Hà Nội: Gồng mình chống chọi với dịch bệnh

Thứ Tư, 21/05/2014, 15:42

Những ngày gần đây, dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp. Bệnh nhân nhập viện đông, tiến triển bệnh nặng và nhiều biến chứng vẫn đang là tình trạng chung tại các bệnh viện lớn. Tại Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ khoa Nhi trở thành khu cách ly riêng biệt điều trị hoàn toàn cho bệnh nhân sởi. Gồng mình chống bão "sởi", lo lắng về nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đến độ vào mùa, chưa bao giờ Hà Nội đau lòng như thế!

Một tuần sau dịp lễ, đêm nào ở khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng là những đêm không ngủ. Tối 7/5, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, có thêm 1 trường hợp tử vong do liên quan đến dịch sởi. Bệnh nhân tử vong tại bệnh viện Bạch Mai vào ngày 6/5, tình hình dịch sởi vẫn đang diễn biến cực kì phức tạp. Khoa Nhi được chia thành hai nửa, một dãy phòng điều trị sởi cách ly, dãy còn lại điều trị các bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp nguy hiểm khác cũng trong tình trạng quá tải (4,5 cháu một giường).

Để tránh nguy cơ lây nhiễm sởi cho các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý sẵn có khác, Khoa Nhi BV Bạch Mai đã tiến hành mở rộng khoa để tập trung điều trị bệnh nhân sởi. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng Khoa Nhi: sẽ có thêm gần 30 giường bệnh dành cho khoa được kê thêm tại Khoa Da liễu, dành riêng điều trị những bệnh nhân không mắc sởi để tập trung toàn bộ số giường bệnh tại khoa cho bệnh nhi sởi.

Toàn bộ Khoa Nhi dường như trở thành một pháo đài chống dịch sởi. Tiếp tục thực hiện các yêu cầu của Bộ Y tế về tiến hành phân luồng và bố trí khu vực khám bệnh nhân sởi và nghi mắc sởi riêng tại Khoa Khám bệnh. Kịp thời phát hiện các trường hợp nghi sởi, mắc sởi ngay tại nơi tiếp đón ban đầu để sàng lọc, đưa vào buồng khám sởi riêng. Thực hiện và hướng dẫn người nhà bệnh nhân các quy định về sát khuẩn, đeo khẩu trang, chống lây nhiễm chéo. 

Bên cạnh đó, trước nguy cơ bùng phát các dịch bệnh đang vào mùa, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, xác định đối tượng và các yếu tố, khu vực nguy cơ để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không để dịch bùng phát trong cộng đồng.

Các bác sĩ đang cấp cứu bệnh nhân nhi mắc sởi.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2014, số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đang có xu hướng gia tăng. Năm nay, bệnh tay chân miệng có nguy cơ vướng vào chu kỳ 3 năm có một đợt dịch lớn và nguy hiểm quay lại. Bệnh này có nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không phát hiện, xử lý kịp thời rất dễ tử vong. Nguy hiểm hơn, bệnh không có thuốc đặc trị và vaccine dự phòng nên bệnh sẽ lây lan rộng. Đặc biệt, rất có thể có những trường hợp một bệnh nhi cùng lúc mắc bệnh sởi và TCM. Sau sởi, TCM sẽ là bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết, dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10. Tháng 6 đến tháng 8 sẽ là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía Bắc. Nếu gọi sởi là "bão" thì viêm não Nhật Bản là "siêu bão", do mức độ nặng, tỉ lệ tử vong rất cao, ước tính của thế giới là 20-30%.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về việc phòng bệnh tay chân miệng:

Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng khi chưa có vaccine đặc trị chủ yếu là sử dụng các biện pháp phòng bệnh phổ cập, áp dụng phòng bệnh cho bệnh lây qua đường tiếp xúc. Các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng như giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi. Cho trẻ ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi, rửa tay sạch sẽ trước ăn và sau khi đi vệ sinh. Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh và cho trẻ ăn uống đầy đủ và ngủ, vui chơi hợp lý.

H. Cẩm
.
.
.