Hàng loạt cơ quan chưa xử lý nổi chiếc "máy bay sắt vụn" ở Nội Bài

Chủ Nhật, 01/09/2019, 18:40
Hơn 12 năm qua, một chiếc máy bay Boeing từng thuộc sở hữu của Hãng Hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) bị “bỏ rơi” ở sân bay Nội Bài hiện như một đống sắt vụn, nhưng các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn loay hoay không xử lý được.


Chi phí trông coi, sân đỗ lên tới cả triệu USD

Chiếc Boeing B727 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia). Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1-5-2007.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như sau thời gian sửa chữa, Royal Khmer Airlines đưa chiếc máy bay này về nước. Sau khi thấy chiếc máy bay đỗ lại trên sân quá lâu, chủ sở hữu chiếc máy bay này không có động tĩnh, nhà chức trách Việt Nam đã gửi thư đề nghị Cục Hàng không Campuchia (SSCA) phối hợp xử lý.

Hình ảnh chiếc máy bay phủ đầy bụi bẩn theo thời gian.

Năm 2014, đại diện Cục Hàng không Campuchia trả lời: "Chiếc máy bay này đã không còn trong danh sách quản lý của chúng tôi kể từ khi công ty này ngừng hoạt động" và cho biết giấy chứng nhận người khai thác máy bay (AOC) của Hãng Hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi và máy bay B727-200 đã bị xoá đăng ký quốc tịch Campuchia từ ngày 13-1-2008.

Nghĩa là từ thời điểm đó, trách nhiệm của Việt Nam là tìm chủ sở hữu của chiếc máy bay hoặc có thể bán phế liệu, tuỳ vào quyết định của Việt Nam.

Kể từ thời điểm lần cuối đáp xuống sân bay Nội Bài, tính đến năm 2018 đã 12 năm chiếc Boeing 727-200 vẫn nằm nguyên một chỗ. Đáng lưu ý, suốt từ thời điểm máy bay bị "bỏ rơi", Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài vẫn phải duy trì việc bảo vệ và đảm bảo an ninh đối với máy bay này không khác gì máy bay đỗ lại vì lý do kỹ thuật.

Một nguồn tin cho hay, trong thời gian từ ngày 2-3-2007 đến ngày 30-4-2007, Royal Khmer Airlines đã đặt cọc bằng tiền mặt với giá trị 5.000 USD để đảm bảo việc thanh toán dịch vụ sử dụng của Hãng.

Cụm cảng hàng không miền Bắc trước đây chưa ký hợp đồng dịch vụ với Hãng mà thu trực tiếp mỗi chuyến bay như thu dịch vụ các chuyến bay không thường lệ. Vì vậy, các dịch vụ phát sinh của Hãng từ chuyến bay đầu tiên đến chuyến bay cuối cùng đã được Hãng thanh toán đầy đủ, theo đúng quy định.

Từ 1-5-2007 đến 30-11-2007, sau khi Royal Khmer Airlines dừng bay, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã nhiều lần trao đổi với đại diện của Hãng về khắc phục sự cố và di dời máy bay. Tuy nhiên, Royal Khmer Airlines và các đối tác liên quan không thực hiện di chuyển máy bay cũng như không có bất cứ liên hệ nào.

Vì vậy mọi chi phí sau đó đều do Cảng Nội Bài "gánh vác". Cụ thể, tổng tiền dịch vụ là các khoản thu từ việc máy bay B727-200 đậu lại từ thời điểm kết thúc việc thanh toán lần cuối (1-12-2007 đến 23-4-2018) là 832.792 USD, trong đó tiền dịch vụ sân đậu máy bay là 753.872 USD; tiền dịch vụ bảo vệ máy bay là 78.920 USD.

Sau khi được phép của Cục Hàng không Việt Nam, ngày 23-4-2018, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã phải di dời chiếc máy bay này ra vị trí đỗ mới ngoài sân đậu. Để di dời được máy bay này, Cảng Nội Bài phải chi tới hơn 482 triệu đồng.

 Sau khi di dời ra ngoài sân đậu, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã đề xuất Cục Hàng không Việt Nam phương án cho phép sử dụng máy bay B727-200 bị bỏ lại làm mô hình phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện hoặc xin phép sử dụng máy bay này phục vụ diễn tập khẩn nguy cứu nạn.

Vẫn loay hoay xử lý chiếc "máy bay sắt vụn"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hãng Boeing ra mắt dòng máy bay B727 vào năm 1965, mẫu này đã ngừng sản xuất từ khá lâu. Vào những năm đầu ra mắt, một chiếc Boeing 727-200 có giá khoảng 4,2 triệu USD, nhưng đến năm 1982, mỗi chiếc loại này được bán ở mức giá tới 22 triệu USD.  Boeing 727 có chiều dài khoảng 46,7m, sải cánh 33m và có sức chứa 189 hành khách, 4 phi hành đoàn.

Một chiếc Boeing 727-200 đã bay 59.000 giờ cùng thời với chiếc máy bay "bị bỏ quên" này cũng từng được rao bán trên Global Air vào năm 2016 với giá 1,29 triệu USD. Nhiều chuyên gia nhận định chiếc Boeing 727 nằm ở sân bay Nội Bài hơn 12 năm qua đến nay chỉ có giá trị như sắt vụn, bởi nếu còn giá trị kinh tế thì Royal Khmer Airlines đã không vứt đi như vậy.

Trước đề xuất về phương án cũng như chi phí Cảng Nội Bài đã bỏ ra, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, cơ quan này không đủ chức năng và thẩm quyền để thẩm định, công nhận hay phê duyệt, bởi các chi phí mà Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài tính toán căn cứ trên cách tính dịch vụ sân đậu máy bay và tiền bảo vệ máy bay tại cảng hàng không ở tình trạng khai thác và cung cấp dịch vụ vận chuyển là không hợp lý.

Về căn cứ pháp lý, ngày 10-1-2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-BTC xác lập quyền sở hữu Nhà nước về tài sản đối với máy bay Air Dream B727-200 nên chiếc máy bay này là tài sản công thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Quản lý, tài sản công năm 2017. Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam không có thẩm quyền xem xét để chấp thuận cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sử dụng máy bay phục vụ công tác khẩn nguy cứu nạn máy bay tại Cảng.

Trong trường hợp Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có nhu cầu, thì Cảng hàng không báo cáo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam xem xét, báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước để lấy ý kiến của Bộ Tài chính (cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về tài sản công) trong việc sử dụng tài sản công vào mục đích phục vụ diễn tập khẩn nguy cứu nạn.

Sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GT-VT và đưa ra 2 phương án để xử lý máy bay này là bán đấu giá hoặc giao cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, nếu một máy bay đang hoạt động, đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật khai thác, Cục có thể tham khảo ý kiến của các hãng hàng không, các vụ việc tương tự trên thế giới (nếu có) khi bán đấu giá máy bay để làm cơ sở phê duỵệt, thống nhất giá khởi điểm.

Nhưng đây lại là một máy bay hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Vì vậy không đủ cơ sở và sẽ thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra.

Năm 2017, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp về việc thẩm định giá tài sản, tuy nhiên, sau khi khảo sát, công ty này đã từ chối vì không có đủ hồ sơ, tài liệu để xây dựng phương án thuê doanh nghiệp định giá nước ngoài vì chi phí thuê có thể đắt hơn giá trị thu được từ đấu giá.

Với phương án giao ACV, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, ACV hiện là chủ nợ của khoản chi phí dịch vụ sân đậu máy bay và tiền bảo vệ máy bay, do vậy ACV được ưu tiên trong danh sách chủ nợ được thanh toán.

Hơn nữa ACV cũng là một đầu mối trong công tác phòng, chống khủng bố tại cảng hàng không, do vậy việc giao cho ACV làm mô hình huấn luyện diễn tập hàng năm là phù hợp. Trong trường hợp bán đấu giá thì Bộ GT-VT và các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể mới thực hiện được.

Phạm Huyền
.
.
.