Hiểm họa giao thông dưới những dốc cầu

Thứ Ba, 07/07/2015, 15:30
Tại TP Hồ Chí Minh hiện tồn tại hàng chục cây cầu có nút giao thông gắn đèn tín hiệu dưới chân dốc. Cũng bởi những bất cập này mà từ đầu năm đến nay đã xảy ra một số vụ tai nạn trong đó có những vụ hết sức nghiêm trọng, lấy đi tính mạng của hàng chục người và làm hư hại nhiều loại phương tiện.
Ngặt nỗi mỗi cây cầu được xây dựng với giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng song không biết do không nghĩ đến hoặc cố tình bỏ qua công đoạn tính toán cho vấn đề an toàn giao thông hay sao mà nhà thiết kế và các đơn vị có chức năng phê duyệt dự án vẫn đồng tình với việc đặt đèn tín hiệu giao thông dưới dốc cầu, khiến cho người tham gia giao thông vừa thoát khỏi ùn tắc trên cầu lại phải phanh dúi dụi để dừng đèn đỏ dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông xảy ra ngày một gia tăng.

Những vụ tai nạn thảm khốc

Vào lúc 3h 25’ ngày 31/5/2015, tại cầu vượt ngã tư Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng. Do bất cẩn, tài xế Võ Văn Răng, sinh năm 1967, ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, điều khiển xe container BKS 51C-181.44 đâm mạnh vào phía sau xe ôtô 7 chỗ BKS 51A-933.99 khi đang dừng chờ đèn đỏ ngay dưới chân dốc cầu làm cho chiếc xe này tông vào phía sau xe khách BKS 51B-149.23. Tai nạn xảy ra khiến chiếc xe du lịch 7 chỗ bẹp dúm, tài xế Lý Thị Hồng Yến, sinh năm 1970, ngụ quận Thủ Đức cùng 4 người trong một gia đình việt kiều ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh tử vong tại chỗ.

Trả lời những chất vấn của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra tai nạn, lúc thì tài xế Võ Văn Răng cho rằng do cố gắng né tránh một xe ôtô tải khác nên đến khi đánh tay lái trở lại để xe không trèo lên con lươn thì phát hiện đèn đỏ và đã không phản ứng kịp, lúc thì lại cho rằng vì xe mất phanh nên mới gây tai nạn.

Tuy nhiên khi được cơ quan Công an đọc cho nghe biên bản ghi nhận dấu vết và lời khai của những nhân chứng có mặt tại hiện trường thì tài xế Răng mới chịu nói ra những lời từ đáy lòng: "Thực ra vụ tai nạn này hoàn toàn do lỗi của tôi. Buổi sáng hôm ấy, trước khi đến điểm xảy ra tai nạn, xe của tôi đã dừng ở vài nút giao thông có đèn tín hiệu trên mặt đường bằng phẳng và hệ thống phanh vẫn rất an toàn. Đến khi đổ dốc cầu vượt Linh Trung, tôi tỏ ra chủ quan không để ý đến mặt đường có độ dốc cao nên khi phát hiện có đèn đỏ, tôi vẫn xử lý như khi dừng tại các nút đèn đỏ trước đó, nhưng chiếc xe đã không dừng theo ý muốn của mình mà cứ chồm lên rồi tông vào phía sau xe du lịch tạo ra vụ tai nạn thảm khốc. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 5 người khiến cho tôi vô cùng hối hận nhưng biết làm gì để chuộc lại lỗi lầm bây giờ. Gây tai nạn chắc chắn sẽ ngồi tù và có lẽ chỉ có những ngày thụ án trong trại giam mới có thể giúp tôi sám hối về tội lỗi của mình. Qua đây tôi cũng xin gửi lời nhắn đến những tài xế khác rằng, tại TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều đèn tín hiệu hoặc đường cắt ngang dưới các dốc cầu nên mọi người phải hết sức cẩn thận, đừng chủ quan như tôi mà gây hại cho người vô tội". Tài xế Răng giãi bày.

Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã có công điện khẩn yêu cầu Công an TP. Hồ Chí Minh khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, khởi tố vụ án vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm lái xe gây tai nạn, hỗ trợ thân nhân gia đình có người bị tử nạn.
Tại nạn giao thông ở dốc cầu Rạch Bàng, quận 7.

Ngoài ra Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, thường xuyên kiểm tra sức khỏe lái xe, chú ý vấn đề sử dụng chất kích thích, nếu vi phạm phải xử lý thật nghiêm. Đồng thời cũng nhắc nhở các đơn vị quản lý cầu đường phải rà soát lại để xử lý ngay những bất cập trong phân luồng giao thông nhằm nâng mức độ an toàn lên mức cao nhất.

Lúc 9h20’ ngày 22/6/2015, khi đang đổ dốc cầu Rạch Bàng trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 thì phát hiện có đèn đỏ nên Lê Bảo Trung, tài xế xe ben BKS 57K-7884 đã vội vàng đạp phanh. Tuy nhiên do đường dốc, xe lại đang chở nặng nên xe ben không dừng lại theo ý muốn của anh Trung mà trôi nhanh về phía những người chạy xe gắn máy đang dừng chờ đèn đỏ dưới dốc cầu.

Để tránh gây tai nạn thảm khốc, tài xế Trung đã đánh tay lái cho xe leo lên lề đường và chỉ đến khi đụng sập cột đèn tín hiệu giao thông thì xe mới dừng lại được. Tuy vụ tai nạn không quá nghiêm trọng nhưng cũng khiến cho vợ chồng người đi xe gắn máy BKS 59Z2-0971 bị té văng xuống đường, phải vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Ngoài ra sau khi đâm đổ cột đèn tín hiệu giao thông, chiếc xe này còn chồm lên một khối xi măng làm cho phần đầu xe bị hư hỏng nặng.

Vụ tai nạn giao thông làm 5 người thiệt mạng ngay dốc cầu vượt Linh Trung, quận Thủ Đức.

Phải hành động ngay để giảm thiểu tai nạn

Theo một cán bộ đội xử lý tai nạn Công an quận Thủ Đức thì trước đây khi chưa có những chốt đèn giao thông đặt ngay dưới dốc cầu thì tai nạn giao thông xảy ra rất ít. Từ ngày những cây cầu được xây dựng mới, lắp đặt các chốt đèn giao thông thì các vụ tai nạn xảy ra thường xuyên hơn. Những vụ tai nạn này một phần do những người điều khiển phương tiện chủ quan, nhưng phần lớn là do các loại xe cơ giới chở nặng hàng hóa, khi đổ dốc cầu sẽ phải chịu thêm lực đẩy nên khi đạp phanh mà mặt đường có dính nhiều cát hoặc đá dăm, xe sẽ có độ trượt nên dễ gây tai nạn.

Ông Phùng Ngọc Lộc, một người bán cà phê ở dốc cầu vượt nơi xảy ra tai nạn than thở: Từ ngày có cây cầu vượt, tình trạng xe cộ ùn tắc ở đây được giải tỏa, giao thông được thông suốt. Tuy nhiên tai nạn giao thông lại xảy ra thường xuyên khiến những người chứng kiến như ông cảm thấy kinh hãi. Cứ vào nửa đêm cho đến gần sáng hôm sau, các loại xe tải, xe container đua nhau chạy với tốc độ kinh hoàng. Một số tài xế tuân thủ luật giao thông nên dừng chờ đèn tín hiệu.

Nhưng có rất nhiều tài xế bất chấp luật lệ vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ khiến cho các loại phương tiện nhỏ khác phải dạt sang một bên để né tránh, riêng những người chạy xe gắn máy phải tấp hẳn vào lề mới mong thoát nạn. Có lái xe tấp vào quán mua cà phê, nước ngọt còn tranh thủ mang ma túy giấu sẵn trong người ra hít, thậm chí là "đập đá" rồi mới tiếp tục lên điều khiển xe trong điều kiện thần kinh không được bình thường và gây tai nạn khi xe chưa kịp lăn bánh ra phần đường dành cho xe cơ giới.

Nút giao thông được gắn đèn tín hiệu tại dốc cầu Ga, quận Gò Vấp.

"Từ ngày có chốt đèn giao thông khiến cho tai nạn xảy ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn thì gia đình tôi luôn sống trong sự phập phồng lo sợ. Lo nhất là việc lỡ có chiếc xe lao qua con lươn mà tông vào nhà mình thì thật thảm họa. Có lúc tôi đã tính chuyện chuyển nhà đi nơi khác cho yên ổn nhưng vợ tôi cản lại bởi gia đình đã sinh sống ở đây  hàng chục năm, chuyển đi nơi khác thì biết làm gì mà ăn nên đành tự động viên nhau cắn răng chịu đựng ...", ông Lộc chia sẻ.

Kỹ sư xây dựng cầu đường Nguyễn Ngọc Tùng, người đã từng nhiều năm tham gia thiết kế cầu trên quốc lộ 1A cho biết: Những vụ tai nạn tại các chốt đèn tín hiệu giao thông hoặc các đường cắt ngang dưới dốc cầu hiện nay thật sự là vấn đề hết sức lo ngại. Ngoài việc cướp đi tính mạng của một số người vô tội, nó còn tạo ra sự bất an cho hàng triệu người tham gia giao thông.

Theo nguyên tắc thiết kế, mỗi cây cầu vừa phải đảm bảo kết cấu đúng tiêu chuẩn để chịu lực, vừa phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông nên không thể thiết kế đường cắt ngang ngay dưới dốc cầu rồi lắp đặt đèn tín hiệu giao thông để điều phối. Làm như vậy là đã tạo ra chướng ngại vật khiến cho các phương tiện khi đổ dốc gặp nhiều nguy hiểm.

Có thể do tiết kiệm tiền đền bù giải phóng mặt bằng lấy đất làm đường hoặc cũng có thể do không nắm được quy luật giao thông và cũng không dự đoán được lượng người tham gia giao thông sẽ tăng nhanh nên khi thiết kế, các kỹ sư đã không dịch chuyển các giao lộ ra xa dốc cầu để rồi đến khi cầu bị ùn tắc thì cho mở con lươn, gắn đèn giao thông ngay tại dốc cầu dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra.

Cũng theo kỹ sư Tùng, hiện tại ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều cây cầu mà dưới dốc có lắp đặt đèn tín hiệu giao thông như cầu vượt Linh Trung, cầu vượt Ngã tư Ga (tiếp giáp giữa quận 12 và Gò Vấp), cầu Calmete, cầu Bình Lợi… Để giảm thiểu tai nạn giao thông, nên cho nắn lại các con đường và dịch chuyển các chốt đèn tín hiệu giao thông ra xa nơi dốc cầu.

Trong trường hợp bất khả kháng thì phải nâng cao nền đường cho cầu bớt dốc. "Nếu làm được như vậy tôi bảo đảm sẽ kéo giảm được tai nạn giao thông và cũng không còn cảnh những người vô tội phải bị thương hoặc tử vong do va chạm", kỹ sư Tùng chia sẻ.

Đức Cương
.
.
.