Hành trình tìm mẹ bên kia biên giới

Thứ Hai, 23/02/2015, 09:00
Trong kí ức của mình, anh Cao Văn Quân (40 tuổi, huyện Đông Triều, Quảng Ninh) vẫn còn nhớ về hành trình một mình vượt qua bên kia biên giới để tìm mẹ. Hành trang của cậu bé lúc đó mới chỉ 13 tuổi là một bộ quần áo không còn lành lặn và tình mẫu tử lớn lao. Cuộc tìm kiếm đầy gian khổ ấy kéo dài hơn một năm, cho đến khi anh tìm thấy người mẹ của mình nhưng nỗi đau vẫn chưa hề kết thúc...
Số phận trêu ngươi

Theo như lời kể của anh Quân, dù câu chuyện đã trôi qua gần 30 năm nhưng anh vẫn còn nhớ như in từng chi tiết. Ngày ấy, bố anh là cán bộ ở xã còn mẹ thì gánh hàng rong đi buôn từ chợ Móng Cái về Đông Triều. "Vào một ngày như mọi ngày, tôi vẫn ngồi ngóng mẹ đi chợ về nhưng mãi mẹ vẫn chưa về. Cho đến khi có người trong thôn nói với bố tôi rằng, có thể mẹ đã bị bắt cóc bán sang bên kia biên giới. Tâm trí trẻ con của tôi chỉ hiểu rằng, mẹ sẽ không về nữa...", anh Quân kể trong nghẹn ngào.

Anh Quân khi ấy còn không mường tượng được mẹ đang ở đâu, chỉ biết lang thang khắp các chợ ở Quảng Ninh, Cẩm Phả để tìm kiếm. Cậu bé mất mẹ cứ thế lang thang đầu đường xó chợ, không biết bao nhiêu lần ngất đi vì đói, vì khóc mẹ nhưng chẳng ai có thể giúp đỡ. Thời điểm đó, nạn buôn người vẫn còn rất phức tạp. Nhiều người bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ hay lao động và người ta hiểu rằng khi bị bán thì sẽ khó có thể tìm được.

Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, bố anh Quân đi bước nữa với một người phụ nữ ở xóm kế bên. Anh sống cùng bố và dì được 2 năm thì số phận như trêu ngươi cậu bé, bố anh mất vì bạo bệnh, dì chuyển đi nơi khác sinh sống. Cậu bé trở nên bơ vơ vừa đi học, vừa đi kiếm củi làm thuê để tự nuôi mình.

Đám cưới của con gái anh Quân.

Hành trình tìm mẹ

3 năm sau cái ngày mẹ mất tích, anh Quân tình cờ gặp được một người đàn bà tên Loan quê ở Chí Linh - Hải Dương, là bạn chợ với mẹ mình nhưng hiện giờ đang lấy chồng Trung Quốc. Qua hỏi chuyện, người này cho anh biết từng gặp mẹ anh bán khoai ở Kiến Trì (Quảng Đông, Trung Quốc).

Sau khi anh ngỏ ý muốn sang Trung Quốc tìm mẹ, bà Loan nhìn anh mà tặc lưỡi, lắc đầu bảo rằng anh còn quá nhỏ, sức khỏe yếu, tiếng cũng không biết, tiền không có thì sao có thể sống nổi chứ chưa nói tìm mẹ. Khi bà Loan định quay đi thì anh nằm thụp xuống, túm lấy gấu quần bà van xin. Có lẽ cũng vì thương hại đứa bé mồ côi, cuối cùng người đàn bà này cũng gật đầu đồng ý mang cậu bé 13 tuổi sang bên kia biên giới tìm mẹ.

Anh Quân kể lại: "Bà Loan đưa tôi sang Trung Quốc trên một con tàu nhỏ vượt biển Móng Cái. Sang đến Kiến Trì thì tôi phải làm thuê trả nợ số tiền tàu xe trong chuyến đi vừa rồi. Hành trang tôi mang đi chỉ có duy nhất một bộ quần áo, tiếng thì không biết nên ai nói gì cũng chỉ ngơ ngác...".

Theo như lời kể, để kiếm sống, anh Quân phải đi gánh đá thuê cho các nhà trong làng hay làm cửu vạn ở chợ. Công việc vô cùng gian khổ đối với một đứa trẻ tuổi 13, nhưng mỗi khi mệt mỏi nản lòng, anh lại nghĩ đến mẹ và ngày đoàn tụ không xa làm động lực. Đến tận bây giờ, khi nhớ lại những ngày tháng làm thuê, anh Quân vẫn không quên đi được nỗi khổ và cảm giác tù đày, bóc lột phải gánh chịu. 

Sau một năm làm việc trả nợ, bà Loan đưa anh Quân đến nơi mà mẹ anh đang sinh sống.

Cái khoảnh khắc gặp mặt ấy có lẽ suốt đời anh không quên, vừa mừng vừa buồn, vừa có tiếng cười lại có cả nước mắt. Mẹ anh sống ở trong một căn lán nhỏ gần bìa rừng, già nua và gầy guộc hơn trước rất nhiều. Theo như lời kể, mẹ anh Quân bị lừa bán cho một người đàn ông góa vợ khi đang gánh hàng ở Móng Cái. Đã nhiều lần bà muốn bỏ trốn nhưng đều bị phát hiện, bị đánh đập đến thâm tím mặt mày. Khi biết tin chồng đã mất và những trận đòn liên tiếp cũng khiến bà nguôi ngoai ý định bỏ trốn.

Hai vợ chồng anh Quân.

Sau khi nghe câu chuyện đau thương của mẹ, anh Quân quyết định ở lại làm thuê để chuộc bà về. Nhưng cho đến khi tích cóp được gần đủ số tiền chuộc thì mẹ anh lại quyết định ở lại Trung Quốc. Anh Quân cho biết: "Bà nói rằng về Việt Nam cũng chẳng còn gì, người chồng ở Trung Quốc cũng đối xử tốt với bà nếu không bỏ trốn nên quyết định ở lại. Không muốn phải xa mẹ, tôi cũng ở lại Kiến Trì sống với mẹ và chồng mới của mẹ như một gia đình".

Ngôi nhà hiện tại của 2 vợ chồng.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Sống với mẹ và dượng được  5 năm, bỗng một hôm anh nghe người trong làng rỉ tai nhau là có một nhóm mấy cô gái Việt Nam vừa bị bán sang. Trong đó có một người không chịu lấy ông lão 80 tuổi làm chồng nên bị đánh đập rất dã man. Nghe thấy vậy, anh liền nghĩ đến cảnh khổ đau của mẹ mình ngày trước mà tìm đến nơi nhốt các cô gái. Khi đến nơi, thấy cô gái trẻ mới chỉ đôi mươi phải chịu cảnh đòn roi, lại sắp phải lấy một ông lão 80 tuổi làm chồng, anh Quân cũng thấy rấm rứt khó chịu.

Anh Quân suy nghĩ, mình cũng sắp đến tuổi lấy vợ nên quyết định tham gia vào cuộc mua bán, một phần cũng là để cứu lấy cô gái trẻ tội nghiệp. Sau một hồi trả giá, anh mua được cô gái với cái giá 3.000 tệ, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Đây là số tiền anh tích cóp suốt một thời gian dài và cũng có một phần tiền anh định dùng để cứu mẹ ngày trước. Và cô gái tên Nguyễn Thị Tuyền đó đã trở thành vợ của anh, cùng chia sẻ buồn vui với anh cho tới tận bây giờ.

Nói về anh Quân, sau khi "cứu" được chị Tuyền, anh đưa chị về nhà mẹ và dượng để sinh sống. Nhờ nghị lực phi thường, sau nhiều năm cuộc sống của hai vợ chồng cũng trở nên tươm tất. Ngoài công việc đồng áng, hằng ngày anh Quân vẫn thường xuyên chở thuê bằng xe công-nông của nhà, chị vẫn đi khuân gỗ mướn. Công việc dẫu còn khó khăn vất vả nhưng vẫn còn tốt hơn những năm tháng lang bạt nơi xứ người. Mẹ anh cũng đã về thăm nhà ở Đông Triều nhưng cuộc sống bên Trung Quốc còn rất khó khăn nên cũng không cho gì được các con.

Đầu năm 2012, anh Quân đã lên chức ông ngoại khi gả chồng cho cô con gái lớn, đứa con trai nhỏ còn đang đi học. Cho đến bây giờ, hai vợ chồng đã có thể cùng nhau vẽ nên viễn cảnh tươi sáng cho một tương lai không còn nỗi đau và nước mắt.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.