Hà Nội cũng có đò đu dây qua sông: Thách thức với tử thần

Thứ Hai, 11/03/2013, 15:50
Với một chiếc thuyền nhỏ, cũ nát người lái dùng 1 sợi dây nối hai bên bờ sông để kéo. Bất kể mùa khô, hay nước lũ dâng cao hơn nửa thế kỷ nay người dân xã Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) đang phải đánh đu với số phận của mình trên dòng sông Nhuệ.

Có đi thử trên những con đò đu dây qua sông mới cảm nhận được sự nguy hiểm của nó. Chỉ một con sóng nhẹ, 1 chút lơ đãng của người lái đò cũng đủ làm con thuyền lại tròng trành, lắc lư chực lật ụp xuống. Đã quá lâu rồi người dân ở đây mong mỏi 1 cây cầu để thoát khỏi cảnh "đánh đu với tử thần". 

Hơn nửa thế kỷ đu dây qua sông

Mưa phùn tầm tã nhiều ngày nhưng những chuyến đò ngang vượt sông Nhuệ vẫn nặng trĩu người sang. Chốc chốc lại có những chiếc thuyền chở cát chạy qua khiến cả dòng sông đen kịt ngầu bọt trắng. Đó là lúc người lái đò phải gồng mình, bấm chặt các ngón tay vào chiếc dây, ghìm chân cho chiếc thuyền mỏng manh khỏi tròng trành.

Vừa lên gân co chiếc dây, ông Đại (người lái đò) vừa hét: "Bình tĩnh nhé! Không sao đâu, mọi người bám chắc vào nhé". Khi đò cập bờ ông Đại lại tất bật bắc chiếc ván gỗ mỏng lên bờ sông để khách dắt xe lên bờ. Mỗi khi hoàn thành chuyến đò là một lần thở phào nhẹ nhõm của cả khách và chủ đò. "Nước sông cạn thế này còn đỡ đấy. Nếu đi vào mùa mưa, ai không quen chắc chả dám đi. Chúng tôi kéo đò cũng rất vất vả. Nhiều khi cũng lo lắm, cả chục người trên thuyền của mình, chẳng có áo phao, không may có chuyện gì thì mình tôi sao mà xoay được?- Ông Đại chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Chính - Trưởng thôn Thạch Nham (Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) nơi có tới 2 chiếc đò đu dây qua sông chia sẻ đầy vẻ lo lắng: "Chúng tôi mong mỏi có cây cầu lâu lắm rồi. Nghe nói nhà nước định xây từ năm ngoái, thấy mấy người về đo đo đạc đạc xong rồi vẫn chưa xây. Hiện cả xã này có 3 con đò đu dây qua sông, đây là những con đò dân sinh, tự người dân tạo ra nhưng lại là cách qua sông duy nhất ở đây".

Xã Mỹ Hưng nằm ven con sông Nhuệ, bên kia sông thuộc địa phận huyện Thanh Trì (Hà Nội). Khi người dân qua sông vào nội thành quãng đường khoảng 5km. Còn đi đường vòng (không qua đò) chừng hơn 20km. Chính vì vậy đi đò qua sông là lựa chọn tối ưu của người dân. Theo quan sát của PV thì những chiếc đò này không được trang bị áo phao, phao cứu sinh. Hơn nữa những chiếc đò ở đây đều đã rất cũ, cái mới tuổi đời cũng lên đến trên 10 năm.

Con đò lâu đời nhất thuộc thôn Thạch Nham, đã lên tới hơn 50 năm. Việc hư hỏng, bục đò khi đang vận chuyển người qua sông là điều chẳng ai nói trước được. Ông Đại (chủ đò thôn Quảng Minh) nói: "Con đò này cũng được gia đình tôi mới đại tu lại đấy. Cách đây ít bữa nó rỉ nước khi đang chuyển khách qua sông, cũng may là lỗ thủng nhỏ, nếu lớn thì chưa biết chuyện gì đã xảy ra".

Con đò nhỏ tròng trành mỗi lần có thuyền máy chở cát đi qua.

Trước đây mọi người qua sông thường đi bằng thuyền nhỏ có người chèo qua. Tuy vậy, khi có các phương tiện lớn hơn như: Xe đạp, xe máy người ta đã sáng tạo ra con đò to hơn và được kéo bằng dây. Chị Nguyễn Thị Hà, người thường xuyên vào khu vực nội thành buôn bán chia sẻ: "Mình là đàn bà con gái, cũng biết qua sông kiểu này là rất nguy hiểm nhưng vẫn phải lựa chọn. Ngày nào tôi cũng phải qua đây ít nhất là 2 lần. Tôi đi chợ ở khu Linh Đàm, cầu Biêu nếu không qua đò chí ít cũng phải mất hơn 1 tiếng. Còn qua đò chỉ mất vỏn vẹn 15 phút".

Trời đã quá trưa, người qua đò dần vắng. Anh Nguyễn Văn Ò (huyện Thanh Trì), ì ạch vác những bao thóc xuống thuyền. Vừa gạt mồ hôi anh Ò vừa lẩm bẩm: "Đò với chả ngang. Ngày nào cũng gần chục lần lụy đò thế này hết cả thời gian". Khuân vác hết số thóc lên đò anh Ò nói: "Quê vợ tôi bên này sông, tôi làm nghề thua mua thóc gạo. Ngày nào cũng qua chiếc đò này khoảng 8 lần. Đò giang thế này cũng bất tiện, nguy hiểm nhưng vẫn phải đi. Nếu đi đường vòng cũng mất hơn chục cây số, còn qua đò chỉ khoảng 2 cây số". Bốc xong hàng anh Ò nhìn xa về phía bên kia sông: "Giá như có cây cầu thì tốt biết bao!".

"Đánh đu" với số phận và ước mơ có một cây cầu

Những chiếc đò dùng dây đu qua sông tại xã Mỹ Hưng được làm bằng xi măng, cốt thép. Chiều dài chừng 3m, rộng khoảng 1,5m, ván sàn của đò được làm từ những chiếc ván thôi (quan tài đã qua sử dụng). Điều đặc biệt nguy hiểm hai bên thành của thuyền không hề có lan can chắn. Thế nhưng những chuyến đò đầy nhất cũng lên tới cả chục người gồm cả xe máy và xe đạp. Ông Đại cho biết: "Những chiếc đò của chúng tôi chở tối đa cũng được khoảng 7 chiếc xe máy và gần 10 người. Còn xe đạp thì khoảng chục cái. Nhiều khi đò nặng nước sát mép đò nhưng do kinh nghiệm nên khó có thể xảy ra sự cố gì cả".

Khách thanh toán tiền công chở cho chủ đò ngày trên sông.

Theo những người dân sống tại đây thì chuyện lật đò nhiều như cơm bữa. Thế nhưng việc qua sông, tiết kiệm đoạn đường khiến chẳng ai còn màng đến sự nguy hiểm. Anh Công Tráng (xã Mỹ Hưng) chia sẻ: "Ồi dào, ở đây toàn dân sông nước. Chẳng may có rơi xuống sông cũng không chết được. Nhiều lần lật đò lắm rồi, nhưng có ai làm sao đâu".

Những chuyến đó đu dây qua sông Nhuệ trở nên nguy hiểm khi mùa nước lên cao. Mùa khô mặt nước sông Nhuệ chỉ rộng khoảng 20m, nhưng vào mùa mưa, nước sông lên cao tới mép bờ, mặt sông rộng 50-60m, lòng sông sâu khoảng 2,5-3m. Khi đó bến đò cũng phải tịnh tiến cao theo, hai đầu dây vịn của người lái đò được chuyển lên buộc vào hai gốc xà cừ cổ thụ. Người kéo đò chỉ cần sơ ý, sức khỏe không tốt có thể tuột tay ra khỏi dây, đò có thể trôi tự do trên sông, rất dễ khiến chiếc đò đổ ụp xuống.

Ông Đại kể lại: "Có lần sơ ý tôi tuột tay khỏi dây, thế là chiếc đò trôi tự do trên sông. Lúc đó có gần chục người đang ngồi trên đò, có cả trẻ em và phụ nữ. Cũng may là tôi đã làm công tác tư tưởng nếu không họ nhảy cả xuống sông thì chết. Sau khi khuyên mọi người tôi phải nhảy xuống sông kéo con đò dạt dần vào bờ để khách an toàn. Nước chảy xiết nên đò đã trôi tự do hơn 1km".

Công đoạn đưa xe lên bờ cũng vô cùng nguy hiểm.

Ông Doãn, người gần bến đò Đan Thầm chia sẻ, số lần người bị ngã xuống sông là không thể kể hết, chính bản thân ông đã từng phải lặn xuống sông để vớt xe máy của mình lên. Trường hợp tai nạn thương tâm thì chưa xảy ra, tuy vậy do nước sông ô nhiễm nhiều người được vớt lên về nhà cũng phát bệnh vì uống phải. Điều khiến người ta lo ngại nhất, tại đây còn có một lượng lớn học sinh đi đò đu dây tới trường mỗi ngày. Đã nhiều lần lái đò tuột dây khiến học sinh hoảng loạn. May mắn có người cứu giúp nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra.

Theo quan sát của phóng viên, dọc bên bờ sông Nhuệ thuộc xã Mỹ Hưng có tới 3 chiếc đò đu dây. Cách xã Mỹ Hưng không xa là làng Khúc Thủy (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) cũng rải rác 4 con đò đu dây nhỏ. Đây là những con đò chỉ sử dụng cho người đi bộ. Mỗi lần khách qua sông, chủ đò thường thu 1.000 - 2.000 đồng/người, hoặc 2.000 - 4.000 đồng gồm cả người và xe máy, tùy thuộc vào người lạ hay quen, có thường xuyên qua đò hay không.

Cứ như thế, hơn nửa thế kỷ nay, người dân xã Mỹ Hưng phải "đánh đu" với số phận của mình trên con sông Nhuệ. Một cây cầu bắc qua sông là niềm mơ ước của bao người dân vùng ốc đảo thuộc Hà Nội này.

Ông Nguyễn Văn Mát, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng nói, tháng 11/2010, UBND thành phố đã có văn bản đồng ý đầu tư xây dựng cho xã một cây cầu dân sinh theo đề nghị của UBND xã Mỹ Hưng cũng như nguyện vọng của người dân nơi đây. Dự kiến trong năm 2013 sẽ khởi công xây dựng cầu qua sông Nhuệ tại khu vực xã Mỹ Hưng để đảm bảo cho người dân qua lại. Quả thực, khi người dân qua sông bằng phương tiện đò ngang là vô cùng bất tiện và nguy hiểm. Việc xây dựng cầu qua sông Nhuệ không chỉ thuận lợi cho bà con mà còn tạo điều kiện cho xã Mỹ Hưng phát triển về kinh tế

Tiêu Phong - Ngọc Anh
.
.
.