Hành trình vượt khó của chàng trai không tay

Thứ Tư, 06/06/2018, 11:09
Vượt qua biết bao khó khăn vất vả trong cuộc sống, học tập, sự mặc cảm, tất cả chỉ bằng đôi chân và một nghị lực phi thường, đến nay, chàng thanh niên Trần Dương đang là sinh viên năm thứ nhất khóa thiết kế đồ họa thuộc Trung tâm Bảo trợ dạy nghề tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM.

Do bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ người cha nên khi sinh ra, cậu bé không có hai cánh tay. Vượt qua biết bao khó khăn vất vả trong cuộc sống, học tập, sự mặc cảm, tất cả chỉ bằng đôi chân và một nghị lực phi thường, đến nay, chàng thanh niên Trần Dương đang là sinh viên năm thứ nhất khóa thiết kế đồ họa thuộc Trung tâm Bảo trợ dạy nghề tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM.

Từ TP HCM, vượt qua hơn 80 cây số bằng xe gắn máy và nửa giờ lội bộ men theo bờ ruộng trơn trượt dưới cơn mưa nặng hạt, tôi mới đến được nhà của chành thanh niên không tay Trần Dương nằm nép mình giữa bụi tre gai giữa cánh đồng. 

Thấy khách lạ, bà Nguyễn Thị Sương (mẹ Dương) quăng vội bó cỏ vừa mới cắt, tất tả chạy ra đầu bờ ruộng đón. Đang niềm nở trò chuyện, nhưng khi tôi đặt vấn đề hỏi chuyện về cậu con trai Trần Dương, bà Sương òa khóc. 

Hai hàng nước mắt cứ tuôn trào trên gương mặt khắc khổ như muốn trút hết những cay đắng, ưu phiền mà bấy lâu nay dồn nén trong lòng. 

Kéo vạt áo bà ba, quệt dòng nước mắt, bà Sương kể: "Ngày sinh cháu Dương, thấy nó không có đôi tay, vợ chồng tôi đau đến xé lòng. Nỗi buồn đau về đứa con không được lành lặn còn đang như những mũi kim chích vào từng thớ thịt thì vợ chồng lại phải đối mặt với búa rìu dư luận mà có lúc tưởng chừng như sẽ gục ngã, không thể gượng dậy nổi. 

Hồi đó, cháu hay bệnh nên thường phải đưa đến trạm xá xã khám và lấy thuốc uống. Những lần bồng bế cháu đi như vậy, có không ít người ác miệng xì xào cho rằng hai vợ chồng ăn ở không có đức nên con cái mới phải chịu cảnh tàn tật. 

Đau nhói tim gan, nhưng chẳng biết nói sao cho họ hiểu, chỉ biết ôm chặt con trai vào lòng mà khóc. Song cũng may được một số bà con láng giềng và các hội đoàn trong xã hiểu chuyện thường xuyên lui tới động viên chia sẻ nên chúng tôi từng bước vượt qua khó khăn". 

Trần Dương đang dùng ngón chân đánh văn bản trên máy tính.

Theo lời bà Sương, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên trong những năm trước và sau giải phóng, chồng bà là ông Trần Văn Láng (khi ấy còn trong tuổi vị thành niên) thường theo lớp thanh niên trong xóm vào rừng mò cua bắt ốc phụ giúp gia đình. 

Khu rừng này trong chiến tranh từng là căn cứ cách mạng nên nhiều lần bị máy bay Mỹ rải chất hóa học phát quang nhằm làm cho cán bộ cách mạng không còn chỗ trú ẩn. Chất hóa học tồn dư ấy đã xâm nhập cơ thể ông Láng cùng một số người khác mà không hề hay biết.

Năm 1982, ông bà kết duyên vợ chồng và nhanh chóng sinh được hai người con, một trai, một gái hoàn toàn lành lặn, mạnh khỏe nên vợ chồng bảo nhau sinh thêm vài đứa nữa cho vui cửa, vui nhà, nhưng khi sinh Dương ra thấy không được lành lặn, ông bà đã quyết định dừng hẳn.

Lúc nhỏ Dương thường xuyên bị bệnh, hơn nữa do mất thăng bằng cơ thể, cứ liên tục té ngã sứt đầu mẻ trán nên ông bà bảo nhau cứ một người đi làm cỏ mướn thì một người ở nhà trông con, khiến cho cuộc sống gia đình vốn thiếu trước hụt sau càng trở nên khốn khó. 

Thấy thằng bé hiếu động, năm lên 5 tuổi, các hội đoàn trong ấp, xã liên tục đến động viên cho cháu đi học để hy vọng sau này không bị mặc cảm với đời. Với mong muốn con bị tàn tật chứ không thể bị tàn phế, một lần nữa ông bà lại quyết định hàng ngày thay phiên nhau cõng Dương đến trường. 

Những ngày đầu vào lớp mẫu giáo thực sự là nỗi khó khăn vất vả đối với không chỉ  bản thân Dương, mà còn cả cha mẹ và cô giáo đứng lớp vì cậu chưa thể hòa nhập ngay được với đám trẻ con đủ chân đủ tay cùng trang lứa. Giờ học hát và tập làm quen với mặt chữ, con số thì Dương có thể nghe và nhập tâm được đôi chút, nhưng khi tô màu lên hình mẫu hoặc dùng bút chì viết con số, chữ cái thì cậu không thể làm được.

Nhiều lần bật khóc vì chưa thể giúp cậu bé tàn tật thích ứng được với các hoạt động trong lớp, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Một (Trường mẫu giáo Gia Thuận) vẫn không nản chí, cô bàn với bà Sương, ông Láng cùng hỗ trợ, động viên để cô dạy cho Dương viết chữ bằng chân. 

Những ngày đầu khi tập viết, cứ nhét cây bút vào kẽ chân là cu cậu lại khóc thét vì đau, hơn nữa, lớp da non chưa quen với việc kẹp bút nên cứ bị phồng rộp, tóe máu và nhiễm trùng. 

Sau một năm với sự kiên trì của cô giáo cùng cha mẹ, cuối cùng Dương cũng đã viết được 24 chữ cái, thêm hai tháng ghép vần, cậu đã viết được những dòng chữ, những con số và phép tính cộng trừ, nhân chia hoàn chỉnh tuy chỉ hơn "con giun bò" một chút nhưng cũng đủ để cho người khác đọc được.

Từ ngày viết được chữ, làm được những phép tính đã khiến cho Dương thay đổi hẳn tính nết. Không còn sự mặc cảm, tự ti, nên cứ sau mỗi bữa cơm tối, cậu lại lao vào rèn chữ, giải toán và đến khi cha mẹ không còn đủ tiền mua tập vở thì Dương dùng que tre viết trên nền nhà. 

Với nỗ lực vượt khó, năm 2007, Dương được đặc cách vào học lớp 1, Trường Tiểu học Gia Thuận. Những ngày tập làm quen với phương pháp học mới là cả một quãng thời gian đầy gian truân song được sự giúp đỡ tận tình của cô giáo tên Mỹ nên sau nửa năm đầu bị hụt hơi, Dương đã có thể bắt nhịp được với các bạn bè.

Mải nghe bà Sương kể chuyện nên Dương đến ngồi kế bên từ lúc nào mà tôi không biết. Nhìn thân hình nhỏ thó so với cái tuổi 24, nhưng nét mặt đầy cương nghị, tinh thần lạc quan cũng đủ cho tôi cảm nhận được rằng ẩn chứa bên trong chàng thanh niên không tay ấy là một nghị lực phi thường. 

Lễ phép đứng lên cúi đầu xin phép mẹ, Dương quay sang tôi bảo: "Từ thành phố xuống đây có vất vả không anh… Men theo bờ ruộng dưới trời mưa vào nhà em, anh có bị té ngã lần nào không? Hồi đó em té hoài à, ngày nào cũng rơi xuống ruộng mấy lần, riết rồi quen, đến giờ hết té rồi…".

Bà Nguyễn Thị Sương giới thiệu với phóng viên về những luống rau do Dương làm cỏ.

Theo lời kể của Dương, hồi nhỏ chưa biết suy nghĩ nên không biết gì nhiều về nỗi vất vả và sự chịu đựng gièm pha của người đời mà cha mẹ phải gánh chịu. 

Đến năm học lớp 6, mỗi lần đến lớp học, thấy bạn bè có đủ đôi tay để viết chữ, làm toán kịp với bài giảng của cô giáo, còn mình có cố gắng lắm thì cái chân phải cũng chỉ làm được nửa bài toán, chép chưa đầy 1/3 bài văn nên Dương cảm thấy tự ti, mặc cảm vô cùng. 

Giờ ra chơi cũng chỉ biết ngồi trong góc lớp nhìn bạn tung tăng vui đùa chứ không dám nói chuyện với ai. Ngứa thì tựa vào cạnh bàn hoặc bờ tường cọ qua cọ lại cho bớt, đi vệ sinh thì chạy ra ngoài cửa gọi cha, mẹ hoặc anh chị đưa đi… 

Hiểu được tâm trạng của Dương, cô giáo chủ nhiệm đã gọi các bạn lại giảng giải rồi cử một nhóm gần gũi, chép bài giúp mỗi khi cậu theo không kịp và dần dần cậu cũng hòa nhập được với lớp học. Tư tưởng đã thông, tự ti, mặc cảm tan biến, Dương chủ động không nhờ bạn giúp nữa mà cứ sau mỗi buổi học thì mượn tập của bạn mang về nhà tranh thủ chép bài rồi mang trả cho bạn trước giờ làm bài tập về nhà vào buổi tối.

Thời gian này, thấy cha mẹ, anh chị bận bịu với công việc ruộng vườn để kiếm gạo mà còn phải tranh thủ bớt chút thời gian để đút từ miếng cơm, ly nước cho đến tắm giặt và cả vệ sinh cá nhân cho mình, Dương thấy thương lắm. 

Để chia sẻ bớt những cực nhọc của người thân trong gia đình, Dương quyết định giấu cha mẹ, luyện tập để năm ngón chân phải có thể kẹp được đôi đũa, cái muỗng và bàn chân trái có thể nâng được chiếc bát để tự mình có thể gắp, lùa cơm cùng những món đồ ăn vào miệng. 

Lúc đầu chưa quen, chén bát liên tục bị rơi, vỡ, nhưng trải qua hơn nửa năm kiên trì luyện tập, cuối cùng Dương đã có thể làm được một cách thuần thục. 

Sau thành công bước đầu, cùng với sự động viên, khuyến khích của những người thân trong gia đình, Dương tiếp tục tập dùng chân thực hiện tất cả các công đoạn trong lúc tắm rửa, mặc quần áo, gãi các điểm ngứa trên cơ thể, lau chùi sau mỗi lần vệ sinh cá nhân… rồi đến câu cá, hái rau mang về tự kho nấu để cải thiện bữa ăn gia đình. Ngoài ra, cậu còn phụ giúp cha mẹ lau chùi nhà cửa và cả việc làm cỏ cho những luống rau ngoài rẫy…

Câu chuyện của tôi và Dương đang vào đà thì buộc phải dừng lại bởi Dương còn phải tranh thủ ăn bát cơm rồi ra xe lên TP HCM cho kịp giờ theo quy định của ký túc xá. Nhìn đôi chân cứ thoăn thoắt xới cơm, bưng bát, kẹp đũa gắp thức ăn khiến tôi vô cùng cảm phục. 

Định giơ máy lên chụp vài kiểu ảnh, nhưng Dương đỏ mặt bẽn lẽn bảo: "Thôi anh đừng chụp, ảnh này mà đưa lên báo thì xấu hổ lắm. Mai anh đến lớp học, em ngồi thao tác máy vi tính, anh chụp đưa lên cho em nở mặt một chút…  Hi…hi.".

Theo đúng lịch hẹn, buổi sáng hôm sau tôi lên đường đến Trung tâm Bảo trợ dạy nghề tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM. Mới 6h sáng, nhưng khi tôi vừa có mặt đã thấy Trần Dương ngồi đợi ở dãy ghế đá kê sát cổng ra vào. 

Tiếp tục câu chuyện về quãng thời gian vượt khó của mình, Dương bảo: "Thật ra ai cũng bảo em có nghị lực phi thường, nhưng em tự thấy mọi người ca tụng em cao quá. Ai lớn lên cũng phải tự tìm cho mình con đường để vươn lên trong cuộc sống, em có chút thiệt thòi hơn người bình thường là không có hai tay, nhưng chỉ cần gạt bỏ tự ti và cố gắng nhiều hơn thì cũng tìm được con đường cho mình thôi anh ạ...".

Theo lời kể của Dương, tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2015, cậu chỉ mơ học được một nghề gì đó để tự lo cho bản thân cho cha mẹ đỡ nặng gánh, nhưng kiếm mãi không có nơi nào dạy nghề phù hợp nên đành ở nhà phụ mẹ làm cỏ rẫy và cơm nước, heo gà. 

Có lần đi ngang tiệm photocopy thấy người ta đánh văn bản trên máy vi tính, Dương mê lắm. Nhưng nhà nghèo, chạy ăn còn không xong lấy đâu ra tiền mua máy tính, hơn nữa, điều khiển bàn phím phải dùng đầu ngón tay chứ ngón chân thô kệch thì làm gì được. 

Đúng lúc đó, một người thanh niên thương tình đã mang tặng em chiếc máy tính xách tay cũ. Mang về nhà, Dương cứ lấy đầu ngón chân cái hí hoáy bấm vào các nút trên bàn phím. Thấy em mình mê máy tính quá, chị gái của Dương đã đi học một lớp cấp tốc rồi về hướng dẫn cậu đánh máy văn bản. 

Có nền tảng căn bản về máy vi tính, Dương mày mò lên mạng tìm tòi và đến đầu năm 2017 thì xin được vào học tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM. Cho đến nay, Dương đã hoàn thành chương trình học vẽ và tin học văn phòng, hiện tại cậu được nhận vào lớp thiết kế đồ họa và dự kiến sau 3 năm nữa sẽ tốt nghiệp.

Đồng hồ đã chỉ sang con số 7h25' sáng, tôi chủ động dừng cuộc trò chuyện để trả Dương về lớp học cho kịp thời gian. Nhìn đôi chân thoăn thoắt thao tác trên bàn phím chiếc máy tính xách tay, tôi thầm nghĩ với sự cố gắng vươn lên không ngừng nghỉ, chắc chắn sau khóa học, Trần Dương sẽ tìm cho mình được một công việc phù hợp để có thể tự lo cuộc sống cho bản thân.

Đức Cương
.
.
.