Hiểm họa cháy nổ từ những khu nhà trọ giá rẻ

Thứ Ba, 25/09/2018, 15:05
Vài ngày sau vụ cháy kinh hoàng ở khu vực nhà trọ bên cạnh Bệnh viện Nhi Trung ương (đường Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Đống Đa, Hà Nội), nhiều ngôi nhà vẫn trong tình trạng hoang tàn. Chủ nhà, khách trọ vẫn vất vưởng chưa được về nhà. Dù cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ cháy, nhưng một lần nữa dư luận lại dấy lên những hoài nghi về an toàn cháy nổ tại các khu vực nhà trọ giá rẻ.


Nguyên nhân do ý thức con người?

Vụ cháy lớn xảy ra trên đường Đê La Thành, đoạn gần Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa qua khiến khoảng 19 căn nhà bị cháy, ảnh hưởng đến 31 hộ dân và 99 nhân khẩu. Nhiều tài sản của người dân bị thiêu rụi, hàng trăm người dân xung quanh hoảng loạn. Nghiêm trọng nhất là có hai nạn nhân bị thiệt mạng do ngạt khói.

Do khu nhà bị cháy nằm trong ngõ nhỏ, nên lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường và khống chế đám cháy, phải mất hơn 4h đồng hồ, đám cháy mới cơ bản được dập tắt.

Hiện ông Nguyễn Thế Hiệp, chủ khu nhà trọ bị cháy cũng đã được cơ quan Công an triệu  tập để điều tra. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định do chập điện xuất phát từ khu nhà trọ giá rẻ của nhà ông Hiệp.

Tuy nhiên dư luận băn khoăn đặt ra câu hỏi, phải chăng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chủ quan của con người. Đặc biệt là các khu nhà trọ giá rẻ, tập trung đông dân cư, được cho là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Đó là còn chưa kể xung quanh khu nhà trọ đó tập trung các loại vật liệu dễ bắt lửa như gỗ, đệm mút... 

Con phố Đê La Thành lâu nay được biết đến như là "phố hàng mộc". Trong khi đó đường nhỏ, đi hai chiều, lại tập trung nhiều bệnh viện như Nhi Trung ương, Phụ sản Hà Nội... nên thường xuyên bị ùn tắc nhiều giờ. Đường sá lại chật hẹp nên khi đám cháy xảy ra, xe cứu hỏa không thể tiếp cận kịp thời khiến việc chữa cháy vô cùng khó khăn.

Những người dân ở trọ trong "xóm chạy thận".

Trước khi xảy ra vụ cháy kinh hoàng ở gần Bệnh viện Nhi, khu cổng viện và các khu nhà trọ xung quanh thực sự là nỗi bức xúc của nhiều người khi hàng quán lụp xụp, lấn chiếm vỉa hè, đường đi lối lại của những người đến khám chữa bệnh. Đường dây điện thì chằng chịt vây quanh. Chẳng cần vào giờ cao điểm, đường vào bệnh viện luôn tắc ngẽn vì chật hẹp, vì bị lấn chiếm và tập trung đông người.

Không phải tới bây giờ, người ta mới biết đến những nguyên nhân và hệ quả tất yếu của vụ cháy ở Bệnh viện Nhi. Trong những năm qua, báo giới cũng đã tốn không ít giấy mực để cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn nguy hiểm đối với tính mạng và tài sản của người dân tại con đường Đê La Thành nói chung và các khu nhà trọ nói riêng. 

Song, có vẻ như không chỉ người dân không quan tâm đến những cảnh báo nguy hiểm đó, mà ngay cả chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng cũng không hề xem trọng.

Với giá cho thuê khá rẻ (15.000 đồng/đêm/người), thậm chí là cho ở miễn phí thì đương nhiên chủ các khu nhà trọ như ông Hiệp không thể đầu tư được những khu nhà khang trang, điện nước, PCCC đảm bảo.

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết: "Đối với tất cả các hộ dân cũng như nhà trọ, chúng tôi đều có công tác tuyên truyền, phối hợp với đội Cảnh sát PCCC số 2 bằng nhiều biện pháp để tuyên truyền đến người dân... 

Khu nhà trọ của ông Hiệp (khu nhà vừa bị cháy - PV), chúng tôi khẳng định ở đây tồn tại nhiều vi phạm. Các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và chỉ ra những vi phạm trong đảm bảo PCCC của khu trọ nhà ông Hiệp. Đây là khu vực phức tạp, người qua lại ở đây luôn thay đổi tục".

Khu nhà trọ ở Đường Đê La Thành tan hoang sau vụ cháy.

Hiểm họa từ những khu nhà trọ giá rẻ

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội tồn tại rất nhiều khu nhà trọ giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp giống như khu nhà trọ của Bệnh viện Nhi. 

Dạo qua một vòng khu trọ giá rẻ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K - Cơ sở Tân Triều... chúng tôi giật mình bởi sự  lụp xụp của những khu nhà này.  Có khá nhiều khu nhà trọ là nhà cấp 4 hoặc nhà tập thể, cơ sở vật chất tồi tàn, cũ kĩ bởi đều là nhà đã xây lâu năm.

Tại khu nhà trọ giá rẻ dành cho các bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị, có hơn 60 phòng trọ, mỗi phòng chỉ rộng vài mét vuông với 4 dãy nhà chạy song song và ở giữa là lối đi nhỏ hẹp, chỉ đủ hai xe máy tránh nhau. 

Nhiều căn phòng nhỏ hẹp chỉ ngăn cách tạm bằng tấm gỗ ép, trần nhà được bắn xốp chống nóng, ngay cạnh là đường dây điện chằng chịt với nhiều ổ cắm và thiết bị điện. Vào ngày nóng, bệnh nhân chen chúc, cộng với nhiều thiết bị điện được sử dụng cùng lúc là nguy cơ bùng phát những trận hỏa hoạn không thể lường trước.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Ba (Bắc Giang) cho biết: ông ở đây chữa bệnh cũng khá lâu. Dù khu nhà lụp xụp nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên buộc ông và nhiều bệnh nhân phải lưu trú khu trọ nghèo này để giảm bớt chi phí, gánh nặng cho gia đình. 

“Biết là những khu trọ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, thiết bị phòng cháy sơ sài. Mỗi dãy với cả chục phòng chỉ có vài cái bình chữa cháy. Nhưng thực sự giờ đưa tôi bình chữa cháy, tôi cũng không biết dùng thế nào bởi không được tập huấn”, ông Ba cho hay. 

Bản thân ông và các bệnh nhân sinh sống tại đây đều là người nghèo, người không có kinh tế nên dù được tuyên truyền không nên dùng bếp gas mini nấu ăn ngay trong nhà vì tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao từ những loại bình gas cũ kĩ này thì họ vẫn bắt buộc phải dùng vì không đủ điều kiện dùng bếp điện hay bếp gas theo tiêu chuẩn.

Người dân tập trung đông trước khu nhà cháy để chứng kiến cảnh Công an khám nghiệm hiện trường.

Khu trọ gần Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) nằm rải rác trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút. Mặc dù cơ sở vật chất có khá hơn nhưng cũng không thiếu những dãy nhà trọ cấp 4 tối tăm, chỉ độc nhất một lối đi. 

Mặc dù chị Phượng, chủ nhà một khu nhà trọ khẳng định việc trang bị phòng cháy được yêu cầu thế nào thì các chủ nhà trọ đều thực hiện đúng, nhưng theo quan sát của chúng tôi cũng chỉ có một chiếc bình chữa cháy đặt ở góc tối tăm của khu trọ. Và liệu khi hiểm hoạ xảy ra, thì chiếc bình chữa cháy đó có đủ sức cứu hoả ngay tại chỗ khi bản thân chủ nhà trọ dù được tập huấn nhưng "lâu dần quên mất cả kĩ năng".

Mặc dù nhiều người dân các khu nhà trọ được tuyên truyền nhiều về nguy cơ cháy nổ, mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần khuyến cáo nhưng vì  cuộc sống mưu sinh, họ không thể làm khác được. 

Còn bản thân những người chủ cho thuê trọ, một mặt vừa muốn kinh doanh, một mặt muốn tạo điều kiện cho người nghèo thuê trọ giá rẻ nên họ cũng không thể đầu tư cơ sở vật chất khang trang cùng hệ thống PCCC hiện đại bởi như thế giá tiền thuê nhà tăng lên, người nghèo không thể đáp ứng.

Vì vậy, những khu trọ tạm bợ, được xây ghép bằng gỗ tấm và lợp nhựa tồn tại khắp nơi, khi hỏa hoạn xảy ra, ngọn lửa bùng phát rất nhanh khiến lực lượng chức năng trở tay không kịp. Hầu hết trong những vụ việc như vậy, lực lượng phòng cháy chỉ có thể ngăn chặn ngọn lửa không cháy lan sang các nhà khác.

Thế nhưng dù giải thích lý do gì thì quan trọng vẫn là ý thức của chính con người. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để phòng ngừa cháy nổ do dòng điện quá tải, người dân cần thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng, không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt; không dùng nhiều thiết bị điện một lúc và cùng 1 ổ cắm; thường xuyên định kỳ kiểm tra hệ thống để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây ra quá tải.

Đối với mỗi hộ gia đình phải thường xuyên kiểm tra, thay thế các đường dây điện đã cũ. Mỗi hộ dân nên trang bị 1 đến 2 bình chữa cháy xách tay bằng khí (CO2...) đảm bảo về chất lượng. 

Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo Cảnh sát PC&CC theo số 114 hoặc các cơ quan chức năng gần nhất và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa như bình chữa cháy xách tay bằng khí (CO2 ...); cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. 

Bên cạnh đó, các gia đình cũng nên lưu ý đề phòng các nguyên nhân khác gây cháy nổ trong gia đình như nguyên nhân từ điện thoại di động và thiết bị sạc, nguyên nhân từ việc thờ cúng, nấu nướng, nguyên nhân từ bình xăng xe máy… 

Phòng cháy hơn chữa cháy, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh.

Mai Ngọc
.
.
.