Vụ cháu bé tử vong gây xôn xao dư luận ở Bình Phước:

"Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang…"

Chủ Nhật, 10/01/2016, 14:59
Do phận nghèo đeo bám nên gia đình anh Thạch Sâm Át (37 tuổi, quê Trà Vinh; tạm trú xã ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) luôn sống trong cảnh túng quẫn. Mới đây, họ vui mừng khi sinh hạ được bé gái khỏe mạnh, hồng hào. Sau khi tiêm vắc xin xong được 18 tiếng đồng hồ thì cháu bé tử vong khiến những người "trụ cột" gia đình này nhiều lần gục ngã, kêu khóc thảm thiết…
Theo họ, cháu bé tử vong vì phần nào có sự thờ ơ của bác sĩ (?). Do không biết chữ, không am hiểu pháp luật nên gia đình chỉ biết ngậm lòng chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Đâu là nguyên nhân?

Vượt chặng đường hơn 150km từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi hẹn gặp anh Thạch Sâm Át ở một quán cà phê cóc thuộc thị xã Đồng Xoài. Vừa ngồi xuống bàn, anh Át đã nói trong nước mắt, đứa con gái mới chào đời của vợ chồng anh mất rồi. Cháu bé mất trong trường hợp sau khi được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan B khoảng 18 tiếng đồng hồ.

Giọng anh Át bùi ngùi: "Khoảng 4 giờ sáng 22-12-2015, tôi đưa vợ tên Kim Thị Dơn (33 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước để sinh nở. Đến 6 giờ sáng cùng ngày, vợ tôi sinh được một bé gái nặng 2,7kg. Khi sinh ra, cháu rất khỏe mạnh, hồng hào và bú sữa mẹ bình thường. Đến khoảng 10 sáng cùng ngày, cháu bé được các bác sỹ tiêm một mũi thuốc phòng ngừa viêm gan B.

Tuy nhiên, đến 4 giờ sáng ngày hôm sau, vợ tôi tỉnh dậy thì phát hiện con gái nằm bất động, toàn thân tái nhợt, cứng đờ. Hoảng hốt, vợ lay tôi dậy kiểm tra xem con mình thế nào thì phát hiện tim bé đã ngừng đập nên tôi vội chạy đi gọi bác sĩ. Ngay sau đó, con tôi được các bác sĩ trực đưa đi cấp cứu, hồi sức. Được một lúc thì các bác sĩ thông báo kết quả rằng bé đã tử vong từ trước".

Chị Dơn vẫn trong tâm trạng đau buồn, nằm ôm đứa con thứ 2 vào lòng.

"Tôi cuống cả lên, lấy điện thoại gọi cho những người thân mà không biết mình nói gì. Sau một hồi, tôi gọi anh Mão, người đã giúp đỡ, cho vợ chồng tôi ở nhờ căn chòi trong rẫy để mưu sinh. Khi anh Mão ra tới nơi cũng chỉ biết an ủi, động viên vợ chồng tôi. Bình tĩnh lại, tôi đã yêu cầu khám nghiệm tử thi con mình nhằm làm rõ nguyên nhân tử vong. Từ khi sự việc xảy ra đến nay, phía bệnh viện không có lời nào hỏi thăm gia đình. Tôi có lên hỏi thì mới đây ông Phó Giám đốc bệnh viện cho rằng sự việc đã được cơ quan Công an vào cuộc điều tra. Khi nào có kết quả, bệnh viện sẽ thông báo cho gia đình", anh Át nghẹn ngào.

Theo nguồn tin của chúng tôi, sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Bình Phước đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu bé. Đồng thời, lực lượng Công an cũng đã làm việc với anh Át để xác định hành vi cụ thể của nhóm ê kíp bác sỹ trực ngày hôm đó.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Thành Trương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, cho biết: "Sau khi nhận được tin báo về vụ việc, lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành họp khẩn cấp và làm việc với gia đình anh Át. Đây là trường hợp hiếm gặp. Chúng tôi sẽ khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn để kiểm tra, xác minh nguyên nhân tử vong của bé gái. Song nguyên nhân ban đầu tử vong của cháu bé do hội chứng đột tử. Kết quả chính thức vẫn chờ kết luận của Hội đồng giám định pháp y Trung ương".

Giấy dứng nhận hộ nghèo của anh Át.

Nói về sự việc này, anh Át vẫn khẳng định rằng có sự tắc trách của phía ê kíp bác sĩ trực ngày hôm đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của con gái anh. "Sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, họ bỏ bẵng không hề kiểm tra xem cháu có biểu hiện gì không. Đến khoảng 22 giờ đêm, các bác sỹ có qua xem vợ tôi thế nào chứ không hề kiểm tra gì cháu bé hết. Có thể nói, từ lúc cháu được sinh ra, được tiêm mũi vắc xin đến thời điểm cháu mất, các bác sĩ quên luôn trách nhiệm của mình. Như vậy, làm sao mà không tắc trách cho được. Vì vậy mà gia đình tôi rất buồn và bức xúc", anh Át bùi ngùi.

Nỗi đau gia đình nghèo

Trong những ngày đầu tháng 1-2016, chúng tôi quay trở lại căn chòi lụp xụp mà vợ chồng anh Át xin được ở nhờ nằm tít tận trong rẫy thuộc ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Khi đó, anh Át quặn lòng thắp nén nhang thơm cho đứa con gái xấu số và mời khách vào tiếp chuyện trong chòi.

Qua quan sát, vật dụng của đôi vợ chồng này chẳng có gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo cũ sờn, treo nơi góc giường. Chị Dơn sức khỏe còn yếu, nỗi đau tinh thần chưa thể nguôi ngoai, đang nằm trên giường và chưa thể đi lại nhiều. Giọng thều thào, chị Dơn cho biết: Hai vợ chồng kết hôn đã gần 10 năm và có được 3 mặt con, nhưng cháu bé thứ 3 đã mất sau khi sinh ra chưa được một ngày.

Anh Át thăp nhanh cho đứa con xấu số.

Được biết, hoàn cảnh hai vợ chồng anh Át ở quê vô cùng khó khăn. Hằng ngày, họ phải đi làm thuê cuốc mướn, ai thuê gì làm nấy. Có căn nhà là tài sản duy nhất cũng phải cầm cố ngân hàng vay 25 triệu đồng để mổ ung thư vú cho người vợ vào năm 2015, đến nay vẫn chưa trả được đồng nào. Còn công việc làm thuê ở quê dần dà cũng khó kiếm, với lại mọi người xung quanh cũng chung cảnh nghèo giống mình. Năm 2013, anh chị quyết định để lại đứa con lớn (sinh năm 2007) cho cha mẹ già trông nom rồi dắt díu đứa con nhỏ (sinh năm 2011) đến Bình Phước mưu sinh.

"Lúc đầu ở đây, không có chỗ ở, hai vợ chồng và đứa con thứ hai cứ vật vạ nay chỗ này mai chỗ kia. Thấy hoàn cảnh của vợ chồng tôi, anh Mão thương tình đã cho ở nhờ căn chòi bên trong rẫy của anh ấy. Thế nên vợ chồng tôi mới có chỗ chui ra chui vào, sinh sống và đi làm thuê cho mọi người. Vì là người không biết chữ, trình độ cũng không có, vợ chồng tôi cũng không có kinh nghiệm cạo mủ cao su nên chỉ làm thuê được những công việc như phát cỏ, nhặt hạt điều, tưới nước, bón phân… mà thôi.

Trong tâm trạng đau buồn, lại không biết chữ, anh Át không biết phải làm gì để khiếu nại cho con mình.

Công việc này thì ngày có ngày không, đâu phải lúc nào cũng thường xuyên. Cách đây khoảng một năm, tôi mang bầu nên không đi làm được. Tôi ở nhà trông giữ con, còn công việc chỉ có mình anh Át đi làm. Nhưng giờ đây, con mình cũng không giữ được, chắc tại nó chê số phận chúng tôi nghèo nên bỏ chúng tôi rồi", chị Dơn nức nở.

Tiếp lời vợ, anh Át trút lòng: "Từ hôm con mất, vợ tôi chẳng thiết ăn uống gì, cứ nằm mà buồn bã vậy đó. Hôm xảy ra chuyện buồn, tôi được các bác sĩ gọi lên để hỏi về chuyện bồi thường, nhưng bản thân không hiểu được nghĩa của từ bồi thường là như thế nào nên tôi nói không biết. Sau đó, họ còn bảo tôi ký vào một tờ giấy để được mang xác con về an táng mà tôi cũng chẳng biết họ viết cái gì trong đó nên cầm bút gạch lên tờ giấy.

Cũng từ đó đến nay, phía bệnh viện không hề có một lời nào động viên hay an ủi gì gia đình tôi. Sau này, khi về nhà mấy người giải thích cho tôi về việc bồi thường là gì và trách nhiệm của ê kíp bác sĩ trực như thế nào thì tôi mới lờ mờ nhận ra. Tôi lên bệnh viện khiếu nại nhưng không gặp được lãnh đạo. Mới đây, gặp được ông Phó Giám đốc mà ông ấy lại bảo bây giờ là việc của Công an nên nói tôi cứ về đi, khi nào có kết quả sẽ thông báo cho gia đình tôi. Họ không hề đả động gì đến trách nhiệm của những người liên quan đến cái chết của con gái tôi. Như vậy thì hỏi làm sao mà tôi không bức xúc chứ (?)".

Nói về gia đình anh Át, anh Nguyễn Văn Mão, chủ nhân của túp lều mà gia đình anh Át tá túc, chia sẻ: "Sau khi sự việc xảy ra, anh Át chưa thể đi làm vì còn phải lo cho vợ và con nhỏ. Cuộc sống của vợ chồng anh ấy cực kỳ khó khăn và có sổ hộ nghèo. Mất mát này đối với anh chị ấy là một cú sốc rất lớn về mặt tinh thần. Trong khi đó, thái độ của phía bệnh viện thì tỏ ra thờ ơ mà anh Át, chị Dơn lại không biết chữ, không am hiểu về mặt pháp luật nên chỉ biết buồn rầu mà chẳng biết phải làm gì.

Mấy lần lên hỏi bệnh viện về tình hình và cách xử lý sau cái chết của con anh ấy, thấy bệnh viện trả lời vậy, anh Át cũng chỉ biết lủi thủi ra về mà không biết phải làm thế nào. Tôi nghĩ rằng, nếu ê kíp bác sĩ trực hôm đó có sai sót thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và bồi thường thỏa đáng cho gia đình anh Át… Còn nếu cháu bé có bị "đột tử" chăng nữa, phía bệnh viện cũng nên có nghĩa cử sao cho phía gia đình anh Át bớt đi những ngày tháng đau buồn này.

Đức Mừng - T.Hùng
.
.
.