Hành trình mang yêu thương trở về quê mẹ

Thứ Sáu, 21/03/2014, 12:30

“Babylift là chiến dịch sơ tán hàng loạt trẻ em từ miền Nam Việt Nam sang Mỹ và một số quốc gia khác khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc. Những chuyến bay cuối cùng rời khỏi Việt Nam đã mang theo 3.000 trẻ em ra khỏi đất nước và được các gia đình trên khắp thế giới nhận nuôi...”.

Cuộc hội ngộ trên quê hương

Năm 1975, Kim Nguyen Browne được tiếp nhận tại trại mồ côi Gò Vấp, nay là Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, TP HCM. Ngày đó cô bé ốm yếu, bệnh tật triền miên và không ai biết bố mẹ của cô là ai. Kim Browne là một trong những đứa trẻ trong chiến dịch Babylift, và được một đôi vợ chồng người Anh là Maureen và Desmond Browne nhận nuôi sau khi rời Việt Nam trên chuyến bay cuối cùng của Mỹ khi mới hơn 2 tháng tuổi. Khi ấy Kim rất ốm yếu, cô bé mắc chứng thương hàn và có nguy cơ tử vong rất cao. Trên tay cô bé là chiếc vòng ghi tên Nguyễn Sơn Thủy. Đó chính là tên Việt Nam của cô.

Cho tới giờ, từ lúc ý thức được thân phận, Kim luôn mong muốn tìm lại gia đình tại Việt Nam của mình. Cô luôn tự hào vì mình là người Việt Nam. Bố mẹ nuôi của cô là những người vô cùng nhân hậu. Mặc dù Kim là đứa trẻ bị thương hàn và yếu ớt khi tới Anh, mẹ cô đã không ngừng ở bên cạnh, chăm sóc Kim khỏe mạnh hơn. Khi cô lớn, ông bà luôn giải thích cho cô về chiến tranh và bệnh tật – những điều khiến cha mẹ đẻ của cô đã đi đến quyết định rời bỏ con.

Ông bà cũng luôn khuyến khích Kim tìm hiểu về Việt Nam và động viên con trở về đóng góp cho quê hương. Chính vì vậy, cô còn là nhịp cầu nối của nhiều người có cùng cảnh ngộ. Họ cùng trở về nơi mình sinh ra sau hàng chục năm xa cách. Cô là người sáng lập Mạng lưới tình nguyện viên Việt Nam (Vietnam Volunteer Network) với nhiều nỗ lực giúp đỡ trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em chịu ảnh hưởng của chất độc da cam và trẻ mồ côi.

Năm 2010, một cuộc hội ngộ mang tên “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách” hay còn gọi là Dự án đoàn tụ (Operation Reunite) đã diễn ra. Kim Browne là một trong những người tổ chức cuộc hội ngộ ý nghĩa này cho khoảng 100 người. Trong số này có những người đã từng quay lại Việt Nam, có những người lần đầu tiên trở về quê mẹ. Không chỉ là cuộc đoàn tụ giữa những thành viên từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Thụy Điển, cuộc hội ngộ còn có sự tham gia của rất nhiều gia đình, những người làm cha làm mẹ đã từng mất con trong chiến dịch năm nào.

Có rất nhiều lý do để họ rời con mình lúc đó, có người lầm tưởng rằng chỉ gửi con đi nhà trẻ thông thường, có những người đã quá lo lắng vào thời điểm chiến tranh kết thúc và chỉ mong một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con mình. Những người cha mẹ chưa một giờ phút nào ngừng thương nhớ con mình đã mang theo những bức ảnh còn giữ lại. Họ kể lại cho những người con tìm về Việt Nam những câu chuyện về tình yêu, về cuộc đời họ. Những người con nuôi trở về Việt Nam lần này được biết về thời khắc chia xa 35 năm trước đã diễn ra như thế nào.  Họ đã vô cùng xúc động.

Bức ảnh thời thơ ấu của Kim cùng cha mẹ nuôi.

Với cuộc hội ngộ này, một người phụ nữ có tên Trista Goldberg đã sáng lập ra Dự án đoàn tụ, nơi tập hợp một kho dữ liệu ADN. Nhiều người con nuôi đã nộp mẫu ADN của mình và một vài người đã tìm ra các anh chị em họ xa. Qua ngân hàng ADN đặc biệt này, họ hy vọng dự án sẽ phát triển và có thể tìm lại được gia đình máu mủ của mình tại Việt Nam. Bản thân Kim cũng luôn mong muốn tìm được bố mẹ mình. Cô chỉ biết tên của mẹ là Nguyễn Thi Lí bởi giấy tờ của cô đã bị thất lạc khi rời khỏi Việt Nam. Kim trở về và hi vọng sẽ có ai đó nhận ra mình trên TV, nhưng rất tiếc cô vẫn chưa tìm được gia đình của mình. Nhưng Kim chưa bao giờ ngừng hy vọng về điều đó.

Kết nối những trái tim

Năm 2001, lần đầu tiên Kim và bố mẹ nuôi đã trở lại Việt Nam. Lúc đó cô vô cùng háo hức. Bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Kim đã chạm tay xuống đất. Cô cảm giác như mình được về nhà. Một giấc mơ đã trở thành hiện thực. Khi rời khỏi Việt Nam, giấy tờ của Kim đã bị thất lạc nên bố mẹ nuôi của cô dù rất khuyến khích con biết về Việt Nam nhưng họ vẫn có nỗi lo sợ rằng nếu Kim trở lại Việt Nam sẽ bị giữ lại. Chính vì vậy khi trưởng thành, cô mới đặt chân lần đầu tiên lên quê hương mình.

Trong chuyến đi này, không chỉ được nhìn thấy con người Việt Nam, những quang cảnh mà cô chỉ được nhìn thấy trên TV, sách báo, cô còn hiểu hơn dòng máu đang chảy trong mình. Bên cạnh đó, ngay từ chuyến trở về Việt Nam đầu tiên, trong Kim đã có một động lực thôi thúc cô trở lại để giúp đỡ một phần nào đó, bởi còn rất nhiều người nghèo và trẻ em gặp khó khăn ở nơi đây. Nhưng cũng phải tới năm 2005, cô mới cùng mẹ và em gái trở lại. Và lần này, tình cờ nhắc đến trại trẻ mồ côi Gò Vấp, nơi cô đã ở trước khi rời khỏi Việt Nam, họ vô cùng bất ngờ khi biết rằng trại trẻ mồ côi Gò Vấp vẫn còn tồn tại. Nhưng họ không kịp trở lại trại trẻ mồ côi Gò Vấp vì chỉ biết thông tin này trước giờ máy bay cất cánh không lâu.

Quay trở về Anh, Kim đã tìm hiểu thêm rất nhiều thông tin về trại trẻ mồ côi Gò Vấp nói riêng và các trại trẻ mồ côi nói chung tại Việt Nam. 1 năm sau, cô đoạt giải trong một cuộc thi của công ty mình làm việc có tên “Bạn có dám ước mơ không”. Cô bày tỏ sự mong muốn được trở về Việt Nam để cảm ơn những người đã cưu mang cô trước khi cô được nhận làm con nuôi và đóng góp phần nào cho đất nước. Năm 2007, công ty cho Kim nghỉ phép để đi gây quỹ và tìm các nhà tài trợ. Họ đã giúp cô vận chuyển tất cả những đồ ủng hộ sang Việt Nam. Kim đã tham gia làm tình nguyện ở Trung tâm Gò Vấp 1 tháng trong thời gian được công ty cho nghỉ phép đó.

Kim Nguyen Browne cùng các trẻ em trại trẻ mồ côi Gò Vấp năm 2007.

Kim lập ra Mạng lưới tình nguyện viên Việt Nam không chỉ với mong muốn gây quỹ cho các trẻ em chịu ảnh hưởng của chất độc da cam cũng như trẻ mồ côi mà còn là nhịp cầu nối của rất nhiều tình nguyện viên trên khắp thế giới mong muốn tham gia tình nguyện tại Việt Nam. Trung bình một tuần mạng lưới của Kim có thêm 3-4 tình nguyện viên từ nhiều quốc gia khác nhau tới Việt Nam. Mạng lưới tình nguyện viên Việt Nam của Kim cũng có sự tham gia của rất nhiều người con nuôi giống như cô và mong muốn đóng góp cho Việt Nam. Tổ chức nhận được nhiều sự động viên và đóng góp của nhiều cá nhân và nhiều doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau.

Không chỉ trại trẻ mồ côi Gò Vấp, mạng lưới tình nguyện viên của Kim còn đến với nhiều trung tâm khác nhau như làng Hòa bình Từ Dũ. Mạng lưới cũng ủng hộ cho một mái ấm cho trẻ mồ côi tại một ngôi chùa ở Nha Trang, một mái ấm tại Đà Lạt qua một tổ chức địa phương, tới thăm làng Hòa bình ở Hà Nội, Trung tâm Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng v.v...

Quay trở về Việt Nam và cùng các tình nguyện viên đóng góp một phần nhỏ của mình, đối với Kim đó còn là những trải nghiệm quý giá. Kim được gặp rất nhiều người, được chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh, niềm vui, nỗi buồn để rồi tình yêu với quê hương và lòng mong mỏi mình cần nỗ lực để có thêm nhiều đóng góp hơn nữa cho Việt Nam lại càng lớn lên cùng thời gian. Có thể trước đây khi trở về Việt Nam, điều mong mỏi lớn nhất của cô là tìm được mẹ đẻ của mình. Tới giờ lòng mong muốn ấy vẫn còn đó, nhưng cô đã tìm thấy được mục tiêu lớn hơn rất nhiều của cuộc đời mình tại nơi chôn rau cắt rốn

.
.
.