Hậu dồn điền đổi thửa ở Sóc Sơn:

Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp “bốc hơi”

Thứ Năm, 10/08/2017, 16:00
Hàng nghìn mét vuông đất của hàng trăm hộ dân xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội bỗng dưng bị “bốc hơi” khi thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa. Quá bức xúc, người dân phản ánh sự thiếu hụt của mình so với sổ điền bạ do Nhà nước cấp trước đó thì được chính quyền địa phương trả lời “chia theo thôn, không chia theo chỉ đạo”.


Điều đặc biệt hơn nữa, bên cạnh nhiều hộ thiếu đất thì lại xuất hiện không ít hộ thừa ra. Xảy ra cả hiện tượng rao bán, cho thuê hoặc đổi trác.

Bức xúc vì thiếu hụt so với sổ điền bạ

Vài năm nay, việc dồn điền đổi thửa tại xã Tân Dân luôn là đề tài nóng, gây cho bà con nhiều bức xúc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dồn điền đổi thửa là một chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất, canh tác. Nguyên tắc của việc này không phải là chia lại ruộng đất mà phải được thỏa thận, thống nhất của người dân.

Nguyên tắc dồn điền đổi thửa phải được cụ thể bằng văn bản, đề án của chính quyền ban hành xuống để hướng dẫn cấp xã, thôn thực hiện với mục đích mang lại sự công bằng cho người dân. Vì thế, UBND huyện Sóc Sơn đã ra một Đề án số 178/ĐA – UBND ngày 11/12/2009 chỉ đạo rõ ràng các nguyên tắc khi dồn điền đổi thửa cho cấp dưới thực hiện.

Vấn đề mà bà con bức xúc là khi triển khai Đề án đó tại xã, dường như chính quyền xã đã “lờ đi” các hướng dẫn này. Họ không những không làm theo hướng dẫn của huyện mà còn làm theo “chỉ đạo của thôn”, lấy chỉ đạo đó để thực hiện việc dồn điền đổi thửa. 

Khi họ làm theo “chỉ đạo của thôn” thì việc dồn điền đổi thửa xong, các hộ dân tá hỏa khi diện tích đất nông nghiệp bị thiếu hụt hàng trăm mét vuông đất so với sổ điền bạ được Nhà nước cấp trước đó.

Hàng nghìn mét vuông đất đã bị “bốc hơi” sau khi dồn điền đổi thửa.

Ông Dương Văn Sớm (thôn Ninh Cầm, Tân Dân) bức xúc: “Chúng tôi là những người nông dân, ruộng đất là rất quan trọng để sản xuất và canh tác. Khi thực hiện dồn điền đổi thửa, chúng tôi lại thấy thiếu, khi hỏi chính quyền cấp trên thì vẫn không nhận được câu trả lời xác đáng. Họ bảo dồn điền đổi thửa không dựa vào sổ điền bạ hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dân chúng tôi rất bức xúc trước việc này”.

Gia đình ông Cao Văn Thục (50 tuổi), thôn Ninh Cầm, Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội) cũng là nạn nhân của việc dồn điền đổi thửa kỳ lạ này. Năm 1998, gia đình ông Thục được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2.925m² đất nông nghiệp. Đến năm 2009, gia đình ông bị thu hồi 192m² đất để làm trường mầm non của xã, sau đó lại được chú ruột tặng 192m2 đất.

Việc này đã được UBND xã Tân Dân chứng thực ngày 17/7/2009. Chính vì vậy, sau khi bị thu hồi, diện tích đất nông nghiệp mà gia đình ông Thục được sử dụng canh tác vẫn là 2.925m². Đến năm 2013, chính quyền xã Tân Dân thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, chính quyền thôn Ninh Cầm và UBND xã Tân Dân giao lại diện tích đất nông nghiệp cho gia đình ông Thục.

Việc giao đất này được thể hiện trong “Biên bản xác nhận giao ruộng dồn điền, đổi thửa trong nông nghiệp do thôn Ninh Cầm, xã Tân Dân lập”. 

Điều đặc biệt là, trong biên bản này không thể hiện được ngày, tháng lập và số diện tích đất nông nghiệp mà Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Ninh Cầm (xã Tân Dân) giao cho gia đình ông Thục là 2.094m². 

Như vậy, diện tích đất nông nghiệp mà Tiểu ban dồn điển đổi thửa thôn Ninh Cầm và chính quyền xã Tân Dân giao lại cho gia đình ông bị thiếu hụt 831 m².

Bà Nguyễn Thị Chải (49 tuổi, thôn Ninh Cầm) cũng chung cảnh thiếu hụt đất nông nghiệp sau khi dồn điền đổi thửa. Bà Chải cho biết, gia đình bà được giao 2920,8 m² đất canh tác. Sau khi nhà nước thu hồi 1176 m² để thực hiện dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và xây dựng Trường Mầm non xã Tân Dân sẽ còn lại 1744,8 m². Tuy nhiên, sau dồn điền đổi thửa, gia đình bà bị thiếu hụt 810,8m2 đất (chưa tính 126 m² đất ở xứ đồng Dộc Xăm).

Trước khi dồn điền đổi thửa, gia đình bà được Nhà nước giao đất và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đầy đủ. Tuy nhiên, sau khi dồn điền đổi thửa, gia đình bà lại bị thiếu quá nhiều đất như vậy là một điều quá vô lý?! 

Bà Chải bức xúc: “Tôi rất mong các cấp lãnh đạo có một cuộc thanh kiểm tra xem vì sao đất nhà tôi lại thiếu hụt như vậy. Mà không chỉ gia đình nhà tôi bị, nhiều nhà trong xã cũng bị thiếu. Thế này là không công bằng, không thể chấp nhận được”.

Đề án 178/ĐA của UBND huyện Sóc Sơn.

Thua hết lệ làng

Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân của sự thiếu hụt này, ông Ngô Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân khẳng định, UBND xã chỉ “làm theo” nghị quyết của thôn.

“Chúng tôi vẫn biết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân đã được Nhà nước cấp là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993, có nhiều việc chưa đúng. Chưa đúng ở đây là việc người dân kê khai diện tích đất tăng lên nhiều so với thực tế và có nhiều hộ, những nhân khẩu nhận đất cũng không đúng. Vì thế, khi dồn điền đổi thửa lần này, người dân trong thôn có ý kiến nên xã chỉ “làm theo Hội nghị nhân dân của thôn”.

Tuy nhiên UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành đề án số 178/ĐA – UBND ngày 11/12/2009 chỉ đạo rất rõ ràng các nguyên tắc dồn điền đổi thửa. So với đề án này thì việc dồn điền đổi thửa của UBND xã Tân Dân triển khai đã có nhiều điểm sai lệch.

Cụ thể, theo nguyên tắc số 5 trong đề án: Việc chuyển đổi ruộng đất không có nghĩa với việc xem xét chia lại ruộng đất, vì thế phải tuân theo nguyên tắc “Sinh không tăng. Tử không giảm”. Có nghĩa, không được chia lại diện tích đất nông nghiệp của người dân, không được tăng, giảm diện tích đất nông nghiệp của người dân.

Đơn kêu cứu của một số hộ dân mất đất ở Tân Dân.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho hay, việc người dân phản ảnh thiếu hàng nghìn mét vuông đất sau khi dồn điền đổi thửa, xã sẽ cho cán bộ rà soát lại và thông tin đến báo chí.

Nhiều người dân hoang mang và thấy mình đang bị đối xử không được công bằng. Bởi rõ ràng họ được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Và nguyên tắc dồn điền đổi thửa trong đề án của UBND huyện Sóc Sơn ban hành đã quá rõ ràng. Thế nhưng UBND xã Tân Dân lại bỏ qua, và thực thi theo “nghị quyết của thôn”.

“Chẳng có lẽ ở xã chúng tôi lại có chuyện “phép vua lại thua lệ làng”? Chúng tôi chỉ mong được công bằng, ai cũng như ai trước những chủ trương chính sách của Đảng - Nhà nước” – Ông T tâm sự.

Nhiều hộ dân thiếu đất sau khi dồn điền đổi thửa, vậy thì số đất thừa đang ở đâu? Có hay không năm 1993, người dân đã khai khống diện tích đất của mình như ông Phó Chủ tịch UBND xã nói ở trên? 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều hộ diện tích đất nông nghiệp tăng lên hàng nghìn mét vuông sau khi dồn điền đổi thửa. Điều này đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch của lãnh đạo UBND xã Tân Dân và Tiểu ban dồn điền đổi thửa của thôn Ninh Cầm.

Ông Phạm Văn Tuấn (thôn Ninh Cầm) tiết lộ: “Tại thôn Ninh Cầm nói riêng và xã Tân Dân nói chung, có rất nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng bị thiếu đất nông nghiệp sau khi tiến hành đồn diền, đổi thửa. Trong khi đó, sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa xong, không ít hộ gia đình trong thôn Ninh Cầm và cả xã Tân Dân lại “bỗng dưng” có nhiều diện tích đất nông nghiệp, nhiều đến nỗi rao bán, cho thuê và đổi trác”. 

Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại của người dân về việc thiếu hụt diện tích đất nông nghiệp, UBND huyện Sóc Sơn, phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sóc Sơn đã có 3 công văn yêu cầu: Công văn số 197/PC-BTD ngày 04/11/2016 yêu cầu  UBND xã Tân Dân trả lời công dân 03/12/2016; Công văn số 31 / TNMT ngày 24/1/2017 yêu cầu UBND xã Tân Dân trả lời công dân trước ngày 17/2/2017; Công văn số 88/PC-BTD ngày 11/4/2017 yêu cầu UBND xã Tân Dân trả lời kiến nghị của người dân trước ngày 17/5/2017.

Nội dung công văn nêu rõ: “Làm rõ quá trình dồn điền đổi thửa… theo các nguyên tắc, nội dung, quy định tại Đề án số 178/ĐA-UBND ngày 11/12/2009 của UBND huyện Sóc Sơn”. Tuy nhiên, mãi đến ngày 31/5/2017, UBND xã Tân Dân mới có giấy trả lời công dân. Trong giấy trả lời công dân, UBND xã Tân Dân lại chưa nêu rõ việc tiến hành dồn điền đổi thửa tại địa phương có theo đúng các nguyên tắc, quy định của Đề án 178/ĐA-UBND hay không.

Phong Anh
.
.
.