Hai người lính cũ

Thứ Năm, 07/05/2015, 19:21
Buổi tối cao nguyên trời se lạnh êm ả, nhiệt kế trong nhà đang chỉ 18 độ. Anh Hảo đưa tôi chiếc áo khoác màu ghi quàng tạm, vợ anh đang chuẩn bị bữa tiệc cho hai người lính cũ. Chương trình truyền hình Quân đội nhân dân chuyển sang mục nhắn tìm đồng đội.

Uống trà đi anh Chiến! Trà mộc sao suốt nguyên chất chỉ dành cho người thân. Anh em mình còn nhiều ân oán lắm. Hôm qua gặp anh ở Đà Lạt tôi không tin vào mắt mình, đến nỗi bắt tay nhau rồi vẫn cứ ngỡ ngàng. Anh biết, mỗi lần gặp được người quen cũ, tôi thường hỏi thăm anh, có người nói đã gặp anh đạp xích lô ở Sài Gòn, họ còn cho tôi biết hình như anh đã ra lính về trường đại học lại…

Anh Hảo đẩy ly trà nóng về phía tôi một cách trịnh trọng, rồi quay vào gọi vợ. Bất ngờ trước sự chào đón thân tình của anh, tôi cố truy tìm những chi tiết trong quá khứ giữa anh và tôi để cuộc gặp gỡ tình cờ nồng ấm hơn. Thông thường người ta quý nhau phần lớn là do những kỷ niệm tốt mang tính nhân văn, còn tôi và anh đã một lần nói chuyện bằng súng đạn. Hình ảnh một thời chinh chiến bi hùng năm xưa lại hiện về nhưng bây giờ thì khác, cuộc chiến tranh nào cũng phải đi đến phần kết.

“Đây! Tôi xin giới thiệu với anh: Hương, vợ tôi, cháu này là Phượng con gái lớn nhất là cử nhân kinh tế, cháu Hoa cử nhân quản trị kinh doanh, cháu Hớn là út, kỹ sư chế tạo máy. Tất cả các con tôi đi học để trở về làm việc cho công ty gia đình”. Anh chỉ sang tôi: “Đây là chú Chiến, nguyên là sĩ quan tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nay là nhà văn kiêm thông dịch viên tiếng Anh, người mà ba thường kể cho cả nhà ta nghe”.

Anh Hảo đưa tay giới thiệu từng thành viên trong gia đình, cộng với sự trân trọng của anh làm tôi ái ngại. “Anh Hảo đã phóng đại tôi thành nhân vật quan trọng rồi! Tất cả cũng vì chiến tranh thôi! Trên thế giới này có ai thích chiến tranh, ngoại trừ những tay lái súng và buôn bán chính trị”. Tôi mỉm cười giải thích với chị Hảo.

Chiều nay vợ chồng Hảo cố gắng mời tôi ở lại nhà anh để tâm sự một thời xa vắng. Phần tôi công việc đã xong và cũng tò mò muốn biết những thăng trầm của người lính sau chiến tranh. Nhìn cơ ngơi gia đình, khuôn viên nhà máy đủ minh chứng rằng anh là một doanh nhân thành đạt, một gia đình Á Đông tiêu biểu, có học thức và làm giàu chính đáng.

Chiều cao nguyên xuống muộn, xa xa những đám mây xốp trôi nhè nhẹ trên những đồi chè và cà phê bạt ngàn. Bây giờ là cuối đông, cà phê đang mùa ra hoa, những đồi hoa trắng chạy dài xa tít, tỏa mùi hương thoang thoảng dìu dịu quyện vào cái lạnh cao nguyên. Cũng không gian này 40 năm về trước là bãi chiến trường ngổn ngang xe pháo và lính trận.

Ngày ấy Đại đội An ninh vũ trang của tôi ngoài nhiệm vụ bảo vệ Khu ủy Khu 6 còn một bộ phận tiếp nhận tù hàng binh. Đầu năm 75, trong trận giải phóng quận Tánh Linh thuộc Bình Tuy cũ, tiểu đoàn 840 chuyển cho trại nhiều tù binh chiến tranh, mà ngày ấy gọi là sĩ quan binh sĩ ngụy, trong đó có Đại úy Trần Phước Hảo 28 tuổi, Chi đội trưởng Thiết giáp của sư đoàn bộ binh.

Lúc bàn giao tù binh, khi đọc đến: Trần Phước Hảo, anh nhìn chằm chằm vào mặt tôi hằn học: “Tôi là sĩ quan! Tôi yêu cầu chuyển sang nơi giam giữ sĩ quan. Xin các ông nhớ rằng: Chúng tôi là tù hàng binh, các ông phải đối xử theo công pháp quốc tế. Nếu không các ông cứ bắn đi!”.

“Quân đội Mỹ đã dùng B52 rải thảm Hà Nội, có theo công pháp quốc tế không! Việc bắn ông không khó, chúng tôi không muốn phí một viên đạn bắn vào một người như ông. Không nói nữa, dẫn nó đi!”. Tôi rút khẩu K54 bắn xuống đất cách chân anh 10cm và ra lệnh cho anh em bằng giọng rít qua kẽ răng. Chiến trường là thế! Cả hai bên chỉ nói chuyện với nhau bằng súng đạn, đổ máu thắng thua.

Miền Nam giải phóng, các tù hàng binh đều ngoan ngoãn chấp hành nội quy của trại, tuy nhiên tôi vẫn chú ý đến thái độ của Trần Phước Hảo. Anh có vẻ điềm đạm và lễ độ hơn. Mỗi lần gặp tôi, anh luôn chủ động chào hỏi một cách trân trọng. Trong số trại viên được thăm nuôi, Hảo là một trong những người ít được thăm nuôi nhất dần dần không còn người đến nữa, trừ mẹ anh, một bà cụ trên 70 tuổi, gầy gò như quả me chín, dường như cuộc đời bà là một sự chịu đựng đến quá sức mình. Cứ độ ba tháng một lần bà quẩy một chiếc giỏ cói, đội chiếc nón lá bung vành xơ xác, chống gậy lóc cóc thăm con.

Từ Lạc Tánh về trại Huy Khiêm thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy cũ, với quãng đường 5km đầy đá nham nhở, thỉnh thoảng vài chiếc xe than chạy qua cuốn theo những đám bụi mù trời. Mỗi lần gặp con, bà khóc nhiều hơn là động viên anh cố gắng cải tạo tốt. Nhìn đôi mắt sâu thẳm nhăn nheo như quả đười ươi khô quay mặt vào núi Cà Tòn mếu máo của người mẹ, nước mắt của tôi trào ra hình tượng đến những người mẹ thời chiến cả hai miền Nam Bắc nằm nhoài trên nền đất đưa cánh tay trần lẩy bẩy quờ quạng réo tên con, khi nghe tin báo tử từ chiến trường về.

Năm 1980, tôi về Phan Thiết đến tận quê anh, miệt ngoại ô thị xã. Đó là một vùng quê tĩnh lặng đến mức buồn chán. Gần như mỗi nhà đều trồng me, mùa đông đến, lá me già chuyển màu rụng xuống bay lả tả như đàn bướm vàng chao lượn. Bố Hảo, ông Tú Hoàn, người có bằng tú tài Pháp, thời trai trẻ tham gia quân báo cho quân đội Việt Minh, bị quân xa Pháp cán chết năm 1952 trong khi thi hành nhiệm vụ. Mẹ anh không tục huyền, dồn hết tình thương vào đứa con trai độc nhất của mình.

Hảo đỗ tú tài toàn phần hạng Bình ban toán rồi ghi danh học đại học Luật hàm thụ, sau đó thi vào Trường Võ bị Đà Lạt với mục đích thoát khỏi cảnh đời nghèo khổ cô độc hơn là ý thức chính trị. Năm 1973, anh cưới vợ, là một hoa khôi đậu tú tài phần một. Năm 76 chị đi buôn đường dài rồi làm vợ hợp đồng với một tài xế xe tải, dẫn theo đứa con gái 2 tuổi của anh. Thế là hết, tổ ấm cuối cùng còn lại đã mất.

Sau chuyến về Phan Thiết xác minh nhân thân của anh, tôi cho gọi anh vào văn phòng Ban chỉ huy. “Thưa cán bộ, cán bộ cho gọi tôi”. Hảo đứng trước bậc cửa nhà tranh chào tôi theo đúng quân kỷ, giọng nhẹ và lạc đi. “Vâng, mời anh Hảo vào!”, tôi mỉm cười thân mật đẩy ly trà và gói thuốc lá Hoa Mai về phía anh một cách trân trọng.

Hảo đốt thuốc từ từ nhả khói, đưa mắt nhìn ảnh Bác Hồ mặc quân phục trong chiến dịch biên giới một cách chăm chú. Theo nguyên tắc của trại, tù nhân không được vào văn phòng của Ban chỉ huy khi không có lệnh. Đây là lần đầu tiên anh được vào gặp viên sĩ quan tham mưu, người đã một lần nói chuyện với anh bằng súng đạn trong chiến tranh.

“Trong chúng ta, việc gặp gỡ nhau chính thức đây là lần thứ hai phải không anh Hảo?”, tôi mở đầu câu chuyện một cách thân tình. “Dạ, lần trước tôi bị sốc, xin cán bộ bỏ qua”. “Thật ra ở đời thường, nhiều thứ không công bằng, tỷ như tôi biết về anh nhiều hơn anh biết về tôi”, tôi tiếp tục đi vào câu chuyện. “Dạ, lý lịch của tôi đã khai rõ”, anh thêm vào. “Về tuổi tác, tôi kém anh vài tuổi nhưng cũng là sinh viên Sài Gòn. Tuy khác nhau về chiến tuyến nhưng đều là người có học, đều là người lính. Chúng ta sẽ nói chuyện với tư cách hai người lính hết chiến tranh nhé!”. “Dạ”. Anh nhìn tôi nghi ngờ trộn lẫn ngơ ngác.

Hôm ấy, cuộc nói chuyện giữa tôi và anh kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Tôi chia sẻ với anh về cái chết của ba anh đến những khó khăn của xã hội hiện tại, về trận lũ lụt năm 1978 và cuộc chiến tranh đẫm máu bảo vệ biên cương hai đầu Tổ quốc... Anh được phép hút thuốc lá theo nhu cầu. Ngày ấy đời lính chúng tôi thuốc lá Hoa Mai, loại thuốc lá đen không có đầu lọc là quý lắm rồi. Trong bốn tiếng đồng hồ, hai chúng tôi đốt gần cả gói.

Việc thứ hai, thông tin sự cô đơn của bà Tú Hoàn và việc ra đi lặng lẽ của vợ con anh. Đôi mắt của anh dần dần trở nên mênh mang. Tôi biết anh đau lòng, là một tù binh, ai cũng muốn trở về với vợ con, nhưng đối với anh những thứ đó không còn nữa. Những ngày kế tiếp anh lầm lì, nụ cười héo hắt. Nhờ sự xác nhận là con liệt sĩ của chính quyền địa phương nên anh được trả tự do sớm.

Cầm tờ giấy ra trại trong tay, anh cố tìm gặp tôi bắt tay từ giã, với giọng thật buồn, anh đề nghị tôi có một lời khuyên. Lúc ấy tôi đã tham gia với anh rất chân tình: “Cụ Tú Hoàn đã đóng góp xương máu để giành độc lập dân tộc. Khi trở về hội nhập với cộng đồng, anh cố gắng giữ gìn những cái vô hình và hữu hình của họ tộc Trần Phước để lại. Theo tôi, anh không nên đi tìm chị, hãy để chị tự trở về. Nếu không, gặp được người đồng cảnh ngộ thì tốt hơn. Anh không nên tham gia bất kỳ tổ chức chính trị nào để tập trung xây dựng kinh tế gia đình bằng bàn tay và trí tuệ của người có văn bằng cử nhân khoa học ứng dụng Trường Võ bị Đà Lạt như anh”.

Hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi bắt tay nhau, đôi bàn tay còn mùi thuốc súng của hai người lính đã một thời khác nhau chiến tuyến. Tôi còn nhớ, trên đôi mắt của anh ầng ậng nước, có lẽ đó là những giọt nước mắt cuối cùng của người đàn ông đầy tâm sự! Tôi ra quân tiếp tục học đại học, chúng tôi bặt tin nhau từ đó…

Buổi tối cao nguyên trời se lạnh êm ả, nhiệt kế trong nhà đang chỉ 18 độ. Anh Hảo đưa tôi chiếc áo khoác màu ghi quàng tạm, vợ anh đang chuẩn bị bữa tiệc cho hai người lính cũ. Chương trình truyền hình Quân đội nhân dân chuyển sang mục nhắn tìm đồng đội.

Chiến tranh đã lùi về quá khứ nhưng trên đất nước mình không ít những người mẹ lưng còng đêm đêm lẩy bẩy mang kính lão dán mắt vào màn ảnh nhỏ để nghe ngóng tin tức con mình trong tuyệt vọng. Biết bao mộ chí của liệt sỹ đã quy tập về nghĩa trang nhưng vẫn mang hàng chữ “chưa có tên” và biết bao sự thở dài tuyệt vọng không cầm được nước mắt của những người mẹ sinh ra những đứa con tật nguyền bởi di chứng chiến tranh.

Anh Hảo dẫn tôi vào bàn thờ tổ, bên trên là tấm bằng Tổ quốc ghi công của ba anh do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Căn phòng linh thiêng này khói hương nghi ngút, những cây nhang cong xuống, quyện tròn vào nhau…

- Gặp được anh tôi mừng lắm! Anh cất giọng tâm sự. Đêm nay hai anh em mình sẽ thức, tôi sẽ kể vì sao tôi về Tây Nguyên. Nhà tôi, cô hoa khôi Phan Thiết đã vượt biên với đứa con gái của tôi không biết còn hay mất. Tôi đã đi hỏi nhiều nơi nhưng vẫn biệt tăm. Tôi không đi H.O, anh cũng biết tôi đã từng tu nghiệp ở Mỹ. Mẹ tôi, sau ngày tôi về, bà bị liệt hai chân, tôi không nhớ đời mẹ đã đi chân đất bao nhiêu cây số vì chồng vì con, bà thực sự không có thế giới riêng cho mình.

Thuở thiếu thời nuôi chồng hoạt động bí mật, sau hòa bình nuôi con đi ở tù. Bà nặng tình hàng xóm lắm, thực ra xóm giềng là chỗ dựa cả cuộc đời bà. Lúc ra tù, thỉnh thoảng tôi cõng mẹ đi thăm, đến đâu người ta cũng ngả mũ chào bà Tú. Chắc anh cũng nhận ra, cái thời mà đồng tiền chưa phải là thước đo tài năng, người có học như ông nội và ba tôi được kính trọng lắm. Bây giờ đời sống vật chất lên ngôi, xung quanh tôi không ít người nghèo khổ trở nên khá giả từ chè, nay họ quay lại xem thường dân hái chè thuê, những người đã một thời phát quang đường đi và vun vén sự giàu có cho họ.

Anh Chiến ạ! Lên Tây Nguyên được vài năm thì mẹ tôi mất, trước lúc lâm chung bà dặn rằng: “Con cứ để mẹ nằm đây, không cần phải về quê, ở đâu cũng là nước mình, mình là người có nước con ạ!”. Anh biết, tôi đi nhiều và được học nhiều hơn mẹ tôi nhưng với bà, tôi vẫn là đứa học trò nhỏ. Lúc sinh thời, bà thường bảo tôi: “Phàm, người đàn ông không tu thân, không tề gia được thì không thể trị quốc, bình thiên hạ…”.

Ngày ra trại tôi nghe anh trở về quê, thế nhưng chuyện đời không đơn giản tí nào. Hằng ngày ra vào lặng lẽ, đêm đêm trở mình hình ảnh vợ con một thời còn đấy, thỉnh thoảng xuống phố thấy bóng mình lẻ loi cô độc, in dưới bóng đèn vàng hiu hắt. Đôi người còn gán cho tôi cái tên “Thằng cha Đại úy ngụy vợ bỏ” nghe cay đắng quá, trong khi nhịp sống xã hội cứ hối hả từng ngày còn mình ngồi đấy gặm nhấm quá khứ.

Những buổi sáng nông nhàn chúng tôi thường ngồi uống trà dưới tán lá me xanh, nhiều người bảo rằng ở Lâm Đồng trồng chè sống được, tôi bàn với mẹ bán đi thổ đất và căn nhà. Từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, từ bỏ những chùm me xanh hoa vàng, hàng chùm quân đến mùa trĩu quả và căn nhà lợp ngói âm dương màu gụ.

Từ giã nơi một thời còn in đậm những ký ức tuổi thơ, cả cuộc đời lặng lẽ của mẹ, sự danh giá của họ tộc Trần Phước để cõng mẹ ra đi. Lúc bà choàng tay ôm cổ tôi chuẩn bị lên đường, tim tôi như muốn vỡ ra. Hai mẹ con nhìn căn nhà lần cuối, lầm lũi lê bước như trốn chạy. Trên lưng, mẹ sụt sùi khóc, những giọt nước mắt xé lòng của mẹ rơi trên cổ tôi vẫn còn dư âm đến tận bây giờ. Anh biết! Bước chân đi, mẹ con tôi chốc chốc quay đầu nhìn lại cho đến khi chỉ còn là một màu xanh nhạt nhòa…

Lên Tây Nguyên, tôi mua được hai mẫu chè và một căn nhà gỗ xiêu vẹo, trống hoác, xung quanh là núi đồi, đêm về gió vùng cao vừa lạnh lẽo vừa khắc khoải. Mẹ tôi cứ ngồi co ro quấn chiếc mền còn chừa phần đầu nhìn về hướng Phan Thiết, thỉnh thoảng chép miệng thở dài… Ngày ấy chè cành mới trồng thử nghiệm. Loại chè này phát triển nhanh, cho nhiều đọt mà đầu ra tốt. Lại đúng dịp Nhà nước đổi mới cơ chế quản lý. Nhờ kiến thức khoa học cộng với sự phân tích, tôi mua lại một dàn máy cũ, đổi mới một số thiết bị sản xuất thử, cho đến khi sản phẩm cuối cùng ra đúng ý mình. Chúng tôi bán đúng giá thị trường nhưng thay đổi hương vị theo từng vùng. Tôi lấy tên con gái đầu đặt thương hiệu trà Phượng Tím. Sau đó vợ chồng tôi đăng kí bản quyền, mở trang web riêng.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lời anh dặn việc chăm lo xây dựng kinh tế và chọn vợ, lúc anh tiễn tôi ra tận cổng nhà tù... Hương, bà vợ thứ hai của tôi, chồng cũng là đại úy chế độ cũ đã định cư ở Mỹ theo diện HO cùng với cô vợ bé, bỏ lại cô ấy và đứa con gái bốn tuổi, cháu Phượng bây giờ. Hương là dân gốc Đà Lạt, ngày chồng bỏ cô dẫn con xuống đây hái chè thuê rồi thu mua chè tươi cho tôi. Là người cùng cảnh ngộ, chúng tôi đến với nhau một cách tự nguyện, tôi yêu thương cháu Phượng như đứa con đầu lòng của mình.

Năm ngoái chồng cũ của Hương từ Mỹ về. Trông anh chàng mập trắng và bệ vệ lắm, nhưng hai tuần ở đây anh ta không có một nụ cười, đôi mắt lúc nào cũng trầm tư u uất. Anh nói với tôi bằng tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt: “Tôi là người định cư ở nước ngoài, tôi nghiệm ra rằng con người ta cần có nước có nhà và có vợ”. Anh ấy nói bên Mỹ anh sống cô đơn, vợ đã ly dị, con cái không nghe lời. Anh có ý định bảo lãnh cháu Phượng sang Mỹ để giảm bớt hội chứng stress trong những năm cuối đời nhưng cháu từ chối. Cuối cùng anh cho cháu hai ngàn đô để mua chiếc xe tay ga của Nhật nhưng cháu chỉ lấy đủ tiền mua một chiếc xe thường làm vật kỷ niệm của bố đẻ.

Ngày tiễn anh về Mỹ, tôi tự lái xe nhà chở vợ con tôi, những người một thời từng là của anh ra đến tận phi trường. Anh thấy đấy! Cuối cùng của một đời người, đồng tiền và tiện nghi vật chất đâu phải là tất cả mà nó còn có một thứ vô hình khác lớn hơn, tiếng Anh gọi là Happy Ending (sự kết thúc có hậu), khi chết có ai mang theo được gì, tất cả của cải đều để lại. Nhưng để lại điều gì! Truyền thống danh giá của một gia tộc, hay để lại đầy tiện nghi vật chất để rồi ngay chính trong tộc họ đối xử với nhau theo kiểu bầy đàn.

Nhưng thôi, 40 năm rồi. Tôi và anh, những người lính khác nhau chiến hào, tự đi tìm nhau, cùng kể cho nhau nghe chuyện riêng tư của đời mình. Tình bạn của chúng ta giống như tính minh triết về văn hóa trà, lúc đầu ly trà vừa nóng vừa chát, màu nước vàng ngầu lợn cợn đủ tạp chất, tưởng chừng như không thể uống được. Thế nhưng thời gian sẽ làm cho nước trở nên sóng sánh, biếc một màu mang thi vị nhân bản. Trà chỉ dành cho những người có tâm, họ không thích những cái phù phiếm mang tính hình thức bề ngoài.

Anh Chiến ạ! Nhà tôi cũng sẽ là nơi đến của những người đã trải qua chiến tranh như anh và tôi. Khi nào rảnh rỗi anh đưa chị lên chơi và tôi sẽ chở vợ tôi xuống thăm anh chị để biết nhà. Chúng mình là những người có nước có nhà và có vợ anh Chiến nhỉ!

(Kính tặng những đồng đội đã hy sinh và những người đang sống ở Đại đội 25 năm xưa của tôi)

Trần Đại
.
.
.