Hai mươi năm nặng lòng với trẻ câm điếc

Thứ Sáu, 12/06/2015, 10:00
Tròn hai mươi năm, người thầy giáo đặc biệt ấy vẫn cần mẫn thắp ngọn lửa đam mê nghệ thuật cho hàng trăm em nhỏ câm điếc. Với thầy Dương Tử Long, ở đâu có tình thương, lòng nhân ái, sự vị tha và cả đam mê cháy bỏng thì ở đó nghệ thuật được thăng hoa. Và chỉ có nghệ thuật mới đưa con người gần nhau hơn, yêu thương nhau hơn.
Khi nghệ thuật không có khoảng cách

Lớp học tồn tại 20 năm ấy nằm gọn lỏn, lặng lẽ trong dãy nhà của Trường Tiểu học Trung Tự. Cũng học sinh, vẫn thầy giáo nhưng cả buổi học ở đây chẳng có nổi một âm thanh, tiếng nói của thầy, trò. Bởi đơn giản họ nói với nhau bằng hình thể, nói với nhau bằng ánh mắt và cả trái tim yêu thương.

Hai mươi năm trôi qua, nhiều người không hiểu nổi vì lý do gì mà thầy Dương Tử Long lại có thể dốc toàn tâm, toàn lực cho lớp dạy vẽ cho trẻ câm điếc đến như thế. Không thù lao, không chế độ nhưng chưa khi nào thầy Long vơi đi nhiệt huyết với các em nhỏ câm điếc.

Hà Nội nóng đỉnh điểm thế nhưng lớp học của thầy Long vẫn không vắng một em. Thầy Long vừa say sưa giảng bài, hướng dẫn học sinh bằng ngôn ngữ hình thể vừa tâm sự:  "Các em đã học là quên hết vất vả, nắng mưa. Các em học sinh ở đây tuy thiệt thòi nhưng trên hết là sự đam mê". Nhỏ nhất ở lớp thầy Long là 7 tuổi, lớn nhất cũng 14, 15. Lớp học bắt đầu từ 9 giờ sáng và chỉ kết thúc khi các em hoàn thành những tác phẩm của mình.

Hai mươi năm qua, mọi người biết đến họa sĩ Dương Tử Long không chỉ là một thầy giáo dạy vẽ cho trẻ khiếm thính mà còn là người ông, người cha, người mẹ của các em nhỏ. Không chỉ dạy cho các em biết vẽ mà thầy còn cho các em thấy yêu vẽ, yêu nghệ thuật. Và chỉ có yêu nghệ thuật các em mới vượt được qua ám ảnh của sự thiệt thòi, vượt được qua chính bản thân mình, hòa với cộng đồng. Thầy bảo: "Từ khi gắn bó với các em, tôi biết làm nhiều việc hơn dạy vẽ. Các em cũng biết nhiều thứ hơn ngoài vẽ".

Nhiều người bảo thầy Long khó tính, trầm tính và không phải ai thầy cũng có thể cởi lòng… quả đúng như vậy! Chẳng thể nói ra nhưng chúng tôi hiểu được thầy có nhiều tâm sự trong đôi mắt u ẩn ấy. Năm 1995, khi cha của mình qua đời, như không trụ được với sự mất mát quá lớn này, người họa sĩ trẻ gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài.

Các em đến đây mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung một niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng.

Thầy từ chối mọi lời đề nghị trong công việc cũng như tất cả những cuộc thi sáng tạo nghệ thuật. Cho đến khi cô Phan Thị Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội ngỏ ý mời thầy về dạy vẽ cho các em khuyết tật. Ở một không gian tưởng như khiếm khuyết ấy, họa sĩ Dương Tử Long lại thấy cần phải sống, cần phải cống hiến. Các em nhỏ tuy thiệt thòi nhưng lại có ước mơ cầm cọ vẽ, người họa sĩ ấy như được gặp lại chính mình thuở nào.

Thầy Long trải lòng: "Đúng là nghệ thuật, sự đam mê không có giới hạn. Dù khiếm khuyết nhưng các em ở đây đều có chung một đam mê cháy bỏng. Nhìn các em tôi như thấy mình những tháng ngày đã qua, cũng ước ao, cũng khát vọng. Thế rồi tôi lao vào công việc này. Cũng chính từ đây tôi tìm thấy niềm vui trong công việc".

Đã có những lúc thầy Long quên đi mọi thứ, cuộc sống của thầy chỉ là những đứa trẻ khiếm khuyết mà đầy đam mê kia. Dạy vẽ cho những người bình thường đã khó, nay dạy cho những em nhỏ câm điếc lại càng khó khăn hơn. Tất cả những ý tưởng, những lý thuyết đều phải chuyển sang ngôn ngữ ký hiệu. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, thầy Long quyết định đăng ký lớp học về ngôn ngữ cơ thể. Có như vậy người thầy mới có thể truyền đạt hết ý tưởng, sự tâm huyết của mình cho học sinh.

Với các em nhỏ câm điếc ở đây họa sĩ Long không chỉ là thầy mà còn là ông bà, cha mẹ của mình.

Thầy bảo: "Làm việc gì đầu tiên cũng khó khăn cả. Ban đầu tôi và học trò còn chưa hiểu gì nhau vì không có kết nối về ngôn ngữ. Dạy các em nhỏ câm điếc không đơn giản chỉ truyền đạt lý thuyết mà còn cả sự đồng cảm. Chính vì thế tôi đã đi học lớp ngôn ngữ cơ thể. Khi ở lớp, chúng tôi cũng có những ký hiệu riêng giữa thầy và trò".

Đến với lớp học của thầy Long có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có những em hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; có em gia đình khá giả nhưng tựu trung lại là một niềm đam mê. Với thầy Long, những học sinh đến đây đều phải có niềm yêu thích hội họa, những em không đam mê tuyệt đối không nhận. "Gọi là lớp học chứ thực sự là sân chơi tự nguyện cho các em. Dù là thầy giáo nhưng tôi không bao giờ bắt ép, bởi nghệ thuật là sự tự do sáng tạo. Trên hết phải có sự bền bỉ theo đuổi đến cùng".

Chính vì thế, với những học sinh muốn được học lớp của thầy Long đều phải được sàng lọc rất cẩn thận. Tùy thuộc vào khả năng của các em, thầy Long sẽ sắp xếp vào những lớp khác nhau: lớp dùng màu, lớp dùng thuốc nước, bột màu và lớp cao nhất là dùng sơn dầu để vẽ.

Để vẽ được bức tranh như vậy, thầy Long và học trò của mình đã vượt qua rất nhiều khó khăn.

Trải qua nhiều thử thách, trong 20 năm, thầy Long cùng các thế hệ cũng đã gặt hái được những trái ngọt. Có một số tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi vẽ tranh với đề tài "Em yêu Hà Nội" của em Võ Duy Hưng. Thế nhưng với thầy Long, quả ngọt lớn nhất lại là những thế hệ học sinh đã tự tin hòa nhập với cộng đồng, tự tin làm người có ích cho xã hội.

Thầy Long trăn trở: "Ước mơ lớn nhất của tôi là thấy các em ra đời, sống được bằng nghề vẽ. Tôi muốn người ta thấy tranh các em, mua tranh của các em phải công bằng, không một chút ý nghĩa từ thiện nào cả. Có như vậy tôi mới thực sự yên tâm".

Ước mơ giản dị

Dù phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh thế nào nhưng ngọn lửa đam mê trong người nghệ sĩ ấy chưa khi nào tắt. Chỉ có kẻ lãng tử, đa cảm mới hành động không vì lợi nhuận như thầy Long. Thầy Long tâm sự: "Niềm vui và nỗi buồn tôi đều nếm trải. Hội họa như cuộc sống của tôi vậy. Tôi muốn học sinh của tôi vẽ phải có cảm xúc. Tôi muốn truyền tải tới học sinh một thông điệp rằng, mỗi bức tranh sẽ có những gam màu khác nhau, giống như cuộc sống vậy. Hãy nuôi những cảm xúc của mình để các em có được những tác phẩm có giá trị". 

Niềm vui của một em nhỏ khi hoàn thành tác phẩm của mình.

Không nói nhưng chúng tôi hiểu, giờ đây niềm vui lớn nhất của thầy giáo đặc biệt này là mỗi tuần được gặp các em, được thấy các em vẽ, các em sáng tác. Và, chỉ những lúc như vậy thầy Long và các em mới quên đi hết bao ưu phiền để hòa vào một không gian nghệ thuật, cùng hòa chung niềm đam mê bất tận. 

Đưa mắt về phía tường nơi treo những bức tranh đẹp của các thế hệ học sinh, thầy Long buồn buồn: "Điều mong mỏi bây giờ là làm sao mở được một phòng tranh để các em có một địa điểm không chỉ vẽ, khi các em hoàn thiện khả năng có thể tự kiếm cho mình một công việc để nuôi sống bản thân và sống một cuộc đời ý nghĩa nhất".

Chị Nguyễn Thị Nội, có con khiếm thính theo học lớp của thầy Dương Tử Long xúc động: "Tôi thực sự biết ơn thầy Long vì đã kiên trì dạy con trai tôi vẽ trong suốt 2 năm qua. Lúc nào cháu cũng háo hức được đến lớp của thầy. Mấy năm qua thầy dạy các cháu không bao giờ đòi hỏi một đồng thù lao. Thầy không chỉ dạy các cháu vẽ mà còn dạy các cháu giao tiếp, hòa đồng với xã hội. Thực sự nhìn bức tranh con trai mình vẽ tôi vô cùng xúc động. Cháu thiệt thòi từ nhỏ, nhận thức chậm vậy mà tự tay vẽ được một bức tranh thì bố mẹ nào chẳng mừng. Tôi hy vọng sau này lớn lên con vẫn giữ được niềm đam mê với hội họa, xa hơn nữa là có thể sống được bằng chính nghề này".

Phụ huynh em Ngô Minh Đức (10 tuổi) hàng tuần vẫn mang con đến gửi thầy cho biết: "Từ khi Đức đi học lớp của thầy, tôi thấy một sự thay đổi lớn trong bé, mọi cái từ giao tiếp đến gặp gỡ tôi cảm thấy con hòa đồng vui vẻ với mọi người hơn trước, đặc biệt khả năng vẽ cũng được con phát huy tăng lên theo từng tuần học tại đây".

Cô Phan Thị Phúc, Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội chia sẻ: "Mục đích lập ra câu lạc bộ là để các em học sinh khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng. Hiện câu lạc bộ đã duy trì được 20 năm rồi. Thành viên tham gia đều rất tự nguyện. Có những người tham gia từ những ngày đầu như thầy Long là một điển hình. Có thể nói, nếu không có sự kiên nhẫn và tình yêu bao la đối với các em khuyết tật thì không thể trụ lại lâu đến thế. Bản thân các em là những người tiếp thu rất chậm nhưng lại nhanh quên. Có khi mất rất nhiều buổi mới giúp được các em tiếp thu được chút ít kiến thức, nhưng đến hôm sau lại quên ngay. Thực tế có rất nhiều người hảo tâm nhưng họ cũng chỉ có thể cho các em tiền chứ không thể kiên nhẫn mà dạy dỗ các em như thầy Long và những người khác đang làm. Suốt mấy năm qua, thầy Long như một con ong chăm chỉ, nhẫn nại dạy dỗ, bảo ban các em. Giúp các em gần gũi hòa nhập với cộng đồng chính là niềm vui của thầy. Thầy được rất nhiều phụ huynh biết ơn, họ nói rằng sự nhẫn nại của thầy đôi khi còn vượt xa chính cha mẹ đẻ các em".
Phong Anh
.
.
.