Hai người điên… biết cưu mang nhau

Thứ Tư, 24/09/2014, 17:00
Nguyễn Tuấn Nghĩa và Lê Thị Mùi, hai con người, hai cảnh ngộ có điểm chung là họ từng ở trong trại thương điên. Trước những nghiệt ngã và vòng xoay của cuộc đời họ đến với nhau như một cái “duyên trời định”.

Nguyễn Đức Nghĩa từng là một cậu học trò giỏi, ham học nhưng do một tai nạn chấn thương sọ não năm 10 tuổi đã biến anh thành một con người khác hoàn toàn với quá khứ. Anh bắt đầu có những hành vi lập dị khác người

Trong một lần theo mẹ lên chùa, Nghĩa có cảm giác mình có điều khác thường, cái duyên với Phật hé mở. Từ hôm đó anh luôn tìm kiếm, mua hoặc mượn những cuốn sách về kinh Phật đọc và ngày ngày ngâm cứu..

Với bản tính hướng thiện, thương người, Nghĩa đã cưu mang rất nhiều người phụ nữ, họ đều là những người điên dại, ăn xin, bẩn thỉu mà anh “nhặt” được ngoài đường, Bố mẹ đã rất đau đầu vì hành động điên rồ ấy của anh, tỏ khó chịu ra mặt, thậm chí là đuổi… vì thế những người phụ nữ ấy đã lần lượt bỏ anh ra đi.

Vào năm 2006 trong một lần đi hóng gió trên cầu Long Biên, anh thấy chị Mùi và các con. Một người phụ nữ điên đùm núm 3 đứa con ăn xin, đứa bé mới hơn 1 tuổi đang bò lê la trên đất. Trông cảnh ngộ thương tâm ấy trong đầu anh ngay lúc đó bất giác nghĩ: “Mình thấy tâm mình không yên, ý nghĩ thôi thúc bắt buộc phải cưu mang lấy họ”.

Chị tên thật là Lê Thị Mùi. Quê gốc chị ở Hải Dương, chị là người đàn bà đau khổ đến điên dại. Chị đã từng đi xin người ta để được một đứa con, nhưng người con trai đầu tiên ấy của chị lại mắc bệnh hen. Chị lấy người chồng thứ hai, anh là dân giang hồ, chị và chồng hai có chung 2 người con. Anh rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, người ta phát hiên anh bị HIV, một năm sau anh chết. Nhà cửa bị lừa mất hết. Hiểu hoàn cảnh và thương chị, anh Nghĩa quyết định dẫn chị về nhà. Bố mẹ không đồng ý, đánh đuổi chị đi và bắt anh vào trại thương điên.

Ra trại, anh đến tìm và đưa chị về nhà. Lần này bố mẹ anh đồng ý anh đưa chị Mùi về. Ông bà mua cho anh một căn chung cư nhỏ. Từ đó, anh và chị chính thức sống với nhau đến tận bây giờ đã được 6 năm trời.

Cuộc sống mưu sinh hằng ngày của họ vẫn là ăn xin

Đã 6 năm trôi qua, được sự nâng niu dìu dắt của anh, bệnh điên của chị đã hết. Chị đã biết ngoan ngoãn chào hỏi mọi người trong cùng khu dân cư, gia đình anh chị ít có những lời tranh cãi qua lại. Hai đứa con đầu của chị về quê sống với ông bà nội. Chỉ còn bé Phả nhỏ nhất ở với chị. Một năm sau, anh và chị cũng sinh ra một bé gái xinh xắn, kháu khỉnh tên là Đức Hạnh. Đức - Hạnh cũng là hai thứ anh muốn người con ấy của mình sẽ hoàn thiện và đầy đủ.

Hằng ngày chị Mùi vẫn đi ăn xin ở đầu đường xó chợ, người ta cho gì chị cũng lấy. Từ những miếng thịt thừa đến những bát phở ăn dở. Chị đều xin về cho chồng con ăn. Anh Nghĩa có gì ăn nấy, anh chưa bao giờ coi trọng việc ăn uống. Không ngại ngần gì, những hàng xóm quanh đây cũng dần quen với nếp sống của anh chị,  họ vẫn thường treo những thức ăn thừa như thịt, cá, bánh… trước cửa nhà cho anh chị, hoặc là bấm chuông rồi đi, hoặc là cứ treo ở đấy cho đến lúc anh chị nhìn thấy rồi mang vào ăn.

Công việc hằng ngày của anh Nghĩa là ở nhà trông con và nghiên cứu sách về Phật. Trong khi trò chuyện với chúng tôi có con kiến bò vào tay, anh nhấm nước miếng rồi búng nó đi. Những con gián thì bò lổm ngổm, dường như chúng biết anh không đụng đến mình nên chúng rất “hiên ngang” và tự do. Trong nhà anh nuôi một chú gà trắng, thỉnh thoảng chúng nhảy cả lên đầu của anh, đôi lúc anh lại vứt miếng táo hay quả chuối cho con ốc sên ở ngoài hành lang cửa sổ ăn…

Trong căn phòng mà họ đang sống dán đầy những mảnh giấy anh cắt được liên quan đến Phật, những bài Kinh hay những câu danh ngôn cuộc sống. Có gì ý nghĩa anh đều treo lên bằng những chiếc kẹp quần áo.

Buổi chiều nào anh cũng đạp xe lên cầu Long Biên, tắm sông Hồng. Cứ vài ngày gia đình họ lại có một chuyến ra sông Hồng tắm, trên bờ trải những mảnh áo mưa để nằm nghỉ như một chuyến đi chơi xa. Thỉnh thoảng gia đình anh Nghĩa có những cuộc đi chơi xa bằng xe đạp về thăm quê nội, quê ngoại… có khi mất hơn chục ngày trời đi xe đạp mới về đến nơi. Vừa đi vừa cho con ăn, vừa ngắm cảnh….

Gia đình họ, mỗi người là một số phận khác nhau giữa cuộc đời và những số phận ấy được đan xen vào nhau. Mỗi người một việc, không ai giống ai, mỗi người một cảnh ngộ. Tuy họ khác thường lập dị so với mọi người nhưng họ lại có những điểm chung giống nhau. Điều đó đã khiến những con người ấy xích gần lại nhau hơn.

Ước mơ của những đứa con

Khi hỏi về tương lai và những dự định của anh chị. Anh Nghĩa chia sẻ: “Anh mong muốn là truyền bá Phật pháp vào nhân gian. Anh cũng sẽ để các con mình tu hành theo mình” vì vậy, gia đình họ đều được cạo trọc đầu, từ chị Mùi, đến Phả, đến bé gái Hạnh. Cái tên “gia đình đầu trọc” cũng nổi tiếng cả khu Văn Quán Hà Đông cũng vì sự lập dị, khác đời, khác người đó.

Trò chuyện với bé Phả (10 tuổi) con trai anh Nghĩa và chị Mùi, về ước mơ và những dự định trong tương lai. Phả hồn nhiên đáp trong tiếng nói còn hơi ngọng: “Ước mơ của em là được đi sửa xe. Và mẹ cũng hứa sau này sẽ mua cho em một bộ đồ đi sửa xe”. Câu nói khiến chúng tôi thực sự suy nghĩ khi em nói “em ghét hai chữ “tự tin” vì em không thể tự tin”…

Đang trò chuyện, thì chị Mùi và bé Hạnh đi ăn xin về. Bé Hạnh nhìn thấy người lạ, líu lo chào hỏi bằng nói pha tiếng cười tươi tắn. Chị cười rồi đi vào tắm giặt. Một lúc sau bé Hạnh bưng ra một tô mì hai tay lễ phép: “Con mời bố ăn mì”. Bé Hạnh nay đã 5 tuổi nhưng rất ngoan, trong sáng không giống với những đứa trẻ lanh lọc mà ta thường gặp. Và anh chị cũng không có ý định cho Hạnh đến trường. Giống như việc Phả không đến trường có nhiều lý do như tiền đi học không có và một trong những lý do quan trọng nhất là anh khẳng định mình có thể dạy được con tốt hơn.

Anh Nghĩa kể, có nhiều khi tổ dân phố và trường học có đến gia đình và khuyên anh chị cho các cháu đến trường nhưng anh quyết không đồng ý, và bảo vệ quan điểm của mình đến cùng. Anh chia sẻ: “Khi ta giỏi hơn họ rồi thì ta lại không cần họ nữa”

Dù biết suy nghĩ của anh là vậy nhưng ước mơ đến trường vẫn lộ rõ trên đôi mắt ngây thơ của bé Phả và Hạnh khi được hỏi có thích đến trường không? Hai em đều gật đầu cười khanh khách, tiếng cười của những đứa trẻ còn ngây thơ và chưa hiểu hết chuyện đời nhưng đó lại là câu trả lời chân thật.

Đặt ra những điều không ổn

Anh Nghĩa vốn là một người khỏe mạnh, là người đàn ông chính trong gia đình nhưng anh lại không phải là lao động chính. Như trên đã nói: Hằng ngày anh chỉ ở nhà đọc kinh, đọc sách, ăn, ngủ mà thôi. Anh nói: “Số mình là số phước may mắn hơn người khác, mình chỉ việc hưởng thôi. Số vợ khổ, khổ lắm, lúc nào cũng chỉ ăn được đồ thừa của người ta mà thôi. Với anh và chị là 2 cuộc đời số phận đối lập nhau, đó là số phận rồi”. Anh không hề cảm thấy có chút gì suy nghĩ về hành động và việc làm ấy của mình.

Chị Mùi tuổi đã già, hơn anh 10 tuổi, vẫn là cái tuổi còn có thể lao động chân chính. Nhưng hằng ngày chị vẫn dắt con gái nhỏ ra đường ăn xin của người khác. Chiều lại dắt con về căn chung cư cao ráo đầy đủ tiện nghi. Chuyện này đã diễn ra 6 năm nay và không hề thay đổi.

Nói đến các con anh chị, chúng đều không muốn sống ở đây, hai đứa con đầu của chị đã về Hải Dương sống với họ hàng. Phả là đứa con thứ 3, đã 10 tuổi, em tâm sự: “Em muốn về quê sống, ở đây chán lắm. Sau này lớn nhất định em sẽ không bao giờ ở đây”. Như vậy, chính những đứa con của anh chị chúng cũng không muốn đi trên con đường sắp tới với một tương lai không nhìn thấy đường ấy. Dù đã đủ tuổi đến trường nhưng anh vẫn không cho con đi học, luôn giữ  một quan điểm lạ lùng và có chút bảo thủ.

Rõ ràng, sự lập dị ấy có đan xen những điều tốt như về đời sống tâm linh tín Phật, gia đình hòa thuận hay sinh hoạt và đi chơi chung. Tuy nhiên nó cũng bộc lộ một loạt những khiếm khuyết hạn chế. Nếu cứ mãi trì trệ và sống như vậy, tương lai của họ và nhất là những đứa trẻ sẽ ra sao? Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho xã hội

Hà Vũ
.
.
.