Hạn chế niên hạn sử dụng xe taxi:­­ Nhiều bất cập

Thứ Tư, 01/10/2014, 09:30

Sau nhiều tính toán, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 86/201/NĐ-CP với nhiều quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Trong đó nổi bật có quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm với các địa phương khác. Với tiêu chí "an toàn của hành khách đặt lên hàng đầu" thì quy định này hợp với lòng dân. Tuy nhiên nó cũng đã xảy ra không ít những phản hồi trái chiều của những người hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách.

Quy định nhằm mục đích an toàn cho hành khách

Vấn đề an toàn giao thông nhiều năm nay luôn được coi là vấn nạn. Sau những vụ tai nạn thương tâm, các nhà làm chính sách dành không ít thời gian, tâm huyết để xây dựng những quy định phù hợp với thực tế giao thông của nước ta. Suy cho cùng những quy định, tính toán cũng nhằm mục đích cuối cùng là sự an toàn cho người tham gia giao thông. Xuất phát từ đó ,Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86/201/NĐ-CP với nhiều quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Theo đó, quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, Nghị định nêu rõ, từ ngày 1/7/2015, đối với xe ôtô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải hành khách hoặc hợp đồng lữ hành, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.

Đặc biệt hơn nữa từ ngày 1/6/2015, xe taxi cũng phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền và trả cho khách. Việc in hóa đơn này được rất nhiều người dân ủng hô,å đặc biệt là khách nước ngoài. Đặc điểm của những tài xế taxi không biết ngoại ngữ, khi thanh toán với người nước ngoài chủ yếu chỉ ra kí hiệu bằng ngón tay. Giả sử hết 50 nghìn VNĐ, tài xế đưa ra 5 ngón tay, những khách nước ngoài mới đến Việt Nam lại ngỡ là 5 đô la. Khi có hóa đơn khách hàng sẽ rất thuận tiện cho việc thanh toán. Việc in hóa đơn này cũng không để thất thu thuế và đó cũng là hoạt động rất văn minh.

Quy định có nhiều ý kiến trái chiều nhất vẫn là niên hạn sử dụng của xe. Nghị định này quy định xe ô tô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300km phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với ôtô sản xuất để chở người và từ ngày 1/1/2016 không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng. Đối với cự ly từ 300km trở xuống thì niên hạn không quá 20 năm đối với ôtô sản xuất để chở người; không quá 17 năm đối với ôtô chuyển đổi công năng trước ngày 1/1/2002 từ các loại xe khác thành xe ôtô chở khách.

Đối với xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại các đô thị đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Giải thích về quy định này đối với taxi, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng: Với taxi chạy trên địa bàn các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội phải bằng 2 năm taxi tại các địa phương. Nguyên tắc, xe cứ đi nhiều đương nhiên là nhanh hỏng và xuống cấp. Thực tế các hãng taxi danh tiếng trên địa bàn Hà Nội cùng lắm chỉ có 5 năm là các đơn vị này thay xe mới. Tất nhiên thực hiện được điều này chỉ có thể là những hãng taxi lớn, còn với những hãng taxi nhỏ chắc chắn họ sẽ muốn giữ lại. "Cái này chúng tôi đã bàn bạc, hỏi ý kiến rất kỹ lưỡng rồi. Lúc đầu chúng tôi dự định thời gian chạy của xe taxi là 8 năm trên tất cả các địa phương trên cả nước. Trong cuộc họp của Hiệp hội các hãng taxi đều thấy có lý và đồng tình"- ông Hùng chia sẻ.

Xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm với các địa phương khác.

Nhiều người cho rằng hiện nay có rất nhiều xe được nhập khẩu và thời gian hoạt động 8 năm là quá ngắn. ông Hùng cho rằng, đa số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hơn nữa không ai nhập xe taxi nguyên đai nguyên kiện từ nước ngoài về. Các xe taxi hiện nay đều đặt ở trong nước.

Rõ ràng, khi doanh nghiệp kinh doanh kiếm lợi trên đồng tiền của khách hàng, ngoài việc cung cấp dịch vụ còn phải chịu trách nhiệm tới sự an toàn của khách. Chính vì thế kể cả xe du lịch cũng ngắn hơn niên hạn của một xe bình thường. Và xe taxi cũng không nằm ngoài việc phải đảm bảo an toàn cho hành khách. "Xe taxi hết niên hạn vẫn có thể bán cho cá nhân được, chứ có vứt đi đâu. Tất nhiên, trên thực tế không có quy định nào phù hợp 100% cả nên chúng ta cần điều chỉnh. Giống như trước đây, người nào có 1 xe cũng có thể là doanh nghiệp vận tải. Nhưng bây giờ thì không thế, phải có quy định từ mấy xe trở lên anh mới có quyền thành lập doanh nghiệp. Lý do là vì với quy mô như thế anh mới có các bộ phận chuyên nghiệp như: kỹ thuật, an toàn… Nghị định 86 lấy ý kiến 3 vòng liền chứ không phải một vòng. Cái nghị định này được xem như nghị định để tái cấu trúc vận tải đường bộ. Khi tái cơ cấu kinh tế của đất nước thì dần dần cũng phải đưa vận tải vào khuôn khổ" - ông Hùng nhấn mạnh.

Thiệt cho doanh nghiệp và tài xế?

Trên thực tế quy định niên hạn hoạt động của xe taxi vướng không ít phản đối của những doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt là cánh tài xế có cổ phần là những chiếc xe đang hoạt động với công ty. Nhiều ý kiến cho rằng, những chiếc xe mới nhập khẩu nếu được bảo hành bảo dưỡng, chăm sóc tốt của lái xe thì 8 năm vẫn chưa ảnh hưởng đến kỹ thuật, độ an toàn. Anh Trương Như Mừng, tài xế chạy cho hãng taxi trên địa bàn Hà Nội bức xúc: "Quả thực là quy định như vậy là quá ngắn. Việc an toàn hay không hàng năm chúng tôi đều đi đăng kiểm, kiểm định chất lượng rồi. Xe an toàn, tốt, bền hay không là do người sử dụng hết. Nếu như đi phá, không giữ gìn thì chỉ 3-5 năm xe xuống cấp nặng. Còn đảm bảo bảo hành định kỳ có thể hơn chục năm là bình thường".

Điều mà cánh tài xế này đặc biệt quan tâm nữa là, đa số những hãng taxi còn chưa mạnh thường có phương thức tài xế cùng cổ phần với công ty bằng những chiếc xe hiện có. Rõ ràng với những người lao động đơn giản, để có một chiếc ôtô là một nỗ lực của riêng họ, có khi còn của cả gia đình, thậm chí đi vay lãi. Khi họ bỏ một khoản tiền lớn mua xe để hoạt động chạy taxi. Đa phần họ không mua được xe mới, chủ yếu xe cũ đã sử dụng vài năm. Họ chỉ chạy được 1 vài năm sau đó phải bán vì không còn niên hạn cho hoạt động taxi thì quả là điều cay đắng.

Anh Nguyễn Minh Thắng, tài xế chạy cho hãng Hà Nội Sao buồn bã chia sẻ: "Nếu đúng là có quy định như vậy thì thật thiệt thòi cho bọn em. Xe của em lúc mua đã qua sử dụng được 4 năm. Như vậy chỉ còn 4 năm nữa là không được chạy. Cả nhà đi vay đi mượn được mấy trăm triệu mua cái xe, chạy taxi kiếm cơm. Giờ mà hết niên hạn bán đi tiền lỗ hao mòn xe chắc chắn ngang tiền công của bọn em trong 4 năm làm việc cật lực. Em mong nhà nước có chính sách phù hợp hơn, hoặc kéo dài niên hạn cho xe taxi".

Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng thấy niên hạn 8 đến 12 năm là chưa phù hợp, nếu đi vào thực tiễn sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp này cho rằng khi hết niên hạn những xe chạy taxi sẽ rất khó khăn bán lại cho tư nhân. Bởi nhu cầu của người dân ngày càng cao, họ sẽ không chịu mua những chiếc taxi quần cả ngày trên đường trong vòng 8 năm. Hơn nữa xe taxi khó bán ra ngoài cũng vì nhỏ, nhu cầu gia đình là lớn hơn. Còn việc in hóa đơn tuy có lợi cho khách hành nhưng doanh nghiệp lại phải bỏ chi phí cho hàng trăm chiếc xe để lắp đặt hệ thống in hóa đơn. Rõ ràng doanh nghiệp sẽ không được tính vào cước phí của hành khách.

Ông Phan Anh, Giám đốc hãng taxi Sông Nhuệ nêu quan điểm: Với một cái xe nhập khẩu mà được doanh nghiệp bảo dưỡng bảo trì thường xuyên và được kiểm định thì chạy vẫn tốt lắm, không thể hỏng được. Quy định mà ban hành như thế thì rất thiệt thòi cho doanh nghiệp. Vì các xe đó khi không dùng để chạy taxi nữa, nếu đưa ra ngoài làm xe gia đình thì rất thiệt. Vì xe gia đình người ta cũng phải dùng xe to hơn. Nói chung những xe nhỏ như thế chỉ hợp với làm dịch vụ thôi. Nếu sau 8 năm lưu hành mà không được sử dụng nữa thì doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại nặng về tài chính.

Việc in hóa đơn thì sẽ có lợi cho khách hàng nhưng lại thiệt cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp lại thêm một khoản đầu tư vì không thể tính vào giá thành vì đó là trang thiết bị.

Ông Hữu Khúc Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng cho biết: "Nếu niên hạn ngắn như thế thì nhiều doanh nghiệp khấu hao không kịp, nên sẽ không có lãi. Hơn nữa, đối với taxi ở các đô thị lớn mà đưa ra thời gian lưu thông ngắn như thế thì đầu ra rất khó khăn. Đương nhiên nó phải dồn các phương tiện hết niên hạn ở Thủ đô đến các tỉnh, thành khác. Nếu một phương tiện sau khi chạy hết khấu hao mà bán đi, giả dụ thời hạn sử dụng là 12 năm đối với một chiếc taxi thì giá thành đầu ra sẽ cao hơn. Ví dụ thế này, thường thì những hãng taxi tên tuổi, một chiếc taxi họ chỉ dùng trong khoảng thời gian 5 đến 6 năm rồi sẽ thanh lý. Thế nhưng nếu niên hạn có thể sử dụng là 12 năm thì các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ mua lại để tiếp tục sử dụng, vì thời gian được phép sử dụng còn dài. Nhưng nếu niên hạn chỉ là 8 năm thì chỉ còn 2 đến 3 năm để sử dụng. Thế có nghĩa là nếu các doanh nghiệp nhỏ mua lại thì cũng không có lãi nên họ sẽ không mua. Về cơ bản, doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi niên hạn được phép sử dụng ngắn.

Phong Anh
.
.
.