Hành trình phục thiện của đại ca xứ Quảng sau 15 năm trốn nã trên đất nước Triệu Voi

Thứ Năm, 25/09/2014, 13:30
Từng là đại ca, cầm đầu băng nhóm xã hội đen lộng hành đất Quảng Nam những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi dính lao lý, gã trốn biệt sang Lào, ẩn nấp dưới vỏ bọc thương nhân, tiếp tục dính vào ma túy, trộm cắp rồi bị bắt vào tù. Sau khi bị dẫn độ về nước và quy án, gã đã lột xác, trở thành ông chủ chuyên buôn bán cây cảnh nổi tiếng đất Tam Kỳ. Không những thế, từ kẻ lang bạt kỳ hồ, gã đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Tôi ngồi với gã trong một quán cà phê giữa thành phố Tam Kỳ trong một ngày mưa rấm rứt, nghe gã kể chuyện đời mình mà cứ ngỡ như một cuốn tiểu thuyết cuộc đời được hư cấu với cái kết có hậu. Trải qua bao thăng trầm số phận, đi quá nửa đời trai trẻ, gã mới nhận chân ra giá trị thực của cuộc sống. Cũng may, nhờ vào tấm lòng bao dung của những cán bộ Công an đã thức tỉnh gã để có được như ngày hôm nay, một ông chủ có tiếng, và hơn bao giờ hết là một mái gia đình êm ấm, bến đỗ bình yên sau những mệt mỏi cuộc đời.

Vết trượt dài của một sinh viên đại học

Phạm Minh Lương (SN 1966), tự là Lương “Sài Gòn”, sinh ra và lớn lên trong gia đình cơ bản ở xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Tuổi trẻ của gã cũng đẹp đẽ như bao đứa bạn cùng trang lứa khác. Cho đến khi Lương đang học năm thứ 2 trường một trường đại học tại Sài Gòn thì ngã rẽ cuộc đời cũng bắt đầu từ đấy, khi Lương chán học bỏ về nhà đi bụi. Biệt danh Lương “Sài Gòn” cũng có từ ngày đó. Về xứ Quảng, Lương quy nạp nhóm đàn em dưới trướng, tổ chức các trận sát phạt giữa các băng nhóm để lấy số má, với cách ra tay tàn độc và liều lĩnh, chẳng mấy chốc tiếng tăm của gã nổi khắp đất Tam Kỳ. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhắc đến Lương “Sài Gòn”, ai cũng khiếp vía, bởi đi đến đâu, gã cũng có thêm mấy đứa em hộ tống, với khẩu súng K54 luôn giắt bên mình để phòng thân. Không chỉ nổi tiếng trong giới giang hồ, Phạm Minh Lương còn được biết đến là người có lắm tài lẻ như vẽ, viết văn, làm thơ và đặc biệt là thông thạo bốn ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Thái và tiếng Hoa, cùng với đó là võ thuật rất giỏi.

Tối 24/7/1993, Phạm Minh Lương dẫn theo tên đàn em xách dao tổ chức đi cướp giật tài sản tại thị xã Tam Kỳ để lấy tiền tiêu xài. Sau nhiều giờ lùng sục con mồi, đến rạng sáng ngày hôm sau mới bắt gặp một người đi xe đạp, cả hai kề dao tận cổ, lấy đi 140.000 đồng. Ngay sau đó, vụ việc bị phanh phui, đồng phạm của Lương bị bắt vào tù, còn bản thân gã đã chạy trốn sang Lào, đổi tên thành Lê Thương, xin vào làm công nhân cho các công trình xây dựng. Nhờ thông minh, nhanh nhẹn, gã lại năng động, cùng lúc làm nhiều công việc như nhận thầu sửa chữa máy cày, rồi buôn bán xe ôtô cũ nên kiếm được khá nhiều tiền. Có tiền, gã lao vào các cuộc tình chóng vánh, nhưng khi trái tim gã rung động thực sự trước một người con gái khác thì gã lại đau đớn bị vì phụ rẫy tình cảm. Chán chường, Lương lao vào ma túy. “Lúc đầu tôi hút cho vui thôi, nhưng đến năm 1998, tôi bắt đầu nghiện. Tiền làm ra bấy lâu nay đều nướng vào ma túy. Mà khổ nỗi, khi đã dính vào thứ này thì khó có thể dứt ra được. Khi hết tiền, tôi lại quay về nghề thu mua ôtô, xe máy các loại đem bán. Nhưng lần này không làm ăn sạch sẽ như trước nữa, mà để có nhiều tiền nhanh, tôi đã mua lại xe trộm cắp. Sau đó tham gia vào đường dây trộm cắp xe ôtô ở Lào để đưa về Việt Nam tiêu thụ”, Lương kể lại vết trượt đời mình trên đất bạn Lào. Lưới trời lồng lộng, ngày 1/4/2006, Phạm Minh Lương bị Công an nước bạn Lào bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản. Sau đó, bị TAND Viêng Chăn xử phạt 3 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản. Với kinh nghiệm xài ma túy ngoài xã hội, vào tù, gã tiếp tục trở thành kẻ chuyên cung cấp hàng cho các con nghiện đang thu lý án ở đây. Nghiện ngập ngày một lún sâu. Cuộc đời ngỡ như khép lại với Lương, nhưng thật may mắn, trong lúc bản thân gã đang trượt dài trong lầm lỗi thì con đường sáng đã lại mở ra khi gã được di lý về nước để quy án.

Phục thiện, làm lại cuộc đời

Tổ chức dẫn độ Phạm Minh Lương về nước vào năm 2008.

Sau khi Phạm Minh Lương bị nước bạn xử phạt tù, đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào đã có công văn đề nghị xác minh tiền án, tiền sự, nhân thân lai lịch của đối tượng Lê Thương. Qua tra cứu vân tay, Công an tỉnh Quảng Nam đã xác định Lê Thương chính là Phạm Minh Lương, kẻ đang bị truy nã về hành vi “Cướp tài sản”. Lúc này, Phạm Minh Lương đang thi hành án tại Trại giam Phôn-Toong thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam Bộ An ninh Lào. Nhận được thông tin trên, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự xã hội (PC45) căn cứ Hiệp định Tương trợ Tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào để đưa Phạm Minh Lương về Việt Nam xét xử. Ngày 19/10/2008, Công an tỉnh Quảng Nam đã cử một đoàn công tác phối hợp với Văn phòng Interpol - cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào và Cục Điều tra - Bộ An ninh Lào dẫn độ Phạm Minh Lương về Việt Nam. Khi được di lý từ Lào về Việt Nam, ngày 29/10/2008, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã phục hồi điều tra vụ án hình sự và ra lệnh tạm giam Phạm Minh Lương thời hạn 3 tháng để điều tra làm rõ hành vi “Cướp tài sản” vào năm 1993. Với hành vi trên, gã bị tuyên phạt 36 tháng tù giam, cộng thêm 10 tháng tù giam còn nợ trong vụ án trộm cắp tài sản ở Lào, tổng hình phạt mà gã phải chịu là 46 tháng tù giam. Nhờ cải tạo tốt nên gã được giảm án 15 tháng, năm 2010 ra tù, trở về địa phương bắt đầu làm lại cuộc đời ở tuổi 45.

Phạm Minh Lương kể, do những mối quan hệ trước đây nên khi biết Lương về Việt Nam quy án, những ngày ở tù, gã được một đại gia có tiếng ở Quảng Nam thường xuyên thăm nuôi, động viên. Ngày gã ra trại, chính vị này đã đề nghị Lương về làm quản lý tại khách sạn ở Tam Kỳ nhưng Lương không thích nên đã tặng cho gã 100 triệu đồng, và với số tiền này, Lương đã bắt đầu khởi nghiệp ngay khi vừa trở về xã hội. Phạm Minh Lương chọn nghề mua bán cây cảnh để bắt đầu cuộc đời mới, vì nhận thấy nhu cầu chơi cây cảnh đang rộ lên ở Quảng Nam. Với tầm nhìn tốt, Lương đã nhanh chóng gặp thuận lợi trong kinh doanh, công việc phất lên trông thấy. Không những vậy, điều bất ngờ hơn là trên hành trình tìm lại chính mình, gã đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời. Một cô gái trẻ quê Đà Nẵng, hành nghề buôn bán quần áo, chuyên lấy hàng ở Đà Nẵng bỏ mối cho các đại lý, cửa hàng trên địa bàn Tam Kỳ, biết đến Lương, đã không mặc cảm, xa lánh, mà còn rất đỗi cảm thông, yêu thương rồi trở thành vợ Lương vào năm 2011. Hiện, hai vợ chồng đã có một cháu bé hơn một tuổi.

Đặc biệt, trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Phạm Minh Lương luôn nhắc đến tên Thiếu tá Lương Quốc Bình, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Nam, người trực tiếp điều tra vụ án và tham gia dẫn độ Phạm Minh Lương về Việt Nam. Bởi theo gã, chính Thiếu tá Bình là người đã hướng thiện, giúp Lương hoàn thành được cai nghiện và trở thành người hoàn lương như ngày nay. Còn tâm sự với chúng tôi, Thiếu tá Bình cho biết, vụ án Phạm Minh Lương là một trong những vụ án mà anh nhớ nhất. Bởi vụ án có yếu tố nước ngoài và lần đầu tiên mà cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam ra nước ngoài để dẫn độ đối tượng về nước. Thiếu tá Bình nhớ lại, trong thời gian tầm nã Lương, anh đã về gặp cha mẹ của Lương. Ngày đó, Lương bỏ đi khiến họ ngày đêm thương nhớ người con trai, nhưng không biết tìm con ở chân trời nào. Sau khi Lương được đưa về từ Lào, bà Nguyễn Thị Chiểu (SN 1925), mẹ ruột của Lương, đã ngỏ lời cảm ơn cơ quan Công an vì đã tìm được con trở về cho bà.

Ngay cả Phạm Minh Lương cũng vậy, sau khi chấp hành xong án phạt tù, Lương đã mau chóng hoàn lương bằng những việc làm chân chính của mình. Ngày ra tù, Lương đã tìm gặp Thiếu tá Bình để nói lời cảm ơn chân thành, rằng các anh Công an đã giúp Lương trở về quê hương, trở về với gia đình và từ bỏ ma túy, sống một cuộc đời tự do có ý nghĩa cho xã hội. Điều tưởng như giản đơn ấy nhưng Phạm Minh Lương đã phải mất quá nửa đời người mới nhận ra, nên giờ gã càng nâng niu và quý trọng hơn những gì mình đang có

Ngọc Tân
.
.
.