Hà Nội "mùa" đào bới vỉa hè, lòng đường

Chủ Nhật, 22/12/2019, 08:52
Một tuần trở lại đây, các chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội liên tục nhảy vọt, khi các phương tiện tham gia giao thông giảm đáng kể.

Trong khi đó, tại các tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tân Xuân, Nguyễn Trãi, Trần Xuân Soạn, Thi Sách… bụi mù mịt phát ra từ các công trình xây dựng. 

Cùng với đó nhiều tuyến phố lại bị đào xới để chôn lấp đường ống, lát đá vỉa hè... Việc thi công không đảm bảo vệ sinh môi trường khiến người dân phải hứng chịu "bão bụi",  gây mất an toàn giao thông.

"Đại công trường" cuối năm

Những ngày này người dân đi qua các tuyến phố Trần Xuân Soạn, Thi Sách, Ngô Thì Nhậm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) gặp phải nhiều khó khăn do vỉa hè đang cậy lên để lát đá xanh. Theo một số công nhân ở đây cho biết, việc thi công sẽ diễn ra vào ban ngày, buổi sáng bắt đầu từ 7h - 11h30, buổi chiều từ 13h30 - 17h.

Ông Nguyễn Văn Đức (nhà ở phố Trần Xuân Soạn) chia sẻ: Từ ngày thi công lát lại vỉa hè, đường bụi bẩn hơn; việc này không chỉ gây phiền toái cho người tham gia giao thông mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường. 

Nhiều người dân ở đây cho rằng, công việc này làm cho vỉa hè đẹp hơn, đường xá khang trang hơn, nhưng không hiểu vì sao cả năm không triển khai mà lại đúng dịp cuối năm mới làm. 

Việc này không chỉ cản trở công việc kinh doanh của người dân mà còn cản  trở cả việc đi lại vì người dân phải đi hết xuống lòng đường trong khi lưu lượng phương tiện ngày một gia tăng. Đấy là chưa kể việc sửa vỉa hè, vật liệu tập kết từ góc này đến góc kia, cộng thêm tình trạng đào đào, bới bới nên người già, trẻ con đi không cẩn thận là hụt chân. 

Chủ một quán cà phê trên phố Hàng Chuối thì cho hay, từ ngày làm lại vỉa hè, lượng khách đến quán này giảm tới 60% do bụi. Việc thi công và tập kết nguyên, vật liệu trên vỉa hè khiến người đi bộ qua đây phải đi xuống lòng đường, hoặc rất vất vả vượt qua các bãi vật liệu xây dựng.

Đường Nguyễn Trãi trong quá trình sửa chữa.

Chẳng riêng gì việc đào vỉa hè, cũng thời gian này người dân sống trên trục đường Nguyễn Trãi, hay có việc lưu thông trên tuyến này cũng lấy làm bức xúc bởi… bụi công trường. 

Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu tháng 12, Hà Nội tiến hành duy tu nhiều tuyến đường nội đô như Nguyễn Trãi, Hoàng Cầu, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn... 

Công nhân sử dụng máy nén khí công suất lớn thổi bề mặt đường trước khi trải nhựa khiến bụi bay mù mịt vào người đi đường trong đêm. Lý giải về điều này, lãnh đạo Ban quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội cho hay, theo kế hoạch của Sở, từ nay đến trước Tết Nguyên đán, một số tuyến đường xuống cấp sẽ được duy tu, trải thảm. 

Trong đó, đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đi cầu Trắng (Hà Đông), dài hơn 5km sẽ được thảm xong trước ngày 1-1-2020. Trong quá trình sửa đường, việc vệ sinh làm sạch và khô bề mặt nền đá dăm hay lớp bê tông nhựa cũ đã cào bóc là giải pháp bắt buộc trong quy trình làm đường; nhằm đảm bảo độ dính bám cho lớp nhựa xuống mặt đường. 

Tuy nhiên, giải pháp dùng máy nén khí thổi bụi không phù hợp trong khu vực nội đô, vì bụi bay vào người đi đường. Vì vậy Ban quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông đã chuyển sang thí điểm dùng máy hút bụi. 

Cụ thể từ  tối 16-12, đơn vị đã thí điểm dùng máy hút bụi thay cho máy thổi bụi ở các công trình duy tu trên đường Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn.  Xe hút bụi vừa hút vừa phun hơi nước, mỗi lượt di chuyển 30m, bước đầu cho thấy không còn tình trạng bụi bay mù mịt ở công trường như trước.

Sửa đường, lát vỉa hè để… giải ngân?

Từ tháng 5-2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1866/QĐ- UBND phê duyệt danh mục công trình cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ năm 2019. Theo đó, danh mục 47 công trình phê duyệt được chia thành 4 hạng mục. 

Cụ thể, xén dải phân cách mở rộng mặt đường kết hợp với chỉnh trang cây xanh, thảm cỏ trên dải phân cách đường phố Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy); dải phân cách đường Liễu Giai và đường Văn Cao (quận Ba Đình); cải tạo, sửa chữa đường phố Trung Liệt và các nút giao giữa phố Trung Liệt với Đặng Tiến Đông, Thái Hà, Thái Thịnh (quận Đống Đa); cải tạo, sửa chữa và xén dải phân cách mở rộng mặt đường phố Yên Lãng - Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và cải tạo, sửa chữa tuyến đường nối từ quốc lộ 21 thuộc địa phận xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. 

Thành phố cũng phê duyệt danh mục 21 công trình nằm ở hạng mục các tuyến đường trục chính, xuyên tâm, đường vành đai, quốc lộ, đường trung tâm các quận, huyện, thị xã đến kỳ sửa chữa để phục vụ Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng. 

Ngoài ra, có 6 tuyến đường đến kỳ sửa chữa; 11 tuyến đã bị hư hỏng nền mặt đường gây bức xúc dân sinh và mất an toàn giao thông đã được thành phố phê duyệt cải tạo, sửa chữa. 

Trước đó, vào cuối tháng 3-2019, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn", quyết định này đưa ra danh sách gần 100 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, lát hè bằng đá tự nhiên.

Vỉa hè phố Trần Xuân Soạn đang được "thay áo mới".

Một câu hỏi được đặt ra, rõ ràng mọi chủ trương, kế hoạch đã được ban hành từ khá sớm, nhưng vì sao cứ phải "dồn dập" vào cuối năm? Được biết, việc sửa chữa vỉa hè giờ đã được Hà Nội phân quyền cho các quận huyện lên kế hoạch, còn sửa chữa đường lớn thuộc trách nhiệm của Sở GT-VT Hà Nội.

Lý giải về việc đào đường, xới vỉa hè dịp này, ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho hay, là do cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện, đồng bộ nên cuối năm cần được bổ sung, hoàn thiện để đường sá đẹp hơn vào dịp năm mới. 

Thế nhưng, theo phân tích của một số chuyên gia, cuối năm đường sá "vào mùa" đào bới là do các địa phương "chạy" cho kịp… chỉ tiêu giải ngân. Hoạt động này thường không được ưu tiên kinh phí vào dịp đầu và giữa năm mà khi đến cuối năm, các địa phương còn kinh phí mới thực hiện giải ngân vào các công trình này.

Trước vấn đề cuối năm mới giải ngân nguồn kinh phí để các đơn vị tiến hành thi công các công trình hè đường phục vụ dân sinh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cơ quan chức năng cần điều chỉnh trong cách làm, thậm chí trong cách nghĩ. 

Các kế hoạch sửa chữa cần được lên kế hoạch một cách tổng thể và dài hạn để từ đó có thời gian thẩm định, đánh giá vào những thời gian phù hợp. Có thể ưu tiên sửa chữa những tuyến phố ít cửa hàng và người dân vào dịp cuối năm, còn dịp trong năm thì sửa chữa các tuyến phố có nhiều hộ kinh doanh để hạn chế ảnh hưởng tới người dân.

Thực tế, chuyện đào đường, sửa đường vào dịp cuối năm đã gần như trở thành chuyện "đến hẹn lại làm" của Hà Nội. Tuy nhiên, nêu suy xét kỹ, về điều kiện giao thông, cuối năm tuyệt đối không phải là thời điểm phù hợp để đào xới vì lưu lượng gia tăng, dễ gây ùn tắc. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thời tiết hanh khô, ô nhiễm không khí liên tục được cảnh báo. 

Về tính kinh tế, cuối năm giá cả vật tư và nhân công đều tăng nên việc thi nhau lát hè, sửa đường, có lẽ không phải là một phương án tiết kiệm. Về tính hiệu quả, những dự án kiểu này chưa hẳn đã đạt mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và chỉnh trang đô thị. Bởi hôm trước lát đá, hôm sau vỉa hè lại có thể bị đào lên để hạ ngầm, làm cống. Tháng trước xén dải phân cách giữa, tháng sau ùn vẫn hoàn ùn… 

Loại trừ các lý do trên, chỉ còn 2 yếu tố có thể khiến cho việc sửa đường diễn ra cấp tập cuối năm, đó là tiến độ giải ngân hoặc mức độ ưu tiên dành cho các dự án. Bởi vậy, người dân cần một câu trả lời từ phía cơ quan chức năng thành phố về mục đích thực sự của việc đào hè, sửa đường cấp tập cuối năm…

Nhật Uyên
.
.
.