Hàng trăm người dân từng ngày bị "thần chết" đe dọa

Chủ Nhật, 24/09/2017, 15:55
Từ năm 2009 đến nay, người dân làng An Tri, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn phải gồng mình sống trong cảnh ô nhiễm do Nhà máy Chì thuộc Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ gây ra. Có hàng trăm người dân đang bị nhiễm chì nặng, cuộc sống đảo lộn và vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án giải quyết dù đã có rất nhiều phản ánh của người dân.


Bò chết, cây lụi dần

Theo phản ánh của người dân, sở dĩ có chuyện cây cối, gia súc chết là do nhà máy chế biến chì thỏi của Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ thải khói và nước thải. Tiếp chúng tôi là ông Tăng Tùng Khìn (xã Bình Trung). Ông Khìn nổi tiếng khắp xã vì làm kinh tế giỏi.

Mấy năm trước, ông còn được báo chí ca ngợi với hai trang trại chuyên sản xuất rau bò khai trên núi đá, cùng hàng trăm con dê, trâu bò… Đáng tiếc gần đây trang trại vốn là mô hình để nhiều nông dân học hỏi ấy gần như ngừng hoạt động. Trước đây, ông Khìn và người dân trong xã đều hi vọng mô hình trồng rau bò khai sẽ là hướng đi để làm giàu.
Bể chứa nước thải được làm hết sức sơ sài.

Nơi đây sẽ là vựa rau bò khai - đặc sản xứ Lạng cung cấp cho thị trường Hà Nội. Lúc đó rau bò khai của gia đình ông Khìn đã có trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng ở Lạng Sơn và Hà Nội. Bên cạnh đó, mận cũng được trồng xen canh, chưa kể thả dê và bò. Mỗi năm gia đình ông Khìn thu nhập lên đến 200 triệu đồng.

Chỉ về phía 2 khu trang trại đang nằm đìu hiu bên sườn đồi, ông Khìn nói: "Do lượng khí thải của Nhà máy Chì phát ra khiến rau bò khai cứ lụi dần, chậm phát triển. Cây cỏ trụi lá từ đông sang hè. Đàn gia súc thì không có cỏ để ăn, nguồn nước thì ô nhiễm. Tôi phải bán tống bán tháo đàn gia súc để tránh lỗ, còn rau bò khai cứ lụi dần…

Đưa chúng tôi qua gia đình ông Phan Trung Thủy, người bị ảnh hưởng khá nặng nề từ Nhà máy Chì. Nhìn vườn hoa hồng ngả một màu vàng úa, lá cháy xém, ông Thủy nói: "Cứ thành thông lệ rồi, khi nhà máy chì xả ra loại khí màu vàng đục là chỉ sau đó vài hôm, tất cả vườn hồng như thế. Nếu một lứa hoa hồng chỉ bị "dính" một hoặc hai lần khói thải thì vẫn còn cơ hội phục hồi. Nhưng nếu một lứa hồng mà "dính" 5 lần khói chì thì cả vườn hồng coi như vứt bỏ".

Cho dù bị ảnh hưởng rất nặng bởi khói bụi nhưng theo chia sẻ của ông Thủy thì các hộ sống quanh đây vẫn phải cắn răng chịu đựng. Ông Thủy vẫn cố gắng tiếp tục trồng hoa hồng bởi đó là nghề duy nhất đem lại thu nhập cho gia đình ông.

Để mục sở thị những làn khói của Nhà máy Chì thải ra, ông Lưu Văn Kiện đưa chúng tôi lên đỉnh núi cao nhất nằm trong địa bàn xã. Mới đi được nửa đường, ông Kiệu đã ngồi thở hổn hển, lấy tay đập thùm thụp vào ngực rồi ho như đứt ruột.

Ông Kiệu chỉ về phía vườn hồi nhà mình vừa ho vừa nói: "Khu vườn nhà tôi lâu này được trồng hồi. Từ khi Nhà máy sản xuất chì đi vào hoạt động, cây hồi cứ lụi tàn, chậm phát triển. Vườn hồi nhà tôi mất mùa triền miên, có lúc định phá để trồng loại cây khác nhưng nghĩ với tình hình này có trồng cây khác cũng không thu nhập được gì".

Theo lời ông Kiệu, trước ông từng làm công nhân cho Nhà máy chì. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc chứng kiến cảnh sản xuất gây ô nhiễm môi trường khiến ông thất vọng. Nhà máy sử dụng hóa chất với khối lượng lớn, trong khi công đoạn xử lý chất thải lại không được chú trọng. Chất độc hại được thải ra vô tội vạ, tràn qua khe, suối, khí thải xả lên không khí gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông đã nghỉ việc mà không cần một ngày đắn đo suy nghĩ.

Ông Kiệu nói: "Cánh đồng quanh khu vực Nhà máy Chì thỏi rộng hàng trăm héc ta, đất đai rất màu mỡ. Thế nhưng chỉ ít năm sau khi Nhà máy này đi vào hoạt động, cây cối hoa màu cứ vàng úa, chết dần, giờ thì nó thành cánh đồng hoang, không thể cấy hái được. Cả làng tôi xưa nay chỉ trông vào đồng ruộng, nay lại phải bỏ hoang hết cả. Nhiều người hết đường sống phải bỏ ruộng, bỏ nương đi tứ xứ để kiếm ăn. Chúng tôi đã gửi đơn lên xã, lên huyện, rồi cả trong các lần tiếp xúc cử tri… thế nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chúng tôi tha thiết các cấp chính quyền, Nhà máy có hướng xử lý để bà con được ổn định làm ăn".

Hàng trăm người nhiễm độc chì

Theo phản ánh của người dân, rất nhiều người từ trẻ con đến người già liên tục mắc chứng hắt hơi, sổ mũi, tức ngực, khó thở kèm theo đó là ho kéo dài, mệt mỏi. Ông Kiệu cho biết: "Thực lòng từ ngày có Nhà máy Chì về cuộc sống người dân đảo lộn hết cả. Trẻ con chậm lớn, chán ăn, mất ngủ, quấy khóc lắm".

Sau nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng nhưng đều không có kết quả. Gần đây hàng chục hộ dân đã tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đóng góp tiền mời Viện 69 (thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) về lấy mẫu xét nghiệm. Ít lâu sau, cả làng An Tri bàng hoàng cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm máu do Viện trưởng Viện 69, Đại tá Nguyễn Văn Vận ký. Kết quả cho thấy: 179 người dân sống tại làng An Tri có hàm lượng chì trong máu cao hơn 10µg/dL (trên 10 microgam/đêxilit).

Trong quá trình lấy mẫu máu của Viện 69 của người dân, UBND xã Bình Trung đã cắt cử lãnh đạo xã, cán bộ y tế tham gia giám sát. Bà Nguyễn Thị An, cán bộ Trạm Y tế xã Bình Trung cho biết: Theo Quyết định số 1548/QĐ-BYT ban hành ngày 10/05/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế, hàm lượng chì (Pb) trong máu người bình thường dưới 10 µg/dL, lý tưởng 0 µg/dL.

Nếu hàm lượng chì trong máu lớn hơn 10 µg/dL thì có nghĩa trường hợp đó đã bị nhiễm độc chì. Hôm Viện 69 về lấy mẫu máu đi xét nghiệm, tôi được chính quyền chỉ đạo tham gia, giám sát từ đầu. Với kết quả như vậy thì có tới hơn nửa làng An Tri bị nhiễm độc chì rồi".

Ông Vi Văn Thàng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung xác nhận: Làng An Tri có 71 hộ với 305 nhân khẩu, nếu đem đối chiếu với phiếu trả kết quả xét nghiệm mẫu máu được kiểm nghiệm thì có tới nửa làng An Tri bị nhiễm độc trì. Tại thôn An Tri, gia đình anh Vi Văn Thương sống gần Nhà máy sản xuất chì nhất. Có lẽ vì sống cạnh nên con gái anh sinh ra có dấu hiệu không bình thường. Dù đã 7 tuổi nhưng đứa trẻ như vừa mới lên ba.

Cây cối không phát triển, người dân triền miên mất mùa.

Anh Thương nói: "Tôi biết sinh sống gần nhà máy chì là ô nhiễm, bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng vì gia đình khó khăn, không đủ tiền để chuyển đi nơi khác. Chứ còn dư giả thì vợ chồng tôi đã mua đất, dọn đi nơi khác xây nhà cho các cháu ở từ lâu rồi".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không chịu nổi tình trạng ô nhiễm do Nhà máy sản xuất chì thỏi, vài năm nay nhiều hộ dân có kinh tế khá giả đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Có gia đình rao bán đất cạnh nhà máy nhưng không ai mua.

Vì thế, gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân vẫn phải gồng mình sống trong vòng vây ô nhiễm. Tuy nhiên, những hộ dân còn "cố thủ" tại địa phương đều không dám dùng nước giếng cho ăn uống sinh hoạt. Hàng ngày, họ phải dùng can đi xin nước của những hộ cách xa nhà máy.

Trước những bức xúc của người dân, ngày 2-3-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường với Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ. Tuy nhiên, khi Đoàn kiểm tra đến thì Nhà máy sản xuất chì thỏi bị mất điện, dừng hoạt động.

Điều này dẫn đến việc Đoàn kiểm tra không thể cho kết quả chính xác sự ảnh hưởng của khí thải ra môi trường xung quanh qua các ống khói. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cũng đã phát hiện ra một số sai phạm của Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ.

Cụ thể: "Hồ chứa nước thải sản xuất không có lớp vật liệu chống thấm, không có thiết bị đo lưu lượng nước thải sản xuất, không có sổ vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của nhà máy. Còn chất thải rắn nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất lưu giữ trong nhà kho không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quy định".

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện, Nhà máy sản xuất chì thỏi chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn đã yêu cầu phía Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ có biện pháp khắc phục: Lập hồ sơ cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước thải theo quy định. Quản lý chặt chẽ, không để nước thải sản xuất rò rỉ, ngấm xuống lòng đất. Phải khẩn trương xây dựng nhà kho có mái che chứa chất thải rắn công nghiệp. Thường xuyên cải tạo hệ thống xử lý khí thải để đảm bảo các nguồn khí thải phát sinh đạt chuẩn trước khi xả thải vào môi trường.

Qua tìm hiểu của phóng viên, sau dịp lập Đoàn kiểm tra, cho tới nay phía sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn vẫn chưa có động thái gì tiếp theo, ngoài biên bản được lập sau buổi kiểm tra. Nhiều người dân cho rằng, cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật đối với Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tránh tình trạng cơ quan chức năng đến lập biên bản rồi cất vào tủ.

Bà Lương Tố Loan - Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ cho biết: Trước đó, phía Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ có nhận được giấy mời tham gia buổi lấy mẫu máu làm xét nghiệm của Viện 69. Tuy nhiên do bận việc nên phía công ty không thể cử người tham gia. Do không tham gia buổi lấy mẫu máu nên phía Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ không công nhận kết quả này. Còn về những sai phạm được chỉ rõ trong đợt kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, chúng tôi đang khắc phục.

Ông Nguyễn Đình Duyệt - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: Theo định kỳ hàng năm, sở đều chỉ đạo phòng, ban chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần kim loại màu Bắc Bộ. Nhưng qua kiểm tra đều không phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Còn về kết quả kiểm nghiệm cho thấy 172 người dân làng An Tri bị nhiễm độc chì của Viện 69, ông Duyệt khẳng định: Phiếu trả Kết quả xét nghiệm của Viện 69 không có tính pháp lý. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn cũng đã mời một đơn vị khác có chuyên môn về lấy mẫu máu người dân làng An Tri đi xét nghiệm nhằm đánh giá mức độ nhiễm độc chì của hàng trăm người dân làng An Tri. Nhưng đến nay, kết quả kiểm nghiệm này vẫn chưa có người dân nào được biết.

Phong Anh
.
.
.