Kinh nghiệm chống ngập đô thị

Hà Lan: Bậc thầy chống ngập (Kỳ 2)

Thứ Tư, 18/01/2017, 08:25
Có thể nói không quốc gia nào trên thế giới có công tác phòng chống ngập lụt bài bản và hiệu quả hơn Hà Lan. Nước này thậm chí thành lập các hội đồng nước có vai trò độc lập so với các chính quyền địa phương, chuyên việc trị thủy.


Ngàn năm trị thủy

Các khu vực bị lũ lụt đe dọa của Hà Lan về cơ bản là một đồng bằng phù sa, được hình thành từ trầm tích do hàng ngàn năm lũ lụt. Khoảng 2.000 năm trước đây, hầu hết lãnh thổ Hà Lan bao phủ bởi đầm lầy than bùn rộng lớn. Những đụn cát ven bờ đã tạo nên bờ kè tự nhiên giữ các đầm lầy không bị rửa trôi ra biển. 

Các khu vực phù hợp để ở nằm trên vùng đất cao ở phía Đông và phía Nam, và trên các cồn cát và kè tự nhiên dọc theo bờ biển và các con sông. Ở vài nơi, biển đã phá vỡ những bờ kè tự nhiên, tạo ra vùng ngập rộng ở phía Bắc. 

Những cư dân đầu tiên của khu vực này có thể bị thu hút bởi đất sét biển lắng lại, thứ đất còn màu mỡ hơn nhiều so với than bùn và đất cát sâu trong đất liền. Để tự bảo vệ mình chống lại lũ lụt, họ xây dựng nhà trên những ngọn đồi nhân tạo được gọi là terpen hoặc wierden.

Những con đê đầu tiên đã được kè thấp chỉ trên dưới 1m xung quanh ruộng đồng để bảo vệ cây trồng chống lại ngập lụt. Khoảng thế kỷ thứ 9, nước biển dâng lên và nhiều terpen phải được nâng lên để giữ an toàn. Nhiều terpen kết hợp lại với nhau thành các làng và được nối với nhau bằng những con đê. 

Sau năm 1000, dân số tăng mạnh, tức cần có nhiều đất hơn để canh tác và nhiều nhân lực hơn để trị thủy. Đóng góp lớn trong việc xây dựng đê điều trong thời gian sau đó là các tu viện. Với tư cách là các chủ đất lớn nhất, họ có tổ chức, nguồn lực và nhân lực để thực hiện các hoạt động xây dựng lớn. 

Đến năm 1250, hầu hết các tuyến đê được nối lại với nhau, trở thành hệ thống đê phòng vệ biển liên tục. Bước tiếp theo là chuyển các con đê tiến xa ra biển. Mỗi chu kỳ thủy triều cao và thấp để lại một lớp nhỏ trầm tích. Trong nhiều năm, chúng dần bồi đắp đạt độ cao hiếm khi bị ngập lụt. Sau đó, người ta xây dựng những con đê mới xung quanh khu vực này. Tuyến đê cũ thường được giữ lại như một lớp bảo vệ phòng bị, gọi là “đê ngủ”.

Phương pháp xây dựng đê đã thay đổi qua nhiều thế kỷ. Phổ biến trong thời Trung cổ là phương pháp “wierdijken” - đê đắp bằng đất với các lớp bảo vệ bằng rong biển. Người ta xây đê bằng đất, sau đó lấy rong biển xếp chồng lên nhau ở phía ngoài. Quá trình nén và thối rữa rong biển tạo thành một chất rắn rất hiệu quả trong việc chống lại tác động của sóng. 

Ở những nơi không có sẵn rong biển, người ta dùng các vật liệu khác như lau sậy hay cây liễu gai. Người ta cũng dùng một loại đê khác là đê bằng gỗ, đắp đất ở dưới chân. Tuy nhiên, loại đê này thường bị một loại hà ăn hỏng. Sau đó, người ta phải dùng đá để thay thế, nhưng dùng đá rất tốn kém, vì ở Hà Lan không có nhiều đá nên họ phải nhập khẩu. 

Hiện nay, các con đê được làm bằng lõi cát, bên ngoài phủ một lớp đất sét dày để chống thấm và xói mòn. Người ta cũng dùng một lớp đá dăm bên dưới mớn nước để làm giảm sức mạnh của các con sóng. Lên đến mực nước cao, đê thường được phủ bằng đá bazan hoặc tarmac. Phần còn lại được bao phủ bởi cỏ và bảo dưỡng bằng cách thả cừu. Cừu làm cỏ dày đặc hơn và bám chặt với đất, ngược lại với việc thả trâu bò.

Song song với việc xây các tuyến đê, người Hà Lan cũng đào các hồ chống ngập. Người ta đào những con mương thoát nước để dẫn nước từ các vùng đất dùng để canh tác vào hồ chứa nước. Nước sau đó lại tiếp tục được bơm vào một hệ thống kênh khác để dẫn ra các hồ lớn hơn và cứ như vậy cho đến khi ra biển. Trước đây, người ta dùng các cối xay gió để đưa nước từ hồ chứa này sang hồ chứa khác, ngày nay các trạm bơm thay thế vai trò cối xay gió.

Kiểm soát lũ sông

Ba con sông lớn của châu Âu gồm: Rhine, Meuse và Scheldt đều chảy qua Hà Lan, trong đó sông Rhine và sông Meuse chảy ngang nước này từ Đông sang Tây. Các công trình xây dựng lớn đầu tiên trên các dòng sông được tiến hành bởi những người La Mã. Những con đê sông xuất hiện gần các cửa sông vào thế kỷ 11, nơi nước biển tràn vào có thể gia tăng sự nguy hiểm do mực nước sông cao. 

Các nhà cầm quyền địa phương đã xây đập ở các nhánh sông để ngăn lũ lụt tràn vào đất đai, nhưng lại gây ra vấn đề cho những người sống ở thượng nguồn. Phá rừng quy mô lớn ở thượng nguồn khiến mực nước sông trở nên cực đoan hơn, trong khi nhu cầu về đất canh tác dẫn đến việc xây nhiều đê điều để bảo vệ, khiến không gian các lòng sông ít đi, càng khiến mực nước cao hơn.

Những con đê địa phương bảo vệ làng mạc được kết nối với nhau để tạo ra một con đê lớn hòng ngăn nước sông mọi lúc. Điều này có nghĩa nếu con đê bị vỡ, cơn lũ sẽ có sức tàn phá lớn hơn. Thế kỷ 17 và 18 đã xảy ra nhiều con lũ sông gây nhiều thiệt hại về người. 

Năm 1977, một ủy ban đã báo cáo về sự yếu kém của các đê sông, nhưng có quá nhiều sự phản ứng từ người dân địa phương chống lại việc phá dỡ nhà ở và làm thẳng hoặc gia cố các tuyến đê uốn khúc cũ. Phải đến lúc xảy ra những trận lũ năm 1993 và 1995, làm hơn 200.000 người đã phải sơ tán, người ta mới chấp thuận việc cải tạo lại các con đê sông. Đến nay, nguy cơ lũ sông đã giảm từ 1 lần/100 năm còn 1 lần/1.250 năm.

Những con đê và các công trình kiểm soát nước đầu tiên được xây dựng và bảo vệ bởi những người trực tiếp hưởng lợi từ chúng, chủ yếu là nông dân. Khi những công trình ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn, các hội đồng được lập ra từ những người có lợi ích chung trong việc kiểm soát nước, từ đó các hội đồng nước ra đời. 

Đến giữa thế kỷ 20, có khoảng 2.700 ban kiểm soát nước ở Hà Lan. Ngày nay, sau nhiều đợt sáp nhập, còn lại 27 hội đồng nước. Các hội đồng này có cơ chế bầu cử riêng biệt, thu thuế và hoạt động độc lập với các cơ quan chính phủ khác. Với khả năng kiểm soát nước tốt, người Hà Lan thậm chí có thể tạo ra các vùng ngập tạm thời để ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ thù.

Những công trình hiện đại

Sự phát triển của công nghệ - kỹ thuật trong thế kỷ 20 giúp các công trình ngăn chặn lũ lụt của người Hà Lan ngày càng lớn hơn và hiệu quả hơn. Trong đó, hai công trình quan trọng nhất là Zuiderzeewerken và Deltawerken. Zuiderzeewerken là một hệ thống các đập và các công trình thoát nước. 

Trong đó quan trọng nhất là đập ở Zuiderzee, một vịnh cạn lớn của Biển Bắc. Đập này có tên Afsluitdijk, được xây dựng vào năm 1932-1933, “tách” Zuiderzee ra khỏi Biển Bắc, biến biển Zuider trở thành hồ nước ngọt Ijssel. Hệ thống giúp người Hà Lan có thêm 1.650km2 đất. Cả hệ thống này được xây dựng từ năm 1920-1975, người góp công lớn nhất cho công trình này là kỹ sư Cornelis Lely. 

Deltawerken là một loạt dự án xây dựng ở phía Tây Nam Hà Lan để bảo vệ một khu vực đất đai rộng lớn ở đồng bằng sông Rhine-Meuse-Scheldt khỏi sự xâm nhập của nước biển. Các công trình bao gồm: đập, cống, khóa, đê và các rào cản sóng bão. Mục đích của các đập, cống và các rào cản là để rút ngắn đường bờ biển Hà Lan, từ đó giảm số lượng đê điều phải xây dựng. Cùng với Zuiderzeewerken, Deltawerken đã được Hội Kỹ sư dân sự Mỹ tuyên bố là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.

Vĩnh Cẩm
.
.
.