Hàng trăm người dân sống cùng nước cống

Thứ Năm, 27/04/2017, 14:21
Giữa Thủ đô khoảng 2 năm nay tồn tại một con ngõ được người ta gắn với cái tên đầy mỉa mai "ngõ nước cống". Mỗi tháng, người dân nơi đây phải chịu vài đợt ngập lụt (mỗi đợt kéo dài tới vài ngày) do trạm bơm sông Đáy bơm nước cung cấp tưới tiêu cho các huyện lân cận khiến nước tràn vào hòa với nước cống bốc lên mùi hôi thối.


Cuộc sống của hơn 200 con người, trong đó có nhiều người già và trẻ nhỏ thuộc nghách 2/46 tổ 6, phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) hằng ngày đang phải vật lộn với tình trạng ô nhiễm môi trường, lo lắng cho sức khỏe của mình bị đe dọa. Đơn thư được gửi đi nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được hướng xử lý triệt để.

Nghỉ làm để cõng con đi học

Chúng tôi đến đây khi Hà Nội bắt đầu những ngày đầu hè, trời nắng nóng, oi bức cộng với mùi nước đen khiến không khí càng trở nên ngột ngạt. Bất kỳ ai đi qua đây đều phải bịt khẩu trang hoặc lấy tay che miệng cùng với những bước chân vội vã.

Mới chỉ 10 giờ sáng nhưng các gia đình luôn phải cửa đóng then cài, chốc chốc lại có tiếng người già mắng cháu: "không ra ngoài… muốn chết ngạt à?". Mỗi khi trời nắng nóng, con ngõ này trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Bởi theo họ dù nắng hay mưa thì ở đây vẫn ngập, trời mưa thì sẽ bị ngập nước sạch, ngược lại trời nắng nước cống dâng lên còn khủng khiếp hơn nhiều.

Hôm chúng tôi đến, mặc dù mùa hè, nắng nóng nhưng nước ở con ngõ này vẫn dâng cao, đoạn sâu nhất mà chúng tôi đo được là 30cm, nước đặc một màu đen quánh.

Mùi hôi thối bốc lên khiến các gia đình ở đây cửa đóng then cài.

Anh Lê Văn Dị chia sẻ: "Nếu được mưa ngập thì đã mừng, chúng tôi sợ nhất những ngày nắng nóng nước từ cống dâng lên. Mùi hôi thối không thể chịu đựng được, nhà nào cũng phải đóng cửa im ỉm, có nhà phải xịt nước hoa cho đỡ mùi. Tháng nào cũng phải có vài lần nước dâng lên, mà mỗi lần nước dâng cũng phải 3- 4 ngày thậm chí cả tuần mới chịu rút. Cách đây khoảng 10 năm khu vực này đã nổi tiếng là ngập úng, tuy nhiên chỉ ngập úng khi mùa mưa thôi. Còn khoảng 3 năm nay không mưa vẫn ngập, mà toàn nước cống dâng lên".

Không chỉ mang cái tên "ngõ nước cống" mà ở đây đã có bao chuyện bi hài, phiền toái xảy ra mỗi khi nước cống dâng lên. Người ta vẫn thường đùa với nhau, chẳng ở đâu buổi sáng lại vui như ở "ngõ nước cống". Bố mẹ muốn đưa con đi học là phải đi xe ra trước, để một nơi khô ráo sau đó mới trở lại nhà bế con, lội nước ra xe. Việc xe máy vừa ra khỏi cổng đã bị chết máy là chuyện rất bình thường ở đây.

Anh Dị có hai con nhỏ nên vô cùng lo lắng vì nước cống dâng lên tại con ngõ nhà mình.

Anh Dị nói: "Cũng không sợ nguy hiểm đến tính mạng nhưng sợ các con bị bẩn. Sáng ngày ra các cháu quần áo sạch sẽ, tươm tất dính phải loại nước đen sì này chắc phải về tắm rửa lại. Nhiều người khóc dở mếu dở vì khi đi xe khỏi nhà bị nước ngập, chết máy dẫn đến muộn giờ làm. Nghĩ chẳng ở đâu như ở đây, giữa lòng Thủ đô chứ có phải xa xôi gì đâu".

Mỗi khi trong ngõ, gia đình nào có việc hiếu hỉ thì quả thực vô cùng bất tiện. Cô dâu, chú rể xúng xính áo cưới nhưng vẫn không quên mang theo mỗi người một đôi ủng.

Cô Lê Thị Thi chán nản: "Cũng chỉ vì ngõ bị ngập nước cống mà sinh ra bao chuyện bi hài. Ma chay, cưới hỏi nhiều khi phiền toái lắm, người làng thì không sao chứ thiên hạ đến họ cũng ái ngại. Đi bộ cũng không xong, đi xe máy thì nước bắn tung tóe, có chỗ ngập sâu nếu không đi cẩn thận sa cả chân xuống hố chứ chả chơi. Rồi còn cỗ bàn nữa chứ, khách đến ăn cỗ cưới chả lẽ bịt khẩu trang vì mùi. Ăn cỗ mà trong cái không khi ô nhiễm thế này thì còn gì là ngon nữa. Không những vậy, khi có đám các gia đình bên cạnh thuê phông bạt họ còn phải thuê luôn cả cốp pha để làm sàn đi lại cho đỡ nước".

Một trận mưa cũng đủ biến con ngõ này thành sông.

Người dân kêu cứu nhưng chưa được giải quyết

Theo quan sát của phóng viên, tổ 6 nằm ngay sát con sông Cái, đây là con sông dùng để lấy nước tưới tiêu cho ruộng đồng. Tuy nhiên nguồn nước tại đây quanh năm ô nhiễm, bất kể mùa nào nước vẫn có màu đen kịt. Tổ 6 được người dân ví như một thung lũng, có địa hình thấp nhất, nước thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ đổ dồn về  khu vực này.

Trong khi đó quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, rất nhiều nhà cao tầng mọc lên, hệ thống cống rãnh, đường sá chưa thể đồng bộ kịp. Không nằm ngoài quy luật này, ngách 2/46 có hệ thống cống rãnh khá nhỏ, nông. Chính vì thế, không chỉ nước sinh hoạt từ nơi khác đổ về gây tắc nghẽn mà còn chịu cả nước của con sông Cái tràn vào mỗi khi trạm bơm La Khê bơm nước phục vụ tưới tiêu.

Sau khoảng 3 năm chịu đựng cảnh ngập ngụa, ô nhiễm, người dân đã tổ chức  nhiều cuộc họp, đơn thư được gửi lên các cấp chính quyền nhưng đến nay chưa được giải quyết. "Chúng tôi đã gửi nhiều đơn đến chính quyền rồi nhưng không được giải quyết. Họ chỉ hứa này hứa nọ rồi thôi, không biết có khúc mắc ở đâu nhưng người dân chúng tôi tha thiết mong các cấp liên quan sớm xử lý để ổn định đời sống cho chúng tôi" - anh Dị chia sẻ.

Nước ngập ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và người già.

Theo phản ánh của người dân, con ngõ này chủ yếu là dân bản địa, sống nhiều đời nay. Chính vì thế hầu hết các hộ đều có người già và trẻ nhỏ, nước cống dâng lên sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe của những người cao tuổi, trẻ nhỏ ở đây.

"Anh chị biết đấy, mình thanh niên còn sức khỏe thế này không sao, trẻ con sức đề kháng yếu làm sao mà chịu được ô nhiễm như thế này. Chuyện các cháu nhỏ bị sốt, các bệnh về hô hấp diễn ra thường xuyên. Chúng tôi muốn sang nhà hàng xóm chơi cũng phải đi ủng. Nếu không về sẽ mẩn ngứa, nước ăn chân… Mỗi chiều các cháu đi học về là nhốt kín ở trong nhà, để các cháu ra đường lội nước cống này kiểu gì về tối cũng ngứa khắp, thậm chí còn ho hắng nữa. Chúng tôi phản ánh nhiều lên chính quyền rồi mà chẳng được giải quyết. Họ không thể thờ ơ với sức khỏe của người dân thế này được" - anh Đặng Cương bức xúc.

Dọc lối đi vào ngách 2/46, những thùng rác được các hộ dân treo lơ lửng trên tường, phía ngoài mặt đường. Hỏi lý do vì sao không đặt thùng rác xuống đất thì những người dân nơi đây cười mỉa mai đáp: "Đặt xuống đất thì mỗi tháng phải đi sắm thùng rác mới bao nhiêu lần cho đủ. Mỗi lần nước lên là thùng rác lại nổi lềnh phềnh, trôi tận đẩu tận đâu. Thế nên chúng tôi mới phải treo lơ lửng thế này. Mà cô chú có thấy hầu như nhà nào phía ngoài mặt đường cũng phải kê một lối gạch sát tường không? Đấy là cách để chúng tôi đi lúc nước bị dềnh lên đấy".

Ông Nguyễn Đình Huệ - Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa cho biết:

Vụ việc ngày 19-4, sau khi phường biết được tình trạng bị ngập của bà con thì chính quyền địa phương đã phối hợp với hai đơn vị Sông Đáy và Công ty cấp thoát nước Hà Nội xử lý kịp thời. Về mặt lâu dài thì Công ty cấp thoát nước Hà Nội số 8 cùng với trạm bơm sông Đáy phải có biện pháp xử lý liên quan tới các hệ thống cửa xả ở ngoài mương La Khê. Hiện tượng xảy ra là khi trạm bơm này bơm nước để cung cấp nước tưới cho mấy huyện phía trong nữa, do các cống cửa xả hỏng nhưng Trạm bơm Sông Đáy lại thiếu trách nhiệm trong việc xử lý tình huống nên mới để xảy ra tình trạng ngập ngõ đi của bà con.

Tình trạng này diễn ra khoảng 2 năm nay, do Trạm bơm Sông Đáy nói họ không có nguồn kinh phí để đáp ứng, tu bổ lại hệ thống cửa xả. Nhưng sau khi chính quyền địa phương quyết liệt thì họ nói sẽ lập dự toán để báo cáo sở và Ban quản lý dự án chính thống của họ để xử lý việc đó. Chúng tôi đã có Văn bản số 83/UBND-ĐCXD về việc bơm nước tưới tiêu gây ngập cục bộ tại khu xóm nghề, tổ dân phố số 6 gửi tới Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Sông Đáy và Đội thoát nước số 8 để giải quyết tình trạng trên.

Phong Anh
.
.
.