Vụ lô hàng hiệu hàng chục tỷ đồng bị bắt tại khách sạn 5 sao:

Hé lộ nhiều điều bất thường

Thứ Hai, 24/12/2012, 16:38
Mấy ngày nay, sau khi vụ việc lô hàng trị giá hàng chục tỷ đồng gắn các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Dolce&Gabbana… nhưng lại được nhập về từ Trung Quốc bị phanh phui đã cho thấy có rất nhiều điều bất thường và đáng nói xung quanh việc nhập và phân phối hàng hiệu… Có phải vụ việc này chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh"?

Chơi trò "im thin thít, lặn mất tăm"!

Trong khi vụ việc "hàng Ý đội lốt hàng Trung Quốc" đang lùm xùm thì một khách hàng đã phản ánh về việc "tại sao du khách nước ngoài mua sản phẩm Gucci và Milano tại Việt Nam lại không được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) ở sân bay" (đăng trên CSTC tuần trước) cho thấy rõ ràng có sự làm ăn bất bình thường của các cửa hàng của Milano và Gucci ở TP. HCM (và có thể cả ở Hà Nội). Bởi trên trang web chính thức của Gucci (www.gucci.com) đúng là có ghi hai địa điểm bán hàng Gucci tại Việt Nam là ở Sheraton Saigon Hotel (88 Đồng Khởi, quận 1, TP. HCM) và Hongkong land building (63 Lý Thái Tổ, Hà Nội).

Từ chi tiết này có thể thấy nếu hai địa điểm này đã được Gucci cho phép nhượng quyền thương hiệu (franchise) tại Việt Nam, vậy tại sao lô hàng hiệu nhập về cửa hàng Gucci và Milano bị cơ quan Công an TP.HCM phát hiện khai báo xuất xứ từ Hồng Kông với giá rất thấp, chỉ ghi giá 3-5,5 USD mỗi cái trong tờ khai hải quan?

Để giải thích cho sự khó hiểu này, đã có ý kiến lý giải rằng rất có thể bên cạnh việc các cửa hàng này bán hàng hiệu thật (xuất xứ Ý), để đạt được doanh số đề ra, họ đã trộn "đồ giả" vào bán. Nếu trộn hàng giả để bán thì đương nhiên người bán không muốn cung cấp giấy hoàn thuế VAT.

Một số sản phẩm "hàng hiệu" trong lô hàng bị thu giữ.

Tuy nhiên, theo như lời Thượng tá Trần Văn Mậu, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. HCM (PC46) đã cho biết thì do các sản phẩm bị thu giữ hiện chưa được thẩm định nên cũng chưa biết chúng là thật hay giả. Điều đáng nói là lúc làm thủ tục nhập khẩu, công ty đứng tên nhập khai báo là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm trong bốn xe hàng bị tạm giữ thì hầu như các mặt hàng này đều không có sản phẩm nào có nhãn hay có chữ Trung Quốc trên sản phẩm...

Có hai khả năng xảy ra, hoặc toàn bộ lô hàng này đều là "đồ xịn" trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng đã được phù phép đội lốt hàng Trung Quốc để trốn thuế; hoặc các sản phẩm được cho là hàng hiệu này rất có thể là hàng "made in China" gắn mác các nhãn hiệu nổi tiếng!

Trong một diễn tiến khác, sáng ngày 5/12, hai cửa hàng Milano và Gucci, tọa lạc 88 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1 - thuộc đơn vị tự nhận là chủ nhân lô hàng - đã bị niêm phong tất cả hàng hóa đang trưng bày và lưu trữ tại hai cửa hàng này. Điều bất ngờ là tại hai cửa hàng này, cơ quan Công an phát hiện hàng trăm sản phẩm áo quần, giày dép, nịt, túi xách… mang các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của Ý nhưng hóa đơn bán hàng đầu ra không thể hiện nhãn hiệu của Ý.

Giá của các sản phẩm này từ nhiều triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng/món… Hơn nữa, bên ngoài cửa hàng Gucci có gắn một tấm bảng mica nhỏ, màu trắng, trên bức tường đá hoa cương, đề chữ Hộ kinh doanh Lâm Phước Hải... Tương tự, tại cửa hàng Milano cũng có tấm biển nhỏ, đề chữ Hộ kinh doanh Mi-La-No-Vi-Na.

Với các biển hiệu tại hai cửa hàng này, có vẻ chủ hai cửa hàng cố tình không muốn khách hàng nhìn thấy (!?) Trong khi đó, theo một số nguồn tin thì tại địa chỉ 88 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, chủ cửa hàng đã đăng ký giấy phép kinh doanh theo diện kinh doanh hộ cá thể, kinh doanh mặt hàng quần áo, dây nịt, đồ lót, giày dép, mỹ phẩm…

Như vậy có thể thấy, trong sự việc này, đã có một sự lập lờ giữa hai khái niệm "hộ kinh doanh cá thể" và "công ty TNHH", bởi nếu là hộ kinh doanh cá thể thì việc đóng thuế sẽ "nhẹ" hơn rất nhiều (chỉ phải đóng thuế khoán và thuế môn bài) so với chức năng của một công ty kinh doanh (đóng thuế theo sản phẩm nhập về)…

Sự việc "hàng hiệu đội lốt…" um xùm đến mức đã được các đại biểu quan tâm nêu lên tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. HCM vào sáng 6/12 vừa qua và đã có rất nhiều động thái của các cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra, nhưng cho đến nay, có vẻ các cửa hàng Gucci và Milano vẫn chưa có động thái trấn an gì đối với những khách hàng của mình đang hết sức hoang mang và lo lắng. Đồng thời, đơn vị nhập hàng và chủ hàng cũng "im thin thít, lặn mất tăm" chưa hợp tác với cơ quan điều tra.

Có lẽ phải thừa nhận dù sự thật ra sao sau vụ việc này thì tâm lý hoang mang, e dè của khách hàng vốn lâu nay ưa chuộng hàng hiệu sẽ khó tránh khỏi, nếu không muốn nói đây sẽ là vết xước rất khó lành cho thị trường hàng hiệu nếu không có những "phương thuốc" chữa trị cấp kỳ.

"Mong rằng khách hàng hãy bình tĩnh và công bằng"!

Để có thông tin nhiều chiều, chúng tôi đã liên hệ với bà Châu Bội Huệ - giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang & Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) - một trong những công ty chuyên phân phối hàng hiệu tại Việt Nam (với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Bvlgari, Cartier, Rolex, Salvatore Ferragamo, Burberry, Bally, Versace...) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imex Pan-Pacific (IPP) để trao đổi những vấn đề liên quan đến câu chuyện nhập khẩu và phân phối hàng hiệu tại Việt Nam.

Trước thực tế hiện nay nhiều khách hàng hoang mang về việc mua hàng chính hiệu nhưng bà Huệ cũng tự tin cho rằng công ty bà lâu nay làm ăn đàng hoàng, đúng pháp luật thì không có gì phải quá lo lắng. "Khi được thương hiệu chính hãng tin tưởng, bổ nhiệm làm nhà phân phối chính thức tại Việt Nam thì một trong những điều kiện là họ sẽ rà soát rất kỹ về công ty của mình, không phải chỉ riêng vấn đề tài chính mà còn phải chứng minh phương cách điều hành, làm việc chuyên nghiệp… khi đó họ mới dám giao thương hiệu của họ cho mình tại Việt Nam.

Khi đã là nhà phân phối chính thức thì công ty phải đặt hàng từ trước 6 tháng, rồi thực hiện việc thanh toán trước cho nhà sản xuất. Sau khi đã có sản phẩm thì công ty phải đứng ra trực tiếp nhập khẩu để vận chuyển hàng về thẳng Việt Nam. Bên cạnh đó, trong quá trình mở tờ khai hải quan hay khai thuế thì rõ ràng muốn chuyển số tiền mua hàng ra nước ngoài thì công ty phải đăng ký rõ ràng qua ngân hàng, vì thế công ty chúng tôi không thể làm gian dối được!

Thông tin ghi trên sản phẩm đa số đều có chữ "Made in Italy".

Liên quan đến chuyện đặt hàng trước 6 tháng có thể khiến nhiều người hiểu sai là có hàng lỗi mốt hay không cập nhật xu hướng thời trang quốc tế, bà Huệ lý giải: "Chính vì đặt hàng trước 6 tháng cho nên hàng của chúng tôi mới là hàng đúng mùa nhất của thế giới, như hàng ở Paris, New York… có cái gì là Việt Nam sẽ có cái đó, vì gần như tất cả các nhà phân phối trên thế giới đều đi lựa chọn và đặt hàng cùng một thời điểm khi các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đồng loạt tổ chức các showroom trưng bày hàng mẫu để các nhà phân phối trên thế giới chọn lựa hàng.

Sau khi các nhà phân phối đã lựa chọn hàng xong thì các thương hiệu thời trang mới thống kê lại toàn bộ các mẫu mã đã được chọn trên toàn cầu để tìm hiểu thị hiếu chung và họ sẽ quyết định sản xuất đại trà các sản phẩm được đa số lựa chọn theo từng bộ sưu tập và theo từng mùa.

Đồng thời, trong thời gian này nhà phân phối cũng ký hợp đồng mua bán và chuyển tiền cho hãng. Khi hàng được nhập khẩu về Việt Nam mỗi mùa mới, các thương hiệu sẽ cho phép nhà phân phối trưng bày trước đó một tháng, chẳng hạn như tháng 1 là thời điểm các thương hiệu phải tung ra bộ sưu tập Xuân-Hè thì hàng đã về Việt Nam từ tháng 12 để nhà phân phối chuẩn bị mọi việc như dán nhãn, dán mã… để đưa lên cửa hàng đúng thời điểm tháng 1 và gần như tất cả các cửa hàng trên thế giới đều trưng bày món hàng trong bộ sưu tập đó đúng vào tháng 1.

Theo bà Huệ, một điều có thể chứng minh cho cách làm đúng của một nhà phân phối như công ty của bà là trở thành một trong những đơn vị đăng ký đầu tiên tham gia phong trào hoàn thuế VAT cho du khách mua hàng khi xuất cảnh (của Tổng cục Thuế Việt Nam). "Khi đăng ký, muốn được Tổng cục Thuế chứng nhận cho hoàn thuế VAT cho du khách thì chúng tôi phải đảm bảo nguồn gốc sản phẩm đầu vào chính hãng và phải đạt một số tiêu chuẩn, điều kiện nhất định… Điều này đã chứng minh cho cách làm đúng về quy trình, thủ tục, về nguồn gốc và giá trị sản phẩm.

Khi nhiều khách hàng của công ty chúng tôi có nhu cầu được tư vấn cách mua được hàng hiệu thật, chúng tôi chỉ tư vấn ngắn gọn là nên chọn các thương hiệu có website chính thức và các cửa hàng được các nhà phân phối có uy tín tại Việt Nam mở ra trưng bày các sản phẩm sang trọng, đúng quy chuẩn như tất cả các cửa hàng khác trên thế giới thuộc thương hiệu đó. Đồng thời cửa hàng đó đã được Tổng cục Thuế cho phép hoàn thuế VAT cho du khách… Đó là một số những điều quan trọng mà người mua hàng cần lưu ý để chọn được đúng sản phẩm hàng hiệu thật".

Liên quan đến vụ việc Milano - Gucci đang bị điều tra vì nghi bán hàng giả và trốn thuế, ba cán bộ hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 - đơn vị thông quan lô hàng này đã bị tạm đình chỉ công tác.

Phú Lữ
.
.
.