Chuyện tình cảm động của chàng trai vượt lên số phận

Thứ Bảy, 09/05/2015, 17:00
Vượt lên nỗi đau của số phận, chàng trai ở xóm nghèo quê lúa Yên Thành, xứ Nghệ đã tự gây dựng cho mình một công việc và mái ấm hạnh phúc.
Đó là câu chuyện của anh Lê Đình Trọng ở xóm 8, xã Hùng Thành (Yên Thành, Nghệ An). Trong một chiều cuối năm, chúng tôi về thăm mái ấm của gia đình người đàn ông kém may mắn. Vừa đến đầu làng, hỏi thăm anh Trọng sửa đồ điện dân dụng, một người đàn ông đã niềm nở: "Ai chứ Trọng xe lăn thì bà con ở đây còn lạ gì, anh ấy tốt bụng lắm! Dù tật nguyền và gia cảnh khó khăn nhưng nhiều khi tui tới sửa đồ điện mà thiếu tiền, anh ấy vẫn vui vẻ cho nợ cả mấy tháng trời".

Nói rồi theo tay người đàn ông chỉ đường, không khó khăn gì để chúng tôi tìm tới căn nhà hai gian thấp bé nằm lọt thỏm bên trục đường liên xã. Và phải chờ một lúc lâu, Trọng mới điều khiển chiếc xe 3 bánh cùng con gái út bên nhà ông anh trở về. Thì ra Trọng được vợ giao trọng trách trông con. Ngồi trên chiếc xe lăn bên bệ thềm với mái tóc đã lốm đốm bạc, khuôn mặt hao gầy vì những lo toan thường ngày, Trọng bắt đầu kể về cuộc đời quá nhiều nỗi buồn của bản thân.

Anh Lê Đình Trọng cùng mái ấm của mình.

Không đầu hàng số phận

Sinh năm 1972, thời ấy giặc Mỹ ném bom ác liệt nên Trọng phải cất tiếng khóc chào đời trong căn hầm trú ẩn. Suốt cả tháng trời sau khi sinh, mọi sinh hoạt của mẹ con Trọng đều ở trong một căn hầm ẩm thấp, kém vệ sinh và dù đã kê ván nhưng nước vẫn ngập đến mắt cá chân. Lúc đó, mẹ Trọng lo lắng rồi con trai mình lớn lên kiểu gì cũng mang di chứng hoặc sức khỏe yếu ớt.

Và điều mẹ Trọng lo âu rồi cũng đến, lúc Trọng biết đi chập chững thì cơ thể bắt đầu biến chứng, chân tay co quắp. Dù được gia đình đưa đi Hà Nội chữa trị cả năm trời nhưng bệnh tình của Trọng vẫn không hề thuyên giảm và bác sỹ chỉ biết lắc đầu.

Năm 1978, mưa to vỡ đập, Trọng không thể đi lại nên bố mẹ anh phải thay phiên nhau bế con vượt lũ. Lớn lên, thấy bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường, Trọng cũng muốn được đi học. Khao khát cháy bỏng của anh không thành vì gia đình khó khăn, Trọng lại không thể tự đến trường và đành chịu cảnh mù chữ. Suốt mấy chục năm trời, hầu như Trọng không thể đi lại, mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ người thân trong gia đình giúp đỡ.

Trọng buồn lắm. Bao thanh niên, trai tráng trong làng ở tuổi của anh đều đã công việc ổn định, con cái đuề huề, vậy mà ở tuổi 26, anh vẫn chưa thể nuôi nổi bản thân. Không đầu hàng số phận, Trọng quyết tâm tự đứng lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của Trọng chính là không biết chữ, lại tật nguyền, biết làm được nghề gì có thể phù hợp với sức khỏe?

Sẵn có mảnh đất mặt đường ở đầu xóm, Trọng xin bố mẹ xây dựng một gian hàng nho nhỏ để bán điếu thuốc, bó chè sống qua ngày. Nhưng Trọng cũng khoe có thời gian suốt năm năm trời (từ 16 đến 21 tuổi), đôi tay của anh rất khỏe. Nhờ đó Trọng có thể di chuyển bằng hai tay, có khi ra tới cánh đồng cách nhà cả cây số và làm được một số việc lặt vặt trong nhà. Nhưng sau thời gian ấy, bàn tay anh bị co rút và mọi sinh hoạt, đi lại của Trọng lại khó khăn như trước.

Ít lâu sau, nhận thấy người dân dùng đồ điện, điện tử ngày một nhiều, trong đầu Trọng chợt lóe lên ý tưởng: "Hay mình sửa chữa đồ điện nhỉ?". Nghĩ vậy, Trọng liền lấy bếp lò, quạt điện của gia đình rồi tháo tung ra để tìm hiểu cấu tạo của chúng. Tháo ra thì được, lắp lại như ban đầu mới khó, không ít lần những thiết bị điện được Trọng tháo lắp cháy nổ, hư hỏng hoàn toàn, nhưng chàng trai tật nguyền vẫn không từ bỏ quyết tâm tự học được nghề.

Nhờ đó, dần dà Trọng hiểu được nguyên lý hoạt động của từng đồ điện dân dụng. au 5 năm mày mò, cuối cùng thành quả của Trọng cũng đã được đền đáp. Từ một người mù chữ, mù tịt máy móc, Trọng đã sửa được đồ điện cho gia đình, hàng xóm. Dần dà, người này truyền tai người kia về khả năng của Trọng nên khắp đầu làng, cuối xóm và vùng lân cận, hễ ai có đồ điện, điện tử hư hỏng đều mang đến nhờ anh sửa chữa.

Vừa sửa chữa đồ điện dân dụng, Trọng vừa tự học để nâng cao tay nghề của mình qua tivi. Khó khăn nhất khi học và sửa chữa đồ điện với chàng trai tật nguyền chính là không biết chữ: "Cái thiệt thòi nhất của mình chính là không được học, nếu biết chữ thì giờ tiếp cận với thiết bị điện tử, đồ điện mô thì có thể đọc sách báo, xem trên mạng chắc mình làm được tốt hơn", Trọng bày tỏ. Nhưng nhờ làm việc mà đôi tay của Trọng linh hoạt hơn, khỏe hơn và không còn co quắp như trước. Hiện giờ, Trọng có thể tự lên, xuống chiếc xe 3 bánh bằng đôi tay mà không cần sự trợ giúp nào.

Công việc của anh Trọng khi đêm về.

Hạnh phúc nở hoa

Tuy ngồi trên xe lăn nhưng mỗi lần bạn bè đi "cưa cẩm" các cô gái, Trọng hay được đưa đi cùng. Tuy tật nguyền nhưng bù lại, Trọng sống hòa nhã, lại nói chuyện vui hóm nên quen được nhiều cô gái trong làng và các khu vực lân cận. Có hôm không đi đâu, Trọng lại ngồi nói chuyện với các cô gái cùng xóm ở đầu ngõ mãi tới khuya bố mẹ ra giục, anh mới vào nhà.

Lúc 25 tuổi, nhiều lần bố mẹ giục lấy vợ vì có cô gái cùng làng thương tình và cũng muốn gắn bó cả cuộc đời với anh, thậm chí mẹ anh còn nói: "Mẹ già yếu rồi, con lo cưới vợ đi để mẹ còn yên lòng nhắm mắt".  Nghe mẹ nói vậy, Trọng thương mẹ lắm. Nhưng Trọng nghĩ, giờ bản thân mình còn lo chưa nổi, sao còn dám đèo bòng nên anh lần lữa mãi.

Trong một lần được bạn đưa đi chơi ở làng bên, Trọng đã tình cờ gặp một cô thôn nữ tên Phạm Thị Công, ít hơn anh 7 tuổi. Cách ăn nói có duyên, cởi mở và nụ cười luôn nở trên môi của Công đã hút hồn chàng trai tật nguyền. Từ đó, Trọng nghĩ mình đã tìm được "một nửa" của mình và quyết định "tấn công" người con gái ấy.

Cô gái Phạm Thị Công ngày đó cũng là mục tiêu được nhiều chàng trai theo đuổi, thậm chí chị đã được gia đình gán ghép với một chàng trai khỏe mạnh, có công việc ổn định ở cùng làng nhưng chị một mực từ chối. Khi gặp Trọng, ban đầu chị cũng nghĩ giữa hai người chỉ là bạn bè nói chuyện cho vui, nhưng vì thấy sự chân thành của chàng trai tật nguyền nên rồi chị đã xiêu lòng.

Vợ đi làm, anh Trọng làm nhiệm vụ trông con.

Lúc ấy, gia đình và bạn bè biết chuyện con gái mình yêu và muốn đến với chàng trai tật nguyền đã ra sức khuyên can, nhưng chị vẫn giữ nguyên quyết định. "Đời người cũng không biết răng cả, nếu lấy người bình thường về mà chẳng may đau ốm, bệnh tật thì mình càng thêm khổ. Có lẽ ông trời đã se duyên cho mình và anh ấy rồi", chị Công nhìn chồng, trìu mến nói.

Ngày cưới anh chị, người trong xã từ đầu làng đến cuối xóm đều không khỏi bất ngờ. Họ không ngạc nhiên sao được khi một cô gái lành lặn lại có thể chấp nhận lấy chàng trai tật nguyền đã ngót nghét 40. Đám cưới không mâm cao, cỗ đầy mà chỉ là chén nước, miếng trầu đạm bạc nhưng đã thắp thêm niềm tin, khát vọng sống và ước mong về một hạnh phúc có thật của chàng trai tật nguyền ở một xã nghèo quê lúa xứ Nghệ.

Lấy nhau về, cuộc sống của vợ chồng anh chị vô cùng khó khăn. Ngoài 3 sào ruộng khoán, được anh em nội, ngoại cho ít vốn, Trọng bàn với vợ mua ít gà giống, đôi lợn để chăn nuôi. Mỗi dịp hè, đôi vợ chồng lại tận dụng khoảnh vườn của mình để bán chè thập cẩm, nước giải khát phục vụ khách tới 2 giờ sáng mới được nghỉ ngơi. Thêm vào đó, công việc sửa chữa đồ điện dân dụng của Trọng cũng giúp vợ chồng anh có thêm đồng ra, đồng vào.

Hiện giờ, tài sản lớn nhất của anh chị là hai cô con gái xinh đẹp, kháu khỉnh. Anh Trọng nói về hai cô con gái của mình mà không giấu nổi niềm hạnh phúc: "Dù đói, dù no nhưng có lẽ niềm vui sướng nhất của vợ chồng tui lúc này là cả hai đứa con đều khỏe mạnh. Chứ chẳng may có đứa mô đau ốm, không lành lặn như bố thì cuộc sống của vợ chồng tui chẳng biết răng nữa".

Con gái đầu của vợ chồng Trọng tên Lê Thị Lý đang học lớp mẫu giáo lớn, còn cô con gái út mới vừa 11 tháng tuổi. Hằng ngày, vợ đi làm, chồng ở nhà trông con. Tối đến, Trọng lại cặm cụi sửa đồ điện cho bà con trong xóm tới 12 giờ đêm để phụ vợ trang trải cuộc sống. Chắc vì lo cuộc sống "cơm, áo, gạo, tiền" mà mái tóc của anh đã hai màu.

Vừa hí hoáy sửa chiếc mô tơ điện cho khách, Trọng phân trần: "Làm nghề ni chỉ mong kiếm được tiền thức ăn hằng ngày và dành dụm mua cho con hộp sữa thôi. Ngày mô khá lắm cũng chỉ kiếm được 20 - 30 nghìn đồng là cùng. Dù tiền công không nhiều nhưng chừng đó cũng giúp tui cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa".

Duy Ngợi
.
.
.