục Hải quan TSN đã phát hiện, bắt giữ tổng cộng 10 vụ vận chuyển ma túy xuất nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay với số lượng rất lớn. Trong đó, tiền chất ma túy là 6kg, cocain 13kg, heroin gần 6kg, với tổng giá trị lên tới trên 100 tỷ đồng.

Có thể kể một số vụ lớn như liên tiếp trong những ngày đầu tháng 12/2014, Chi cục Hải quan TSN đã phối hợp bắt giữ 3 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, bắt giữ 3 người nước ngoài trực tiếp vận chuyển, với tang vật thu giữ trên 6kg heroin. Điển hình như vào lúc 18h30 ngày 10/12/2014, trong quá trình soi chiếu hành lý ký gửi của hành khách xuất cảnh trên chuyến bay VN773 từ TP.HCM đi Sydney (Australia), Đội Thủ tục hành lý xuất cảnh - Chi cục Hải quan TSN đã phát hiện dấu hiệu nghi vấn đối với hành lý của hành khách Nguyen Thi Huong (72 tuổi, quốc tịch Australia). Kết quả kiểm tra phát hiện trong hai valy của đối tượng này số lượng heroin lên tới 2,792kg, trị giá ước tính 10 tỷ đồng…

Cán bộ Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Trước đó, chiều tối ngày 2/12/2014, Chi cục Hải quan TSN đã chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy - Cục Hải quan TP.HCM; Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C47B) - Bộ Công an và Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) - Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ Lâm Thị Kim Hồng Hạnh (38 tuổi, quốc tịch Australia, quê quán Tây Ninh, đi trên chuyến bay VN781 từ Tân Sơn Nhất tới Melbourne (Australia) cất giấu trong quần lót, áo ngực và nhét trong chỗ kín, hậu môn 379,69 g heroin, trị giá ước tính hơn 1,1 tỷ đồng.

"Để kịp thời phát hiện và bắt giữ, hiện Chi cục Hải quan TSN có hai tổ - Tổ kiểm soát chống buôn lậu và Tổ kiểm soát phòng chống ma túy thực thi nhiệm vụ. Hai tổ này có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tùy theo tình hình cụ thể của đơn vị, xây dựng các tuyến trọng điểm, như đa số các vụ bắt giữ vận chuyển ma túy hoặc tiền chất qua cửa khẩu sân bay TSN đều liên quan đến những đường dây tội phạm ma túy gốc Phi thuê người vận chuyển ma túy vào Việt Nam để đi nước thứ 3; hoặc các đường dây vận chuyển ma túy và tiền chất từ Việt Nam đi Australia, Đài Loan. Nguồn ma túy tuồn vào Việt Nam qua đường hàng không ở cửa khẩu này chủ yếu từ 3 khu vực phức tạp nhất là vận chuyển cocain từ khu vực Nam Mỹ (Comlumbia, Mexico, Brazin…); ma túy đá từ khu vực Trăng Lưỡi Liềm (Apghanistan, Pakistan…) và heroin từ khu vực Tam Giác Vàng (Lào, Thái Lan, Myanmar)… Từ các tuyến đường được xác định đó, các tổ này tiếp tục lập danh sách các cá nhân, đối tượng để theo dõi, kiểm tra. 

Riêng công tác phối hợp giữa Chi cục và các cơ quan liên quan như Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Cục C47B - Bộ Công an, Phòng PC47 - Công an TP.HCM, Đồn Công an cửa khẩu sân bay, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM… hiện đang rất nhuần nhuyễn nhịp nhàng. Các đơn vị này thường xuyên trao đổi thông tin với nhau để sàng lọc các đối tượng, kiểm tra, chặn bắt các đối tượng tình nghi hay bắt quả tang vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm", ông Tống Lê Dân cho biết.

Với các mặt hàng ngà voi, sừng tê giác, máy phá sóng điện thoại, súng đạn, ngoại tệ… dù có phần dễ phát hiện hơn ma túy, tuy nhiên các đối tượng phạm pháp vẫn không từ bỏ bất cứ thủ đoạn tinh vi nào nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Chỉ tính các vụ vận chuyển trái phép ngà voi thì từ đầu năm đến cuối tháng 9-2014, Chi cục Hải quan TSN đã phối hợp với các đơn vị bắt giữ 6 vụ; tạm giữ hai đối tượng; thu giữ 177 chiếc ngà voi với tổng trọng lượng 265kg; 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ ngà voi và 23,41kg sản phẩm chế tác từ ngà voi; trị giá khoảng 11 tỷ đồng. Đặc biệt, mặt hàng máy phá sóng điện thoại nghiêm cấm nhập khẩu nhưng vẫn có đối tượng ngoan cố thực hiện hành vi này.

Hoàn thành xuất sắc vai trò "người gác cửa đất nước"

Có thể nói, những vụ vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm liên tục được phát hiện, bắt giữ với giá trị rất lớn trong năm qua đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tinh thần cảnh giác cao, mưu trí của cán bộ, công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan TSN. 

Về phía Chi cục, cơ quan đã chủ động xây dựng kế hoạch, đào tạo công chức. Trong đó Chi cục đã thành lập một tổ tự huấn luyện, tự đào tạo cán bộ về soi chiếu hình ảnh, về các thủ đoạn, phương thức cất giấu và kinh nghiệm các vụ việc...".

Bên cạnh những thuận lợi là không ít khó khăn. Theo ông Tống Lê Dân thì công tác phối hợp tác chiến giữa các lực lượng, đơn vị dù đã rất tốt nhưng vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý ở tầm cấp cao.

Chẳng hạn, ngoài các quy chế phối hợp riêng như giữa Hải quan với Công an, Hải quan với An ninh hàng không, Hải quan với các lực lượng khác đã có thì hiện nay rất cần quy chế bao trùm tất cả các lực lượng này, như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công việc hơn. Chưa kể phía Hải quan cũng cần được cung cấp thông tin về hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không nhiều hơn nữa.

Đặc biệt, vấn đề kinh phí luôn là điều trăn trở với Chi cục vì hiện nay kinh phí riêng để mua tin, giám định hàng, đền bù khi xảy ra vụ việc không đúng như nghi vấn… vẫn chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, việc thiếu máy móc thiết bị hiện đại nhằm phát hiện hàng cấm như các nước phát triển cũng khiến hiệu quả công việc giảm đi…

Tuy nhiên, từ nhận thức đúng đắn và sâu sắc về những khó khăn thách thức, rủi ro tiềm ẩn về buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập khẩu hàng cấm, đặc biệt là tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy đang diễn ra ngày càng phức tạp, tập thể lãnh đạo, cán bộ Chi cục qua các thời kỳ đã luôn thành công trong việc xây dựng và áp dụng các kế hoạch trong công tác phòng chống. Những kết quả phát hiện và bắt giữ các vụ việc vừa qua là minh chứng cho điều này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn ổn định an ninh đất nước; khẳng định vai trò người gác cửa đất nước của ngành Hải quan.

Phú Lữ - Đức Cương
.
.
.