Hàn Quốc:

Mở rộng điều tra cựu Tổng thống Park Geun-hye

Thứ Hai, 23/07/2018, 01:01
"Tổng thống Moon Jae-in đã ra lệnh cho quân đội phải trình tất cả các văn kiện, trong đó có những văn kiện được trao đổi giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh An ninh Quốc phòng (DSC - Cơ quan tình báo quân đội), liên quan tới những văn kiện thiết quân luật của DSC báo cáo Tổng thống", người phát ngôn của Tổng thống Kim Eui-kyeom thông báo. 



Theo hãng Yonhap, ngày 16-7, Tổng thống Moon Jae-in đã ra lệnh quân đội phải trình tất cả những tài liệu có liên quan tới tuyên bố tình trạng thiết quân luật do cơ quan tình báo quân đội đề xuất trước đó. Được biết, Bộ Quốc phòng đã bổ nhiệm Chánh Văn phòng Pháp vụ thuộc lực lượng Không quân Jeon Ik-soo làm trưởng nhóm điều tra độc lập về DSC. 

Nhóm điều tra có khoảng 30 người không xuất thân từ Lục quân hoặc DSC, sẽ làm việc đến hết ngày 10-8. Điều đáng nói, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo từng nhận báo cáo về việc này, nhưng không đưa ra biện pháp xử lý, nên dư luận đang đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề nhạy cảm kể trên. Bộ Quốc phòng cũng cho biết, sẽ điều tra đối với cựu Bộ trưởng Han Min-koo về vấn đề này.

Binh sỹ Hàn Quốc.

Quyết định kể trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang mở cuộc điều tra đặc biệt về đề xuất của DSC từ hồi cuối năm 2016 - tuyên bố tình trạng thiết quân luật để đàn áp những cuộc tuần hành phản đối và lễ thắp nến chống lại nữ Tổng thống năm 2017, nhằm giữ bà Park Geun-hee tiếp tục tại vị. 

Trước đó (12-7), Đài Phát thanh và Truyền hình Hàn Quốc cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ trình dự luật đặc biệt nhằm quy định về sự trung lập chính trị của các tổ chức trực thuộc quân đội sau vụ DSC từng soạn thảo văn bản xem xét việc ban lệnh giới nghiêm trong thời điểm diễn ra phiên xét xử cựu Tổng thống Park Geun-hye hồi tháng 3-2017.

Bộ Quốc phòng đưa ra quyết định này sau khi văn bản của DSC bị dư luận chỉ trích là phủ nhận trật tự Hiến pháp và chủ nghĩa dân chủ ở Hàn Quốc. Theo đó, các cơ quan quân đội có thể từ chối những chỉ thị có yếu tố chính trị từ các cơ quan cấp trên, bao gồm Phủ tổng thống, và có thể xử phạt nghiêm người đưa ra chỉ thị này. 

Đồng thời đảm bảo các cơ quan quân đội không gặp bất lợi dù từ chối các chỉ thị liên quan tới chính trị, và quy định về việc trao thưởng cho người tố giác các chỉ thị không chính đáng.

Ngày 9-12-2016, Quốc hội thông qua dự thảo luận tội đối với bà Park Geun-hye và trình lên Tòa án Hiến pháp để ra phán quyết cuối cùng. Ngày 10-3-2017, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết luận tội và lập tức bà Park Geun-hye bị bãi nhiệm. Nhưng theo tài liệu do DSC soạn thảo hồi tháng 3-2017, người biểu tình có thể sử dụng chai xăng tấn công, tước vũ khí của cảnh sát, gây rối loạn trị an nghiêm trọng, nên quân đội cần đối phó với tình huống này. 

Giới truyền thông dẫn lời Nghị sỹ Lee Chul-hee của đảng Dân chủ đồng hành, người công khai văn bản của DSC, phải làm rõ sự thật về quá trình soạn thảo văn bản cũng như ý đồ điều động quân đội khi đó của DSC. Hơn 1 tháng trước (15-6), 3 cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) là Lee Byung-kee, Lee Byung-ho và Nam Jae-Joon đã bị kết án từ 3 đến 3,5 năm tù vì bị cáo buộc chi 3,2 triệu USD trái phép từ NIS để hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye. 

Người dân biểu tình phản đối bà Park Geun-hye.

Theo giới truyền thông, phản ứng mạnh của người dân xứ sở kim chi có phần liên quan tới lịch sử gia đình của bà Park Geun-hee - con gái cố Tổng thống Park Chung-hee, tướng độc tài cầm quyền ở Hàn Quốc gần 20 năm trước khi bị Giám đốc tình báo ám sát năm 1979.

Cùng thời điểm 3 cựu lãnh đạo NIS nhận án tù, các công tố viên đã yêu cầu mức án 12 năm tù đối với bà Park Geun-hye về tội nhận hối lộ từ NIS. Đồng thời yêu cầu nữ cựu Tổng thống phải nộp phạt 8 tỷ won (khoảng 7,38 triệu USD). Bà Park Geun-hye vắng mặt trong phiên xử hôm 14-6 vì tẩy chay mọi phiên tòa nhằm vào mình, đồng thời khẳng định vụ án này là sự trả thủ chính trị do Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in tiến hành. 

Trước đó (6-4), Tòa án quận trung tâm Seoul đã tuyên mức án 24 năm tù và khoản tiền phạt trị giá 18 tỷ won (khoảng 16,6 triệu USD) đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye. Và việc này diễn ra sau khi các công tố viên bổ sung cáo buộc đối với bà Park Geun-hye vì từng nhận 3,65 tỷ won từ NIS trong thời gian nắm quyền và sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân. 

Nhưng hơn 2 tháng trước (9-5), bà Park Geun-hye đã được phép rời nhà tù tạm thời để đến bệnh viện ở quận Seocho, điều trị chứng đau lưng kinh niên. Bà Park Geun-hye là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc và cũng là tổng thống dân cử đầu tiên bị phế truất ở nước này.

Tuệ Sỹ
.
.
.