Hành động nhiều hơn nữa vì tương lai giống nòi

Thứ Hai, 14/12/2015, 13:53
Việc sử dụng thức ăn có chất cấm trong chăn nuôi, hay thuốc kích thích tăng trưởng ở cây trồng đã trở thành phổ biến trong cộng đồng, gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của người dân và tương lai giống nòi.
Con số 70.000 người chết mỗi năm vì căn bệnh ung thư, mà nguyên nhân trực tiếp từ thực phẩm đã gióng một hồi chuông cảnh báo, rằng không chỉ các cơ quan chức năng mà từng người dân phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, để bảo vệ các thế hệ tương lai người Việt.

Trên báo chí những ngày qua liên tiếp đưa tin về các vụ việc liên quan đến các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm, trong đó nguy hại nhất là chất tạo nạc. Những thông tin về việc chặt đứt đường dây buôn bán chất tạo nạc lớn hay liên tục tiêu hủy những thực phẩm có chứa chất gây ung thư đã mang đến cho người dân một cảm giác yên tâm phần nào.

Nhưng cũng bởi những con số cụ thể được đề cập trong từng vụ việc, mỗi người dân thêm bàng hoàng nhận ra, mỗi ngày mình đã nạp vào cơ thể một hàm lượng chất độc hại không nhỏ, từ thức ăn, trong các sản phẩm nuôi trồng vô tư sử dụng chất cấm, từ bao giờ không rõ nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố số điện thoại đường dây nóng 08.042526 hoặc 0917808113 để tiếp nhận thông tin tố giác, phản ánh của người dân về các cơ sở kinh doanh có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang một đường dây kinh doanh chất tạo nạc.

Cùng với đó, người dân có thể trực tiếp liên hệ và cung cấp thông tin cho Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại địa chỉ tầng 3, nhà B6 và số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Những người cung cấp thông tin sẽ được giữ bí mật danh tính và sẽ được xem xét khen thưởng nếu cung cấp thông tin chính xác, kịp thời.

Tại diễn đàn Quốc hội, câu chuyện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng, yêu cầu các cơ quan chức năng, các ban, ngành liên quan phải hành động ráo riết hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi tình trạng này, bảo vệ bữa cơm của chính mình và của từng người dân. Chính phủ, Quốc hội, các ban, ngành và từng người dân đều có chung một nhận thức rằng đây không hề là vấn đề nhỏ, mà là câu chuyện cực kỳ quan trọng có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người dân. Nói rộng ra, đó còn là câu chuyện liên quan đến sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia.

Thử hình dung, với đà sử dụng chất cấm tràn lan như hiện nay, thì 10 năm, 20 năm nữa, tình trạng thể lực của người Việt sẽ ra sao. Tỷ lệ người chết về ung thư mỗi năm tăng nhanh đến mức chóng mặt. Và tuổi của người mắc bệnh ung thư cũng ngày càng trẻ hóa. Bệnh tật sẽ làm suy kiệt giống nòi của người Việt trong tương lai, nếu tiếp tục buông lỏng quản lý trong sử dụng chất cấm, để những chất cấm cực kỳ độc hại vô tư có mặt trong các loại thực phẩm và được nạp vào cơ thể con người qua việc ăn uống.

Mâm cơm mỗi gia đình ngày hôm nay đã không còn an toàn, không còn sạch, đầy lo âu, bất an. Vì lợi nhuận, rất nhiều người kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi đã gieo rắc những cái chết từ từ trong chính đồng bào mình. Đấy là một tội ác, như lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trả lời trong một bài phỏng vấn. Tội ác cần phải bị trừng phạt.

Hiện nay, các chế tài xử phạt việc kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ, chưa có tính răn đe, chưa làm cho những kẻ hám lời run tay. Nhiều ý kiến cho rằng, chuyện phạt tiền cho những vi phạm liên quan đến buôn bán thức ăn nuôi trồng có sử dụng chất cấm là chưa đủ mạnh mẽ. Hành vi này có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của cộng đồng, nguy hại đến giống nòi, cần phải truy tố trước pháp luật và xử lý theo Luật Hình sự, và tùy mức độ mà có thể áp dụng ở những khung hình phạt cao.

Nếu như buôn lậu ma túy có thể đối mặt với những án phạt cao nhất thì buôn bán những thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm về mức độ tác hại không nhìn thấy ngay, nhưng hậu quả lâu dài thì cũng vô cũng đáng sợ. Thực tế, nhiều chất độc hại tồn dư trong rau củ quả hay thịt lợn có thể ngay lập tức khiến cho người ăn bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ở các nước phát triển, tất cả các loại thực phẩm khi được tiêu thụ trên thị trường đều phải trải qua một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng. Mọi sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn hay có nghi ngờ về việc sử dụng chất cấm đều bị thu hồi, cấm nhập khẩu vào thị trường. Ở ta, tiêu chuẩn về rau an toàn hay thực phẩm sạch còn mù mờ.

Người dân không biết nên mua thực phẩm sạch ở đâu để sử dụng, thậm chí không thể phân biệt được đâu là thực phẩm có sử dụng chất cấm. Do vậy, cùng với việc đề ra một hành lang pháp lý nghiêm minh đủ sức răn đe với những người kinh doanh trái phép chất cấm trong chăn nuôi, việc xây dựng một tiêu chuẩn về thực thẩm an toàn cần phải rõ ràng và phổ biến trong nhân dân.

Làm sao, mỗi người dân đều có kiến thức cơ bản nhất để lựa chọn thực phẩm sạch, tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Chỉ có thể đẩy lùi tình trạng báo động hiện nay về kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi khi có sự đồng lòng nhất trí mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật và đông đảo người dân.

Thy Đoan
.
.
.