Hé lộ chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ

Thứ Ba, 21/11/2017, 14:33
Trước và trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều khiến giới quan sát khá ngạc nhiên là Tổng thống và các quan chức Mỹ dường như đã “quên” cụm từ quen thuộc “châu Á - Thái Bình Dương”.


Thay vào đó, họ luôn dùng “Ấn Độ - Thái Bình Dương” mỗi khi đề cập đến khu vực trước đây vốn được gọi là châu Á - Thái Bình Dương. Phải chăng sự thay đổi cách dùng từ để báo hiệu một sự thay đổi chính sách đối với khu vực?

Thuật ngữ mới?

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H. R. McMaster đã nhắc đi nhắc lại thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” khi nói về chuyến công du châu Á của ông Trump. 

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã sử dụng thuật ngữ này khoảng 15 lần trong một bài phát biểu về việc các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia nên hợp tác như thế nào để ngăn chặn cái mà ông gọi là thách thức của Trung Quốc đối với “trật tự quốc tế dựa trên các quy định”.

Thực ra, thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” không mới. Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia khi đó là Marty Natalegawa và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đề cập đến ý tưởng này. Rồi Australia cũng đã sử dụng khái niệm đó trong Sách trắng quốc phòng. Tuy nhiên, các thời chính quyền Nhà Trắng trước ông Trump gần như hoàn toàn không đả động gì đến nó.

Về mặt lý thuyết, việc đổi thuật ngữ được cho là vì cụm từ “châu Á - Thái Bình Dương” không còn đúng nữa khi tư duy tách biệt Nam Á và Đông Á. Nếu như “châu Á - Thái Bình Dương” ngày càng bị cho là chỉ tập trung vào các khu vực quanh CHDCND Triều Tiên hay phía nam của Trung Quốc, thì cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” bao gồm các nước ven biển Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Australia và New Zealand và lấy 2 đại dương làm trung tâm.

Theo Giáo sư Trường đại học quốc gia Australia Rory Medcalf, trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang mở rộng sang tận châu Phi, còn Ấn Độ cũng đưa ra chính sách hướng đông của riêng mình và các nền kinh tế Đông Nam Á thì tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, khái niệm mà chính quyền Tổng thống Donald Trump mới dùng đã bao trùm được cả 2 đại dương quan trọng trong một hệ thống chiến lược đơn nhất.

Chiến lược “kim cương”

Từ “Ấn Độ” (Indo) trong thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” không phải chỉ Ấn Độ, mà là Ấn Độ Dương. Nhưng thực tế vai trò của chính quyền ở New Delhi trong mắt Washington cũng sẽ được nâng lên đáng kể.

“Chúng ta nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương bởi vì cụm từ này nêu hết được tầm quan trọng của việc Ấn Độ vươn lên trong khu vực”, một quan chức giấu tên của Nhà Trắng chia sẻ với truyền thông Ấn Độ mới đây. Theo quan chức này, Ấn Độ sẽ được coi là một cường quốc khu vực chứ không chỉ là một đất nước rộng lớn nhưng lẻ loi.

Cố vấn về châu Á cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden Ely Ratner cũng chỉ ra rằng thuật ngữ này “nâng cao vai trò của Ấn Độ và đưa những nước có ý tưởng tương đồng xích lại gần nhau”.

Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe và cộng sự đã khởi xướng "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" với cốt lõi là "Chiến lược kim cương", ý chỉ liên kết 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Ông Abe đã trao đổi với ông Trump về chiến lược này khi ông Trump thăm Nhật Bản trong chuyến công du châu Á vừa qua. Ý tưởng này được Ấn Độ và Australia hưởng ứng rất nhiệt tình.

Cách tiếp cận ở ý tưởng này đơn giản là phạm vi khu vực rộng lớn hơn thì trung tâm khu vực sẽ dịch chuyển và định hướng chiến lược cũng như ưu tiên chiến lược cũng sẽ khác. Sâu xa ở phía sau là chủ ý tạo dựng cuộc chơi địa chính trị mới để bảo toàn và thực hiện tốt hơn những lợi ích chiến lược cơ bản cũ cũng như mới.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc được coi là trung tâm và cho tới nay, Trung Quốc cũng đã làm gần như tất cả những gì có thể làm được để mọi chuyện ở khu vực hay liên quan đến khu vực luôn xoay quanh Trung Quốc. Vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc hiện rất lớn.

 Nhưng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ không còn ảnh hưởng lớn như thế nữa. Trong khu vực ấy, bộ tứ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cả trên đất liền cũng như trên đại dương sẽ không chỉ là đối trọng mà còn là đối thủ đáng gờm hơn trước nhiều đối với những lợi ích chiến lược về mọi phương diện của Trung Quốc.

“Ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ lọt thỏm trong một bối cảnh khu vực rộng lớn hơn” - Rory Medcalf phân tích về thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” từ năm 2013 - “Tôi không nghĩ rằng đó là mưu kế của Mỹ và các nước khác mà chỉ phản ánh thực tế”.

Đối trọng với “Một Vành đai, Một Con đường”

Đặc biệt ở đó, khía cạnh cường quốc biển và dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cũng không thể còn có được tầm vóc như trước nữa. Khu vực mới trở thành nơi "đa cực và nhiều trung tâm quyền lực".

Một chiến lược cho khu vực được xác định lại phạm vi này giúp ông Trump vừa không phải chịu tiếng kế thừa ý tưởng của người tiền nhiệm lại vừa mở rộng lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ ở khu vực. Về quân sự và an ninh, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vốn đã được Mỹ hợp nhất khi chỉ thành lập một bộ chỉ huy quân đội duy nhất cho cả hai vùng châu lục và đại dương.

Mỹ không chỉ có sân chơi mới mà còn có cuộc chơi chính trị quyền lực thế giới mới mà ở đó Mỹ dễ dàng tập hợp được lực lượng, liên kết đồng minh và đối tác để đối phó hay ganh đua, thậm chí cả kiềm chế Trung Quốc khi cần thiết.

Tổng thống Trump hình dung ra một thế giới bao gồm các quốc gia mạnh mẽ và độc lập, tự chủ, tuân thủ các nguyên tắc chung và hợp tác để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp. “Chúng ta sẽ thật may mắn khi khi sống trong thế giới gồm những quốc gia mạnh mẽ, độc lập, tự chủ, vươn lên trong hòa bình và thịnh vượng cùng các nước khác”, ông Trump nêu rõ.

Và thay vì một con đường, một cách nói gợi nhắc đến chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ chỉ ra rằng “thế giới có rất nhiều nơi, nhiều giấc mơ và nhiều con đường”.

Tổng thống Trump vẫn tìm cách thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Nhưng trọng tâm mới của Washington là đảm bảo rằng Mỹ vẫn duy trì được lợi thế khi đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ Trung Quốc.

Có thể nói, sứ mệnh mà ông Trump đặt ra khi vẽ nên bức tranh Ấn Độ -Thái Bình Dương là phải bảo toàn quyền lực của Mỹ trong lúc đầu tư tìm kiếm những khả năng mới cho phép nền kinh tế số 1 thế giới duy trì ảnh hưởng chiến lược trên toàn bộ khu vực rộng lớn và năng động này.

Trung Quốc không e ngại

Bắc Kinh khẳng định không cảm thấy bị đe dọa bởi cách gọi khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới được ông D.Trump sử dụng.

"Tổng thống D.Trump không khẳng định nó nhắm tới Trung Quốc, vì vậy không có lý do gì để tin rằng khái niệm này đang nhắm vào Trung Quốc", Vụ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Jun nói. Ông Jun nói Bắc Kinh cần tìm hiểu thêm để hiểu rõ khái niệm mới của Washington.

"Dù chiến lược đó là gì đi nữa, nó cần cởi mở và thể hiện sự bình đẳng, phục vụ lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau, thay vì chỉ đáp ứng mục đích và lợi ích của một nhóm nhỏ các quốc gia. Tôi muốn nhấn mạnh đây là cuộc họp APEC, trọng tâm chính của chúng ta là hợp tác châu Á - Thái Bình Dương", ông Zhang Jun cho biết.

Vĩnh Đông
.
.
.