Hành trình đón các anh trở về đất mẹ

Thứ Năm, 06/07/2017, 10:26
Trên những hành trình quy tập, tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ có nhiều câu chuyện đẫm nước mắt. Bởi chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đổi thay, nhiều thân nhân, đồng đội các liệt sĩ đã mất đi mà chưa được toại nguyện, là đón các liệt sĩ về an nghỉ nơi quê nhà.

Điều ấy rất cần sự hỗ trợ, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc xác định danh tính liệt sĩ, nhất là bằng phương pháp giám định ADN.

Con đi tìm cha

Nấc nghẹn khi nhắc tới cha mình là liệt sĩ Nguyễn Công Côn, ông Nguyễn Công Kình ở Thanh Chương (Nghệ An) chia sẻ: "Tôi đã đón được cha về quê rồi. Anh không thể tưởng tượng được tôi đã mong ngóng, hồi hộp chờ đợi lâu thế nào đâu!". Nói rồi, ông Kình òa khóc như cậu bé ngày nào tiễn cha lên đường nhập ngũ... Qua câu chuyện của ông mới thấy hành trình tìm mộ liệt sĩ thật gian nan. Năm 1992 sau khi học ở Liên Xô trở về, ông quyết đi tìm mộ cha.

Theo sơ đồ đơn vị lưu lại, liệt sĩ Côn hy sinh ở bản Keo Ba Tu nhỡ (huyện Nọm Hét, CHDCND Lào). Tại Keo Ba Tu nhỡ có ba phần mộ liệt sĩ chưa biết tên đã được quy tập về Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào,  huyện Anh Sơn (Nghệ An). Ông Kình đã tìm về đây, nhưng trong hàng ngàn ngôi mộ chưa biết tên, việc tìm cha với ông khó như mò kim đáy biển. Vì quá khao khát nên ông Kình đã tìm đến các nhà ngoại cảm với hy vọng nhãn quan của họ sẽ giúp tìm đúng mộ cha.

"Lúc cha hy sinh, tôi vẫn còn quá bé nên luôn khao khát tìm được hài cốt cha, rước về quê an táng. Tôi đi Lào đến ba lần thì thấy thông tin tương đối chính xác. Không lâu sau hai gia đình khác cũng nghe theo các nhà ngoại cảm để tìm hai phần mộ ở Keo Ba Tu nhỡ được chuyển về huyện Anh Sơn".

Công tác quy tập mộ và xác định danh tính liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn.

Năm 2013, Nhà nước có chủ trương xét nghiệm ADN, gia đình ông Kình gửi đơn và mẫu sinh phẩm đến Cục Người có công (Bộ Lao động, thương binh và xã hội). Thật đáng tiếc, cả ba ngôi mộ được đưa về từ Keo Ba Tu nhỡ mà các nhà ngoại cảm xác định giúp đều không chính xác.

Quá hụt hẫng, ông Kình lại sang Lào, nắm bắt thông tin kỹ hơn, thì được biết gần bản Keo Ba Tu nhỡ còn có bản là Keo Ba Tu nọi. Các nguồn tin chỉ cho ông Kình biết, phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Công Côn ở Keo Ba Tu nọi. Suối mùa khô 2013, ông Kình cùng Đội quy tập Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An trở lại Lào và chỉ tìm được 88 hài cốt liệt sĩ, nhưng không có liệt sĩ Nguyễn Công Côn.

Không nản chí, ông Kình vẫn ăn nằm chầu trực suốt một năm ở Keo Ba Tu nọi. Cuối cùng, ông đã tìm được phần hài cốt mà ông tin đó là của cha mình. Thế nhưng, thêm một lần nữa, soi chiếu sơ đồ, xét nghiệm ADN thì chỉ cho ra một mẫu phẩm khớp với thân nhân của liệt sĩ Mai Văn Cương. "Với kết quả như thế, tôi buồn vô cùng vì bỏ bao công sức mà không tìm được cha. Khi ấy tôi mất phương hướng lắm. Nhưng tôi nghĩ có thể có sai ở cái gì đó".

Mất thêm cả tháng trời nữa cùng Đội quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An tìm được 75 hài cốt liệt sĩ, nhưng vẫn chưa có thông tin về cha. Rồi ông xin kiểm tra thêm, chờ đợi kiên trì thêm chục ngày nữa, ông Kình tìm được phần hài cốt ở sâu trong lòng đất. Ông xin đưa mẫu sinh phẩm về Viện Công nghệ sinh học thì cho kết quả khớp với mẫu sinh phẩm của ông và người chú ruột là cụ Nguyễn Công Tân. Đó là một cái kết thật có hậu. Bao gian nan vất vả của người con cuối cùng đã được đền đáp.

Hay câu chuyện của cụ Trần Thị Thật ở xã Nguyệt Đức (Yên Lạc - Vĩnh Phúc), mòn mỏi đợi chờ suốt mấy chục năm, cuối cùng cụ cũng đón được con về. Năm 2015, có một ngày thật ý nghĩa. Với đôi mắt mờ đục, cụ Thật chống gậy ra tận đầu ngõ đón hài cốt đứa con trai đã ra đi hơn 40 năm nay mới trở về. Đôi bàn tay của người mẹ nhăn nheo, khô khốc ngót nghét 100 tuổi đặt tay lên tấm khăn bao bọc phần hài cốt của con, rồi khóc.

Bây giờ thì liệt sĩ Nguyễn Văn Chất đã được an nghỉ trong lòng đất quê hương, hưởng sự chăm sóc của gia đình và người thân. Được như thế là nhờ sự nỗ lực tìm kiếm của gia đình và đồng đội suốt hơn 20 năm, trải qua một quá trình xét nghiệm mẫu sinh phẩm ADN...

Mẹ Trần Thị Thật đã an lòng, nhưng cùng là người mẹ dâng con cho Tổ quốc mà sau khi con hy sinh nhờ người kiếm tìm, rồi mòn mỏi đợi chờ mà không có tin tức sẽ thật đau đớn. Chẳng nói đâu xa, ngay ở Vĩnh Phúc thôi cũng có cả chục người mẹ như thế. Tiêu biểu như mẹ Việt Nam Anh hùng Lăng Thị Thịnh ở huyện Tam Đảo. Hơn 40 năm nay, ngày nào mẹ cũng ngồi trước cửa căn nhà nhỏ, hướng ánh mắt về phía xa xăm, đợi chờ hai người con trai ra đi đến nay chưa về.

Trò chuyện với gia đình, chúng tôi được biết mẹ Thịnh có hai người con là Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Văn Đình đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đến nay, liệt sĩ Nguyễn Văn Đình yên nghỉ ở đâu vẫn chưa có thông tin, còn liệt sĩ Nguyễn Văn Chiến được đồng đội an táng tại Nghĩa trang Phước Long (Bình Phước).

Nhận sự ủy thác từ phía gia đình, những cán bộ của chương trình Đi tìm đồng đội -kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, đã xác minh từ hồ sơ gốc liệt sĩ ở Phòng Chính sách Quân khu 7, Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cùng các nhân chứng là những đồng đội đã trực tiếp mai táng và quy tập nên có đầy đủ căn cứ khoa học và pháp lý để xác định được sáu liệt sĩ quy tập vào Nghĩa trang huyện Phước Long. Do bị thất lạc danh tính nên trên tất cả các bia mộ đều ghi là "liệt sĩ chưa biết tên".

Lúc này, phương pháp hiệu quả để trả tên cho các liệt sĩ là lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN. Thế nhưng, một số gia đình (vốn nhờ các nhà ngoại cảm tìm hài cốt) không cho lấy mẫu sinh phẩm. Phải đến khi có sự can thiệp của Cục Người có công, anh Nguyễn Văn Kiệm - con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Chiến cùng thân nhân một số liệt sĩ vào Phước Long lấy mẫu sinh phẩm. Anh Nguyễn Văn Kiệm nói: "Gia đình tôi mong sớm có kết quả để chúng tôi đón cha về, thỏa mong mỏi của mẹ và bà nội".

Câu chuyện về những người mẹ đợi con, người vợ chờ chồng, những đứa con thơ chờ cha năm nào nay đã thành ông thành bà có nguyện vọng tìm mộ người thân nếu được viết ra sẽ kín hàng trăm nghìn cuốn sách. 

Có người đã giúp tìm hàng chục mộ liệt sĩ, nhưng mộ cha và ông mình thì không tìm được. Lại có người đi tìm đồng đội mải miết mấy chục năm, khi mất đi vẫn chưa thỏa nguyện… Bởi trên những hành trình ấy là sự trả giá không chỉ công sức, nước mắt mà còn cả tiền bạc. Nhưng không phải ai cũng tìm được phần mộ liệt sĩ. 

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa rõ danh tính, 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập.

Cụ Trần Thị Thật.

Nỗ lực công tác tìm kiếm và xác định danh tính

Với nhiều đơn vị cùng lúc hy sinh cả chục chiến sĩ, việc xác định danh tính vô cùng khó khăn. Như 15 chiến sĩ của Đại đội 94-Sư đoàn 5- Quân khu 7, trong một trận đánh vào 9-4-1975 tại lộ 4 - Long An. Do không mang theo giấy tờ nên khi an táng đã không thể để chính xác tên cho từng liệt sĩ và nhiều gia đình đã đưa nhầm liệt sĩ về quê. Tháng 3-2015, khi có đủ điều kiện, cựu chiến binh Nguyễn Văn Miên ở Thanh Hóa đề nghị tìm thân nhân cho các liệt sĩ thuộc Đại đội 94 - Sư đoàn 5.

Ông Miên cùng gia đình các thân nhân liệt sĩ đã tìm đến nhờ chương trình "Đi tìm đồng đội" kết nối, tác động trong việc xác định danh tính của các liệt sĩ còn nằm ở Tiền Giang và một số đã được đưa nhầm về quê. 

Những người thực hiện chương trình "Đi tìm đồng đội" đã tìm hiểu qua các nhân chứng và đến thực địa tại hiện trường, đồng thời gửi công văn đề nghị các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình… cung cấp thông tin thân nhân của các liệt sĩ ở địa phương. Hơn một năm qua đi, chỉ một số địa phương phúc đáp nên việc giám định ADN cho các liệt sĩ hiện đang bị gián đoạn.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lăng Thị Thịnh bên con cháu.

Trong công việc tìm kiếm, đôi khi thân nhân tưởng rằng đã tìm và đưa được chính xác liệt sĩ về đoàn tụ. Nhưng câu chuyện là, khi dùng phương pháp xác định ADN đã cho ra những kết quả hoàn toàn khác, đòi hỏi các gia đình thận trọng hơn, không nên tin theo một số nhà ngoại cảm trục lợi bằng con đường tâm linh.

Phải khẳng định, từ sự nỗ lực của các đơn vị chức năng, đặc biệt là Cục Người có công, hai năm qua bằng phương pháp thực chứng xác định được 2.209 liệt sĩ; lấy được 12.164 mẫu sinh phẩm; xác định gen, trả tên cho 3.260 liệt sĩ. 

Là người trực tiếp khớp nối thông tin, xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và phối hợp với các đơn vị xác định bằng xét nghiệm ADN, bà Nguyễn Kim Oanh - Trưởng phòng Thông tin Liệt sĩ (Cục Người có công), cho hay: Công tác xác định danh tính liệt sĩ vẫn gặp vô vàn khó khăn. Như quy trình xác định gen chậm; khó khăn trong đầu tư nâng cấp các đơn vị giám định, đa phần các đơn vị làm kiêm nhiệm. Một vấn đề nữa là số lượng hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin còn lớn, thời gian hy sinh lâu nên chất lượng mẫu sinh phẩm kém, không còn xương cốt, khó khăn trong xác định ADN.

Khẳng định sự quan tâm đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ làm càng nhanh càng tốt, bởi càng để lâu càng mất cơ hội kiếm tìm. Lời hứa ấy của cơ quan chủ quản cũng đã làm ấm lòng các gia đình chưa biết thông tin phần mộ người thân. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ xác định bằng phương pháp thực chứng 7.000 hài cốt liệt sĩ, bằng phương pháp giám định ADN 70.000 hài cốt liệt sĩ.

Hiện Bộ Lao động, thương binh và xã hội chủ trì Đề án 150, thực hiện hai công việc là lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định gen; Xác định bằng phương pháp thực chứng (dựa vào thông tin của các nhân chứng, các hiện vật còn lại…). 
Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 cũng đang tích cực làm công tác quy tập, với việc hình thành 20 đội quy tập mộ liệt sĩ trong cả nước.
Thân nhân gia đình cần sự giúp đỡ tìm phần mộ người thân, hoặc có thông tin về các liệt sĩ xin liên hệ với chương trình Đi tìm đồng đội theo đường dây nóng 0965.001.222 hoặc 04.6653.0123.
Diên Khánh
.
.
.