Hàng trăm hộ dân ngày ngày liều mình qua cây cầu mục nát

Thứ Tư, 27/11/2019, 22:10
Mỗi khi có người đi qua, cây cầu treo ở xã Định Cư (huyện Lạc Sơn, Hoà Bình) rung lên bần bật. Mặt cầu làm bằng gỗ hiện đã mục nát, các miếng ván gãy vụn, bong ra nhiều chỗ lọt vừa cả chiếc xe máy.


Tự bỏ tiền của, công sức để sửa chữa cũng không lại với sự tàn phá của thiên nhiên, người dân xã Định Cư nhiều lần làm đơn, phản ánh lên các cấp nhưng cho đến nay vẫn chỉ nhận được câu trả lời “chưa có kinh phí”.

Ước mơ có một cây cầu chắc chắn

Thấy chúng tôi đến tìm hiểu về cây cầu bắc qua sông Bưởi, người dân hai thôn Đôm Hạ và Đôm Thượng bảo, cứ có người đến tìm hiểu về cây cầu này là có hy vọng, có cơ hội sửa chữa. Có đến đây, có chứng kiến cảnh người dân, các em nhỏ qua cầu mới thấy nguy hiểm thế nào. Nhiều người còn nói với nhau rằng, ngày nào họ cũng phải “đánh đu tính mạng” của mình để qua sông. Biết là nguy hiểm nhưng họ chẳng còn cách nào khác, bởi đây là cây cầu huyết mạch nối liền hai thôn Đôm Hạ và Đôm Thượng.

Dù biết nguy hiểm nhưng người dân của Đôm Thượng và Đôm Hạ không còn cách lựa chọn nào khác.

Ông Bùi Văn Thắng (thôn Đôm Thượng) nói với chúng tôi: “Cây cầu này là con đường duy nhất nối liền hai thôn, nó bị xuống cấp nhiều năm rồi, nguy hiểm lắm. Bà con chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết”.

Phải lấy hết can đảm chúng tôi mới dám đi qua cây cầu này. Theo quan sát thì các tấm gỗ trên mặt cầu đã bị bong các vết nối với dầm cầu. Nhiều chỗ các tấm ván gãy làm lộ khoảng trống. Thậm chí có lỗ thủng có thể “nuốt chửng” cả một chiếc xe máy. Ông Bùi Văn Lức – Trưởng xóm Đôm Thượng nói: “Từ khi xây dựng cây cầu đến nay, nhiều lần hư hỏng nhân dân trong xóm chúng tôi đã góp tiền, ngày công để sửa chữa, tuy nhiên không thấm vào đâu so với sự xuống cấp ngày một nhiều. Biết là cầu xuống cấp nhưng người dân 2 xóm chúng tôi không còn cách nào khác, hàng ngày vẫn phải đi qua cây cầu cũ nát rất nguy hiểm này. Hai xóm Đôm Hạ và Đôm Thượng nằm tách biệt với trung tâm xã, đây là con đường duy nhất để người dân đến xã, đi ra ngoài giao thương, các cháu học sinh đến trường”.

Theo thống kê, hiện tại cả hai xóm có hơn 100 cháu học sinh các cấp từ mầm non đến trung học cơ sở, ngày nào cũng đến trường và phải đi qua cây cầu treo này. Các cháu nhỏ thì được bố mẹ đưa đón, các cháu lớn hơn thì tự đạp xe đến trường. Việc hàng ngày phải đi qua cây cầu mục nát là rất nguy hiểm, nếu không may lọt xuống các lỗ thủng trên mặt cầu chắc chắn tính mạng không được đảm bảo.

Người dân đã nhiều lần bỏ tiền của và công sức để sửa chữa nhưng vẫn không lại được sự xuống cấp nhanh chóng của cây cầu.

Cô Thuý (giáo viên Trường tiểu học Định Cư) không giấu được vẻ lo lắng: “Lớp tôi cũng có một vài em ở hai thôn Đôm Hạ và Đôm Thượng, cứ mỗi khi tan học là thấy lo lắng, sợ các em gặp chuyện gì khi đi qua cầu. Tôi vẫn thường xuyên dặn dò các em, có đi xe đạp qua cầu thì dắt bộ, hoặc nhờ người lớn dẫn sang. Nhiều khi thấy thấp thỏm không yên là lại phải gọi điện hỏi bố mẹ các em xem đã về đến nhà an toàn hay chưa. Thực sự nhân dân trong xã rất mong mỏi có một cây cầu để bà con và các em học sinh an toàn qua lại”.

Ông Quách Công Ký (Bí thư Chi bộ xóm Đôm Hạ) nói với chúng tôi: “Cả hai xóm hiện có 239 hộ với 1.156 khẩu, 100% các người dân ở đây đều là dân tộc Mường. Hai xóm thuộc vùng đặc biệt khó khăn của xã, hiện tỷ lệ hộ nghèo trong 2 xóm vẫn còn rất cao. 

Cây cầu không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn là nơi để người dân giao thương hàng hóa. Bao đời nay hai xóm Đôm bị cô lập, có cây cầu qua lại đời sống người dân bớt đi khó khăn phần nào. Tuy nhiên, cầu treo hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, người dân, các cháu học sinh mỗi lần qua sông chỉ biết “đánh cược tính mạng” vì không còn con đường nào khác”.

Hàng ngày có cả trăm em học sinh phải đi qua cây cầu treo này để đến trường.

Chưa có kinh phí

Những người trăn trở nhất, lo lắng nhất chính là cán bộ trong thôn, họ cho họp dân để sửa chữa, cho họp dân để thống nhất phương án xin cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. 

Ông Ký buồn rầu: “Chúng tôi là những cán bộ trong thôn thấy bà con vất vả, nguy hiểm cũng trăn trở nhiều lắm. Đã nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa. Người dân mong muốn mặt cầu được làm lại bằng sắt thép, độ bền cao để nhân dân đi lại được thuận tiện, không gặp hiểm nguy”.

Dù chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng, chưa có người bị tử vong nhưng với người nơi khác đến, để đi qua cây cầu này không phải là thử thách đơn giản. Người đi qua cầu không những phải để ý tránh các lỗ thủng trên mặt mà cây cầu còn rung lên bần bật. Các miếng ván rung lắc, nhiều chỗ không còn liên kết lại được với nhau, cũng không còn nối vào với dầm cầu và có thể rơi ra bất cứ lúc nào. Từ mặt cầu xuống đến mặt nước cao hơn chục mét khiến người qua lại luôn có cảm giác ớn lạnh. 

Anh Quách Công Thành (người dân Đôm Thượng) tâm sự: “Đúng là rất nguy hiểm nhưng không còn con đường nào khác để đi. Nhiều người nơi khác đến đây không dám qua cầu đâu, toàn phải nhờ người trong thôn dẫn sang đó. Đã xảy ra nhiều tai nạn rồi, gần đây nhất là vụ hai bố con bị rơi xuống sông, cũng may là ban ngày nên người dân phát hiện và cứu được. 

Hôm đó trời nhá nhem tối, tôi nghe tiếng ầm một cái, hốt hoảng chạy ra sông vì nghĩ đã có người bị rơi từ trên cầu xuống. Khi ra đến đó thì đã thấy mấy người bơi ra để cứu hai bố con. Còn chiếc xe máy thì mãi sáng hôm sau mới vớt lên được. Cũng may là không phải mùa mưa, nếu nước đầy, chảy xiết chắc không cứu được họ”.

Có những lỗ thủng của cầu “nuốt chửng” được một cái xe máy.

Trao đổi về việc này, ông Bùi Văn Chiên – Chủ tịch UBND xã Định Cư cho biết, chính quyền đã nắm bắt được thực trạng cây cầu treo qua hai xóm Đôm Hạ và Đôm Thượng xuống cấp. Mới đây chính quyền xã đã làm báo cáo, lên huyện xin kinh phí sửa chữa. Tháng 10-2019, Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện cũng đã cho người vào kiểm tra, đánh giá nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì để sửa chữa cây cầu. 

“Chúng tôi cũng là con dân trong xã, thấy cảnh bà con và các cháu nhỏ hàng ngày phải qua cây cầu đó cũng lo lắng lắm, xót xa lắm. Chúng tôi cũng chỉ biết làm báo cáo lên huyện và xin kinh phí, chỉ đạo. Tất cả người dân và chính quyền địa phương cũng rất mong mỏi được xét duyệt kinh phí sửa chữa cây cầu”.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết, UBND huyện đã nắm được thông tin và đã cho người về kiểm tra cây cầu treo xóm Đôm, xã Định Cư. Do ngân sách huyện hạn chế nên chưa làm (sửa chữa cầu) được ngay. Sẽ ưu tiên xử lý trong thời gian tới.

Cây cầu treo ở xã Định Cư được xây dựng năm 2013, với tổng kinh phí là 2,6 tỷ đồng, UBND huyện làm chủ đầu tư. Người dân 2 xóm nhiều năm qua luôn mong muốn có cây cầu chắc chắn để đi lại, nhiều lần kiến nghị để được sửa chữa nhưng đến nay địa phương vẫn chưa có kinh phí. Vì thế người dân phải “sống chung” với cây cầu treo “tử thần” này.

Phong Anh
.
.
.