Hà Nội:

Dây điện xuyên qua phòng ngủ

Thứ Năm, 21/06/2018, 16:30
Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân tại phố Lê Trọng Tấn (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải sống chung với đường dây điện cao thế chạy xuyên qua nhà. Để vào được nhà, vào phòng ngủ, nhiều người phải cúi đầu chui qua những chiếc dây điện trần đã gỉ sét.


Chưa nói đến sự bất tiện, mỹ quan đô thị thì những chiếc dây điện lớn này sẽ rất nguy hiểm khi mùa mưa bão đang tới. Nhiều đơn thư, phản ánh của người dân tới chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn đều vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.

1. Đến khu tập thể Quân đội X20 thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi không khỏi giật mình. Dây điện khắp nơi chằng chịt như mạng nhện, thậm chí đường điện cao thế (không còn điện) còn xuyên qua cả nhà, cả phòng ngủ. 

Dù đây là những ngôi nhà cao tầng kiên cố nhưng từ lâu đã tồn tại hiện tượng "lạ" này khiến người dân ở đây chưa có lấy một ngày sống yên ổn.

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống dây điện cao thế này chạy xuyên qua hàng chục ngôi nhà, đặc biệt hơn có ít nhất 3 nhà đường dây điện trần găm thẳng vào tường nhà. 

Những ngôi nhà khác may mắn hơn thì dây nằm vắt vẻo trên nóc nhà. Các đường dây này được nối với hệ thống cột điện cao chừng 20 mét, phía dưới chằng chịt đủ loại hệ thống dây điện, dây cáp, đồng hồ công tơ. 

Một người dân tại khu tập thể ngán ngẩm: "Anh chị thấy đấy, tôi chưa cần nói đến sự nguy hiểm của các đường dây điện mà về mỹ quan đô thị đã không được rồi. Tôi thấy các hệ thống dây điện trong nội đô đã được xử lý khá gọn gàng, thậm chí được hạ ngầm đảm bảo an toàn, nhưng không hiểu sao ở đây bao nhiêu năm vẫn như thế. 

Tôi xem báo đài thấy có những vụ tai nạn sét đánh khi chơi điện thoại đang sạc trong nhà. Hay sét đánh vào dây điện, cháy chập xảy ra cháy nổ rất nhiều. 

Ở khu chúng tôi, đất chật người đông, hệ thống dây điện xuyên qua nhà thế kia thử hỏi sét đánh phải thì sẽ thế nào. Không chết người thì cũng gây ra cháy chập điện, lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Chỉ có người dân chúng tôi là khổ".

Dây điện trần xuyên qua phòng ngủ khiến người dân vô cùng bất tiện trong sinh hoạt.

Biết chúng tôi tìm hiểu về cuộc sống của những hộ dân sống chung với đường dây điện cao thế, rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc. Họ còn ngán ngẩm nói với nhau: Đến rồi lại về thôi! Việc rõ như ban ngày thế này ai chả nhìn thấy, chẳng qua họ không thích giải quyết hoặc không muốn giải quyết cho nhân dân. 

Dễ hiểu với sự thất vọng của người dân, đơn giản vì họ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để tìm ra phương án, thậm chí cử đại diện viết đơn, phản ánh tình trạng trên nhưng đều không có kết quả. ông Nguyễn Đức Toán (người dân sống trên địa bàn), là một trong những hộ chịu nhiều phiền toái nhất với hệ thống dây điện ở đây liên tục thở dài, tỏ rõ sự ngán ngẩm với những gì đang diễn ra. 

Qua tìm hiểu thực tế, với những gì mắt thấy tai nghe, chúng tôi không khỏi sốc trước cuộc sống của họ.  Tổng thể có 4 đường dây điện chia làm 3 đoạn thẳng chạy song song qua nhà của các hộ dân. 

Những đường dây này bằng kim loại, không được bọc, đường kính áng chừng khoảng 6- 8mm chạy xuyên qua hành lang vào bên trong phòng ngủ khiến việc đi lại hết sức khó khăn. 

Để vào được bên trong phòng, người dân phải vượt qua một đường dây chặn ngang cửa và cầu thang. Bên trong phòng là hai đường dây điện lớn chạy song song, cách mặt sàn chỉ khoảng 1m. 

Ông Toán cho hay: "Tình trạng thế này diễn ra rất lâu rồi nhưng chưa có cơ quan chức năng nào đến giải quyết. Dây dợ loằng ngoằng rất bất tiện cho sinh hoạt, vướng víu đường qua lại, chỗ ở mỗi khi trời mưa sấm sét, các cháu chơi gần rất có thể xảy ra tai nạn. Nhất là mùa hanh khô thế này, sấm sét đánh cháy chập vào dây điện thì rất có thể xảy ra hỏa hoạn" - ông Toán bức xúc.

Sẽ là rất nguy hiểm nếu như trời mưa bão kèm theo sấm chớp.

2. Suốt quá trình tìm hiểu, chúng tôi vẫn cứ thắc mắc tại sao đường dây điện chềnh ềnh như vậy nhưng người dân vẫn có thể xây dựng được nhà. 

Người dân ở đây giải thích rằng, họ đã đưa đơn lên cơ quan chức năng quận Hoàng Mai, việc xây dựng đều đã được sự đồng thuận từ các đơn vị chuyên môn thuộc quận thì họ mới làm. 

Ông Toán nói: "Khi tôi xây dựng có ý kiến lên với quận Hoàng Mai nhưng quận Hoàng Mai không cho xây dựng vì vướng dây điện. Nhưng sau thời điểm 30-4-2016, sau khi có quyết định tháo đường dây này đi tôi mới xin giấy phép xây dựng, vào tháng 6 quận Hoàng Mai có quyết định tháo đường dây điện mới cho tôi giấy phép xây dựng. Nhưng khi họ tháo dây đến khu nhà chúng tôi thì dừng lại, tất cả đều không hiểu tại sao". 

Dẫu biết có đường dây điện chạy qua là nguy hiểm nhưng vì cuộc sống, nhu cầu nhà ở, mở rộng không gian sinh hoạt, các gia đình phải xây đè lên đường dây. Dù đường dây không có điện chạy qua nhưng người dân ở đây chưa khi nào bớt đi lo sợ. 

"Đường dây điện chạy xiên cả qua phòng ngủ của các cháu gái tôi, nơi chúng sinh sống, vui đùa, học tập rõ ràng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm" - ông Toán chỉ về phía phòng ngủ của các cháu nói. 

Thấy ông bức xúc, cháu gái ông Toán tiếp lời: "Con ở đây lâu rồi, việc đi lại của con cũng bất tiện lắm, toàn phải chui luồn qua mới lên giường để ngủ được. Nhất là hôm nào trời mưa to, có sấm sét là con phải chạy sang phòng khác nằm. Con muốn các chú các bác đến tháo dây điện ở phòng của con đi. Bây giờ con lớn hơn, quen với những chiếc dây điện trong phòng rồi, chứ trước kia gần như ngày nào con cũng va chạm, thậm chí còn ngã vật ra vì va phải dây điện…".

Người dân tại đây vẫn chưa hiểu tại sao những cơ quan chuyên trách không gỡ dây điện trên địa bàn của mình.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đây là đường dây điện cao thế phục vụ hoạt động sản xuất trên địa bàn, dù đã có quyết định thu hồi nhưng không hiểu vì lý do gì khi thu hồi đến cụm dân cư này thì dừng lại. Điều khiến người dân vô cùng bức xúc là khi nhân viên thu hồi đường dây đã công khai "vòi tiền" của những hộ có đường dây điện này chạy qua. 

Một chủ hộ (xin được giấu tên) tiết lộ: "Trong quá trình tôi làm, một vài nhân viên bảo tôi là bồi dưỡng số tiền là 15 triệu đồng, thì mới giải quyết được. Tôi chẳng hiểu vì lý do gì mà tôi phải bỏ ra những 15 triệu cả. Tháo dỡ, trả lại không gian cho người dân là nhiệm vụ, trách nhiệm của họ. Kể ra đi vay mượn thì cũng đủ 15 triệu nộp thôi, nhưng vì hoàn cảnh của tôi khó khăn quá tôi nhất định không thể nộp tiền vô lý được. Chính vì thế mà chúng tôi đành phải để và xây dựng vào cả những đường dây điện đó".

Toàn bộ hệ thống dây điện này đều không được bọc, gỉ sét, rất dễ chập chạm với hệ thống điện đang sử dụng. Điều này hoàn toàn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho người dân trong mùa mưa  bão. Rõ ràng việc tháo dỡ những đường dây điện này nằm trong lòng bàn tay của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. 

Không hiểu vì lý do gì mà họ vẫn để, tạo ra những hình ảnh hết sức phản cảm, làm mất mỹ quan thành phố, gây cản trở trong việc xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà cửa của người dân. 

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo của phường Định Công lại cho hay, ở góc độ lịch sử thì khi khu vực dân cư trên được hình thành thì mạng lưới điện này đã có. Tuy nhiên, vì sao những đường dây điện này tồn tại thì phường lại không hề hay biết.

Khi thành phố đang hạ ngầm đường dây điện thì ở đây hệ thống dây điện vẫn chằng chịt, mất mỹ quan đô thị.
Sau khi chúng tôi đến hiện trường tìm hiểu thì đại diện của phường Định Công đã cử người đến tìm hiểu và xác định đường dây điện này thuộc sự quản lý của Công ty Điện lực Thanh Xuân (Tổng Công ty Điện lực Hà Nội).

*Ông Nguyễn Thăng Long, Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết:

Ở góc độ quản lý đô thị, việc tồn tại đường dây trên là không thể chấp nhận được. Nó đã chiếm dụng khoảng không gian của các hộ dân, hạn chế việc xây dựng… Chúng tôi sẽ làm văn bản gửi ngành Điện lực để cắt ngay… vì  dây nằm trên địa phận của nhân dân. Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chấn chỉnh mỹ quan đô thị, lập lại trật tự đường phố, công tác hạ ngầm đường điện. Từ đó để đảm bảo an toàn cũng như mỹ quan thành phố trở nên văn minh, hiện đại hơn.


Song Anh
.
.
.