Hành trình truy quét ổ nhóm tội phạm ở xứ Thanh

Thứ Bảy, 29/02/2020, 14:00
Mùng 6 Tết Canh Tý - ngày đi làm đầu tiên của năm mới, tôi điện thoại cho Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thanh Hoá hỏi về tình hình ANTT ở Thanh Hoá trong những ngày Tết vừa qua, anh hồ hởi: Bao năm rồi lính hình sự chúng tôi mới có những ngày Tết yên bình như thế.


Câu trả lời của anh khá ngắn gọn, dễ hiểu nhưng để có một cái Tết yên bình là nỗ lực rất lớn của cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an Thanh Hóa, trong đó có lực lượng CSHS trong việc đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm nghiêm trọng.

1. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm luôn tâm niệm rằng, muốn giảm được tội phạm thì trước tiên phải làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, băng ổ nhóm. Sở dĩ như vậy, bởi nhóm tội phạm này thường gây ra nhiều vụ việc, vụ án nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến ANTT ở các địa phương. Quán triệt chỉ đạo đó, Công an Thanh Hoá đã có nhiều biện pháp đấu tranh, làm giảm rõ rệt loại tội phạm này. 

Theo đó, hàng loạt “băng” tội phạm có tiếng bị triệt phá như tổ chức cho vay nặng lãi Nam Long có chi nhánh ở 63/63 tỉnh, thành phố khắp cả nước và một số ổ nhóm cho vay “tín dụng đen” trên địa bàn; băng nhóm tội phạm do Nguyễn Anh Tuấn  (Tuấn “thần đèn”), SN 1974 ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hoá cầm đầu; 3 ổ nhóm trộm chó gây nhức nhối dư luận; đặc biệt là băng trộm người Trung Quốc đã “hoành hành” tại nhiều địa phương, bị Công an nhiều tỉnh truy tìm nhưng chưa phát hiện, bắt giữ được.
Cán bộ chiến sĩ Công an Thanh Hoá tính toán phương án đấu tranh vụ án.

Như chuyên án đấu tranh với các đối tượng trộm chó. Đây là vấn đề khá nhức nhối trong dư luận nhân dân. Đa phần là đối tượng nghiện ma tuý, cờ bạc, thường rất manh động, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Trên thực tế, đã xảy ra không ít vụ trộm chó đánh trọng thương chủ, thậm chí sát sại chủ chó nếu bị truy đuổi. Bên cạnh đó, cũng đã xảy ra không ít vụ án mạng người dân đánh bị thương, giết đối tượng trộm chó. 

Chính vì vậy, CBCS Phòng CSHS Công an Thanh Hoá đã lập chuyên án đấu tranh với loại tội phạm này. Đây là một trong những “đề bài” khó, hầu như chưa địa phương nào lập chuyên án đấu tranh.

CBCS Phòng CSHS đã rà soát tất cả các ổ nhóm trộm chó trên địa bàn, nghiên cứu kỹ phương thức, thủ đoạn, đối tượng của từng băng nhóm để có kế hoạch triệt phá. “Yêu cầu Ban Chuyên án đặt ra là làm thế nào bắt được hết các đối tượng, không để chúng chống trả, đảm bảo an toàn cho người dân, cho lực lượng truy bắt và cho chính các đối tượng” - Trung tá Lê Trọng Ngọc, Đội trưởng Đội 2 cho biết.

Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng phương án đấu tranh, đồng loạt nhiều mũi công tác của Phòng CSHS Thanh Hoá đã bắt giữ, triệu tập 30 đối tượng (của 3 ổ nhóm) thu giữ tất cả các tang vật. Thành công của chuyên án không chỉ góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn mà còn mang lại niềm tin cho nhân dân, ngăn chặn, phòng ngừa các vụ án nghiêm trọng khác do các đối tượng trộm chó gây ra và các vụ án "đánh hội đồng" các đối tượng trộm chó khi người dân bắt giữ được các đối tượng này.

2. Chuyên án đấu tranh với ổ nhóm trộm các nhà máy, doanh nghiệp do đối tượng người Trung Quốc gây ra cũng là chuyên án mà Ban Giám đốc và CBCS Phòng CSHS Thanh Hoá phải “cân não” khi đưa ra những quyết định táo bạo nhưng rất chính xác để đấu tranh, bắt giữ. 

Liên tục trong 4 đêm, gồm: đêm 17, rạng sáng 18/4; đêm 19 rạng sáng 20/4; đêm 17 rạng sáng 18/5; đêm 10 rạng sáng 11/6/ 2019, tại các phòng làm việc của Nhà máy xi măng Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hoá), Nhà máy xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá), Nhà máy xi măng Công Thanh (huyện Tĩnh Gia) đã xảy ra 4 vụ phá két sắt trộm tài sản. Theo đó, đối tượng đã đột nhập vào phòng làm việc của các công ty trên đập phá két sắt để trộm tiền vàng với trị giá khoảng 9 tỷ đồng.

Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá trao phần thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cán bộ chiến sĩ Phòng CSHS.

Với quyết tâm làm rõ, bắt giữ bằng được các đối tượng, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Phòng CSHS chủ công khám nghiệm, lập chuyên án điều tra phá án. 

Qua rà soát các đối tượng nổi cộm trên địa bàn, Ban Chuyên án xác định, thủ đoạn của những đối tượng trộm chuyên nghiệp, lưu động ở Thanh Hoá và các tỉnh lân cận không tinh vi, xảo quyệt bằng nhóm đối tượng trên. 

Vậy, kẻ gây ra những vụ trộm két sắt rất mới và chuyên nghiệp này là ai, từ đâu đến, tại sao lại nắm kỹ địa hình, địa vật của các công ty đến như vậy…? 

Để trả lời được các câu hỏi đó, Ban Chuyên án đã cử người đến Công an nhiều tỉnh từng xảy ra các vụ trộm tương tự để nghiên cứu thủ đoạn; đồng thời  rà soát, vận động nhân dân cung cấp thông tin kết hợp với sử dụng đồng bộ các biện pháp  nghiệp vụ. Từ đó, Ban chuyên án đã xác định nhóm đối tượng trộm là người Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Thủ đoạn của các đối tượng này khá tinh vi, chúng vào Việt Nam bằng nhiều con đường như vượt biên trái phép và nhập cảnh theo đường du lịch. Để tránh bị phát  hiện, mỗi tháng, chúng chỉ ở khoảng 10 ngày sau đó lại quay về Trung Quốc. 

Phát hiện các đối tượng đang có mặt ở thị xã Tam Điệp, Ninh Bình, chuẩn bị trốn khỏi Việt Nam, Ban Chuyên án đã trắng đêm “cân não”  tính toán phương án bắt giữ. 

Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, Ban Chuyên án đã phối hợp với Công an Ninh Bình kiểm tra hành chính nhà nghỉ, bắt giữ 3  đối tượng là Liêu Chí Ba (Liao Zhibo, SN 1988); Vi Kim Luyện (Wei Jinlian, SN 1982) và Vi Chí Hằng (Wei Zhi Heng, SN 1988), đều là nam giới và cùng có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận, hằng tháng, chúng thường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ ngày 10 - 24, 25 để trộm cắp rồi lại về nước. Tại Việt Nam, chúng thuê phương tiện để đi lại, mua các công cụ để phá két rồi bàn bạc, lựa chọn địa điểm trộm cắp, thuê một người Việt Nam sống tại Trung Quốc dịch và chỉ đường cho chúng. 

Theo đó, chúng sử dụng mạng wechat để liên lạc với đối tượng Việt Nam trên để được hướng dẫn. Vị trí các đối tượng lựa chọn để đột nhập thường là khu vực ống khói của các nhà máy vì đây là nơi ít người đến, lại có tiếng ồn lớn nên bảo vệ thường không nghe tiếng, rồi đột nhập vào phòng kế toán.

3. Đặc biệt, trong 2 năm 2018-2019, Công an Thanh Hoá đã bóc gỡ hàng loạt ổ nhóm cho vay lãi nặng, “đánh” trúng các “ông trùm” chuyên hoạt động tín dụng đen. Nhờ đó, trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng đòi nợ, xiết nợ thuê, gây thương tích, ném chất bẩn, góp phần kéo giảm tỷ lệ tội phạm trên địa bàn. 

Để đấu tranh với các băng nhóm  hình sự, từ trộm cướp, đánh bạc, lừa đảo qua mạng internet hoạt động lưu động, liên tỉnh, xuyên quốc gia, ngoài việc thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, Thượng tá Lê Khắc Minh và đồng đội đã dành trọn tâm huyết của mình cho công việc được giao. 

Đặc biệt, là người đứng  mũi chịu sào, Thượng tá Minh luôn là người có mặt sớm tại hiện trường, nghiên cứu kỹ hồ sơ để cùng đồng đội phương án đấu tranh, làm rõ chuyên án, vụ án, góp làm nên thương hiệu Cảnh sát hình sự xứ Thanh - đơn vị Anh hùng LLVTND, nhiều năm liền được Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc, đặc biệt trong năm 2018, 3 lần được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen về thành tích đạt được trong điều tra khám phá các vụ án...

Thượng tá Lê Khắc Minh cho rằng để có những chiến công đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất quan trọng. "Công việc của lực lượng CSHS rất đặc thù nên trước tiên chúng tôi phải lấy công tác quản lý cán bộ làm nòng cốt; đồng thời, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần gắn với việc học tập và làm theo đạo đức, phong cách của Bác", Thượng tá Lê Khắc Minh chia sẻ.

Thu Thủy
.
.
.