Hà Quang Minh: Sống trọn một bằng hữu... rồi viết!

Thứ Bảy, 29/06/2013, 16:16

Tôi muốn mở đầu bài viết này bằng những dòng của nhà thơ Du Tử Lê viết về anh trong cuốn sách mới nhất: "Dưới những ngón tay tôi" mà anh vừa ra mắt bạn đọc đầu tháng 6 này: "Với tôi, Hà Quang Minh là một hào thủ trẻ tuổi hiếm hoi mà chúng ta có được trong sân chơi văn học nghệ thuật Việt hôm nay…Tôi muốn nói, từ thi ca tới âm nhạc, từ tùy bút tới truyện ngắn, từ bình luận bóng đá trên màn ảnh nhỏ tới những tản mạn văn học, xã hội…ở lĩnh vực nào, Hà Quang Minh cũng xuất hiện như một chân dung ứng hợp, tương thích nhất".

1. Tôi gặp Hà Quang Minh muộn… một đêm Hà Nội lưa thưa mưa. Chúng tôi chạm mặt nhau nơi ngõ Tống Duy Tân. Một con ngõ hẹp đặc trưng của phố cổ Hà Nội chỉ dành rặt cho dân nhậu hoặc ăn khuya…

Minh ngồi dưới phố, nhậu luôn ở vỉa hè, trên cái bàn cóc và mấy cái ghế cóc, mặc cho mưa ướt át rơi. Đám bạn nhậu của Minh là những nhạc sỹ trẻ nổi tiếng ở Hà Nội. Sau này, họ đều có mặt trong tập sách của Minh với những câu chuyện và góc nhìn hồn hậu mà Minh dành cho họ.

Minh ngồi với đám bạn hữu thân thiết ở Hà Nội trong một chuyến công tác vội vàng. Tôi đến với vài người bạn, chỉ ngồi một chút, thoáng quan sát Minh với gương mặt gồ gồ, món tóc đuôi ngựa lòa xòa khiến anh có nét đặc trưng bụi bặm, hoang dã.

Hôm đó, tôi nhìn Minh cũng như nhìn bất cứ "người nổi tiếng" hay "nhẵn mặt trên truyền hình". Một gã phóng viên thể thao, kiêm bình luận viên bóng đá, kiêm nhạc sỹ, kiêm quản lý ca sỹ, và có một quá khứ mờ phủ bởi những bài thơ, tập thơ mà anh sáng tác trong những năm đầu tiên của thập kỷ 90...

Tôi mới chỉ bắt đầu có chút ít công việc chung nho nhỏ với Minh khi mời anh cùng cộng tác trên tờ báo Cảnh sát toàn cầu cuối tuần. Công việc cũng chỉ mới manh nha, lúc được lúc không, và thú thật, khi làm việc cùng nhau một đôi lần, tôi không mấy ấn tượng lắm về cái con người từng đã khiến tôi giật mình bởi những im lặng hoài trải mà anh phơi hồn trên từng trang viết ở An ninh thế giới.

Có thể tôi và anh quen biết nhau quá ít, mà cũng có thể phương tiện thông tin đại chúng quá hiện đại với mật độ thông tin dày đặc về nhau đã cản trở những nhu cầu hiểu-biết về nhau… Thế nhưng có một sự kiện đầu tháng 6 của mùa hạ đổ lửa này, Minh bay ra Hà Nội và tôi đã có một cuộc thú vị dự ngày lễ ra mắt cuốn sách mới của anh.

Cuốn sách thứ 5, sau 4 tập thơ đã xuất bản ào ạt trong vòng 4 năm (1991-1994) có tên Dưới những ngón tay tôi. Tôi đã đọc hết cuốn tuỳ bút của Minh để trả lời cho câu hỏi, ai trong số những vai Hà Quang Minh từng sắm có cất giấu gương mặt thật, chân dung thật của anh. Hay đúng hơn, tâm hồn anh phần nguyên khối tinh khiết, lấp lánh, mà cũng u sầu nhất trong tinh thần SỐNG và YÊU của Minh nằm ở vai nào trong chừng ấy vai anh đang diễn???

2. Hà Quang Minh thật thông minh khi anh đặt thể loại tùy bút cho tập sách mới của anh. Tùy bút, khiến bạn đọc nghĩ ngay đến một cách viết ngẫu hứng, tự do trong ngôn ngữ và tinh thần để dẫn dụ người đọc vào câu chuyện mà tác giả kể.

Tùy bút là cách viết phóng khoáng nhất, không trói buộc hay khiên cưỡng vào bất cứ khuôn phép nào của ý tưởng và ngôn ngữ. Ở đó tác giả tự do bay lên với dòng cảm xúc của chính mình.

Tự do bay lên bởi lực hấp dẫn của ngôn ngữ. Tự do cả trong câu chuyện kể không đầu không cuối, nó như là những lát cắt đôi khi là ánh chớp số phận, là lằn ranh nhỏ nhoi, mong manh của đời sống mỗi con người Hà Quang Minh từng có dịp hạnh ngộ, yêu thương, chia sẻ, và cả chia xa.

Minh viết không cần biết người khác có hiểu anh đang nói về ai, hay câu chuyện mà anh đang kể liệu có mang đến cho người đọc một thông điệp thông tin nào mới mẻ hơn những gì bạn đọc từng biết.

Câu chuyện không đầu không cuối, từ một cơn mưa đêm, hay một cảm hứng bất chợt cũng đủ để đánh thức gợi nhớ trong Minh cả một hồi ức đầy kỷ niệm về một ai đó thân quen, yêu thương. Minh ngồi xuống chầm chậm trong một khoảnh khắc bình thản rất sâu của đêm.

Dưới những ngón tay, ngôn ngữ thoát ra tự nhiên, anh kể về những trải nghiệm, những cảm xúc, những mối rung động mà nếu trong khoảnh khắc này, không để tràn ra trang giấy, anh sợ tất cả sẽ trôi đi mất khi ánh ngày vừa lên, trong bồn bộn đời sống của một kẻ ham chơi như anh.

Thế nên những cái tùy bút của Minh lựa chọn đối tượng đọc. Nó không phải là cuốn sách phổ biến cho nhiều loại độc giả ai cũng có thể thích đọc. Những tùy bút của Minh dành cho những người trong giới văn nghệ sỹ đọc, nói đúng hơn là giới hiểu người, hiểu chuyện.

Điều đó không hẳn do những gì anh viết ra quá lạ lẫm, hay cao siêu gì để người bình thường không hiểu được, mà do cái cách anh viết về những nhân vật nổi tiếng ấy. Đó là một cách viết riêng, mang đậm CÁI TÔI CÁ NHÂN xuyên suốt trong từng bức chân dung. Là cách mà cái tôi Hà Quang Minh tự sự với chính mình trong một cuộc độc thoại vang ra từ ký ức của anh với nhân vật ấy.

Chỉ có duy nhất anh và nhân vật mà thôi khởi từ những hạnh ngộ run rủi cho anh và nhân vật gặp nhau, neo tựa lại bên nhau, sống, yêu thương và chia sẻ. Đó là cách viết mà có lẽ nhiều khi tôi có cảm tưởng anh viết trước hết cho chính anh thì đúng hơn. Hà Quang Minh viết những trang tùy bút chân dung này, trước tiên là để cho chính anh đọc và lưu giữ những ký ức yêu thương với bạn hữu.

Không có gì gây bất ngờ, độc lạ ở phong cách hay ngôn ngữ, ở tập sách này, ở mỗi một tùy bút chân dung của Minh là một tự sự chân thành và phơi bày những tình cảm, những sự chia sẻ, những cảm nhận về người khác một cách tinh tế, đầy rung động. Nhưng ở một góc độ nào đó, sự chân thành, cái tình chân thật nhất lại là sức mạnh lớn nhất để làm nên một vẻ đẹp thuyết phục nhất.

Và vì thế, người đọc của anh, chủ yếu đọc cái tinh thần của Hà Quang Minh. Ở đó, trong ánh sáng tinh khiết của tinh thần ấy, người đọc chạm đến phần khuất sâu nhất của cái tình, sự chia sẻ.

Hà Quang Minh và Du Tử Lê (3/2012).

3. Cho dù, những câu chuyện tùy hứng của Hà Quang Minh có mang đậm dấu ấn CÁI TÔI CÁ NHÂN đến đâu thì đọc 30 nhân vật dưới ngòi bút sắc bén, giàu chất thơ của anh, tôi nể phục Minh vô cùng ở cái cách mà anh viết về họ. Hà Quang Minh sống trọn một tình bằng hữu rồi mới viết ra được một chân dung. Trọn 30 tình bằng hữu mới có thể viết ra được 30 cái chân dung ăm ắp tình yêu thương, và chứa chan tình bằng hữu.

Tất nhiên, mỗi người mỗi cách, cái cách của Minh là tạt vào văn chương chơi tiếp một cuộc rồi sau đó chưa biết chừng sẽ là một cuộc quần thảo lâu dài. Cái cuộc đầu tiên ngày trẻ anh dành cho thơ.

Gần 20 năm sau, cuộc này là anh viết về những ký ức ào ạt chảy trong cái đời sống mà anh đã đi qua với những bằng hữu của mình. Và tôi nghĩ, Minh sẽ còn viết rất lâu, rất lâu nữa, chậm rãi những cuốn tùy bút về chính Minh và những người bạn.

Còn một điều nữa tôi nhận ra ở Minh, đằng sau những con chữ, những câu chuyện, những chia sẻ ấy là tấm lòng tử tế của Minh, một người bạn, một gã lãng du. Không đôn hậu, tử tế và đầy lòng trắc ẩn, không có một đời sống dày, sâu, làm sao Minh có thể nhìn đời, nhìn người với một lòng yêu nặng tâm can đến vậy.

Minh viết bằng tâm hồn của một thi sỹ, nhạc sỹ, ngôn ngữ của Minh giàu chất thơ mang đến cho người đọc một vẻ đẹp rực rỡ mà u sầu. Cái cách Minh lặng lẽ xát ruột nhìn Lê Hiếu đi qua những cái tát của đời sống, hay một Lệ Quyên bé nhỏ mà thăm thẳm em bé Hà Nội.

Hay cái lý giải rộng lượng, vị tha và cũng yêu thương đến tận cùng của một người anh hiểu thấu cô em gái Mai Khôi khi Minh viết về cô như thế này: "Có mấy ai biết bây giờ Khôi đang sống ở Hà Nội. Vì yêu, Khôi bỏ hết tất cả, bỏ sự nghiệp, bỏ những cơ hội kiếm tiền rất nhiều ở đất hứa showbiz để về Hà Nội sống bên tình yêu của mình. Chỉ có người nghệ sỹ thực sự mới dám làm thế. Chỉ có người nghệ sỹ mới dám buông mình mạnh mẽ đến thế vì đam mê. Mà đam mê trong đời này, còn gì bằng đam mê yêu đương?...

Khôi đã rời Sài Gòn như thế trắng tay với chỉ mỗi cây đàn. Em hân hoan bước vào cuộc sống mới ấy không tính toán gì, không lo ngại về ngày mai bằng sự tin tưởng tuyệt đối vào điều mà em đã tìm thấy và đón nhận… Khôi đã lao vào cuộc yêu là chúng tôi hiểu khi đó chúng tôi phải để Khôi bay đi, như con chim nhỏ tìm được khoảng trời của nó, khoảng trời có thể sẽ không hề hứa hẹn đời sống dễ dàng...".

Hay cái cách Minh viết về Lê Hoàng, một góc nhìn vô cùng rộng lượng và chan chứa tình đời làm thay đổi cả suy nghĩ của tôi, và nhiều người khác về đạo diễn nổi tiếng này sau khi đọc bài của Minh: "Anh Hoàng thích châm chọc, thích nói shock nhưng nếu bị châm chọc ngược lại, nói shock ngược lại, anh Hoàng cư xử rất hiền lành. Anh không nổi nóng, không lao vào cuộc chiến ngôn ngữ một cách phừng phừng lửa giận mà chỉ cười xòa, rất hiền, và gãi gãi đầu y như cái icon ngộ nghĩnh trên Yahoo Messenger.

Lúc đó nếu mình đã trót dại nói gì đụng chạm quá mức tới anh Hoàng, mình sẽ tự thân thấy mình có lỗi, thấy mình mới là kẻ ác tâm… Ít ai biết Lê Hoàng cực đam mê tìm hiểu về súng ống, vũ khí. Anh có thể nói vanh vách về tầm bắn của loại tên lửa, vũ khí nào…. Nhưng tôi tin chắc, nếu đưa cho Lê Hoàng một khẩu súng, anh sẽ không bao giờ muốn hại người dù theo cách nào…".

Vĩ thanh

Và cũng xin được khép lại cái hạnh ngộ đưa đẩy để tôi viết những dòng này về Hà Quang Minh cho tròn chân dung thứ 31 như Du Tử Lê đã nói. Để trong tháng 6 rực rỡ nắng này  anh đang vô cùng hạnh phúc với hai tác phẩm mới ra đời của mình. Một chính là cô con gái sinh ra từ xương thịt của anh, và cuốn sách mới tùy bút Dưới những ngón tay tôi mà anh vừa ra mắt. Xin được khép lại với những dòng của nhà thơ Du Tử Lê viết về nhận dạng Hà Quang Minh ở những trang viết mới của anh:

- Cõi - giới của tâm hồn. Rung động. Trăn trở. Lao lung.
- Cõi - giới của những tài hoa biệt lập. Những núi cao và, vực sâu.
- Cõi - giới của sáng tạo.  Bí nhiệm.

Hà Nội - Tháng 6/2013

Như Bình
.
.
.