Hành trình đến tấm Huy chương Vàng thế giới của hai cậu học sinh "Voọc"

Thứ Hai, 12/09/2016, 18:30
Có một sự trùng hợp là cả hai cùng tên Minh, và đây cũng là lần đầu tiên 2 học sinh của Việt Nam xuất sắc đoạt Huy chương Vàng tại Cuộc thi khoa học Global Natural History Day - GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất) diễn ra tại Thượng Hải - Trung Quốc vừa qua.

Với biệt danh "Voọc" (primate guys) được Ban giám khảo và các bạn học sinh quốc tế quý mến đặt, "song Minh" không chỉ đưa loài Nữ hoàng linh trưởng biểu tượng của TP Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế, mà các em còn là đại diện cho thế hệ trẻ của Việt Nam học giỏi, yêu thích thiên nhiên và có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chuyện của hai cậu "Voọc"

Ngày khai giảng năm học mới, trong những câu chuyện rôm rả mà các cô cậu học sinh ở Đà Nẵng chia sẻ với nhau sau kỳ nghỉ hè vui vẻ, nhiều khám phá của mình, có lẽ thú vị nhất vẫn là câu chuyện về hai "cậu Voọc".

Còn có một lá thư đầy xúc động của "song Minh" khác nữa đang được các thầy cô, học sinh Đà Nẵng chuyền tay nhau, đầy tự hào… do bởi, trong lá thư là câu chuyện bảo tồn Voọc chà vá chân nâu (còn được gọi là Nữ hoàng linh trưởng, loài động vật quý hiếm trong Sách đỏ), biểu tượng cho thành phố đáng sống Đà Nẵng.

Hai học sinh Đặng Vũ Minh và Đào Nhật Minh xuất sắc đạt Huy chương Vàng tại Cuộc thi khoa học Global Natural History Day - GNHD năm 2016.

Cũng chính là đề tài mà hai cậu học sinh "Voọc" này vừa đoạt được Huy chương Vàng quốc tế tại Cuộc thi khoa học Global Natural History Day - GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất)…     

Hai cậu "Voọc" đó là Đặng Vũ Minh (hiện nay là học sinh lớp 10N2 Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)  và Đào Nhật Minh (hiện nay là học sinh lớp 9A Thực nghiệm, Hà Nội).

Trong bức thư đầy cảm động của mình, "song Minh" đã chia sẻ chân thành về hành trình đưa thông tin về loài Voọc đến với bạn bè thế giới thông qua cuộc thi khoa học Global Natural History Day vào tháng 7 vừa qua: "Vì là lần đầu tiên và nhóm chúng em bận với thi học kỳ (Nhật Minh) và thi vào lớp 10 (Vũ Minh), thời gian chuẩn bị cũng không có nhiều, các cô chú ở Bảo tàng Thiên nhiên đã giúp gợi ý một loạt chủ đề nghiên cứu về thực vật nhưng chúng em không mấy hứng thú với các chủ đề về thực vật.

Sau đó chúng em được Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) giới thiệu một số chủ đề về động vật, trong đó có chủ đề liên quan đến Voọc chà vá chân nâu. Lần đầu tiên chúng em được nghe đến tên loài Voọc này và chúng em bắt đầu tìm hiểu thông tin qua Internet và báo chí.

Chúng em bắt đầu thấy thích thú và bắt đầu quan tâm, nhất là đến khi biết đây là một trong những loài linh trưởng được cho là đẹp nhất hành tinh (còn được gọi là Voọc ngũ sắc) và chỉ có ở ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia)…

 Điều thú vị là, cả hai bạn Vũ Minh và Nhật Minh đã được ba mẹ cho đi du lịch Đà Nẵng vào các dịp nghỉ hè rất nhiều lần, đã học về môi trường, cũng đã đi thăm các khu vườn quốc gia và các khu bảo tồn, nhưng chỉ đến khi bắt đầu nghiên cứu “song Minh” mới biết đến loài linh trưởng quý hiếm và rất đẹp này…

Sau khi tìm hiểu thông tin qua Internet, dự án nghiên cứu của “song Minh” bắt đầu gặp khó khăn, vì thông tin về loài Voọc này hầu như không có nhiều. Các cậu liên hệ bảo tàng, thư viện, các vườn quốc gia… hầu như không có thông tin gì về loài Voọc.

Trên Internet chỉ có các thông tin mô tả về loài này từ các tổ chức về bảo tồn, ví dụ như Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature - IUCN), ghi trong Sách đỏ của quốc tế và Việt Nam.

Khi tìm thông tin tiếng Việt thì chỉ tìm thấy hàng loạt bài viết của Báo CAND và nhiều trang báo khác về các vụ phá rừng tại bán đảo Sơn Trà hồi đầu năm và gắn với các bài viết của Trung tâm Bảo tồn Sinh học Nước Việt (GreenViet) vì phá rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với loài Voọc này.

Sau quá trình tìm kiếm thông tin, "song Minh" bắt đầu hình thành các mục tiêu, câu hỏi và phương pháp tiến hành cho phần nghiên cứu thu thập thông tin sơ cấp của mình. Nghiên cứu tập trung vào hai câu hỏi chính: Như vụ phá rừng tại Sơn Trà năm 2016 vừa qua có tác động gì đến loài Voọc chà vá chân nâu? 

Là học sinh, liệu chúng em có thể làm gì để cùng bảo vệ loài Voọc quý hiếm này?... Vậy là, “song Minh” bắt đầu lên kế hoạch đi thực địa và thu thập thông tin tại bán đảo Sơn Trà. Thiết kế các bảng hỏi phỏng vấn, thu thập thông tin, quan sát…

Chuyến đi của song Minh thực hiện từ ngày 25 đến 29/6/2016. Hai cậu học sinh đã rất may mắn được gặp và làm việc với "những con người yêu linh trưởng" ở GreenViet (Đà Nẵng) ngay sau khi đặt chân đến Đà Nẵng.

Họ cũng đã thực sự gây ấn tượng mạnh cho “song Minh” về sự say mê và tâm huyết với các công việc bảo tồn để bảo vệ và phát triển những loài thú quý hiếm còn sót lại ở Việt Nam.

Trong chuyến đi 5 ngày, "song Minh" đã thu thập được nhiều thông tin cho nghiên cứu của mình. Điều làm "song Minh" hơi ngạc nhiên là, một loài Voọc vô cùng quý hiếm và có nhiều ở Việt Nam nhưng lại có rất ít người quan tâm và nghiên cứu về loài này. "Song Minh" không khỏi cảm thấy lo lắng là một ngày nào đó loài Vọoc này sẽ biến mất và ta chỉ còn nhìn thấy chúng qua ảnh.

Phát triển du lịch làm mất rừng, phá rừng vẫn tiếp diễn, người dân săn bắt để nấu cao và làm khô Vọoc, làm cảnh, Voọc bị tai nạn giao thông khi băng qua đường, Voọc ăn phải rác thải, thức ăn khách du lịch vứt ra... là những nguy cơ mà "song Minh" được nghe kể và được nhìn tận mắt… 

 Hành trình đến với Huy chương Vàng

Vũ Minh kể, sau chyến đi, chúng em còn gần ba tuần để hoàn thành báo cáo, viết bài trình bày và xây dựng nội dung để giới thiệu qua bảng triển lãm trong cuộc thi. Phải nỗ lực ngày đêm với ước mong được mang những thông tin, hình ảnh hữu ích ra với bạn bè thế giới.

"Ban giám khảo và các bạn cùng thi cũng như các cô giáo từ các nước cũng rất quan tâm và hỏi nhiều thông tin về dự án nghiên cứu của chúng em và có rất nhiều câu hỏi thú vị như: Đây có phải là loài có họ hàng với khỉ không? Nó có ở những nơi nào? Nó có nguy cơ bị tuyệt chủng không?

Nó có phải là loài quý hiếm không? Thế người ta săn bắt loài này để làm gì?… Và hầu hết đây là lần đầu tiên họ được biết đến loài linh trưởng này. Một số bạn và Ban giám khảo còn gọi chúng em là các cậu Voọc (primate guys)".

Còn Nhật Minh nhớ lại: "Tham gia dự án nghiên cứu này chúng em cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, những lúc khó khăn và hơi chán nản (khi tìm thấy ít thông tin từ tài liệu tham khảo, tóm tắt tài liệu tham khảo và dịch ra tiếng Anh các phần tóm tắt đó là công việc đôi khi hơi chán).

Cảm giác thích thú khi đi thực địa và cảm giác sung sướng khi nhìn thấy tận mắt loài linh trưởng đẹp này. Cảm giác áp lực khi gần đến ngày đi mà còn quá nhiều việc cần hoàn thành.

Cảm giác hồi hộp lo âu một chút trong ngày thi, và cảm giác hồi hộp đợi chờ kết quả cuộc thi và cuối cùng là niềm vui sướng hân hoan khi thấy tên mình trong danh sách các nhóm đoạt Huy chương Vàng (golden awards)".

Cuộc thi khoa học Global Natural History Day (GNHD) diễn ra từ ngày 22 đến 26/7/2016 tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Các đội thi đã tranh tài cùng hàng trăm đội tuyển đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Mỹ, Hong Kong, Thái Lan, Myanmar, Philippines...

Bức thư điện tử 2 học sinh Đặng Vũ Minh và Đào Nhật Minh gửi cho Trung tâm Bảo tồn Sinh học Nước Việt (GreenViet).

Chủ đề năm nay của cuộc thi là mỗi đội làm một nghiên cứu khoa học với chủ đề mối quan hệ trong tự nhiên như thực vật, động vật, môi trường và con người. Đây là một cuộc thi rất hay và các thí sinh từ Việt Nam đã học được rất nhiều từ khi tham gia cuộc thi này.

Đúng như Ban giám khảo và Ban tổ chức đã nhấn mạnh trong suốt cuộc thi, tất cả các thí sinh tham gia vòng chung kết toàn cầu đều là người chiến thắng! Các dự án dự thi đều là các dự án xuất sắc và lọt qua các vòng thi tổ chức tại các quốc gia tham gia (cấp trường, cấp vùng hay quốc gia).

Vì thế, các phần thi của các bạn đến từ các nước cũng rất hay, nội dung phong phú, phương pháp thực hiện khoa học và cách trình bày và thể hiện trong triển lãm (exhibits) thì vô cùng sáng tạo và ấn tượng. "Song Minh" cùng các bạn đã học hỏi được nhiều từ các dự án nghiên cứu của các bạn đến từ 90 đội từ 10 quốc gia khác nhau.

Chính nhờ có cơ hội hiếm có này, các bạn thí sinh của Việt Nam nói chung và "song Minh" nói riêng đã được tiếp cận với văn hóa các nước và làm bạn được với rất nhiều bạn cùng lứa tuổi đến từ 10 quốc gia.

Đặc biệt, đề tài của “song Minh” đã một lần nữa khẳng định thế hệ trẻ hiện nay không chỉ đầy sáng tạo, luôn phấn đấu trau dồi kiến thức mà còn luôn cảm thấy có trách nhiệm hơn với môi trường.

Như "song Minh" chia sẻ thì: "Chúng cháu sẽ tiếp tục vận động nhiều bạn học sinh, đặc biệt là các bạn học sinh ở Đà Nẵng cùng tham gia. Đây chính là niềm tự hào về thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mỗi học sinh chúng ta"…

Cuộc thi khoa học Global Natural History Day - GNHD (Ngày Lịch sử Thiên nhiên Trái đất) là cuộc thi do Quỹ Giáo dục toàn cầu Behring (Behring Global Education Foundation) hỗ trợ tổ chức hằng năm. Cuộc thi này là một phần trong Chương trình Giáo dục Lãnh đạo toàn cầu được thiết kế dành cho học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông, nhằm thu hút và khuyến khích những học sinh có niềm đam mê với khoa học và muốn tham gia các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên trên toàn cầu. Chủ đề cuộc thi năm nay là "Mối quan hệ trong thiên nhiên" và cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc thi cùng với 98 đội thi đến từ 10 quốc gia. Nhóm Đặng Vũ Minh (9A) và Đào Nhật Minh (8A), học sinh tại Trường THCS Thực nghiệm là một trong ba nhóm dự thi năm nay của Việt Nam, nghiên cứu về Bảo tồn Voọc Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Hoài Thu
.
.
.