Hãi hùng từ các lò mổ thịt lợn chết

Thứ Năm, 26/06/2014, 11:30

Thời gian gần đây dư luận xôn xao hiện tượng một số hộ gia đình thu mua trái phép lợn ốm, chết trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo phản ánh của một số độc giả, số thịt lợn kém chất lượng này được tiêu thụ rất công khai tại một số chợ tự phát, chủ yếu tại các khu công nghiệp có nhiều công nhân thuê trọ. Giá cho mỗi cân thịt lợn này dao động từ 10 nghìn đến 30 nghìn đồng. Số lợn ốm, chết này không chỉ được bán mà sẽ được phù phép thành những sản phẩm mà người tiêu dùng không thể nhận ra.

Để phản ánh tình trạng này phóng viên chúng tôi đã có cuộc thâm nhập thực tế tại các khu chợ và lò mổ trên địa bàn huyện Văn Lâm.

Hoảng hồn với thịt lợn giá rẻ

Có lẽ nắm bắt được hoàn cảnh của những công nhân nên xung quanh các khu công nghiệp tại Hưng Yên mọc lên rất nhiều khu chợ tự phát. Ở đây chủ yếu bán rau, gạo đặc biệt là thịt lợn. Chúng tôi có mặt tại thị trấn Như Quỳnh (Phố Nối, Văn Lâm, Hưng Yên) đã không khỏi giật mình trước cảnh tượng hãi hùng, những bàn thịt lợn trắng bệch, bốc mùi hôi thối không hề có dấu kiểm dịch được bán rất công khai. Chị Nguyễn Thị Nhàn (một công nhân, quê Thanh Hóa) chia sẻ: "Vẫn biết đây là thịt kém chất lượng nhưng do hoàn cảnh khó khăn chúng tôi vẫn phải nhắm mắt mua. Về đun kỹ một chút là dùng được thôi mà".

"Công nhân mới về đây à? Thịt ngon giá rẻ đây em. Loại này chỉ 20 đến 30 nghìn đồng/kg thôi. Còn loại này đắt hơn chút chút. Vào mở hàng cho chị đi" - Một chủ quầy thịt lợn tên H. vừa lật đi lật lại miếng thịt trắng bệch vừa đon đả. Qua lời kể của một người bạn trên địa bàn trị trấn Như Quỳnh thì vợ chồng bà H. là cặp "đồ tể" nổi tiếng tại khu vực này. Quầy bán thịt ôi của bà H. chỉ là số lượng rất nhỏ, chủ yếu là bà H. hoặc con gái đứng bán. Tại xã Nhân Hòa (Mỹ Hào, Hưng Yên) bà H. có lò mổ khá rộng và luôn đông khách. Khách hàng chủ yếu là những chủ quán cơm bình dân đóng trên địa bàn, thậm chí tận Hà Nội xuống đặt hàng. Mỗi ngày gia đình bà H. xuất cả vài trăm kg thịt lợn kém chất lượng.

Những con lợn ốm sắp chết chờ được được mổ.

Quả đúng như người dân phản ánh tại khu vực có lò mổ môi trường ở đây bị ô nhiễm nặng. Thôn Lỗ Xã, xã Nhân Hòa, Mỹ Hào Hưng Yên là một trong những điểm nóng thu mua giết mổ lợn ốm, chết. Thời tiết 37 độ, cái nắng khủng khiếp càng làm cho mùi hôi thối bốc lên nồng nặc hơn. Khắp trong thôn, cuối ngõ các rãnh nước đen, đặc quánh. Cụ Lên Văn Bảy bức xúc: "Họ giết mổ lợn nhưng không chịu thu gom các chất thải lại, cứ tự do phóng ra cống rãnh của làng. Lòng, phổi, thậm chí cả đầu lợn cũng bị họ phóng hết ra cống rãnh. Thời tiết nóng bức này thử hỏi làm sao chúng tôi chịu được đây?".

Theo tìm hiểu của phóng viên các lò mổ tự phát này sẽ thu mua lợn ốm, chết từ các trang trại lợn, thậm chí của các gia đình nuôi một vài con xung quanh khu vực. Khi lợn ốm hoặc chết, chỉ một cú điện thoại các lò mổ sẽ có mặt và thu mua. Do các lò mổ đều được đầu tư tủ đá khá lớn nên số lượng lợn ốm chết thu mua không hạn chế.

Giải quyết gọn lỏn sau một cú điện thoại

Để đi tìm tận gốc đầu ra của những con lợn chết ốm, chúng tôi bắt mối được với gia đình anh Nguyễn Văn T. xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên) người đang sở hữu một trang trại lợn khá hoành tráng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo lời anh T. chẳng khó khăn gì để có được một tấm card visit của các ông chủ chuyên thu mua lợn chết, họ thường bén mảng đến các trại lợn và để địa chỉ và số điện thoại tại đó. Nếu không may đàn lợn có một vài con ốm, chết cần tiêu thụ, họ sẽ cho người đến thu mua. Giải thích cho việc lợn ốm, chết mà vẫn gọi người đến bán anh T. thẳng thắn: "Ở đây nhà nào cũng nuôi lợn, nhiều thì trang trại, ít cũng 1 vài con. Người thì nuôi lợn thịt, người nuôi lợn nái đẻ, người thì gột lợn bột… Tránh sao được việc chết hay ốm đau. Nếu cứ ốm chết mà vứt đi thì tiếc lắm, thôi cứ gọi bán được đồng nào hay đồng ấy".

Một con lợn chết chờ lò mổ mang đi tiêu thụ.

Để khẳng định việc thu mua lợn ốm chết diễn ra thường xuyên và nhanh gọn anh T. đã chứng minh cho chúng tôi bằng việc gọi người để bán 4 con lợn ốm đang chờ chết. Anh T. lần tìm tấm card visit rồi bấm điện thoại gọi một chủ chuyên thu mua lợn chết. Sau đây là nguyên văn cuộc điện thoại mà chúng tôi thu được.

…M. à? Mày xuống bắt cho anh mấy con lợn đi!

- To hay bé ạ?

- Độ 30 cân một con, gần chết hết rồi…

- Nhỏ thế bọn em khó bán lắm. Tầm trên 40 cân thì mới làm được anh ạ.

- Thì cứ vào đi, có khi phải được 40 cân đấy, giá cả vào đây rồi tính. Lo gì anh không để chú thiệt đâu.

- Vậy thì để em đến, chờ em nhé.

Sau cú điện thoại như vậy chừng 20 phút chưa thấy tay lái lợn xuất hiện anh T. tỏ ra khá sốt ruột, anh lẩm nhẩm: "Chắc độ này lợn quay không ai ăn mấy nên lợn bé khó bán đây". Theo lời anh T. ở đây có hai dạng thu mua lợn ốm chết. Một là những tên không có lò mổ trực tiếp, chuyên đi mua rồi chở đổ cho các lò ăn chút lãi. Dạng thứ hai là những lái lợn có lò mổ, có tủ đông lạnh. Theo kinh nghiệm của những người nuôi lợn, nếu muốn bán lợn ốm chết nhanh nên gọi cho những tay lái lợn mổ tại nhà và có tủ đông lạnh. Khi lợn được mua về sẽ được sơ chế sau đó cho vào tủ, chế biến thành phẩm dần dần còn không sẽ ém hàng chờ giá cao bung ra.

Khoảng 30 phút sau khi gọi điện, lái lợn mới xuất hiện với lý do: "Độ này thời tiết nóng bức nhiều lợn ốm chết. Công việc rất bận". Một thanh niên ngoài 30 tuổi với chiếc xe cũ nát cùng chiếc sọt khá cồng kềnh đỗ xịch ngay sân nhà anh T. Gã thanh niên nhanh chóng xem hàng rồi ra giá trong nháy mắt: "4 con này không được 120kg đâu, chắc bị ốm lâu rồi nên gày quá. Thế này nhé, em cứ trả bác 500 ngàn cả 4 con, đồng ý em múc luôn". Do đây là mối làm ăn quen anh T. đồng ý ngay tắp lự bởi nếu để 4 con lợn chết hẳn thì giá còn bèo nữa.

Chỉ sau một cú điện thoại 4 con lợn ốm của ông T. được giải quyết nhanh gọn.

Có trao đổi với "đồ tể" chuyên mổ lợn ốm chết  này mới thấy hết sự kinh hoàng. Theo như những người chuyên thu mua lợn chết, ốm, tất cả các bộ phận của lợn đều được tận dụng tối đa. Ví dụ như một con lợn sề chết sẽ được sử dụng vào các việc như: Phần da dễ được cạo sạch bán cho người người gom bán sang Trung Quốc làm quai mũ cối hoặc giày, dép. Phần thịt nạc chỗ ngon có thể dùng để làm ruốc bán lên Hà Nội cho các cửa hàng xôi, hoặc bán cân cho người tiêu dùng. Lòng, phổi sẽ được gom lại và bán cho những hộ gia đình nuôi cá trê phi.

Thịt mỡ sẽ được rán lấy mỡ sau đó đóng chai bán lên cho các cửa hàng, quán cơm bình dân để xào, nấu, người mua nhiều nhất là các hộ gia đình làm ngô cay, quẩy. Phần mỡ lợn thường là mặt hàng bán chạy nhất bởi khi rán thành mỡ thì ít ai có thể kiểm tra chất lượng qua màu sắc của chúng. Phần xương của lợn sẽ được mang đi các cửa hàng phở, bún để nấu nước dùng. Theo tiết lộ của gã mua lợn chết thì xương lợn sề ốm, chết được rất nhiều chủ cửa hàng phở ưa chuộng, bởi khi ninh xương này, nước dùng thường rất ngọt, đặc biệt là có mùi sỉ của trâu bò.

Tay "đồ tể" nói: "Bọn em không thích mua lợn nhỏ vì giờ thịt lợn quay ít người ăn lắm. Lợn càng to càng tốt, đặc biệt là lợn sề. Nếu như lợn chưa chết hẳn, còn ốm mà to thì mới là được giá. Lúc đó bọn em sẽ mổ và mang ra các chợ tự phát bán với giá bèo. Nếu bán được với giá khoảng 30 nghìn đồng/kg thì mỗi con lợn chừng 50 kg bọn em cũng phải lãi được vài trăm nghìn. Mỗi ngày làm vài con là có tiền triệu rồi còn gì? Nhìn thì thế thôi chứ ăn vào bụng có ai làm sao đâu?".

Dứt lời hắn nói tiếp: "Nói chung là bây giờ chẳng bỏ đi cái gì cả. Cái nghề này cũng không quá vất vả mà lại cho thu nhập cao. Anh mà về quê em sẽ thấy, nhà nào làm nghề này khá giả hẳn lên".

Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa (Mỹ Hào, Hưng Yên), ông Nguyễn Bá Nam cho biết: Xã cũng đã nhiều lần phản ảnh của người dân tuy nhiên khi tiến hành kiểm tra lại không phát hiện được vì hầu hết các điểm giết mổ ở thôn Lỗ Xá đều là điểm giết mổ nhỏ lẻ và không được cấp phép, nhiều hộ còn tiến hành giết mổ vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Lượng người giết mổ nhiều, xấp xỉ 40 hộ trong khi lực lượng thú ý lại mỏng nên không thể kiểm soát được. Sắp tới chính quyền xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức giám sát việc giết mổ nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo luật.

Phong Anh
.
.
.