Hệ lụy khôn lường của biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 02/11/2020, 07:43
Trong thời điểm đen tối mà cả thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19, có một thông tin vô cùng tốt đẹp mà nhiều người đã từng hơn một lần nghe nói đến: Các loài động vật đã trở về quê hương cũ của chúng.


Cá heo ở Venicel; lợn rừng ở Genoa và nữa là những chú ngỗng Ai Cập ở Tel Aviv, v.v…cùng rất nhiều loài thú hoang khác đã lợi dụng lệnh giới nghiêm trong nhà vì bệnh dịch của con người để lang thang trong những khu dân cư. Những hình ảnh này đã khiến nhiều người nghĩ rằng, có thể dịch COVID-19 sẽ khởi động một sự thay đổi tích cực lên môi trường. Nhưng sự thật lại hoàn toàn không hề tươi sáng như vậy.

Những nguy cơ trước mắt

Mới đây, Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc António Guterres đã phát biểu trong hội nghị United in Science 2020 với một thông điệp không lấy gì là vui vẻ: "Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tất cả chúng ta, nhưng nó không thể chặn đứng được quá trình biến đổi khí hậu". 

Iraq đã phải hứng chịu nhiều tuần trong khói bụi từ những mỏ dầu bị quân khủng bố đốt.

Phát biểu của ông Guterres được đưa ra chưa đến một tháng sau khi tỷ phú Bill Gates có một tuyên bố gây sốc: "Những thiệt hại về người và của mà COVID-19 gây ra trong vòng vài tháng chưa thể nào bằng với thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra hằng ngày". 

Hội nghị United in Science 2020 là cơ hội để các tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc và đối tác trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất về tình hình môi trường thế giới. Năm nay các nhà khoa học không có nhiều điều tích cực để công bố. Bởi lẽ, trong thực tế nồng độ khí CO2 trong khí quyển sau khi phá kỷ lục của 3 triệu năm qua vẫn tiếp tục tăng liên tục trong những tháng nửa đầu năm 2020.

Đấy là trong khi phát thải CO2 do con người gây ra đã giảm đến 17% trong cùng kỳ. Mức giảm này gần như chắc chắn sẽ không thể nào giữ được khi các nước dỡ bỏ lệnh giãn cách, phong toả vì đại dịch COVID - 19 và nền kinh tế thế giới hoạt động trở lại. Loài người vẫn còn rất xa với mức giảm nồng độ khí CO2 3%/năm để giới hạn nhiệt độ tăng thêm dưới 2°C từ nay đến 2030.

Khoảng thời gian từ năm 2016- 2020 là giai đoạn thế giới nóng nhất trong lịch sử ngành khí tượng. So với giai đoạn 1850-1900, nhiệt độ trong bình thế giới cao hơn khoảng 1,1°C. Chỉ trong vòng 5 năm tới, dự báo con số này sẽ tăng lên 1,5°C. Với mức tăng đột ngột như thế, các hệ sinh thái toàn cầu hoàn toàn không có khả năng thích ứng được. Những hiện tượng thời tiết cực đoan dị thường như lũ lụt và hạn hán sẽ xảy ra với tần suất nhiều hơn, đẩy nhiều loài động vật đến đà tuyệt chủng. Ngay cả loài người cũng đang bị đặt vào vòng nguy hiểm, với bằng chứng là nạn đói đã tàn phá khu vực Bắc Phi trong suốt hơn một năm nay.

Một tác động khác của việc trái đất nóng lên là băng tan. Các khu vực hàn đới như Siberia, Alaska và Nam Cực hiện đều chứng kiến những đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục. Kể từ năm 1979 đến nay, khối lượng các tảng băng trên thế giới đều giảm theo từng năm, nhưng tốc độ tan chảy băng năm 2020 vượt qua tất cả dự tính của giới khoa học môi trường.

Hậu quả của băng tan chảy là vô kể: nước biển dâng đang khiến 1,6 tỷ người chịu nguy hiểm vì lũ lụt, lở đất và sóng thần. Trong khi đó, đến năm 2050 xâm nhập mặn sẽ khiến 27% dân số thế giới sống trong cảnh thiếu nước. Giới nhà khoa học còn đang lo sợ trước khả năng những loại virus, vi khuẩn có từ thời cổ đại đang "ngủ đông" trong tảng băng sẽ được giải phóng và gây ra các đại dịch còn đáng sợ hơn cả COVID-19.

Người dân Bắc Phi di cư chạy trốn khỏi hạn hán và xung đột.

Khu vực Trung Âu và toàn bộ châu Á được dự báo sẽ là "điểm nóng" chịu tác động của hiện tượng băng tan chảy. Tuyết trên các đỉnh núi vùng Cáp-ca và Nam Á đang tan với tốc độ nghiêm trọng. Chỉ riêng tại khu vực Tây Tạng thôi, mực nước các dòng sông đã tăng hơn 30cm so với cùng kỳ hằng năm. Các trận lũ lụt lịch sử gần như chắc chắn sẽ xảy ra với Ấn Độ và các nước hạ nguồn sông Mê Kông từ nay đến cuối năm sau, theo sau bởi một đợt hạn hán kéo dài. Kể cả khi thiệt hại về người được giảm thiểu, thì vẫn sẽ có hàng triệu gia đình mất kế sinh nhai, bị đẩy vào cảnh đói nghèo.

Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản đã và đang chịu tác động về mọi mặt bởi biến đổi khí hậu. Ngoài việc thay đổi dòng hải lưu và hướng di chuyển của các đàn cá di cư còn đang giết chết rặng san hô. San hô là loài vật rất nhạy cảm, chỉ cần nước biển nóng lên hay có pha thêm hoá chất thì lập tức chúng sẽ chết ngay. Những loài cá trước nay sống trong rặng san hô vì thế bị buộc phải bỏ.

Thiệt hại của biến đổi khí hậu sẽ lan ra toàn bộ nền kinh tế thế giới. Một báo cáo mới đây của Uỷ ban Giao dịch chứng khoán phái sinh của Hạ viện Mỹ đã cảnh báo về áp lực hiện tượng nóng lên toàn cầu đặt lên các doanh nghiệp nước này. Dòng vốn đầu tư trong nước Mỹ đang thay đổi hướng chảy theo xu thế chuyển từ những địa phương duyên hải tiềm tàng nhiều nguy hiểm vào sâu trong nội địa. Người dân nhiều nơi vì thế đã mất việc, còn triển vọng làm ăn của các doanh nghiệp địa phương tụt xuống sâu. Nếu Chính phủ Mỹ không có biện pháp kịp thời để trấn an các bên có liên quan, thì một loạt hậu quả còn tai hại hơn nữa sẽ còn xảy ra theo "cơn sốt" thoái vốn này.

Thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật, v.v… tất cả đều dẫn đến hậu quả đáng sợ nhất của biến đổi khí hậu: Chiến tranh! Những cuộc chiến tranh giành đất đai, nguồn nước, v.v…giữa các tộc người, tôn giáo, hay là quốc gia vẫn đang diễn ra tại một số khu vực chịu ảnh hưởng bởi tình trạng trái đất nóng lên như Bắc Phi, Trung Đông, và Nam Á. Ngược lại, những đối tượng khủng bố cũng lợi dụng sự bất lực của chính quyền trong việc đối phó với thời tiết cực đoan để mở rộng ảnh hưởng của mình. Lý do những tổ chức như Boko Haram và ISIS lại đạt được thành công như vậy là do khả năng trợ cấp cho những hộ gia đình phải chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt, v.v…rồi sau đó tự mình tham gia hoạt động tái thiết.

Thế giới cần chung tay hành động

Có quá nhiều vấn đề trên thế giới có liên quan đến biến đổi khí hậu, cho nên câu chuyện cộng đồng thế giới cùng chung tay giải quyết biến đổi khí hậu là bước đi vô cùng cấp bách và cần thiết nhất trong lúc này. Nhưng đây là một vấn đề mang tính chất đa khía cạnh cần nhiều hướng giải quyết khác nhau. Liên Hợp Quốc trong Hội nghị United in Science 2020 vừa qua đã đề ra một số phương hướng mà các quốc gia, tổ chức quốc tế có thể làm ngay để giúp bình ổn lại tình hình.

Một kế hoạch lớn trước mắt của cộng đồng quốc tế là thiết lập lại mạng lưới theo dõi khí hậu toàn cầu. Tại đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, số các chuyến bay khảo sát thời tiết trung bình thế giới giảm tới 80%. Gần như tất cả các con tàu nghiên cứu hải dương học đều được gọi quay trở lại tổ quốc. Các nhà khoa học làm công việc quan sát, nghiên cứu ở nơi xa xôi như Bắc Cực đang dũng cảm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhưng họ đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị cô lập gần như hoàn toàn với quê hương.

Tất cả những trở ngại nói trên khiến cho việc nghiên cứu và dự báo môi trường trở nên khó khăn gấp nhiều lần. Các nhà khoa học không thể xây dựng mô hình hay đưa ra bất kỳ nhận xét nào vì thiếu thông tin. Ngay cả dự báo thời tiết trong tuần cũng trở nên ít chắc chắn hơn.

Hoạt động của các công ty đã thay đổi rất nhiều trong thời gian vừa qua, với một số lượng không nhỏ doanh nghiệp cho nhân viên làm việc từ xa, cắt giảm các bộ phận thừa trong chuỗi cung ứng, v.v… Doanh nghiệp không những giảm được chi phí và vượt qua được cơn khủng hoảng, mà nền kinh tế cũng tiêu thụ ít nguyên liệu, năng lượng và thải ra ít chất thải hơn.

Tốc độ tan của những tảng băng Nam Cực đã vượt quá ngưỡng nguy hiểm.

Đã đến lúc cần thật sự xem xét việc đưa những thay đổi này từ tạm thời sang phương án bền vững căn cơ. Tổng thư ký Guterres đã nhắc đến Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và đề cao vai trò của tổ chức này trong việc hướng dẫn, điều phối các công ty tư nhân trên toàn cầu trong việc thay đổi tổ chức, hoạt động của mình. Trong tương lai ILO và những tổ chức khác của người lao động sẽ là chất xúc tác giúp nền kinh tế chuyển sang hướng bền vững.

Liên Hợp Quốc cũng nghiêm khắc nhắc nhở những cộng đồng quốc tế về sự thiếu hợp tác của mình trước những thảm hoạ liên tiếp diễn ra. Đối với biến đổi khí hậu thì đó là thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu trong Nghị định thư Kyoto và Thoả thuận chung Paris. Đối với COVID-19 thì đó là việc không thoả thuận được các giao thức chung xuyên biên giới trong việc cách ly, trung truyển hàng hoá, v.v… chưa kể đến một số quốc gia có chính sách chống đại dịch hoàn toàn đi ngược lại với phương hướng của toàn thế giới như Mỹ và Brazil. Sự thiếu tổ chức, hợp tác này cần được chấm dứt càng sớm càng tốt vì lợi ích của mỗi quốc gia và toàn thế giới. Nhiều khả năng chủ đề này sẽ được Liên Hợp Quốc và các tổ chức có liên quan đưa lên diễn đàn quốc tế tại một thời điểm gần nhất.

Đại dịch COVID-19 đang khiến thế giới chao đảo, nhưng loài người đã có thể chống đỡ với nó tốt hơn nếu chúng ta không phải cùng lúc đứng trước mối hiểm hoạ khôn lường của biến đổi khí hậu. Những thảm hoạ có quy mô tương tự hay thậm chí còn lớn hơn thế nữa chắc chắn sẽ còn xảy ra trong tương lai. Cách tốt nhất để phòng chống hay giảm nhẹ tác động của chúng chỉ có thể là cộng đồng thế giới cần làm ngay lúc này là lập tức bắt tay ngay vào công việc khắc phục biến đổi khí hậu để loài người có thể có cơ may thoát xa khỏi bờ vực thẳm.

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.
.