Hà Nội muốn siết chặt nhập cư: Vòng luẩn quẩn của người làm luật

Thứ Ba, 23/10/2012, 16:03
Những thông thoáng về điều kiện nhập khẩu vào nội thành Hà Nội đang đứng trước khả năng bị bỏ khi dự án Luật Thủ đô siết chặt điều kiện nhập cư được thông qua. Và như thế nghịch lý: Làn sóng cán bộ, công chức ở các tỉnh sau khi nghỉ hưu về Hà Nội khá nhiều, họ dễ dàng có nhà cửa, đất đai và và hộ khẩu. Trong khi đó, lao động trẻ, dù cống hiến trọn đời nhưng không thể có nhà hoặc thuê được nhà dài hạn, hộ khẩu là điều xa vời… ngày càng trầm trọng.

Hộ khẩu: Từ chặt đến thoáng, thoáng rồi lại chặt!

Khoản 4, Điều 21, dự án Luật Thủ đô (mới nhất) quy định: "Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại nội thành: Trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật Cư trú; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú".

Còn định hướng dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, xác định bổ sung điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương là tăng thời gian tạm trú lên 3 năm, diện tích mặt sàn chỗ ở tối thiếu 5m2/người đối với chỗ ở cho thuê, mượn, ở nhờ. Riêng đối với nội thành Hà Nội, Luật Cư trú dự kiến qui định "phải có chỗ ở hợp pháp là nhà thuộc sở hữu hoặc được cho thuê lâu dài và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 2 năm trở lên".

Như vậy, điều kiện nhập khẩu vào Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ siết chặt hơn nếu các dự luật trên được thông qua.

Ngoài thời hạn tạm trú nâng từ 1 năm lên 3 năm thì trụ cột sửa đổi lần này xoay quanh vấn đề nhà ở.

- Trường hợp "có nhà ở thuộc sở hữu của mình" thì mọi thủ tục đơn giản hơn, chỉ thay thời hạn tạm trú tại chính nhà đó từ 1 lên 3 năm.

Nhiều công chức làm việc ở các tỉnh, sau khi nghỉ hưu về Hà Nội dễ dàng mua nhà và nhập khẩu, trong khi người lao động cống hiến ở Hà Nội lại rất khó khăn.

- Trường hợp nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ, quy định hiện hành chỉ yêu cầu "người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản" là đủ, trong khi dự luật sửa đổi đưa ra rất khắt khe. Quy định mới gạt bỏ hai yếu tố "ở nhờ, ở mượn", chỉ còn lại "ở thuê". Điều kiện nhà ở thuê phải là "được cho thuê lâu dài và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 2 năm trở lên" và nhà thuê phải "của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở". Điều kiện này trên thực tế hầu như "bó tay" người ở thuê, bởi lẽ:

+ Hầu hết các nhà cho thuê hiện của tổ chức, cá nhân cho thuê ngắn hạn, nếu có dài hạn cũng không xác định được "cho thuê lâu dài" do khái niệm này rất trừu tượng. Chỉ có những nhà cho thuê của tổ chức, doanh nghiệp như xây nhà ở xã hội cho thuê được thành phố cấp phép mới có khái niệm "cho thuê lâu dài", nhưng tỷ lệ nhà cho thuê loại này rất hiếm. Phần lớn người ở thuê không thể thuê được nhà cho thuê loại này.

+ "Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú", tức phải chính nơi "cho thuê lâu dài". Có nghĩa, không còn khả năng thuê một nơi, sau chuyển đi chỗ khác (thuộc cùng thành phố) cũng được đăng ký hộ khẩu như hiện hành. Những trường hợp này như phân tích trên, tỷ lệ rất hiếm và để được đăng ký rất phức tạp bởi để chứng minh "nhà cho thuê dài hạn", "tạm trú liên tục tại chỗ đó", "nhà có đăng ký kinh doanh" là rất khó khăn. 

Để "có nhà ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình", như nhiều người tính toán "lương Bộ trưởng phải gom ít nhất 40 năm".

Thực tế đó khiến dự luật quy định siết chặt điều kiện nhập cư vào nội thành Hà Nội tạo ra sự phân biệt giai tầng. Những người giàu, kinh tế khá (có nhà ở hoặc thuê được nhà dài hạn) dễ dàng mua nhiều nhà và nhập khẩu cho tất cả những người này. Ngược lại, người nghèo, người có mức sống trung bình, cán bộ, công chức hưởng lương thuần tuý gần như không có cơ hội nhập khẩu. Người chỉ hưởng lương, các khoản thu nhập trung bình dù có năng lực, trình độ, tâm huyết, dù cống hiến suốt đời tại Hà Nội cũng khó có thể có nhà ở hoặc thuê được nhà dài hạn, đồng nghĩa không thể được nhập khẩu Hà Nội. Đó là nghịch lý và hoàn toàn không mang tính nhân văn trong quy định của một đạo luật.

Việc siết chặt nhập khẩu có hạn chế được dân cư?

Mục đích siết chặt là để hạn chế nhập cư. Điều này thực tế không đúng.

Số nhân khẩu thường trú ở 10 quận nội thành Hà Nội là hơn 2,2 triệu so với hơn 6,4 triệu nhân khẩu của 29 quận, huyện toàn thành phố. Có ý kiến cho rằng, sự mất cân đối về phân bố dân cư này một phần là do sự sơ hở, bất cập khi nới lỏng điều kiện đăng ký thường trú. Tuy nhiên, về mặt khoa học, việc dân số nội  thành mật độ cao hơn nhiều so ngoại thành là khách quan. Việc di dân từ nông thôn đến thành thị là quá trình tự nhiên, diễn ra ở mọi quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới và có từ xa xưa. Công dân đến Hà Nội cư trú là theo nguyện vọng về điều kiện lao động, học tập, sinh sống.

Lưu ý rằng: Hiện đang diễn ra làn sóng cán bộ, công chức ở các tỉnh, sau khi nghỉ hưu, có dư dả tiền bạc thì về thành phố sinh sống cùng con cháu. Những trường hợp này đều dễ dàng mua được nhà ở Hà Nội (thậm chí rất nhiều nhà) và đăng ký hộ khẩu cho tất cả các thành viên.

Trong khi đó, rất nhiều lao động làm suốt đời ở Hà Nội lại không thể có hộ khẩu vì không mua được nhà và cũng không thể thuê được nhà dài hạn của tổ chức, cá nhân. Đó là nghịch lý: Người già không lao động, dễ dàng được nhập khẩu; còn người lao động, đang cống hiến, lại không thể!

Nguyên tắc, người dân sinh sống ở đâu thì phải có hộ khẩu ở đó. Không cho nhập khẩu, họ vẫn buộc phải bám trụ tại Hà Nội với hình thức tạm trú. Làn sóng di cư về Hà Nội tạm trú của người lao động cũng không vì thế giảm đi, họ vẫn tá túc để lao động, kiếm kế sinh nhai. Từ đó, tạo ra một lớp người rất đông đảo, tuy ngụ cư tại Hà Nội lâu dài nhưng lại mang hộ khẩu ở các tỉnh, vừa khó khăn cho chính họ, lại vừa khó trong quản lý và đây là môi trường bùng phát tiêu cực, tham nhũng trong "chạy" hộ khẩu.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu các sức ép từ dân số ở đô thị như Hà Nội, cách khoa học nhất là áp dụng biện pháp kinh tế - xã hội, mở rộng quy mô đô thị vệ tinh, di chuyển trường đại học, công sở, nhà máy, nhà cao tầng ra ngoại thành chứ không phải dùng biện pháp hành chính.n

Nhiều công chức làm việc ở các tỉnh, sau khi nghỉ hưu về Hà Nội dễ dàng mua nhà và nhập khẩu, trong khi người lao động cống hiến ở Hà Nội lại rất khó khăn.

Nên quản lý hộ khẩu ở Hà Nội theo cách "mềm"

Theo GS, TS, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm, trên thế giới chỉ có ba nước là Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên và Việt Nam có phương thức quản lý công dân bằng hộ khẩu. Hộ khẩu phát sinh đầu tiên ở Trung Quốc. 

Về giải quyết mâu thuẫn giữa tự do cư trú và hạn chế dân số, hạn chế nhập hộ khẩu vào một số khu vực, địa bàn... nhất là vào các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung hiện nay, có thể nghiên cứu, học tập kinh nghiệm hay của Trung Quốc để giải quyết vấn đề này. Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, để đỡ gánh nặng của Nhà nước, để cư trú lâu dài ở thành phố, đô thị, công dân có trách nhiệm phải đóng góp cho Nhà nước một số tiền để hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, bệnh viện, trường học... mà họ sẽ là người sử dụng. Đây chính là một biện pháp để giải quyết hài hòa giữa nhu cầu chính đáng của nhân dân với yêu cầu quản lý xã hội tại các khu vực địa bàn đô thị.

Để giảm tải sức ép dân cư, cần áp dụng biện pháp kinh tế - xã hội, cải thiện hạ tầng chứ không phải hành chính.

Bắc Kinh: Mua bán hộ khẩu tràn lan

Theo báo chí Trung Quốc, chạy hộ khẩu Bắc Kinh có từ lâu nhưng việc thành phố hạn chế cấp phép nhập khẩu cho người dân di cư, chỉ khoảng 6.000 trong số hơn 100.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2011 so với 18.000 sinh viên trong năm 2010 khiến dịch vụ này có cơ hội phát triển và tăng giá chóng mặt. Những lời rao hiện diện trên tất cả các trang web tìm kiếm, thậm chí ngay cả trên các bảng tin mạng của trường đại học với giá từ 150.000 đến 300.000 NDT (tương đương 23.000 - 46.000 USD). Nếu Hà Nội siết chặt nhập khẩu, chúng ta dễ dàng lặp lại chuyện tương tự Bắc Kinh. Cách đây vài năm, khi Hà Nội dừng đăng ký xe máy ở 4 quận trung tâm, lập tức bùng phát nạn mua bán quyền đăng ký xe máy với giá trọn gói vài triệu đồng mỗi biển số.

Văn bản ăn theo hộ khẩu sẽ "sống lại"?

Dưới thời kỳ bao cấp, sổ hộ khẩu cực kỳ quan trọng, vì nó gắn liền với sổ gạo. Ngày nay, hộ khẩu đã được đổi mới. Tuy nhiên, nhiều gia đình cư trú dài hạn tại Hà Nội và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn chưa được nhập khẩu khiến những con em trong gia đình này khó khăn khi đi học, hưởng các dịch vụ cộng đồng. Năm 2006, khi Luật Cư trú được ban hành, hơn 400 văn bản ăn theo hộ khẩu được bãi bỏ. Nếu siết chặt trở lại, các văn bản "ăn theo" hộ khẩu từng bị bãi bỏ có nguy cơ "sống lại"!

Đ.Trường
.
.
.