Hai người phụ nữ sẽ giữ vị trí quan trọng ở EU

Thứ Bảy, 06/07/2019, 13:35
Sau nhiều ngày đàm phán, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về danh sách chỉ định các chức danh lãnh đạo chủ chốt của khối trong nhiệm kỳ mới, giúp khai thông bế tắc trong lựa chọn nhân sự cấp cao của liên minh.


Hai vị trí lãnh đạo then chốt của EU được dành cho phụ nữ, đó là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen, được giới thiệu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu; Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde sẽ giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đây là lần đầu tiên EU có hai ứng cử viên nữ được chỉ định nắm giữ các vị trí chủ chốt của khối, vốn luôn thuộc về phái mạnh suốt hơn 60 năm qua.

Ursula von der Leyen - người phụ nữ cứng rắn của chính trường Đức

Bà Ursula von der Leyen sinh năm 1958 tại Brussels (Bỉ) trong một gia đình có truyền thống làm chính trị, cha bà là ông Ernst Albrecht, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu, sau này là Thống đốc bang Lower Saxony (Niedersachsen) trong 14 năm. Sở dĩ Ursula von der Leyen sinh ra ở Bỉ vì đó là nơi cha bà làm việc cho Hội đồng liên minh Âu châu (Tổng giám đốc từ năm 1969), và sống ở Bỉ cho tới khi bà được 13 tuổi. Năm 1971 gia đình bà chuyển về Lehrte, một thành phố tại vùng Hannover.

Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen đứng cạnh một quân nhân Đức khi bà tới căn cứ không quân Azraq ở Jordan vào đầu năm 2018.

Ngay từ khi còn là cô bé vị thành niên, Von der Leyen đã có nhiều năm phải sống trong sự bảo vệ của cảnh sát, do những kẻ cực đoan cánh tả luôn nhắm tới các nhân vật chính trị và doanh nhân có tiếng. Vì vậy, vào những năm 70, trước nỗi lo bị các phần tử khủng bố cánh tả đưa vào tầm ngắm, Thống đốc Albrecht quyết định gửi Von der Leyen sang Anh sống trong căn hộ của một người họ hàng dưới cái tên Rose Ladson, và luôn có các vệ sỹ đi theo ngay cả khi đã trưởng thành.

Năm 1977 Ursula von der Leyen bắt đầu học đại học Kinh tế tại đại học Gttingen, Münster và London School of Economics. Tới năm 1980, bà đổi sang học Y khoa tại đại học Hannover, và tốt nghiệp 7 năm sau đó. Năm 1991, Von der Leyen lấy bằng tiến sĩ Y khoa. Từ năm 1992 cho tới 1996 bà theo chồng sang Mỹ, nơi ông giảng dạy tại Stanford University.

Sau khi cùng gia đình trở về Đức bà làm việc với Friedrich Wilhelm Schwartz trong ngành Dịch tễ học, Y khoa Xã hội và hệ thống Y tế tại Đại học Y khoa Hannover. Năm 2001, bà lấy bằng thạc sĩ về Y tế công cộng (MPH). Nhờ lớn lên ở Bỉ, học ở Anh nên bà thông thạo tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Năm 1986, bà Ursula von der Leyen kết hôn với Heiko von der Leyen, một giáo sư ngành Y khoa, thành viên dòng dõi quý tộc Von der Leyen. Hai người sinh tới 7 đứa con, lớn nhất sinh năm 1987, bé nhất sinh năm 1999.

Tưởng rằng bà sẽ an phận với công việc chăm sóc và nuôi dạy 7 đứa trẻ nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào năm 1990, bà quyết định gia nhập đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và được bầu vào Nghị viện bang Lower Saxony. 

Sự nghiệp chính trị của Von der Leyen bắt đầu thăng hoa khi bà được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng phụ trách quyền lợi phụ nữ và trẻ em của bang Lower Saxony. Năm 2005, bà Von der Leyen gia nhập nội các đầu tiên của Thủ tướng Merkel với tư cách là Bộ trưởng Gia đình, Cao niên, Phụ nữ và Thiếu niên. Trong 4 năm giữ vị trí này (2005- 2009), thành công nổi bật của bà là tăng số lượng các cơ sở điều dưỡng và chi phụ cấp cho nam giới nghỉ chăm con mới sinh.

Von der Leyen lập tức kêu gọi tăng trợ cấp xây dựng nhà trẻ, để những bà mẹ như bà có thể được thoải mái đi làm sau khi sinh con. Sự năng động của bà đã vấp phải sự hoài nghi của các nhân vật bảo thủ trong đảng CDU và sự kinh ngạc từ phía cánh tả.

Năm 2009, bà tiếp trục tham gia nội các nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Merkel với vị trí Bộ trưởng Lao động và Xã hội. Bà tiếp tục gây ngạc nhiên khi bắt buộc các tập đoàn phải dành ra một lượng ghế nhất định cho phụ nữ trong hội đồng quản trị, cũng như đặt ra mức lương tối thiểu.

Với nhiều người Đức, trong đó chủ yếu là phụ nữ, Von der Leyen là người quá hoàn hảo khi một tay nuôi 7 đứa con, chăm sóc cho người cha bị Alzheimer đến khi ông qua đời và điều hành toàn các bộ lớn, trong khi vẫn luôn tươi cười hàng ngày. Tháng 12-2013, bà được Thủ tướng Merkel bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Đây được coi là thử thách lớn nhất dành cho Von der Leyen khi bà là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Đức.

Là Bộ trưởng Quốc phòng, bà được mệnh danh là "nhà hiện đại hóa quân đội" khi đảo ngược chính sách cắt giảm chi tiêu suốt 25 năm hay mở trại trẻ cho binh sĩ và điều quân đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế, bao gồm cả miền Bắc Iraq. Với mái tóc ngắn, trang phục thanh lịch và thái độ bình tĩnh, ngay cả khi đến thăm quân đội ở Afghanistan, người ta vẫn ví bà là hiện thân của sự "bình yên" nơi "tâm bão". 

Christine Lagarde - "người đàn bà thép" của giới tài chính

Bà Christine Lagarde sinh ngày 1-1-1956 tại thủ đô Paris (Pháp). Lớn lên ở thành phố cảng Le Havre, sau khi tốt nghiệp ngành luật ở Paris, Lagarde tiếp tục lấy bằng thạc sĩ luật tại Viện Khoa học chính trị ở Aix-en-Provence. Năm 1981 khi tròn 25 tuổi, bà sang Mỹ hành nghề luật sư và gia nhập Công ty luật quốc tế Baker & McKenzie ở Chicago, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới.

Bà Christine Lagarde sẽ rời vị trí Tổng giám đốc IMF để làm Chủ tịch ECB.

Tháng 6- 2005, bà bắt đầu tham gia chính trị với chức vụ Bộ trưởng Thương mại  Pháp dưới thời Tổng thống Jacques Chirac. Trong 4 năm giữ cương vị này, bà Christine Lagarde đã thường xuyên gặp gỡ các nhà tài chính hàng đầu thế giới, và càng thường xuyên hơn nữa kể từ khi Pháp nắm vai trò nước chủ nhà của G20 vào tháng 11-2010.

Bà được mô tả như "một ngôi sao nhạc rock của giới tài chính thế giới" do tài thương thuyết trong cuộc khủng hoảng tài chính. Năm 2009, tạp chí Financial Times bầu chọn bà Christine Lagarde là "Bộ trưởng tài chính xuất sắc nhất châu Âu".

Ngày 29-6-2011, bà Christine Lagarde đắc cử Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với hàng loạt thách thức như cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, đặc biệt là giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hi Lạp. Nhưng bà đã không chỉ thành công trong việc làm giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà còn tiến hành hiệu quả hàng loạt thay đổi để gia tăng ảnh hưởng của các thị trường mới nổi tại IMF.

"Một phụ nữ thanh lịch, điềm tĩnh và bản lĩnh cộng với khả năng nói tiếng Anh hoàn hảo" - báo chí quốc tế mô tả bà Christine Lagarde bằng những từ như thế sau khi bà đắc cử chức Tổng giám đốc IMF.

Bởi vậy việc bà Christine Lagarde được lựa chọn vào vị trí Chủ tịch ECB có thể được coi là chọn đúng người đúng việc. Nếu đắc cử, bà Christine Lagarde sẽ phải nhận nhiệm vụ nhiều thách thức là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu Âu.

"Bà Lagarde được chọn vì bà ấy có uy tín lãnh đạo không thể tranh cãi tại IMF. Tôi cho rằng ai làm được như bà ấy ở IMF cũng đều có thể lãnh đạo ECB", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu. Tổng thống Emmanuel Macron thì nói "bà Lagarde có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo ECB. Bà ấy cũng được thị trường tín nhiệm". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết việc bà Lagarde từng làm Bộ trưởng Tài chính không gây rủi ro cho ECB.

Cơ quan này hoạt động độc lập, không chịu ảnh hưởng bởi chính trị. Còn Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte nhận xét bà Lagarde là "một phụ nữ cứng rắn". "Bà ấy biết mình muốn gì, luôn đưa ra những chỉ đạo rõ ràng. Khi cho vay, bà ấy có những điều kiện rất khắt khe", ông cho biết. Năm 2018, bà được tạp chí Forbes của Mỹ xếp vị trí thứ 3 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, sau Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May.

Giới đầu tư kỳ vọng với kinh nghiệm chống khủng hoảng, bà Lagarde sẽ chia sẻ chủ trương của ông Draghi về chính sách tiền tệ quyết liệt và sáng tạo để vực dậy tăng trưởng. Thị trường tài chính hiện đang đặt cược khả năng ECB hạ lãi suất trong tháng 9.

Một khi bà Lagarde được Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn cho ghế Chủ tịch ECB, thì cả ECB và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều được lãnh đạo bởi các cựu luật sư. Đây là một sự dịch chuyển lớn từ kỷ nguyên mà các ngân hàng trung ương lớn đều được đứng đầu bởi các nhà kinh tế học như ông Ben Bernanke, cựu Chủ tịch FED. Cả ba Chủ tịch ECB đầu tiên đều có bằng cấp kinh tế và có kinh nghiệm lãnh đạo ngân hàng trung ương quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bác bỏ những lo ngại về việc bà Lagarde thiếu bằng cấp kinh tế. Ông khẳng định bà sẽ là một vị Chủ tịch ECB hoàn hảo. Trong một tuyên bố, bà Lagarde cho biết bà "vinh dự được đề cử" cho ghế Chủ tịch ECB và sẽ tạm thời ngừng các nhiệm vụ tại IMF trong khi chờ các nghị sỹ EU phê chuẩn việc đề cử bà.

Khai thông bế tắc

Việc hai người phụ nữ được chỉ định vào hai vị trí quan trọng của EU đã giải quyết được những bế tắc trong lựa chọn nhân sự cấp cao của EU kéo dài nhiều tuần qua giữa các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu sắp mãn nhiệm Donald Tusk gọi các đề cử là "sự cân bằng giới tính hoàn hảo". Thỏa thuận về nhân sự là một kết quả kinh điển của Châu Âu sau nhiều ngày đàm phán marathon, phơi bày sự chia rẽ sâu sắc của liên minh. Đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra đề cử bầu bà Ursula von der Leyen vào ghế Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, và đổi lại, phía Đức phải ủng hộ bà Christine Lagarde vào chức Chủ tịch ECB.

"Chúng tôi đã chọn 2 người phụ nữ và 2 người đàn ông cho 4 vị trí quan trọng, một sự cân bằng giới tính hoàn hảo. Tôi thực sự hạnh phúc về điều đó, đằng sau toàn bộ Châu Âu là một người phụ nữ" - ông Donald Tusk dẫn một thần thoại Hy Lạp để nói về việc bầu chọn. Các chức danh trên rất quan trọng, có vai trò định hình các chính sách của khối kinh tế lớn nhất thế giới với 500 triệu dân.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.