Hãy cứu lấy những dòng sông

Thứ Sáu, 18/10/2019, 12:59
Những ngày này, việc người Hà Nội phải ăn nước sạch sông Đà có dầu thải là câu chuyện nóng nhất, bởi cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân Thủ đô đã bị đảo lộn vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, một vấn đề đáng báo động hơn cũng cần phải được các cơ quan chức năng quan tâm, đó là phải bảo vệ các dòng sông.


Việt Nam có khoảng hơn 2.000 con sông có chiều dài từ 10km trở lên, mang lại lợi thế rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng, chính các hoạt động phát triển kinh tế xã hội lại đang gây ra tác động tiêu cực.  Trong số các nguyên nhân gây ô nhiễm sông, nguyên nhân ô nhiễm do nước thải chưa xử lý xả xuống các dòng sông được xem là lớn nhất.

Theo các chuyên gia, ở các đô thị lớn hiện nay, việc cải thiện môi trường nước vẫn trông đợi vào khả năng tự làm sạch. Vì thế, hầu hết các sông đô thị ở các thành phố lớn nhỏ của Việt Nam đã trở thành những "dòng sông chết", trong đó có tới 6 con sông lớn nhỏ ở Hà Nội như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ - Đáy.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải phát văn bản gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình và Nam Định đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể: trong số các cơ sở được Tổng cục Môi trường thanh tra năm 2018, có đến 57% cơ sở bị xử phạt; trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 60% cơ sở được thanh, kiểm tra bị xử phạt; đối với tỉnh Hòa Bình, có 25% cơ sở được thanh, kiểm tra bị xử phạt.

Xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải vẫn là hành vi vi phạm phổ biến, trong đó: năm 2018, có 37% cơ sở được Tổng cục Môi trường thanh tra có vi phạm về xả thải; có 52% cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Nam Định không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là do nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Trong khi hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và cơ bản tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì các cụm công nghiệp đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 30%), ngoại trừ thành phố Hà Nội (khoảng trên 60%); nước thải làng nghề cơ bản không được thu gom và xử lý.

Nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là nước thải sinh hoạt, chiếm tỷ lệ lên tới 70% tổng lượng nước thải vào sông Nhuệ - sông Đáy nhưng không được thu gom, xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận.

Ngoài sông Đáy, sông Nhuệ, theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng nước trên các con sông đang bị ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân chính là do nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải ra từ các làng nghề, nhất là các đoạn sông chảy qua khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.

Những bất cập chính hiện nay đó là quản lý lưu vực sông chưa thực sự theo phương pháp tổng hợp và bền vững mà vẫn theo địa giới hành chính. Thêm vào đó là chúng ta vẫn chưa có quy hoạch phát triển tài nguyên nước toàn diện trên các hệ thống lưu vực sông mà thường vẫn là quy hoạch riêng rẽ như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện.

Chính điều này dẫn đến việc thiết kế, xây dựng và vận hành các hồ chứa, nhu cầu nước để duy trì hạ lưu công trình chưa được xem xét đầy đủ đã tạo nên những đoạn sông chết ở phía hạ lưu. Vì thế, nếu không có các giải pháp kịp thời thì hơn 2.000 con sông ở nước ta có nguy cơ trở thành dòng sông chết.

Rõ ràng ô nhiễm các dòng sông đang trở thành vấn đề báo động. Trong khi nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, nước sinh hoạt cho các đô thị sẽ phải lấy từ nước mặt các dòng sông. Và từ câu chuyện nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, nếu không có chính sách bảo vệ những dòng sông thì đến lúc người dân sẽ phải lĩnh hậu quả khi đến nước ăn cũng không có.

Tân Lương
.
.
.