Cực chẳng đã người dân mới phải đánh đu số phận của mình trên miệng "hà bá" như vậy. "Bao đời chúng tôi đã khổ sở rồi, đã phải qua sông như thế này rồi. Chúng tôi chỉ ước mơ có một cây cầu cứng bắc qua sông, có như vậy, đời con cháu mới mở mày mở mặt được" - người dân xóm Mặc tâm sự.
Nhiều đời nay đi thế rồi
Sau những trận mưa xối xả, nước sông Bưởi dâng lên tận bãi bồi trồng màu của người dân. Nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng sông càng trở nên hung dữ hơn. Thế nhưng những chuyến bè đưa người qua sông vẫn nặng trĩu người sang.
 |
Phải là những người bản địa mới dám đi trên chiếc bè mỏng manh thế này?! |
Đây cũng là lúc người chủ của chiếc mảng phải đối mặt với bao thử thách. Họ phải gồng mình giữ tay, ghìm chân cho chiếc bè khỏi chòng chành. Khách trên bè không có chỗ bám chỉ còn biết nghiêng ngả theo, ai nấy đều không giấu được nét mặt lo lắng.
Tiếng một người phụ nữ mắng con, chủ bè hô hào khách khiến cho chuyến bè qua sông càng trở nên căng thẳng. Gạt mồ hôi, chủ bè nói không thành tiếng: "Nước lên, chảy xiết quá kéo đã nặng rồi còn phải hô hào khách, chỉ sểnh ra một cái thì chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa".
Người đàn ông trạc tuổi 60, tất bật lôi chiếc ván gỗ mỏng lên bờ sông để khách dắt xe. Mỗi khi hoàn thành 1 chuyến là một lần thở phào nhẹ nhõm của cả khách và chủ bè.
Năm nay, gia đình ông Bùi Văn Sất được đảm nhiệm đưa đón người qua sông. Giá vé mỗi lượt qua là 1.000 đồng/người, xe máy là 5.000 đồng. Gần đây do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, gia đình ông Sất đã huy động thêm 1 chiếc bè mảng nữa.
Vợ ông Sất nói: "Phải luyện tập, có kinh nghiệm lắm mới kéo được cái bè này, đặc biệt là không cho hai chiếc bè va đập vào nhau.
Hơn nữa khi cập bến phải đảm bảo được mũi của bè vào chính diện điểm tiếp bờ. Khi bắc cầu cho khách lên cũng phải giữ thăng bằng, nếu không rất dễ bị bềnh, chòng chành người trên bè dễ lộn cổ xuống sông".
Nhìn vào chiếc bè mảng, nếu không phải dân bản địa chắc chắn không ai dám lên. Chiếc bè đơn sơ được kết từ những thân tre, luồng, phần trên mặt được đặt những tấm phên đan từ nứa.
Đặc biệt hơn cả, chiếc bè không hề có chỗ nào để cho khách bấu víu, vịn khi qua sông. Người qua sông phải tự thăng bằng nếu như không muốn rơi xuống sông. Theo quan sát của chúng tôi trên bè không có bất kỳ phương tiện cứu sinh nào. Ông Sất nói: "Trông thế này thôi nhưng chẳng bao giờ chìm được đâu.
Chúng tôi đi thế này bao nhiêu đời nay rồi. Nước lên cao bè mảng cũng dâng theo, điều quan trọng người lên bè phải nghe theo chỉ dẫn của chủ bè. Dân ở đây quen rồi, chỉ sợ nước lớn quá mà rơi xuống thì chắc không cứu nổi".
Chúng tôi đến xã Vũ Lâm vào đúng ngày chợ phiên, cũng là ngày mà những chuyến bè mảng qua sông nặng trĩu nhất. Chiếc bè mảng này chủ yếu phục vụ bà con xóm Mặc đến chợ Lâm Hóa. Việc giao thương ở đây dựa cả vào chiếc bè mảng.
Anh Bùi Văn Minh (người dân xóm Mặc) chia sẻ: "Chúng tôi cũng sợ lắm chứ, lên chiếc bè mảng như vậy nhỡ không may rơi xuống sông thì sao? Người biết bơi không sao, trẻ con người già thì không biết chuyện gì xảy ra. Mà nếu mùa mưa đến, nước dâng cao, chảy xiết, có biết bơi cũng chịu thôi.
Cũng không còn cách lựa chọn nào khác, nếu đi đường bộ chúng tôi phải đi khoảng 10km để đi đến chợ Lâm Hóa. Hàng trăm hộ dân chúng tôi trông cả vào 3 phiên chợ trong tuần. Nuôi được con gà, trồng được bắp ngô cũng chỉ mong đến ngày phiên mang đi bán. Thế rồi còn mua sắm mắm muối, gạo cho sinh hoạt nữa".
Chợ phiên Lâm Hóa 1 tuần có tới 3 ngày là (thứ hai, thứ tư, thứ sáu) đây là phiên chợ quan trọng của người dân trong vùng. Vào đúng những ngày chợ phiên chủ bè mảng sẽ huy động thêm 1 chiếc nữa để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con.
 |
Chiếc dây thừng được buộc vào cọc hai bên bờ sông khiến nhiều người lo lắng.
|
Hai chiếc bè này được điều khiển bằng cách vịn vào sợi dây thừng qua lại hai bờ như con thoi. Chiếc bè dài khoảng 9m, chiều rộng hơn 1m, với những người có kinh nghiệm chiếc bè này có thể chở được nhiều nhất 12 người.
Gồng mình đặt bao gạo vừa mua được ở chợ về anh Bùi Văn Toàn đưa mắt nhìn về phía chiếc bè nói: "Mỗi lần đi qua như thể đánh đu với số phận của mình vậy. Nếu bè chìm, chưa biết người có bị sao không nhưng hàng hóa, xe cộ rơi xuống sông đã đủ toi rồi".
Đánh đu với số phận và ước mơ có một cây cầu
Việc đưa khách qua sông được luân phiên mỗi gia đình, năm nay gia đình ông Bùi Văn Sất đảm nhiệm việc này.
Ông Sất chìa bàn tay phồng rộp do kéo dây thừng đưa khách qua sông rồi nói: "Chiếc dây thừng được buộc vào cọc hai bên bờ sông, mỗi khi đến phiên chợ chúng tôi phải kéo liên tục, đây này phồng cả tay. Những người kéo mảng phải có sức khỏe và hết sức khéo léo mới điều khiển được".
Mùa mưa lũ, nước sông Bưởi dâng cao, việc qua sông bằng phương tiện bè mảng là đặc biệt nguy hiểm. Theo người dân nơi đây, việc ngã, rơi phương tiện xuống sông nhiều như cơm bữa, cũng may mắn chưa có tai nạn chết người nào xảy ra.
Do việc qua sông rút ngắn được cả chục cây số đường bộ nên người dân cũng chẳng ai còn màng đến nguy hiểm.
Chị Bùi Thị Én nói đầy mỉa mai: "Chúng tôi đi bán vài bắp ngô, con chó, con gà… có người đi chợ chỉ đi mua gói mì chính, cân muối, gói thuốc lào mà phải đi xe máy đường vòng mất mấy chục nghìn tiền xăng thì thà ở nhà cho xong. Đi qua đò nguy hiểm nhưng chỉ mất có mấy nghìn thôi".
Mùa khô, mặt nước sông Bưởi chỉ rộng chừng 30- 40m nhưng khi mùa nước lên, khúc sông này nước lên cao tới mép bờ, mặt nước rộng đến hàng trăm mét, lòng sông sâu khoảng 2,5 - 3m. Khi đó bến đò này cũng phải tịnh tiến cao theo.
Người kéo mảng chỉ cần sơ ý, sức khỏe không tốt có thể tuột tay ra khỏi dây, chiếc bè mảng có thể trôi tự do trên sông. Khi ấy không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Ông Sất kể lại: "Có lần người kéo mảng sơ ý tuột tay khỏi dây, thế là chiếc bè cứ thế trôi tự do trên sông, khi ấy có hàng chục người đang ngồi trên bè, cả phụ nữ và trẻ em. Cũng may là chúng tôi đã nhảy xuống sông kéo được chiếc bè mảng dạt dần vào bờ để khách an toàn".
 |
Những chuyến bè qua sông có cả người già và trẻ nhỏ. |
Nhắc đến chuyện an toàn, ông Bình, người gần bến đò chia sẻ, số lần người bị ngã xuống sông là không kể hết được, bản thân ông đã từng phải lặn xuống sông để vớt xe máy của mình lên.
Theo ông Bình, dù quen với sông nước thì cũng phải đầu tư thêm một ít phao cứu sinh, nếu rơi xuống khi nước chảy xiết thì còn có cái mà bấu víu vào chứ.
Cứ như thế hàng chục năm nay người dân xóm Mặc "đánh đu" với số phận của mình trên dòng sông Bưởi. Một cây cầu bắc qua sông Bưởi là ước mơ của bao người dân nơi đây.
Nhìn về phía bên kia bờ sông ông Bùi Văn Toàn (người dân xóm Mặc) thở dài: "Thấy bảo sẽ xây cầu đấy nhưng chưa biết đến khi nào nữa! Bao đời chúng tôi đã vất vả qua sông rồi, chúng tôi mong mỏi một cây cầu để đời con đời cháu đỡ khổ. Có như vậy dân xóm Mặc mới mở mày mở mặt ra được".
Ông Bùi Văn Bảng, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết, người dân xóm Mặc đã đi bè mảng qua sông Bưởi hàng chục năm nay, tuy nhiên chưa gặp tình huống bị lật hay rơi xuống sông nguy hiểm đến tính mạng. Gần đây UBND tỉnh Hòa Bình và huyện Lạc Sơn đã có văn bản chỉ đạo, phối hợp với đoàn khảo sát của Tổng cục Đường bộ để xây dựng một cây cầu cứng qua đây, dự kiến trong năm nay sẽ bắt đầu khởi công. Nếu thuận tiện, người dân sẽ không phải đi bè mảng qua sông nữa. Đây cũng là mong mỏi của chính quyền chúng tôi. Khi mùa mưa tới, UBND xã đã khuyến cáo người dân hạn chế đi qua sông Bưởi bằng bè mảng, trẻ em đi qua sông phải có người lớn đi kèm. Chúng tôi vẫn thường xuyên cho người ra khúc sông này giám sát việc đi lại của bà con.
|
Quang Anh