Hàng trăm hộ dân ở Nông Cống - Thanh Hoá điêu đứng vì bị “đem con bỏ chợ”

Thứ Tư, 09/05/2018, 22:19
Hàng trăm hộ dân thuộc hai xã Công Bình và Yên Mỹ (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đang phải trải qua những tháng ngày điêu đứng, đối diện với đói nghèo.


Bởi hơn một năm nay, khi được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH Hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống) thực hiện Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung. 

Đất đã thu hồi, dự án thì vẫn giậm chân tại chỗ, tiền đền bù thì chưa ai nhận được. Hàng trăm hécta đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của người dân bỗng trở thành đất hoang hóa. Hiện người dân ở đây cần một câu trả lời thỏa đáng, có trách nhiệm của chủ đầu tư và các cấp chính quyền.

Khóc nhìn ruộng đất bỏ hoang

Khoảng hơn 1 năm nay, không ít người dân xã Công Bình háo hức bởi nơi đây có dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa. Họ đều tin tưởng rằng, có dự án lớn nơi đây sẽ có cơ hội “thay da đổi thịt”, cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn. 

Hơn nữa đây lại là dự án do tỉnh Thanh Hóa ký nên người dân đều chấp hành mọi yêu cầu về giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên khi chúng tôi đến khu đất đồi thuộc thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2 (thuộc xã Công Bình) thì toàn bộ khu vực này chỉ là một vùng đồi khô cằn, cỏ dại um tùm. 

Biết chúng tôi tìm hiểu về dự án chăn nuôi bò sữa, người dân tỏ ra vô cùng bức xúc. Lập cập dẫn chúng tôi đến khu ruộng, là nguồn thu nhập chính của gia đình, ông Lê Đức Lương cho hay: “Chúng tôi sống ở đây quanh năm làm nông nghiệp, trồng mía trồng ngô, không có thu nhập gì ngoài. Khi nghe tin có dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung người dân trong vùng rất vui mừng. Rõ ràng có dự án về là chúng tôi sẽ có công ăn việc làm, tăng thu nhập, con em đỡ phải làm ăn xa nhà”. 

Chính vì thế mảnh đồi của gia đình ông Lương đang trồng keo nhưng vẫn chấp nhận chặt keo non, bán rẻ để giao đất cho dự án. Tuy nhiên, kể từ khi giao đất đã là 4 tháng nhưng gia đình ông Lương vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ, đền bù. 

Ông Lương xót xa: “Đất có mà không sản xuất được, để cỏ dại mọc chúng tôi xót lắm. Tôi đánh liều lên hỏi UBND xã, nhưng xã bảo đang có ý kiến lên huyện”.

Người dân thôn Ổn Lâm đang cần một câu trả lời thỏa đáng của chủ đầu tư và các cấp chính quyền.

Cùng chung bức xúc, gia đình ông Lê Sỹ Thành cũng đang loay hoay không biết làm gì để sống. Hàng ngày, ông Thành chỉ biết tha thẩn gần khu đất (nguồn thu nhập chính) rồi lại ngậm ngùi trở về. 

Ông bảo, khi nghe thông báo của UBND huyện Nông Cống, ông và gia đình vui vẻ chấp hành, không sản xuất bất cứ thứ gì trên mảnh đất đó. 

Gia đình ông đã ngồi lại với nhau, bàn tính phương án di dời và làm ăn kinh tế ở nơi mới. Tuy nhiên những phương án mà của gia đình ông vẫn còn dang dở, chưa thể thực hiện vì tiền đền bù, hỗ trợ chưa nhận được. 

“Cứ ngỡ là có dự án lớn được tỉnh chấp thuận, người dân chúng tôi ai cũng nhanh nhanh, chóng chóng giao đất để phục vụ dự án. Người dân háo hức, vì nghĩ sẽ có cơ hội tìm công ăn việc làm… ai ngờ lại giậm chân tại chỗ thế này. Nếu chưa thực hiện được dự án thì cứ để cho dân chúng tôi sản xuất, cứ để đất hoang phí xót lắm. Chúng tôi bây giờ lại rơi vào tình cảnh có đất mà không làm được, có đất có sức mà vẫn đói” – Ông Thành bức xúc.

Không chỉ gia đình ông Lương, ông Thành mà còn tới 40 hộ dân khác ở thôn Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2 và thôn Ná thuộc diện ảnh hưởng của dự án. Cuộc sống của họ vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hàng trăm hécta đất nông nghiệp bỏ hoang, trong khi người dân đang đối mặt với cái đói, cái nghèo. 

Ông Lương nặng nề nói: “Tôi có nghe loáng thoáng là dự án đã ngừng triển khai rồi. Nếu thực là ngừng thì chúng tôi thiệt đơn thiệt kép, từ khi thu hồi đất chúng tôi có thể canh tác thêm vụ, tăng thu nhập… nếu giờ mà canh tác thì cũng muộn thời vụ. 

Đặc biệt hơn, đa số diện tích đất bị thu hồi là đất trồng mía, nhà máy họ liên kết với chúng tôi về giống, phân bón. Bây giờ đã cắt liên kết từ khi có quyết định thu hồi đất, nếu có làm trở lại thì cũng không biết bán cho ai nữa”.

Chưa tìm ra “lối thoát”

Qua tìm hiểu, ngày 17 - 5- 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng đã ký chấp thuận chủ trường đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp cho Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Công ty được thành lập từ góp vốn, công nghệ của Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ và Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH, có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống). 

Dự án này nằm trên các xã Yên Mỹ, Công Bình (huyện Nông Cống) và xã Thanh Tân (huyện Như Thanh). Quy mô của dự án được triển khai với diện tích khoảng 1.354ha để xây dựng 4 trang trại, chăn nuôi 20.000 con bò, xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 72 tấn/ ngày. Bên cạnh đó là những công trình phụ trợ, trồng cỏ… 

Tổng mức đầu tư 3.800 tỉ đồng, vốn của doanh nghiệp và huy động vốn hợp pháp khác. Đến tháng 10 – 2017, công tác kiểm kê, đo đếm diện tích đất và nhà cửa của người dân 2 huyện đã hoàn thành, chỉ chờ chủ đầu tư giải ngân để bàn giao mặt bằng. 

Cụ thể, tại xã Công Bình, gần 100ha đất ở, đất nông nghiệp, đất vườn của gần 40 hộ dân được thông báo kiểm kê. Tại xã Thanh Tân, dự án lấy gần 30ha, ảnh hưởng đến 117 hộ gia đình. 

Ngay khi công tác kiểm kê kết thúc, người dân được thông báo dừng tất cả các hoạt động sản xuất. Chính vì thế họ phải bán mía non, keo non, bán trâu bò để chuẩn bị phương án di chuyển. Thuy nhiên, chủ đầu tư đột ngột dừng việc lấy đất, khiến người dân hết sức ngỡ ngàng, bởi thiệt hại của họ không phải nhỏ.

Khu đất vốn là “bờ xôi, ruộng mật” của người dân thì nay trở nên hoang hóa.

Một thông tin khác khiến người dân lo lắng, đó là UBND huyện Nông Cống đã có công văn số 200 chỉ đạo nhân dân tiếp tục sản xuất trên diện tích đất thu hồi. 

Thế nhưng phía Công ty Mía đường Nông Cống ngay lập tực đã có văn bản trả lời: Vì đây là diện tích nằm trong quy hoạch của UBND tỉnh giao cho phía công ty thực hiện dự án; đồng thời thời điểm thu hồi, đền bù và giải phóng mặt bằng không rõ ràng nên công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống chỉ có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thời vụ 2018-2019 và các vụ tiếp theo đối với các hộ trồng mía xã Yên Mỹ và Công Bình. 

Việc tổ chức sản xuất và đầu tư cho các hộ dân tiếp tục sản xuất là trách nhiệm của phía công ty thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa.

Nói về vấn đề này, ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình tỏ ra vô cùng bức xúc: “Tại xã chúng tôi, tổng diện tích trong dự án bị lấy đi gần 100ha, chủ yếu là đất 02 của 3 thôn là Ổn Lâm 1, Ổn Lâm 2 và thôn Ná. Tổng có gần 40 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án này. Hiện tại người dân rất hoang mang vì không biết dự án có tiếp tục hay không? Nếu không triển khai thì phải sớm có câu trả lời người dân để họ tiếp tục canh tác, ổn định sản xuất. Đồng thời huyện, tỉnh cũng cần có những chỉ đạo Công ty Mía đường Nông Cống tiếp tục liên kết sản xuất, hỗ trợ giống và phân bón cho bà con như trước kia”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào ngày 23-3 trong một buổi làm việc giữa UBND huyện Nông Cống, Công ty TNHH Hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ và công dân xã Công Bình, đại diện phía công ty ông Phạm Tuấn Hiệp - Phó Tổng Giám đốc công ty trả lời:

“Do kinh phí giải phóng mặt bằng lớn, công ty không đủ khả năng thực hiện việc ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt. Công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép công ty được thuê đất đã giải phóng mặt bằng để tiếp tục dự án nhưng không được UBND tỉnh chấp thuận. Vì vậy công ty không tiếp tục thực hiện dự án tại vị trí đã được chấp thuận chủ trương xã Công Bình và Yên Mỹ. Công ty sẽ có văn bản gửi phía Công ty Mía đường Nông Cống tiếp tục đầu tư sản xuất cho nhân dân”.

* Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thiện, huyện đã gửi công văn cho phía công ty nhiều lần yêu cầu phía công ty TNHH Hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhưng chưa được phía công ty giải ngân? 

Cụ thể, tại công văn số187 ngày 7/2 của UBND huyện Nông Cống gửi Giám đốc công ty TNHH Hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ nêu rõ: Do thời vụ sản xuất đã đến, các hộ bị ảnh hưởng của dự án đề nghị UBND huyện Nông Cống thông báo kế hoạch trả tiền giải phóng mặt bằng để các hộ có phương án sản xuất. 

Nếu canh tác chưa kịp thu hoạch, phía công ty tổ chức thực hiện dự án thì phần phát sinh đầu tư sản xuất đơn vị có chịu trách nhiệm chi trả phần đền bù? Bên cạnh đó, nếu không canh tác, phía công ty chưa tổ chức thực hiện dự án thì mùa vụ sản xuất này phía công ty có chịu trách nhiệm trả tiền đền bù?... 


Phong Anh
.
.
.