Hiểm họa khôn lường từ điện thoại giá bèo ở "chợ trời"

Thứ Tư, 01/10/2014, 10:00

Điện thoại có thể chọi được voi, Pin "khủng", kèm theo đủ loại linh kiện với giá vô cùng "mềm" được bày bán tràn lan ở các "chợ trời" tại TP HCM. Hoạt động bán mua trong mấy ngày nay có vẻ chững lại bởi vụ nổ Pin điện thoại khiến một người phụ nữ bị thương ở đùi. Hiện vết thương của chị đang diễn biến xấu đi, có nguy cơ nhiễm trùng vì nghi bị nhiễm độc từ cục pin bị nổ. Đây là tiếng chuông cảnh báo những hiểm họa khôn lường từ điện thoại và các linh kiện đi kèm không rõ nguồn gốc, đang làm mưa làm gió trên thị trường.

Pin "khủng" phát nổ

Đã 2 ngày kể từ hôm xảy ra vụ nổ điện thoại để trong túi quần, vết bỏng trên đùi chị Phan Tú Anh (39 tuổi, ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận12, TP HCM) đang có nguy cơ nhiễm trùng mạnh. Mặc dù chị đã lập tức đến bệnh viện sơ cứu, băng bó vết thương nhưng bác sĩ nghi cục Pin điện thoại của chị Tú Anh có chứa chất cực độc nên vết bỏng ngày càng lở loét, mâng mủ, liên tục rỉ nước màu vàng. Chị Tú Anh đi lại rất khó khăn, cảm giác tức buốt vào tận xương. Tâm trạng vẫn rất hoảng loạn, chị Tú Anh cho biết. Chị dùng điện thoại do một người bạn mua giùm với giá 600 ngàn đồng. Trên bề mặt điện thoại có ghi dòng chữ "Kechaoda - Model K60 - Made in China". Điện thoại hai sim, hai sóng, chụp hình, quay phim và nghe được đài FM. Đặc biệt Pin điện thoại thuộc hàng "khủng", dùng lâu hết Pin. Chị Tú Anh dùng được khoảng 5 tháng thì cục Pin nở to ra, đội cả vỏ lên. Theo thói quen, đi đâu chị Tú Anh cũng đút điện thoại trong túi quần để tiện liên lạc.

Trưa ngày 10/9, đang chạy xe máy trên đường đi đón con gái thì bất ngờ chiếc điện thoại trong túi quần phát một tiếng nổ như tiếng nổ của ruột xe, xé rách vùng túi quần chị Tú Anh, khói bốc ra, mùi khét của nhựa tỏa mù mịt. Chị Tú Anh vội chộp lấy chiếc điện thoại quăng xuống đường rồi chạy tới bệnh viện băng bó vết bỏng. Vào tới bệnh viện, chị Tú Anh bắt đầu cảm giác đau nhức vùng bỏng, chất màu đen như nhựa đường của cục pin phát nổ dính vào da thịt khiến màu da phỏng rộp, chuyển màu đen.

Nhớ lại thời khắc chiếc điện thoại nổ tung trong túi quần, chị Tú Anh vẫn không thể tin vào mắt mình. Chỉ vào cái xác điện thoại đang nằm chỏng chơ ở xó nhà, chị Tú Anh cho biết: "Bây giờ cho tôi thêm tiền cũng không dám dùng mấy cái hãng điện thoại từ Trung Quốc ấy nữa. Cũng may hôm đó tôi mặc quần Jeans nếu mặc váy là vết bỏng sâu và nặng hơn nhiều. Nó nổ ở đùi chứ lúc mình đang nghe điện thoại mà nổ chắc nát bét mặt rồi". Một vài người bạn của chị Tú Anh đang dùng chiếc Kechaoda y chang như chiếc vừa bị nổ đã ngay lập tức bỏ vì sợ trường hợp tương tự xảy ra. Nhiều người thấy rẻ còn mua gửi về quê cho ông bà, cha mẹ dùng nên mấy ngày này họ đang rất hoang mang, khi sự hiểu biết về các thiết bị máy móc còn mù mịt.

"Đi chợ" điện thoại

Thông tin về vụ nổ điện thoại để trong túi quần của chị Tú Anh đang khiến người dân TP HCM xôn xao. Không ít người hoảng loạn khi đang dùng điện thoại mang nhãn mác lạ có xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng tôi đã làm một cuộc điều tra nhanh về thị trường điện thoại hiện đang được bày bán tràn lan ở khắp các con đường tại địa bàn TP HCM.

Người phụ nữ này vẫn thấy mình may mắn vì chiếc điện thoại phát nổ ở đùi chứ không phải ở mặt.

Đảo quanh một vòng trên các con đường Hùng Vương (quận 5), đường 3/2 (quận10), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), cầu Nhị Thiên Đường (quận 8)… Ngoài những cửa hàng mua bán điện thoại cũ, thì ở vỉa hè, gốc cây, trên thành cầu nhan nhản người bán điện thoại, Pin sạc, tai nghe cũ. Đến đây, không khó để "tậu" một chiếc điện thoại có thương hiệu như SamSung, Nokia, HTC… với giá rẻ bèo. Chúng tôi hỏi mua chiếc điện thoại SamSung galaxy note S4 của một người bán điện thoại ở vỉa hè trên đường 3/2, người này hét giá 4,2 triệu. Chúng tôi trả xuống 1,8 triệu, không kỳ kèo thêm, họ gật đầu ngay. Người bán mách nhỏ rằng, đây là hàng chính hãng chứ không phải nhái đâu, mua mới phải trên chục triệu. Vì mua lại của mấy đứa nghiện game, bọn chuyên chôm chỉa nên mới có giá "mềm" như vậy. Ngoài bán điện thoại cũ, ông ta còn bán pin sạc, pin dự phòng, tai nghe cũ của bất cứ loại điện thoại nào. Điện thoại hư pin, hư dây sạc, thiếu tai nghe cứ đến khu vực "chợ trời" đường 3/2 hoặc Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) là có tuốt, giá rẻ như mua rau.

Chúng tôi cố gắng thăm dò nguồn gốc và xuất xứ của những "túp lều" điện thoại di động ở "chợ trời" hiện đang mọc như nấm trên một số con đường đã điểm ở trên, đều nhận được cái quắc mắt lạnh lùng, họ đuổi như đuổi tà. Một bà bán điện thoại dưới gốc cây buông lời: "Mua thì mua hỏi chi nhiều vậy, tụi tôi bán ở đây là rẻ nhất rồi đó. Vào siêu thị đắt gấp mấy lần". Chúng tôi muốn tìm một cái điện thoại cũ vừa rẻ lại vừa có thương hiệu. Tức thì người bán trưng ra chiếc HTC bóng loáng, nói chắc nịch: "Con này mới tậu hôm qua, hàng chính hãng đó". Thấy chúng tôi phân vân, soi rất kỹ nhãn mác bên ngoài, ông chủ giằng lấy điện thoại tuyên bố: "Tin tôi đi, tôi bao hàng tốt cho. Chứ nhìn nhãn mác biết đếch thế nào được, bây giờ cái gì nó chẳng làm nhái. Tôi dám chắc trên 90% hàng bán ở đây là của Trung Quốc, hên xui thôi".

Rời khu "chợ trời" điện thoại cũ, chúng tôi vào một cửa hàng tương đối lớn nằm trên đường 3/2 (quận10). Cửa hàng thu vào, bán ra các loại điện thoại và phụ kiện đi kèm. Chúng tôi hỏi mua pin sạc dự phòng, chị chủ quán gọi điện cho người mang tới 3 loại pin để khách hàng chọn lựa. Cả ba loại đều thuộc hàng khủng, nặng như cục gạch, mang những thương hiệu lạ hoắc lạ huơ và tăm tắp dòng chữ "Made in China". Giá từ 150.000 - 400.000 đồng, bảo hành trong vòng một tháng, sau đó hỏng hóc gì thì ráng chịu, cửa hàng không còn trách nhiệm. Hỏi chủ cửa hàng còn thương hiệu nào khác không, mấy loại này lạ quá, sợ không tốt. Chị ta nói thẳng: "Khác là thế nào, cũng từ Trung Quốc mà ra cả thôi...

Không khó để tìm những "túp lều" bán điện thoại di động trên vỉa hè ở TP HCM.

Trên thực tế, nhu cầu mua vào bán ra những loại điện thoại và phụ kiện cũ đang diễn ra sôi nổi tại TP HCM. Đối tượng nhắm đến chủ yếu là người lao động, công nhân, sinh viên với tiêu chuẩn duy nhất là hợp với túi tiền. Chỉ cần 200.000 đến 300.000 đồng là có trong tay chiếc điện thoại hai sim, hai sóng, chụp hình, nghe nhạc cả ngày lẫn đêm. Pin dùng một thời gian bị trương sưng (chai pin) thì lại ra mua cái khác về lắp vào, một cục Pin rời chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng. Vì vậy, thời gian gần đây, người lao động bỏ công việc để đi buôn điện thoại, linh kiện điện thoại cũ đông như trẩy hội. Các vựa bán điện thoại không bao giờ sợ ế, bởi ngoài nguồn cung ứng theo nhu cầu người tiêu dùng, còn bỏ mối sỉ về các tỉnh lẻ cho các cửa hàng buôn bán. Khu vực cầu Nhị Thiên Đường (quận 8), từ bên này sang bên kia, người bán điện thoại nườm nượp, có khi chỉ cần một cái cặp, một mảnh nilon nhỏ, hay cái rổ bày vài cái điện thoại, vài cục dây sạc, vài miếng pin rời là thành một "cửa hàng" điện thoại di động.

Hiểm họa khôn lường từ những mặt hàng điện tử trôi nổi đã và đang lộng hành, đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Các chuyên gia ngành điện tử khuyến cáo, nên sử dụng điện thoại và các linh kiện đi kèm (pin sạc, pin dự phòng, tai nghe…) có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Với điện thoại nhái, giả từ Trung Quốc thường được làm từ linh kiện giá rẻ, có khi người bán chỉ việc sơn sửa, tô vẽ lại nên các lớp cách điện xung quanh không đảm bảo độ an toàn, dễ gây chập điện. Pin điện thoại Trung Quốc có điện đầu ra cao, dễ bị chai, dễ cháy nổ.

Trả lời bào chí, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP HCM cho biết, điện thoại nhái, giả có nguồn gốc từ Trung Quốc đưa vào TP HCM tiêu thụ thường đi bằng nhiều hình thức khác nhau như xách tay theo đường hàng không, đường bộ, đường bưu điện… nên rất khó kiểm soát. Nhiều loại điện thoại nhái, giả ra đến cửa hàng được bán với hình thức đồ cũ, không có giấy tờ nên rất khó xử phạt.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng giám đốc CyberPower System Inc (Nhà sản xuất pin dự phòng tại Việt Nam) lý giải: "Thị trường pin, pin sạc dự phòng nói riêng và đồ linh kiện của thiết bị di động nói chung tại Việt Nam hiện đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhiều nhất là các sản phẩm không rõ nhà sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc có giá rẻ. Nhiều người tiêu dùng phổ thông thường quan tâm đến giá hơn là thương hiệu. Dòng pin sạc dự phòng, pin Trung Quốc thường có đầu ra 7V- 8V, cao hơn yêu cầu của thiết bị thường là 5V. Điều này dễ dẫn đến việc gây chai pin và cháy nổ. Thực trạng hiện nay trên thị trường, dòng pin và các phụ kiện không có nhãn mác, nhái thương hiệu đang được bày bán tràn lan ở khắp nơi, thậm chí trên vỉa hè. Trong khi đó, các nhà sản xuất pin hay pin dự phòng phải được đưa qua quy trình kiểm tra khắt khe với các điều kiện thử về nhiệt độ, độ ẩm, va đập…"

Ngọc Thiện
.
.
.