Hàng trăm con người sống thấp thỏm dưới đường điện cao thế

Thứ Tư, 02/11/2016, 11:23
Gần 10 năm nay, hàng chục hộ dân, hàng trăm con người thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên phải sống thấp thỏm dưới nguồn điện cao thế. Nguy hiểm do phóng điện, sét đánh, rồi nhiễm điện từ kéo theo bao bệnh tật. Không những vậy, cây trồng vật nuôi cũng không thể sinh trưởng và phát triển bình thường. Hàng trăm lá đơn được gửi đi, thậm chí đã có những chỉ đạo của Chính phủ, nhưng những bức xúc của họ vẫn chưa được xử lý triệt để, thỏa đáng.


Sống ở chuồng trâu

Dự án đường dây tải điện 220 KV Tuyên Quang - Thái Nguyên đã đi vào hoạt động khoảng 10 năm, nhưng những hộ gia đình sống dưới đường dây vẫn còn rất bức xúc. Hàng chục lá đơn gửi đi khắp các ban, ngành từ Trung ương xuống đến địa phương, nhưng gần như những bức xúc của bà con tại đây vẫn chưa được giải quyết.

Theo phản ánh của các hộ dân, ảnh hưởng nhiễm điện của đường dây đã làm đảo lộn cuộc sống của họ. Những hiện tượng mà họ chưa bao giờ gặp phải như: thường xuyên đau đầu, tức ngực, khó thở, toàn thân đau nhức. Không những vậy, có hộ gia đình dùng bút thử điện cắm vào đồ vật trong nhà, tường nhà đều sáng rực như cắm vào ổ điện. Khi tắm giặt, sử dụng giếng nước có nhiều người bị điện phóng ngã vật, phải đưa đi cấp cứu.

Điều khiến bà con hoang mang hơn cả là có một số trường hợp tử vong mà không rõ nguyên nhân. Ông Nguyễn Duy Hùng (chồng bà Đào Thị Bình, xóm Đồng Trăng, xã Yên Lãng) ngoài 60 tuổi nhưng chết đột ngột sau 1 cơn đau đầu chóng mặt vào năm 2008. Các bác sĩ cũng không tìm ra nguyên nhân tử vong.

Người dân hoang mang vì đường điện cao thế chạy qua nhà mình.

Vào năm 2011, cháu Dương Công Sơn (10 tuổi) đang ngồi trong nhà bị sét đánh trúng đường dây 220KV, điện phóng vào người, toàn bộ cơ thể bị bỏng nặng. Đến nay để lại di chứng, trí nhớ kém, tâm lý không bình thường.

Đặc biệt, mẹ con chị Tuyến (sinh năm 1981), sau một thời gian ngắn sống chung với đường dây điện đã nổi khối u, phải nhiều lần đi viện phẫu thuật. Hiện nay mẹ con chị Tuyến phải chuyển đi thuê nhà ở chỗ khác để đảm bảo an toàn. Rồi hàng loạt cháu nhỏ bị còi cọc, chậm phát triển đều phải chuyển đi khu vực khác sống…

Gần đây chị Phạm Thị Sen (xã Phúc Trìu) có con trai bị sét đánh khi đang sao chè. Chị Sen kể lại: "Hôm đó mất điện, nhà tôi phải sao chè bằng bếp, cháu đang ngồi sao chè thì bị sét đánh vào dây điện, sau đó truyền xuống bếp khiến con tôi ngã vật ra.

Lúc đó tôi hoang mang, sợ hãi lắm. Gọi mọi người đến cứu nhưng chẳng ai dám đến vì sợ điện, sợ sét đánh. Mãi sau đó tạnh mưa, chính quyền địa phương mới xuống, lập biên bản, rồi đưa cháu đi viện cấp cứu. Cũng may là cháu còn giữ được tính mạng".

Không chỉ bị tổn hại về sức khỏe, người dân sống dưới đường điện cũng không thể trồng trọt, chăn nuôi được gì. Để đảm bảo hành lang an toàn đường điện, người dân không được phép trồng cây lâu năm, có chiều cao. Đây cũng là một thiệt thòi không nhỏ với họ.

Bên cạnh đó, họ cũng không nuôi được bất cứ con vật gì. Trâu bò, lợn và gia súc đều đẻ non, có đẻ cũng bị di tật, hoặc chết lưu.

Bà Nguyễn Thị Vân (xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận) bức xúc: "Bây giờ cuộc sống của chúng tôi khó khăn lắm, muốn nuôi con gì cũng không được. Nuôi gà đẻ trứng toàn đẻ non, lợn cũng vậy, con nào sinh ra cũng bị dị tật hoặc chết lưu. Đến nuôi con chó cũng khó, đang thế này người nó cứ nổi các khối u lên, rồi lở loét ra. Thậm chí cây chè, là cây chủ lực cũng trồng không còn hiệu quả, những công cụ lao động bằng kim loại đều không dám sử dụng vì sợ nhiễm điện. Người dân phải bỏ làng đi làm thuê nơi khác hết".

Người dân tha thiết được di dời chỗ ở, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Chính vì lo sợ, hoang mang nên rất nhiều hộ dân không dám sống tại chính ngôi nhà của mình. Người thì đi thuê nhà ở, người thì phải dọn xuống chuồng trâu, chuồng gà hoặc bếp để đảm bảo an toàn. Ngôi nhà cấp bốn có vườn tược khá rộng   tại xóm Phú Thịnh, xã Hùng Cường vốn là tổ ấm của vợ chồng cựu binh Nguyễn Văn Bình và bà Nguyễn Thị Tiến.

Cuộc sống đang yên ấm thì bị đảo lộn một cách phũ phàng. Nằm ngay dưới đường điện cao áp, ngôi nhà của ông Bình bị nhiễm từ khá nặng. Vợ chồng ông Bình buộc phải dời ngôi nhà, dọn xuống chuồng trâu bên hông nhà, rộng chừng 10m2 để sống tạm.

Bà Tiến bức xúc: "Sống ở đây đúng là như chiến tranh vậy. Lúc nào cũng lo điện phóng, sét đánh. Thế rồi đau đầu, tức ngực liên miên, chẳng làm ăn được gì. Có mỗi ngôi nhà để ở thì không ở được, nay phải ở chuồng trâu. Nếu không có chính sách di dời đi ở chỗ mới chắc dân chúng tôi phát điên vì điện mất. Mỗi khi trời ẩm, mưa phùn là nghe tiếng sèo sèo trên đầu, như rán mỡ. Tôi nhiều lần giặt quần áo bị điện giật ngã lăn quay ra, ngất lên ngất xuống".

Lâm vào thảm cảnh tương tư, anh Phạm Quốc Chương không giấu được bức xúc: "Để đảm bảo an toàn cho mẹ già, con nhỏ, vợ chồng tôi phải thuê nhà để ở. Số tiền mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ cho chúng tôi không đủ đảm bảo cuộc sống tại nơi ở mới. Chúng tôi tha thiết mong Nhà nước quan tâm, xem xét bố trí cho chúng tôi chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn".

Sổ đỏ biến thành giấy vụn?

Biết chúng tôi về địa phương tìm hiểu cuộc sống của người dân dưới đường điện, hàng chục hộ dân cầm sổ đỏ của gia đình, bức xúc kêu cứu. Người dân cho rằng, việc đền bù vẫn còn nhiều vấn đề chưa đúng, chưa thể đáp ứng để ổn định cuộc sống.

Họ cho rằng: Cùng có đất, có nhà dưới đường điện 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên, người dân ở TP Thái Nguyên được ký cam kết với Hội đồng bồi thường GPMB và chính quyền sở tại. Người dân có quyền thỏa thuận, lựa chọn hình thức bồi thường chênh lệch giữa đất ở và đất nông nghiệp theo giá đất do UBND tỉnh Thái Nguyên quy định.

Nói đơn giản hơn là người dân được ký cam kết đề nghị Hội đồng đền bù, GPMB TP Thái Nguyên xem xét giải quyết liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ thổ cư (nằm dưới đường điện cao thế) sang đất nông nghiệp. Đó là việc làm đúng theo pháp luật, tuy nhiên theo người dân thì huyện Đại Từ lại làm khác với điều này.

Bà Tiến bức xúc: "Gia đình chúng tôi và rất nhiều hộ không được ký cam kết giống như người dân ở TP Thái Nguyên. Huyện Đại Từ thúc chúng tôi đổi từ đất thổ cư sang đất nông nghiệp. Người dân hỏi vì sao họ lại không trả lời được".

Hàng trăm lá đơn gửi đi khắp nơi nhưng người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Nói về vấn đề này, bà Vân đã không cầm được nước mắt, bức xúc: "Tự nhiên chúng tôi thành vô gia cư. Nhà tôi có mặt đường lớn, thuận lợi kinh doanh buôn bán. Khi đường điện đi qua, 2 thửa đất thổ cư của gia đình gần như đắp chiếu. Chính quyền địa phương không hề thỏa thuận với gia đình tôi, không cấp đổi sổ đỏ đất thổ cư, mà chỉ nói muốn cấp thì chỉ cấp thành đất nông nghiệp".

Đã có hàng chục gia đình phải bỏ nhà đi vì không an toàn. Rồi còn hàng trăm con người khác phải chấp nhận sống tạm bợ, trong nguy hiểm. Dường như họ đang tắt dần hy vọng vào một sự giải quyết thỏa đáng cho tương lai, cuộc sống của mình.

Ông Nguyễn Văn Cừ, Chánh Văn phòng UBND huyện Đại Từ

Đây là dự án đặc biệt quan trọng, tỉnh và Nhà nước cho chủ trương vừa tổ chức kiểm đếm, vừa tổ chức  thi công. Thực tế trong quá trình thi công, mình làm cũng có những sai sót, như thống kê kiểm đếm thiếu. Cái này liên quan đến cơ chế chính sách Nhà nước, trong thẩm quyền của chúng tôi khó có thể khắc phục được. Chúng tôi không thu hồi vĩnh viễn đất của người dân, có chăng chỉ là phần móng chân cột, tuy nhiên móng đó là không nhiều, trung bình mỗi móng chân chỉ mất khoảng 9-10m2.

Đất của bà con, những khu vực vào hành lang an toàn điện sẽ được chuyển đổi từ đất thổ cư sang đất nông nghiệp, để đảm bảo cây trồng, xây dựng nhà cửa không cao vượt mức cho phép, vi phạm đến an toàn. Khi chuyển đổi thành đất nông nghiệp đã có hỗ trợ cho nhân dân. Còn những phần chưa chuyển đổi sẽ bị hạn chế công trình, và khi ấy ngành điện sẽ có hỗ trợ. Chúng tôi cũng rất ủng hộ cách đề nghị của người dân. Nhưng cơ chế của mình chưa cho phép, chưa có hướng xử lý nào.

Còn về Nghị định 1195 mà bà con thắc mắc về việc bồi thường, tất cả việc này phải dựa trên sự thỏa thuận. Nhưng thực chất Nhà nước chỉ làm hỗ trợ chứ không phải bồi thường. Tại thời điểm đó, đây là một trong những dự án trọng điểm của Nhà nước. Mà đã gọi là dự án trọng điểm của Nhà nước thì cơ chế áp vào giá chứ thực chất không có sự thỏa thuận. Mà thỏa thuận ở đây lại là thỏa thuận về sự thống nhất thời gian giải phóng, cách thức giải phóng chứ không phải thỏa thuận về giá.

Do là dự án trọng điểm nên có thể vừa làm, vừa kiểm đếm, chứ còn giá thì Nhà nước có ban hành cho mình giá thỏa thuận đâu. Mà chỉ thỏa thuận làm sao để đảm bảo tiến độ.

Chính quyền địa phương cũng hiểu những bức xúc của bà con. Chúng tôi có trực tiếp gặp, nếu bà con có bức xúc thì cứ làm đơn gửi lên cấp cao hơn để chờ hướng xử lý. Mà thực ra trên cũng trả lời hết rồi.

Phong Anh
.
.
.