Hà Nội nhìn từ trên cao

Thứ Tư, 25/02/2015, 09:00
Có một ngày chủ nhật thật lãng mạn đến với tôi, khi có mặt trên tầng thứ 72 (ở độ cao 350m) của tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, nằm trên đường Phạm Hùng. Có thể nói, đây là công trình kiến trúc cao nhất Đông Dương. Ai ai cũng thật sự choáng ngợp trước một hình ảnh thành phố Hà Nội bao la và huyền ảo hiện ra trước mắt. Biết bao công trình đang mọc lên hoành tráng làm quyến rũ lòng người.

Tôi bồi hồi hướng mắt về những con phố cổ, một giai điệu rung lên từ đâu đó, với những câu ca thân thương: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...”. Tôi thầm hát và như mơ về một quá khứ hào hùng về một Hà Nội ngàn năm đi lên trong nắng Ba Đình...

Những cây cầu và những cung đường mới

Từ trên tòa cao ốc này, ta có thể nhìn dọc con đường lớn dẫn tới cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, một cây cầu hiện đại hai tầng giao thông tồn tại đã ba mươi năm. Nhưng chỉ nhìn chếch sang bên phải chừng hơn hai cây số, cây cầu mới Nhật Tân đã được khánh thành mới đây, vào đầu tháng 1/2015. Đó là câu chuyện thần kỳ của Hà Nội chào đón năm mới. Bởi lẽ, cây cầu này được hiện lên trong con mắt bạn bè quốc tế, ở một vẻ đẹp của sắc cầu vồng, với 6 nhịp dây văng liên tục trên 5 trụ tháp. Tổng chiều dài toàn cầu là 3.755m. Và đây cũng là cây cầu dây văng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời được coi là một trong những cây cầu hiếm có trên thế giới.

Có điều thật thú vị hiện ra. Đó là chuyện cây cầu mới có vài ba tháng tuổi này diễm lệ bao nhiêu thì đối diện là cây cầu cũ Long Biên, một con rồng sắt hơn trăm năm tuổi, lại càng trầm mặc bấy nhiêu. Một bên thì thầm như muốn kể lại những câu chuyện cổ và những đêm oằn mình dưới bom đạn giặc Mỹ một thời. Còn một bên là đứa con mới sinh ra với bao ước vọng vươn xa về những chân trời mới.

Cầu Nhật Tân nối con đường từ trung tâm thành phố chạy thẳng tới ga quốc tế Nội Bài. Đồng thời, đây chính là con đường đã được mang tên Võ Nguyên Giáp, đúng với nguyện vọng của mọi người dân muốn tôn vinh và ghi công của một vị tướng lừng danh thế giới. Cầu Nhật Tân là cây cầu thứ 7 được bắc qua sông Hồng và thêm một cung đường của Hà Nội, tạo nên một huyết mạch giao thông dẫn đi năm châu bốn biển, với một quy mô tổ chức bay hiện đại vào bậc nhất.

Cùng với những cây cầu và những khu đô thị vệ tinh đang được hình thành, Hà Nội đã hiện lên những cung đường mới. Chúng đã được gắn tên mới với 28 phố và 6 cung đường mở rộng đi khắp bốn phương. Từ độ cao 350m này, nhiều người đã chụp được những bức ảnh hết sức thú vị về những con phố mới, như những giây âm thanh hòa với cung đàn muôn điệu 36 phố cổ.

Những con phố đẹp với những hàng cây con mới trổ búp như phố Thép Mới, Tố Hữu, Đoàn Khuê, Bạch Thái Bưởi... Đó là những cái tên phố vang lên như những bài thơ bên những phố Hàng xưa nhộn nhịp với bài xẩm tàu điện bên chợ Đồng Xuân. Đặc biệt, nếu kéo ống kính viễn vọng lớn, ta có thể nhìn thấy khu đô thị Việt Hưng, với hàng chục tòa nhà cao tầng thật sự khang trang, chuẩn bị đón 6.500 hộ trong khu phố cổ chuyển đến.

Hà Nội nhìn từ Keangnam.

Trong một tương lai gần, Hà Nội còn có nhiều mô hình vận chuyển dân sinh để phát huy được thế mạnh về những long mạch mới đang hình thành cả bốn phương của miền đất có phong thủy, núi sông sau trước. Một hình ảnh lung linh về Hà Nội của dự án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Nhìn rộng ra như thế mới thấy sự mở rộng Thủ đô trong gần 7 năm qua, Hà Nội vạm vỡ ra, với nhiều mô hình kinh tế lớn. Hàng trăm hạng mục công nghiệp đang hoạt động với biên độ kéo dài hàng trăm cây số chung quanh năm đô thị vệ tinh, ngày càng lớn mạnh. Như người xưa nói, Thăng Long ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục đang được nhân rộng.

Nếu nhìn từ ngôi nhà 72 tầng này, ta có thể nhìn rõ dãy núi Ba Vì, với những hàng mây trắng trôi trên trời xanh, mới thấy một bố cục phong thủy tạo nên những can long mạch bảo vệ Thăng Long-Hà Nội, càng kiến tạo vững mạnh nơi đây đúng là thượng đô kinh sư mãi muôn đời, đúng như lời hịch vang lên trong chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn, năm 1010.

Cho mãi mãi bầu trời xanh Hà Nội

Mới đây, trong Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nổi lên một vấn đề trung tâm: “Phấn đấu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Như vậy nếu từ trên độ cao 350m, ta có thể nhìn thấy được những hình ảnh của một tương lai Thủ đô văn minh, hiện đại thì nơi đây, mọi người cũng có thể nhìn ra những hành lang xanh. Đó là những đường cây và vườn hoa đang được hình thành đúng với nghĩa bảo vệ một môi trường sạch.

Đồng thời, trong dự án nhìn về tương lai năm 2050, Hà Nội dành 70% diện tích đất tạo hành lang xanh. Đó là gương mặt của một “Thành phố Hòa Bình” xanh, sạch đẹp với những con người yêu hòa bình của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đồng thời, tư duy xanh lấy làm tiêu chí đầu tiên trong nhiệm vụ chính trị, đúng với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ đạo ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng. Đó là từng bước nhìn mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Đó là những dải cây xanh mọc lên trong “Tết trồng cây” mà Người đã khởi động để tạo nên những cung đường mùa xuân đất nước.

Đường xuân là con đường cây xanh mọc lên trong tâm trí và tình cảm trong mỗi chúng ta. 55 năm trôi qua, từ khi Bác Hồ trồng cây đa đầu tiên tại Công viên Thống Nhất, vào đầu năm 1960, thì cái tên “Cây đa Bác Hồ” thiêng liêng được dựng lên như những tượng đài xanh chỉ lối cho một con đường. Ngay cả vào những thời điểm sôi sục lửa đạn khi giặc Mỹ leo thang tập trung lực lượng không quân đánh phá miền Bắc nước ta, vào năm 1965, triết lý xanh cho một cuộc sống hòa bình dân tộc lại thêm một lần vang lên những vần thơ đánh át tiếng bom đạn kẻ thù. Lẽ sống của dân tộc được hình tượng hóa cho sức sống bất diệt: “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Vào những ngày đầu tiên Bác phát động “Tết trồng cây”, hàng triệu người Thủ đô đã hồ hởi tham gia trồng cây gây rừng. Nhiều địa phương đã đưa ra những chỉ tiêu trồng cây cho mỗi gia đình và trên mỗi diện tích đất trong làng xã và thôn xóm. Hàng triệu cây xanh đã mọc lên trên mỗi cánh đồi trọc và trên những khoảng đất trống của rừng thưa. Nhà nhà trồng cây, người người trồng cây theo lời Bác kêu gọi. Từ ông già đến trẻ em đều có ý thức đem lại màu xanh cho sự sống thiên nhiên. Nhiều lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng vào cuộc vận động cho “Tết trồng cây” làm theo lời Bác đã đem lại không khí sôi nổi mỗi khi mùa xuân về. 

Tư tưởng của Bác Hồ ngày càng sâu sắc. Đó là ngọn đuốc chỉ đường cho một tương lai của dân tộc ta trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Nếu điểm lại những vụ cháy rừng, hay những trận lũ lụt liên tiếp xảy ra trên vùng cao, mới thấy triết lý của Bác trong “Tết trồng cây” mới thấu tình đạt lý làm sao. Sự hối hận đã trở nên muộn màng khi con người triệt phá rừng cây. Bọn lâm tặc là những kẻ tội đồ cần phải trừng phạt.

Nhưng con người nếu không có trách nhiệm với mỗi cây xanh, mỗi cánh rừng cũng sẽ trở nên đồng phạm phá hoại màu xanh và tàn phá sự sống của chính mình. Mỗi cây xanh bị đốn chặt là một tội ác. Mỗi cánh rừng cháy rụi là một rừng tội ác. Hạ sát thiên nhiên bao giờ cũng để lại hậu quả lâu dài. Và máu người lại đổ xuống. Mạng người lại bị vùi lấp trong những cơn lũ tràn về bất ngờ, hay những trận lở núi ập xuống đem lại tai họa khó lường.

Khi ấy, triết lý màu xanh cho sự sống của Bác Hồ lại vang lên những lời cảnh báo qua cuộc vận động “Mùa xuân là Tết trồng cây”. Chính vì một tương lai của “Tết trồng cây”, thêm một lần Bác nhắc nhở chúng ta, khi Người lên tận Ba Vì để trồng cây trên đất rừng, vào những ngày xuân năm 1969. Ai cũng biết đó là năm thứ 10 của cuộc phát động “Tết trồng cây”.

Hẳn nhiều người thấu hiểu vì sao năm ấy Người lại lên rừng trồng cây. Mặc cho sức khỏe đã yếu, nhiều người lo ngại đường xa khó đi, nhưng Bác vẫn lên đường. Tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, một vùng núi cao có nhiều bản làng người dân tộc thiểu số sinh sống, Người đã trồng một cây đa mới. Đó là một lời khẳng định về giá trị của việc trồng cây xanh cho một tương lai và cho sự thân thiện của con người với thiên nhiên. Đó cũng là một cây xanh cuối cùng khi Bác Hồ đi xa. Sau này, ai cũng biết, trong bản di chúc của mình để lại cho thế hệ mai sau, Người cũng dành cho những lời quý báu về công việc trồng cây.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...

Tôi ngắm những nụ cười của các cô gái đang soi Hà Nội qua ống kính viễn vọng trên tầng cao với nhiều cảm xúc mới lạ. Những câu thơ cổ của một Thăng Long xưa lại hiện về qua hình ảnh thanh lịch kinh kỳ. Đó là hình ảnh về một thành rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, trầm ẩn, khoan thư hòa ái. Những điều này đã tạo nên những cốt cách thanh lịch, hòa bình cho con người Thủ đô.

Hà Nội, sau bộ “Luật Thủ đô” ra đời, với chủ trương lớn về một “Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Đảng bộ thành phố đang ngày càng phát huy sự lãnh đạo sáng suốt, để hướng tới sự phát triển đúng hướng cho mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đúng với nghĩa đất lành chim đậu. Xưa đã thế, nay vẫn thế. Với mảnh đất gần 8 triệu người sau khi Thủ đô mở rộng. Xưa đất đã khí vượng, nay đất càng thanh quý nên người càng đông. Hội tụ ngày một vẻ vang.

Duy Anh
.
.
.