Hành trình từ cậu bé nhập cư nghèo khó trở thành “vua rác” Mỹ

Thứ Năm, 27/03/2014, 20:54

Chắc hẳn với bất kì ai, ấn tượng ban đầu về David Dương đều giống nhau – đó là một người đàn ông với ngoại hình bé nhỏ, giản dị, mang đậm chất Á Đông. Song ai ai cũng đều ngưỡng mộ và khâm phục tài năng cùng nghị lực phi thường ẩn chứa đằng sau vóc dáng bé nhỏ ấy. Dưới đây là câu chuyện về hành trình của cậu bé nhập cư nghèo David Dương, một tay phát triển sự nghiệp do bố mẹ gây dựng, ngày nay đã và đang là một trong những doanh nhân gốc Việt thành đạt nhất tại Mỹ, là người truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân Việt trong tương lai. 

Những tháng ngày tuổi thơ cơ cực

Di cư sang Mỹ cùng bố mẹ từ nhỏ, David Dương cùng với các anh chị em trong nhà ngoài việc học còn phải phụ giúp trang trải cuộc sống. Đại gia đình 16 người sống trong hai căn nhà chật chội tại khu phố được cho là nghèo và nguy hiểm nhất San Francisco. Gánh nặng mưu sinh dồn lên vai bố mẹ ông khi cả gia đình sang đây chỉ với hai bàn tay trắng, không kiến thức, không thế lực, không tiền bạc, bố mẹ ông buộc phải làm những công việc nặng nhọc nhất. Hằng ngày, cả nhà đến những khu trung tâm lớn ở San Francisco, California, nhưng thay vì vui chơi, giải trí, họ phải tìm và thu gom phế liệu. Những túi đựng rác hay đồ bỏ thường được đặt sẵn trên vỉa hè  bên ngoài những tòa nhà chọc trời để chờ xe rác đến thu gom. Có những dịp đi ngang đài phun nước của nhà máy sôcôla Ghirardelli, nơi người ta ném một đồng xu xuống đó và ước, cậu bé David chỉ lặng nhìn, cậu thậm chí còn không có nổi một đồng xu để có thể ước cho cả gia đình sớm thoát khỏi những chuỗi ngày cơ cực này. Lúc ấy, hồi đầu những năm 80, đối với cả gia đình ông, những đồ mà người ta dùng qua rồi, vứt đi rồi ấy trở nên cực kì quý giá. Cái nghề thu gom phế liệu “tầm thường” ấy không chỉ cho cha mẹ ông có một công việc để làm, để trang trải cuộc sống, mà quan trọng hơn đó còn là động lực, là những bước đệm vững chắc cho thành công của David Dương ngày hôm nay.

Con đường khởi nghiệp đầy thử thách

David Dương cho biết, từ việc huy động hết “nhân lực” trong nhà đi nhặt phế liệu, bố ông nảy ra ý tưởng kinh doanh vật liệu tái chế. Tuy nhiên, kinh doanh đâu phải là việc dễ dàng, không có vốn thuê nhân lực, bố mẹ ông lại dựa vào chính sức mình, với sự phụ giúp của các con, đêm đêm họ lại cùng nhau đi thu gom phế liệu. “Tích tiểu thành đại”, một thời gian sau, gia đình ông đã đủ vốn để sắm một chiếc xe tải nhỏ khoảng 700 đô la và mất thêm mấy năm nữa để sở hữu một gia tài gồm 11 chiếc xe tải. Cả gia đình tiếp tục cùng nhau nỗ lực, ba năm miệt mài với nghề, bố mẹ ông hiểu rất rõ cần phải đảm bảo những cơ sở vật chất cơ bản trước đã thì mới tính chuyện làm ăn lâu dài và phát triển sự nghiệp được. Bởi vậy, năm 1983, bố mẹ ông quyết định đầu tư thuê một nhà kho cũng là lúc công ty thu gom vật liệu tái chế gia đình Cogido Paper Corporation được thành lập.

Ông David Dương (trái) chụp ảnh cùng Tổng thống Hoa Kỳ B.Obama tại Nhà Trắng.

Hồi tưởng lại quãng thời gian khó khăn đầu thập niên 80, ông cho biết cả nhà đã phải làm việc rất vất vả trong bóng đêm, phải chống chịu với cái lạnh cắt da trong những đêm đông rét mướt. Không phải lúc nào họ cũng may mắn, có những đêm bất chấp lạnh giá, họ làm việc quần quật, lang thang khắp những đường phố San Francisco mà vẫn không gom đủ lượng phế liệu để bán. Khi nhắc lại những ký ức về tháng năm khổ cực ấy, David Dương chỉ đơn giản chia sẻ: những đêm không thu được đáng kể phế liệu lại còn bị bọn du côn cướp tiền “thì buồn lắm”. Không những thế, việc giữ hòa khí giữa các thành viên trong gia đình cũng cực kì khó khăn. Những lúc mệt mỏi vì công việc, thất vọng vì kết quả không như ý, vì vấn đề tiền bạc nhạy cảm, rất dễ khiến họ mất bình tĩnh, nản chí và muốn bỏ cuộc. Lúc ấy, chính hi vọng về cuộc sống “khổ tận cam lai” giúp họ mạnh mẽ hơn, cùng chung tay vun vén sản nghiệp cả gia đình. Chuyện tiền bạc cũng là một thử thách lớn. Dùng chính xương máu của mình để kiếm ra những đồng tiền đầu tiên, bố mẹ ông phải lên kế hoạch chi tiêu rất kĩ càng, chỉ tiêu vào những việc cần thiết, còn lại sẽ tiết kiệm để thuê được một nhà kho.

Khi đã thành lập công ty, cuộc chiến trên thương trường lại khốc liệt hơn bao giờ hết. Nếu như lúc còn thu gom phế liệu ở vỉa hè, họ không phải lo lắng tranh giành, thì giờ đây họ phải cạnh tranh với những công ty lớn, có thâm niên trong nghề khác. Khi ấy, Cogido Paper thậm chí phải đi mua nguyên liệu. David Dương cho biết: “Khi đã mở công ty, chúng tôi không thể tự mình thu gom phế liệu hàng đêm như trước nữa. Chúng  tôi chỉ có thể làm tốt một trong hai việc, hoặc là tự thu gom phế liệu hoặc là điều hành công ty”. Mất một thời gian, công ty mới tìm ra hướng giải quyết. Cogido Paper quyết định cấp vốn và đào tạo cho những người Việt mới nhập cư để thu gom phế liệu và có thu nhập ổn định cuộc sống. Việc gom phế liệu hàng đêm lại một lần nữa đem đến miếng cơm manh áo cho những người lao động nghèo. David Dương sẽ mua phế liệu từ họ và cho họ vay với lãi suất thấp để mua xe tải vận chuyển phế liệu đến công ty của ông. Ông tâm niệm giúp những người đồng hương nghèo khó ấy ổn định cũng là giúp chính mình phát triển mà thôi.

Trong quá trình phát triển công ty, David Dương gặp không ít thử thách. Ngay từ việc để ông đứng ra lãnh đạo công ty đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ một số thành viên trong gia đình. Vốn là một người trọng tình cảm, ông liền từ chối trọng trách lãnh đạo để giữ hòa khí gia đình. Lúc ấy, bố ông đã nói rằng: “Bây giờ có thể mọi người không phục con, và rời bỏ con, nhưng một khi con chứng minh được thực lực của mình, chỉ cần con lên tiếng, mọi người sẽ quay lại”. Chuyện nhà rồi cũng êm đẹp khi năm sáu năm sau gia đình David Dương lại hòa hợp, cùng vun vén sự nghiệp. Thời điểm ấy, công ty đang cạnh tranh gay gắt với một công ty đối thủ, thì việc nhà kho của công ty bị kẻ xấu phóng hỏa thiêu rụi giáng một đòn nặng nề không chỉ vào kinh tế mà còn cả tinh thần của cả đại gia đình David Dương. Nhưng chính nhờ bản lĩnh, sự nỗ lực và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình mà họ nhanh chóng vực dậy và tiếp tục trên đà phát triển.

Những thành công đáng tự hào và những dự án trong tương lai

Hiện nay, David Dương đang sở hữu 7 cơ sở xử lý chất thải với hàng nghìn chiếc xe tải thu gom phế liệu từ các khu dân cư,  được điều phối bằng hệ thống định vị toàn cầu và trang bị hệ thống tự động để giúp tăng hiệu quả công việc. Theo ông, để thành công ở một đất nước xa lạ về mọi thứ từ ngôn ngữ, văn hóa, đến con người, cần có ba yếu tố: phải biết áp dụng hiệu quả công nghệ hiện đại; kết hợp với sự nỗ lực, kiên trì, không ngại học hỏi và cộng thêm kiến thức về luật pháp. Nhờ chú trọng công nghệ, một trong những cơ sở của ông, California Waste Solutions - CWS (với 300 nhân viên) hiện đang đứng thứ 31 trên 100 doanh nghiệp tái chế hàng đầu nước Mỹ. Từ 1992, CWS đã thu gom và xử lý vật liệu tái chế cho 10 thành phố ở Mỹ. Gần đây, CWS vừa đầu tư khoảng 160 triệu đô vào hai dự án tại Oakland và Stockton. CWS đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển nhất trong lĩnh vực tái chế rác thải vốn bị chi phối bởi các doanh nhân Mỹ gốc Ý. Giám đốc điều hành CWS, Joel Corona cho biết, ông luôn muốn làm việc cùng David Dương bởi sự tận tụy, khả năng sáng tạo và tính chuyên nghiệp – đó cũng chính là yếu tố làm nên thành công của CWS hiện nay.

Ông David Dương, Tổng Giám đốc CWS, giới thiệu phân compost vừa được sản xuất thử nghiệm.

Theo ông David Dương, hiện có 4 cơ sở đang hoạt động và 3 cơ sở dự kiến sẽ hoàn thành giữa năm 2015, ước tính phục vụ khoảng 7 đến 8 triệu hộ gia đình Mỹ. Hiện 4 cơ sở đang phục vụ cho khoảng 5 triệu hộ gia đình ở vùng vịnh. Giờ đây, ông đã vươn ra chinh phục thị trường ngoài bang California, xây dựng cơ sở mới ở Utah. Gia đình David chỉ trực tiếp quản lý tài chính và nhân công, còn lại thuê người Mỹ điều hành. Mức đầu tư cho 3 cơ sở đầu tiên khoảng 250 triệu đô la, 3 cơ sở mới dự tính khoảng 360 triệu đô la. Một trong những cơ sở lớn nhất được xây dựng ở cảng Oakland, nơi có nguồn phế liệu dồi dào. Sau khi tái chế, David Dương sẽ bán những sản phẩm này cho những nước có nhu cầu như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Ấn Độ.

Sau năm 2005, David Dương trở về đầu tư tại quê hương với dự án trị giá 120 triệu đô la là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (127 héc ta) tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Đây là khu xử lý và tái chế rác thải lớn nhất Việt Nam với trang thiết bị hiện đại bậc nhất và có thể xử lý 3.000 tấn chất thải mỗi ngày. Dự án tạo công ăn việc làm cho gần 10.000 lao động và có tác động to lớn trong việc bảo vệ môi trường. Khu liên hợp này sẽ được xử lý rác thải thành phân bón, ngoài ra các bãi chôn rác với công nghệ tối tân nhất theo tiêu chuẩn Mỹ, gồm rất nhiều lớp màng lọc được lót phía dưới để khử những chất ô nhiễm rỉ ra từ rác thải không thể tái chế. Bên cạnh đó, ông cũng tiết lộ hiện công ty đang thực hiện một dự án 700 triệu đô la ở Long An nhằm xử lý chất thải cho toàn bộ khu vực miền Nam

H.Hạnh
.
.
.