Hai điểm nghẽn của “Thành phố đầu tàu”

Thứ Năm, 20/08/2020, 09:02
Thành phố (TP) Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn đề xuất Bộ Nội vụ thay đổi phương pháp thẩm định, tham mưu cho Thủ tướng ghi nhận biên chế thực có của TP này và giao biên chế hàng năm cho TP sát với thực tế hơn; đồng thời xem xét, thẩm định lại số lượng người làm việc và số lượng lao động hợp đồng cho TP.


Sở dĩ có việc này là vì số lượng biên chế công chức hằng năm mà Bộ Nội vụ giao cho TP đều thiếu rất nhiều so nhu cầu thực tế.

Cứ đơn cử như năm 2020 này, biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao (không bao gồm hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ)  là 7.227 người, trong khi số biên chế công chức được HĐND TP Hồ Chí Minh phê duyệt thực tế cho năm 2020 là 11.612 người.

Vậy số lượng biên chế công chức mà HĐND TP này  phê duyệt liệu có sát thực tế không? Câu hỏi rất dễ trả lời ngay là sát thực tế vì một công chức tại TP Hồ Chí Minh đang phải phục vụ 346 người dân, cao hơn gấp 2 lần so với bình quân cả nước là 152 người. Khi thiếu đến trên 2000 biên chế công chức (chưa kể còn thiếu 3.742 biên chế chung) thì hệ quả nhãn tiền là công chức quá tải trong công việc. Khi công chức quá tải với công việc, dĩ nhiên là việc phục vụ doanh nghiệp và người dân khó để nhanh chóng và chu toàn. Điều này gián tiếp tác động đến tốc độ tăng trưởng đòi hỏi luôn luôn ở mức cao của TP này để hoàn thành việc đóng góp chiếm đến khoảng 1/3 ngân sách quốc gia.

Đấy là “điểm nghẽn” thứ nhất ở TP được xem là “siêu đô thị” này. Thêm một “điểm nghẽn” thứ 2 cũng ở “siêu đô thị” này chính là tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Trên thế giới, nếu “siêu đô thị” đang được giữ lại tỷ lệ thấp nhất (30%) trong thu ngân sách là một TP của Nhật Bản; cao nhất (60%) là một TP của Na Uy, thì TP Hồ Chí Minh từ chỗ 33% ở năm 2003 đã bị giảm dần và ở giai đoạn 2017-2020 chỉ còn 18%.

Khi tỷ lệ điều tiết ngân sách ở vào hàng thấp nhất so với các “siêu đô thị” khác trên thế giới thì TP “hụt hơi” trong các chiến lược phát triển, đặc biệt là về hạ tầng. Điều này thì cách đây 3 năm, TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho ý kiến phải sửa.

Sửa là sửa thế nào?

Ngoài việc TP này được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, các chuyên gia về tài chính đã có một tính toán rất cụ thể rằng nếu TP Hồ Chí Minh được để lại 24% trong giai đoạn 2021-2026 và 28% trong giai đoạn 2026-2030 thì so với việc chỉ được 18% trong 10 năm tới, phần ngân sách TP này nộp về trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỉ đồng thì ngân sách của TP cũng được sử dụng tăng thêm khoảng 390.000 tỉ đồng – một nguồn lực rất có ý nghĩa thực tiễn cho sự phát triển.

Đấy là chưa nói đến việc sẽ lý tưởng hơn nếu tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP này chỉ cần quay lại thời điểm năm 2003 là 33%.

Hai điểm nghẽn đã nêu đang kìm hãm sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Nói thẳng ra là “TP đầu  tàu” hay “con gà đẻ trứng vàng” của ngân sách quốc gia đang dần hụt hơi vì kiệt sức. Điều đáng mừng là Bộ Chính trị, Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan đều đã nhìn thấy và đã có những sự đồng thuận cao đối với các phương án hóa giải “điểm nghẽn” mà TP này đề xuất. Vấn đề còn lại là bao giờ thì những sự đồng thuận ấy trở thành hiện thực?

Minh Khôi
.
.
.